Công nghệ thông tin (IT) luôn là ngành hot từ nhiều năm nay, và trong tương lai sắp tới sẽ còn bùng nổ mạnh hơn nữa. Nếu bạn đang theo học ngành IT hoặc có đam mê với lĩnh vực này thì chắc đang phân vân nên chọn hướng đi cụ thể nào? Có phải học IT chỉ đi sửa máy tính? Hãy cùng xem một số công việc triển vọng siêu hot của IT hiện nay nhé!
1. Thiết kế thực tế tăng cường
Thực tế tăng cường (AR) khác với thực tế ảo (VR) về nhiều mặt, dễ thấy nhất là sản phẩm tạo ra. Đối với AR, nhà thiết kế phải dựa trên thế giới thật để tạo ra các hình ảnh ảo “tăng cường” cho nó, ví dụ như game Pokémon Go là sự kết hợp giữa khung cảnh ngoài đời thật và những con Pokemon ảo xuất hiện trong khung cảnh đó. Trong khi đó VR hoàn toàn chỉ là ảo, không dựa trên thế giới thực.
Nếu bạn là người có óc sáng tạo phong phú và muốn biến thế giới xung quanh mình trở nên thú vị hơn thì công việc thiết kế AR sẽ là lựa chọn lý tưởng để phát huy sở thích của bạn, đem đến những sản phẩm giải trí mới lạ cho mọi người.
Nhưng công việc này cũng không phải chỉ là chơi cho vui. Bạn phải tham gia vào nhóm để hợp tác với những người khác, mỗi người có một nhiệm vụ như thiết kế media, thiết kế các yếu tố kỹ thuật, thiết kế giao diện người dùng, thiết kế đồ họa, v.v. Để chuẩn bị cho công việc này, bạn cần có kiến thức nền tảng về lập trình C+, thiết kế mô hình 3D và phát huy trí sáng tạo mọi lúc mọi nơi.
2. Phát triển ứng dụng và thiết bị di động
Bạn là người thích khám phá các ứng dụng và game di động? Sẽ hay hơn rất nhiều nếu bạn có thể tự tạo ra chúng như một công việc để kiếm sống hoặc tạo ra một nền tảng góp phần thay đổi cuộc sống của mọi người. Các kho ứng dụng như Google Play và App Store luôn được bổ sung thêm nhiều ứng dụng mới và có rất nhiều người dùng thường xuyên, do đó đây là lĩnh vực không bao giờ hết hot.
Một số tựa game nổi tiếng như Dragon City, Clash of Clans và Angry Birds phải được lập trình đặc biệt để phù hợp với thiết bị di động, đó cũng là lĩnh vực tiềm năng để bạn thử sức trong tương lai. Để trở thành một coder chuyên nghiệp, bạn cần trau dồi kiến thức về ngôn ngữ lập trình như HTML, CSS, Javascript, ngoài ra còn có nhiều ngôn ngữ nâng cao khác nữa.
3. Kỹ sư mạng
Nếu bạn thích làm việc với phần cứng hơn là phần mềm thì đây là công việc lý tưởng dành cho bạn. Khác với nhân viên sửa máy tính thông thường, kỹ sư mạng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với hệ thống máy tính ở các cơ quan, công sở. Bạn phải phân tích và đánh giá được tình trạng hoạt động của mạng và đảm bảo đường truyền kết nối tốt, đòi hỏi nhiều kiến thức về kỹ thuật.
Công việc này cũng bao gồm sao lưu dữ liệu và đảm bảo truy cập dữ liệu dễ dàng, hỗ trợ cài đặt mạng, cập nhật và cấu hình mạng, tư vấn và hỗ trợ người dùng mạng, phối hợp với các nhân viên IT khác và bảo mật máy tính cơ bản.
Ưu điểm của công việc này là bạn có thể gặp gỡ giao lưu với nhiều người và phát huy óc sáng tạo chứ không chỉ “cắm đầu” vào máy tính suốt ngày, như vậy khi làm việc bạn sẽ được cân bằng giữa máy móc và sáng tạo, tránh rơi vào tình trạng “trầm cảm”.
4. Thiết kế web
Bạn yêu thích lập trình và muốn tạo ra những thứ mới mẻ, đẹp mắt? Nếu vậy có thể chọn công việc thiết kế trang web cho các công ty, doanh nghiệp, freelancer hoặc những khách hàng nhỏ lẻ. Bạn sẽ có cơ hội tạo ra các trang web hấp dẫn người dùng bằng cách kết hợp những thành phần như hình ảnh, chữ, màu sắc, đồ họa, v.v. Nếu bạn có óc sáng tạo phong phú và không ngại học các ngôn ngữ lập trình phức tạp thì chắc chắn sẽ yêu thích công việc này.
Để xây dựng một trang web tốt, bạn cần nắm vững lập trình cơ bản như CSS và HTML. Về lâu dài, bạn có thể phát triển công việc thiết kế web của mình để làm freelancer hoặc kinh doanh riêng. Tiềm năng trong lĩnh vực này rất lớn, nhất là khi hợp tác với những người làm copywriter hoặc SEO.
5. Kỹ sư an ninh mạng
Nghe có vẻ giống với kỹ sư mạng nêu trên, nhưng thực ra công việc này rất khác. Có thể coi đây là vị trí chuyên môn cao hơn, tập trung vào việc bảo vệ mạng máy tính khỏi bị tấn công mất dữ liệu. Nếu bạn cảm thấy hứng thú với các công cụ bảo mật máy tính và thích cảm giác “đấu trí” thì đây có thể là lựa chọn phù hợp.
Công việc này bao gồm thiết kế và bảo trì hệ thống bảo mật của mạng máy tính, ngăn các phần mềm độc hại xâm nhập vào. Bạn sẽ phải nghiên cứu về hệ thống bảo mật của nơi mình làm việc để hiểu rõ cơ chế của nó, thường xuyên kiểm tra và đánh giá, tạo tường lửa và phân tích dữ liệu.
Ở mức độ cao hơn, bạn có thể làm ở các doanh nghiệp yêu cầu bảo mật nghiêm ngặt để chống hacker nguy hiểm. Đây là vị trí rất quan trọng đối với doanh nghiệp và luôn được chào đón.
6. Phát triển đa phương tiện
Bạn thích lập trình và cũng có khiếu về nghệ thuật? Nếu vậy có thể bạn sẽ hợp với vai trò nhà phát triển đa phương tiện, thiết kế các sản phẩm trực quan, ảnh động, video, văn bản hoặc âm thanh để bổ sung cho các ứng dụng giúp người dùng trải nghiệm thỏa mãn hơn.
Những hình ảnh đồ họa xinh lung linh mà bạn nhìn thấy trên các trang web chính là sản phẩm của nhà phát triển đa phương tiện. Khi làn công việc này bạn sẽ phải giao tiếp nhiều với khách hàng, lên kế hoạch cho dự án, viết code và thiết kế – nếu bạn cảm thấy mình có đủ các kỹ năng đó thì hãy thử sức ngay nhé.
7. Quản lý dự án
Bạn có khiếu làm lãnh đạo và muốn chỉ huy một nhóm phát triển phần mềm? Nếu vậy thì có lẽ bạn hợp với vai trò một người quản lý dự án. Cơ quan tổ chức nào cũng cần có người lãnh đạo để chia việc cho các thành viên trong nhóm, điều phối công việc để hoàn thành đúng mục tiêu.
Người quản lý sẽ phải đặt ra mục tiêu cho các dự án IT, lập kế hoạch để đạt được mục tiêu đó, tính toán nguồn lực phù hợp với ngân sách, dự phòng các vấn đề tiềm ẩn có thể xảy ra, quản lý tài chính và chịu trách nhiệm đảm bảo dự án hoàn thành tốt. Đây là vị trí rất được coi trọng trong ngành IT.
8. Thiết kế trải nghiệm người dùng (UX)
Bạn muốn mang đến trải nghiệm tốt nhất cho những người xem trang web và sử dụng app? Đó là nhiệm vụ của nhà thiết kế UX. Đây là công việc quan trọng, bạn phải góp phần thiết kế và phát triển trang web đồng thời đảm bảo những người sử dụng nó cảm thấy thoải mái nhất.
Công việc này cũng có tiềm năng rất lớn, bạn có thể làm việc với các freelancer, doanh nghiệp nhỏ hoặc công ty lớn, thậm chí có thể tự trở thành freelancer và tăng thêm thu nhập cho bản thân.
Tóm lại: Chọn nghề gì khi học IT?
Học IT chắc chắn sẽ có nhiều áp lực và cạnh tranh khi tìm việc làm, nhưng quan trọng là bạn hãy đi theo đúng đam mê của mình. Bất kỳ ngành nghề nào cũng cần trải nghiệm để thành công, do đó nếu bạn thực sự yêu thích IT thì hãy thử ngay những công việc trên đây, đừng ngần ngại gì cả.
Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:
- Nên học nghề gì hiện nay? Top những ngành học hot nhất và “bộc phát” tiềm năng trong tương lai
- Việc làm sau đại dịch, ngành nghề nào đang hot?
Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!