Tại sao lại là “luôn luôn” mà không phải là “mãi mãi”? Cũng giống như câu trả lời của giáo sư Severus Snape khi được hỏi về tình yêu với Lily: “Always”. Kỷ niệm 3 năm ngày Alan Rickman ra đi và thế giới luôn ghi nhớ về một biểu tượng nghệ thuật vĩnh cửu.
Có ai từng tự hỏi vì sao nhân vật giáo sư Snape lại dùng từ “Always” (luôn luôn) chứ không phải “Forever” (mãi mãi) khi nói về tình yêu vĩnh vửu dành cho Lily Evans?
Bởi “luôn luôn” thể hiện rằng người con gái đó, tình yêu đó lúc nào cũng hiện diện và nhắc nhở Severus Snape về khoảnh khắc tươi đẹp cùng thứ ánh sáng hi vọng duy nhất của cuộc đời mình, là động lực hàng ngày, hàng giờ để ông sống, chiến đấu và bảo vệ đứa con của kẻ thù. Còn “mãi mãi” là một sự khắc ghi, nhưng nó chỉ nằm đó, bất động và chôn sâu trong nhiều tầng ký ức. Thế nên với Severus Snape, không có “mãi mãi” và sẽ là “luôn luôn”.
Cũng giống như khi nói về Alan Rickman – nam diễn viên thủ vai Severus Snape – không chỉ nước Anh mà toàn thế giới sẽ luôn luôn ghi nhớ và nhắc về ông như một biểu tượng nghệ thuật, một tượng đài điện ảnh không ai có thể thay thế được.
Alan Rickman: 40 năm cống hiến vì nghệ thuật
Không phải tất cả, nhưng rất nhiều người sẽ chỉ biết đến Alan Rickman qua vai diễn vị giáo sư khắc kỷ và đáng sợ Severus Snape của loạt phim Harry Potter nổi tiếng. Nhưng trong sự nghiệp hơn 40 năm của mình, Alan Rickman đã tham gia và cống hiến tài năng của mình cho nền điện ảnh Anh Quốc với tổng cộng gần 70 dự án phim lớn nhỏ thuộc nhiều thể loại từ chính kịch, phim truyền hình, phim điện ảnh hay lồng tiếng…
Điểm xuất phát của Alan Rickman không phải là diễn xuất như nhiều người vẫn nghĩ. Mà đam mê của ông lại là hội họa, và Alan rất có thiên phú trong lĩnh vực nghệ thuật này từ khi còn rất nhỏ. Cho đến năm 26 tuổi, ước mơ về diễn xuất vẫn cháy âm ỉ trong trái tim chàng họa sĩ lại bất chợt bùng lên mãnh liệt. Và Alan Rickman đã quyết định dành thêm 2 năm để theo học Học viện Nghệ thuật diễn xuất Hoàng gia, mở ra một chương mới cho cuộc đời của “vị giáo sư vĩ đại” này.
Vai diễn đầu tiên “bén duyên” làng phim của Alan Rickman chính là vai người anh họ phản diện Tybalt trong thiên tình sử kinh điển Romeo và Juliet với phiên bản truyền hình, và khi đó anh đã 32 tuổi.
Cho đến năm 1985, Alan Rickman mới thật sự nổi bật và được khán giả chú ý tới với vai diễn chính Vicomte de Valmont trong bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Pierre Choderlos de Laclos: Les Liaisons Dangereuses. Bộ phim này sau đó cũng được chuyển thể thành sân khấu kịch Broadway và mang về cho Alan Rickman 2 đề cử giải Tony và Drama Desk.
Cột mốc quan trọng tiếp theo khiến danh tiếng của Alan Rickman được lan tỏa tại Hollywood chính là vai diễn phản diện “ấn tượng nhất mọi thời đại” Hans Gruber trong Die Hard.
Đây cũng là lần đầu tiên khán giả có sự định nghĩa và hình ảnh mới mẻ về những nhân vật phản diện hay những kẻ khủng bố. Không phải cứ phản diện sẽ là xấu xí và vẻ độc ác hiển hiện trên gương mặt, cũng như không phải cứ khủng bố là sẽ phải đeo bom, đeo súng quanh người. Alan Rickman với bộ vest phẳng phiu, vẻ ngoài lịch lãm và quyến rũ cùng giọng nói êm dịu, mềm mượt như tơ lụa đã mang đến một kẻ phản diện Hans Gruber khắc sâu và thay đổi nhận thức của toàn bộ Hollywood thời kỳ bấy giờ.
Năm 1991, giải thưởng Bafta duy nhất của Alan Rickman được trao tặng cho vai diễn phản diện Quận trưởng Nottingham trong dự án phim Robin Hood: Prince of Thieves.
Đây là vai diễn chứng minh cho thực lực và tài năng của Alan Rickman với sự biến hóa đa dạng cho từng nhân vật. Cùng là tuyến phản diện, nhưng tên khủng bố Hans và vị Quận trưởng lại hoàn toàn khác nhau và dù cùng một người đóng nhưng chẳng ai có thể tìm ra dù chỉ một chút điểm tương đồng.
Một bộ phim không quá nổi tiếng của Alan Rickman, nhưng sẽ khiến fan hâm mộ của ông hơi choáng váng khi tìm hiểu, chính là Dark Harbor. Bộ phim với chỉ 3 nhân vật ít ỏi và bối cảnh quẩn quanh trên một hòn đảo nhỏ nhưng lại mang nhiều tầng lớp nghĩa khiến khán giả phải xem lại hai lần để tìm hiểu cho rõ. Và Alan Rickman đã có một nụ hôn, hay chính xác hơn là một mối tình đồng tính với Norman Reedus trong bộ phim này.
Và đương nhiên, gần một thập kỷ gắn liền với nhân vật Severus Snape – chính là cột mốc đã đưa ông trở thành biểu tượng điện ảnh vĩ đại và bất diệt của nước Anh và toàn thế giới.
Dù đã trôi qua gần 10 năm khi tập cuối Harry Potter được công chiếu, nhưng chỉ cần nhắm mắt và hồi tưởng lại, chất giọng du dương mềm mượt như tiếng đàn violon của Alan Rickman với câu nói: “Mở trang 394” hay lời mở đầu kinh điển mà bất cứ Potterhead nào cũng thuộc nằm lòng: “Ta có thể dạy các trò cách đóng chai danh vọng, điều chế vinh quang và thậm chí là cầm chân Thần Chết.” đều vang lên rõ mồn một. Và có lẽ dù là 10 năm nữa, hay 20 năm tiếp theo, bóng lưng cao gầy với chiếc áo chùng đen ấy vẫn luôn là một hình ảnh khiến mỗi chúng ta phải khắc khoải nhớ về.
Ngoài ra Alan Rickman còn tham gia rất nhiều bộ phim đình đám và kinh điển như Truly, Madly, Deeply (1991), Sense and Sensibility (1995), Dogma (1999) hay Love Actually (2003)…
Alan Rickman: Dịu dàng và hài hước
Sau khi bộ phim Harry Potter lên sóng và hình ảnh Alan được gắn liền với nhân vật Severus Snape thì rất nhiều người cảm thấy kinh ngạc khi biết “vị giáo sư khắc kỷ” này thật ra rất hài hước và dễ thương.
Alan Rickman là một người thích cười và thích đùa. Với bất cứ ai làm việc cùng Alan đều có nhận xét như vậy, và ông cũng sở hữu kha khá những trò đùa khiến bạn diễn dở khóc dở cười. Ví dụ như Tom Felton (đóng vai Draco Malfoy), mất 6 năm lấy dũng khí mới dám chào Alan một câu, và khi cậu hỏi: “Bác đang làm gì thế?” thì Alan rất ung dung trả lời: “Ta đợi…đi tiểu!”
Hoặc màn “xì hơi” mà Daniel Radcliffe bị đổ oan khi Alan đã giấu cái máy giả tiếng xì hơi vào túi ngủ của cậu trong một cảnh quay của Harry Potter. Hay Rupert Grint (Ron Weasley) cũng từng bị dọa chết đứng bởi vẻ mặt “ngầu như trái bầu” của thầy Snape lúc phát hiện cậu đang vẽ tranh biếm họa về thầy. Nhưng dọa vậy thôi chứ vì Alan thích bức tranh đó nên mới…tịch thu của Rupert.
Không chỉ hài hước mà Alan Rickman còn là một người có trái tim yêu thương và tấm lòng nhân hậu dành cho tất cả mọi người. Đặc biệt Alan là một người rất yêu thích trẻ con và…chó. Chỉ cần nhìn thấy trẻ con là Alan ngay lập tức vui vẻ và có thể chơi đùa với chúng cả ngày dài không chán. Alan cũng đã lập những quỹ từ thiện dành cho trẻ nhỏ và bất cứ khi nào rảnh rỗi, có thời gian nghỉ ngơi dù chỉ vài ngày, ông cũng sẽ tới những hội từ thiện, trại trẻ mồ côi để chăm sóc và giúp đỡ các em nhỏ.
Thậm chí ngay cả việc bị ung thư, Alan Rickman cũng quyết tâm giấu kín, không chia sẻ với bất cứ ai ngoài gia đình, chỉ bởi ông biết những người bạn, những người hâm mộ sẽ cảm thấy buồn và lo lắng nếu biết tin.
Alan Rickman – “cây đại thụ vĩ đại” của nền điện ảnh Anh Quốc. Giáo sư đã thật sự “đóng chai danh vọng và điều chế vinh quang” với 40 năm sự nghiệp vĩ đại cùng những cống hiến tuyệt vời cho điện ảnh thế giới. Nhưng tiếc thay, giáo sư lại không thể “cầm chân Thần Chết” để cả thế giới phải bàng hoàng và đau buồn khi Alan Rickman ra đi ở tuổi 69 bởi căn bệnh ung thư. Nhưng giáo sư cũng sẽ giống người sở hữu Chiếc Áo Khoác Tàng Hình, đã sống một cuộc đời vĩ đại, hạnh phúc, và gặp Thần Chết như gặp lại ông bạn già thân quen.
Alan Rickman, after all this time? Always!
Các bạn hãy theo dõi BlogAnChoi thường xuyên để cập nhật các tin tức giải trí mới lạ và thú vị nhất nhé!
Thanks Alan Rickman,thanks for all that you do for me and our childhoods