Sweetener – chất làm ngọt nhân tạo, hay đường nhân tạo – được sản xuất ra với mục đích ban đầu là giúp con người giảm tiêu thụ đường tự nhiên và tránh các tác hại của việc ăn quá nhiều đường. Nhưng liệu sweetener có thực sự mang lại lợi ích như ta kỳ vọng hay không?

Sponsor

Đường nhân tạo, sweetener, hay chất tạo ngọt nhân tạo… Dù bạn thích gọi chúng bằng cái tên nào đi nữa thì có một sự thật không thể phủ nhận là hiện nay các chất tạo ngọt này đang nhận được sự quan tâm ngày càng lớn từ người tiêu dùng, kéo theo đó là vô số các cuộc tranh luận nảy lửa xoay quanh tác dụng thực sự của chúng đối với sức khỏe.

Đường nhân tạo - chất tạo ngọt nhân tạo. (Ảnh: internet)
Đường nhân tạo – chất tạo ngọt nhân tạo. (Ảnh: internet)

Một mặt chúng được cho là làm tăng nguy cơ mắc ung thư và có ảnh hưởng tiêu cực đến mức đường huyết cũng như sức khỏe đường ruột. Nhưng mặt khác, hầu hết các cơ quan y tế lại đánh giá chúng là an toàn, và nhiều người vẫn dùng các chất này để giảm lượng đường tiêu thụ cũng như giảm cân.

Vậy đâu mới là sự thật? Bài viết này sẽ nhìn lại tổng thể và phân tích những bằng chứng khoa học về tác động của chất tạo ngọt nhân tạo đối với sức khỏe của chúng ta. Các nghiên cứu được đề cập trong bài đều được đăng trên trang web của Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Quốc gia Hoa Kỳ (National Center for Biotechnology Information, viết tắt là NCBI) – một trang thông tin chính thống có uy tín của giới khoa học nói chung và y khoa nói riêng.

Trước tiên hãy cùng làm rõ vài khái niệm cơ bản về các chất hóa học có vị ngọt mà chúng ta vẫn gọi là “đường nhân tạo” qua video này nhé:

1. Đường nhân tạo thực sự là gì?

Một vài nhãn hiệu đường nhân tạo phổ biến hiện nay trên thị trường (Nguồn: Internet).
Một vài nhãn hiệu đường nhân tạo phổ biến hiện nay trên thị trường (Nguồn: Internet).

Chất tạo ngọt nhân tạo, hay còn được gọi bằng cái tên “chất thay thế đường”, là các chất hóa học được cho vào thức ăn và đồ uống để tạo vị ngọt. Người ta thường gọi đó là “chất tạo ngọt mạnh” vì chúng tạo ra vị giống như đường ăn thông thường nhưng độ ngọt cao hơn gấp hàng nghìn lần.

Và mặc dù một số chất tạo ngọt có chứa năng lượng, nhưng lượng chất cần dùng để tạo ra hương vị mong muốn thường nhỏ đến mức bạn sẽ hầu như không nạp thêm chút calo dưa thừa nào vào cơ thể mình cả.

2. Đường nhân tạo hoạt động như thế nào?

Đường nhân tạo có cấu trúc hóa học tương tự đường tự nhiên để "đánh lừa" bộ não (Nguồn: Internet).
Đường nhân tạo có cấu trúc hóa học tương tự đường tự nhiên để “đánh lừa” bộ não (Nguồn: Internet).

Bề mặt lưỡi của chúng ta được phủ đầy các gai vị giác, mỗi gai này có chứa các thụ thể giúp cảm nhận các vị khác nhau. Khi ta ăn, các phân tử của thức ăn sẽ tiếp xúc với thụ thể vị giác, và nếu hai bên khớp với nhau thì một tín hiệu sẽ được tạo ra và truyền về não cho phép ta xác định được vị của thức ăn. Ví dụ phân tử đường sẽ khớp với thụ thể cảm nhận vị ngọt giống như chìa khóa và ổ khóa vậy, cho phép não xác định được vị ngọt.

Các chất tạo ngọt nhân tạo có cấu trúc giống với phân tử đường, đủ để chúng có thể khớp với thụ thể cảm nhận vị ngọt. Song phần lớn chúng lại khác với đường ở một khía cạnh nào đó khiến các tế bào không thể phân giải để sinh năng lượng như đường tự nhiên. Đó là lý do khiến chúng có vị ngọt nhưng lại không làm tăng lượng calo.

Sponsor

Chỉ có một số ít các chất tạo ngọt có cấu trúc phù hợp để cơ thể phân giải tạo năng lượng, nhưng vì lượng chất cần dùng thường rất nhỏ nên rốt cuộc chúng ta vẫn hầu như không nạp thêm năng lượng dư thừa.

3. Có những loại đường nhân tạo nào?

Mặc dù rất đa dạng phong phú nhưng không phải loại đường nhân tạo nào cũng được phép sử dụng cho con người (Nguồn: Internet).
Mặc dù rất đa dạng phong phú nhưng không phải loại đường nhân tạo nào cũng được phép sử dụng cho con người (Nguồn: Internet).

Đến nay các nhà khoa học đã phát hiện ra rất nhiều hóa chất có vị ngọt, nhưng chỉ có một số chất nhất định được sử dụng trong ngành công nghiệp thực phẩm. Sau đây là danh sách các chất tạo ngọt nhân tạo được phép sử dụng tại Mỹ và Liên minh châu Âu:

  • Aspartame: ngọt hơn đường sucrose (đường mía) 200 lần, với các thương hiệu Nutrasweet, Equal và Sugar Twin.
  • Kali acesulfame: ngọt hơn đường sucrose 200 lần, thích hợp để nấu ăn và nướng bánh, với các thương hiệu Sunnet và Sweet One.
  • Advantame: ngọt hơn đường sucrose 20.000 lần, thích hợp để nấu ăn và nướng bánh.
  • Muối aspartame-acesulfame: ngọt hơn đường sucrose 350 lần, với tên thương hiệu Twinsweet.
  • Cyclamate: ngọt hơn đường sucrose 50 lần, thích hợp để nấu ăn và nướng bánh. Tuy nhiên chất này đã bị cấm sử dụng tại Mỹ từ năm 1970.
  • Neotame: ngọt hơn đường sucrose 13.000 lần, thích hợp để nấu ăn và nướng bánh, với tên thương hiệu Newtame.
  • Neohesperidin: ngọt hơn đường sucrose 340 lần, thích hợp để nấu ăn, nướng bánh và trộn với các thức ăn chua. Chất này không được cấp phép sử dụng tại Mỹ.
  • Saccharin: ngọt hơn đường sucrose 700 lần, với các thương hiệu Sweet’N Low, Sweet Twin và Necta Sweet.
  • Sucralose: ngọt hơn đường sucrose 600 lần, thích hợp để nấu ăn, nướng bánh và trộn với các thức ăn chua, với tên thương hiệu Splenda.

Tóm lại: Hiện nay có rất nhiều loại chất tạo ngọt đã được tìm ra, nhưng không phải loại nào cũng được chấp nhận sử dụng trên toàn thế giới. Những loại thường gặp nhất là aspartame, sucralose, saccharin, neotame và kali acesulfame.

Vậy là bạn đã có hiểu biết tương đối đầy đủ về “nguồn gốc xuất xứ” của các chất làm ngọt nhân tạo rồi. Bây giờ chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu tác động của chúng đối với sức khỏe của con người nhé.

4. Mối liên quan giữa chất tạo ngọt với cân nặng và cảm giác thèm ăn

Các chất tạo ngọt nhân tạo là sự lựa chọn quen thuộc của những người đang cố gắng giảm cân. Tuy nhiên tác động của chúng đối với sự thèm ăn và cân nặng lại thay đổi khác nhau tùy theo từng nghiên cứu.

Sponsor

Đối với sự thèm ăn

Đường nhân tạo có khiến bạn thèm ăn hơn? (Ảnh: Internet).
Đường nhân tạo có khiến bạn thèm ăn hơn? (Ảnh: Internet).

Một số người tin rằng các chất tạo ngọt thực tế có thể làm tăng sự thèm ăn và thúc đẩy sự tăng cân. Họ cho rằng các chất này có lẽ không thể chặn đứng được phản ứng cần thiết trong não để khiến bạn cảm thấy thỏa mãn sau khi ăn xong. Chính vì không chứa năng lượng như các chất ngọt thông thường khác nên chúng vẫn khiến ta cảm thấy đói như khi chưa ăn.

Thêm vào đó, một số nhà khoa học cho rằng nếu muốn no bụng thì bạn sẽ phải tiêu thụ thực phẩm được tạo ngọt nhân tạo với lượng lớn hơn so với khi ăn các thức ăn có vị ngọt nhờ đường thông thường. Thậm chí còn có ý kiến cho rằng các chất tạo ngọt có thể gây ra cảm giác thèm đồ ăn có đường.

Mặc dù các giả thuyết này nghe rất hợp lý nhưng nghiên cứu gần đây không ủng hộ cho ý tưởng rằng chất tạo ngọt nhân tạo làm tăng cảm giác đói hoặc tăng lượng calo nhập vào.

Trên thực tế, các nghiên cứu đã ghi nhận rằng những người tham gia sử dụng chất tạo ngọt cho biết họ cảm thấy ít đói hơn và tiêu thụ ít calo hơn so với khi dùng các thực phẩm chứa đường.

Các nghiên cứu gần đây đã phát hiện rằng việc thay thế đường thông thường bằng chất tạo ngọt nhân tạo có thể làm giảm cơn đói và giảm lượng calo tiêu thụ.

Tác động lên cân nặng

Đường nhân tạo có gây tăng cân hay không? (Nguồn: Internet).
Đường nhân tạo có gây tăng cân hay không? (Nguồn: Internet).

Liên quan đến việc kiểm soát cân nặng, một số nghiên cứu quan sát đã cho thấy có mối liên hệ giữa việc tiêu thụ chất tạo ngọt nhân tạo và tình trạng béo phì. Tuy nhiên các nghiên cứu chính xác hơn lại chỉ ra rằng chất tạo ngọt nhân tạo thực sự có thể làm giảm cân, giảm mỡ và vòng eo.

Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng việc thay thế các loại nước ngọt thông thường bằng các loại không chứa đường có thể làm giảm chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 1,3 đến 1,7.

Hơn thế nữa, việc dùng các thực phẩm được làm ngọt nhân tạo thay cho đường có thể làm giảm tổng lượng calo tiêu thụ hằng ngày. Nhiều nghiên cứu kéo dài từ 4 tuần tới 40 tháng đã cho thấy điều đó có thể giúp giảm đến 1,3 kg cân nặng.

Nước ngọt ăn kiêng đang được nhiều người ưa chuộng (Ảnh: Internet).
Nước ngọt ăn kiêng đang được nhiều người ưa chuộng (Ảnh: Internet).

Các loại đồ uống được làm ngọt nhân tạo dễ dàng trở thành sự lựa chọn của những người muốn giảm lượng đường nạp vào cơ thể mỗi ngày.

Sponsor

Tuy nhiên các loại “nước ngọt ăn kiêng” đó sẽ không giúp giảm cân chút nào nếu bạn bù lại bằng cách ăn nhiều món ngọt hơn. Nếu nước ngọt ăn kiêng làm tăng cảm giác thèm ngọt của bạn thì cứ trung thành với nước lọc là tốt nhất.

Việc thay thế đồ ăn thức uống chứa đường thông thường bằng những loại được làm ngọt nhân tạo có thể giúp bạn giảm cân chút ít.

5. Mối liên quan với bệnh tiểu đường

Người bị bệnh tiểu đường nên ăn gì là tốt nhất? (Ảnh: Internet).
Người bị bệnh tiểu đường nên ăn gì là tốt nhất? (Ảnh: Internet).

Các bệnh nhân tiểu đường có thể được lợi khi dùng các chất làm ngọt nhân tạo, giúp họ có cảm giác thỏa mãn mà không làm tăng đường huyết. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy rằng việc dùng các loại đồ uống ăn kiêng có thể làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường từ 6 đến 121%.

Kết quả nghe có vẻ mâu thuẫn, nhưng cần lưu ý là tất cả các nghiên cứu này đều thuộc dạng quan sát, tức là chúng không thể chứng minh mối quan hệ nhân quả rằng chất tạo ngọt nhân tạo gây ra bệnh tiểu đường, mà chỉ kết luận rằng những người dễ mắc tiểu đường type 2 cũng là những người thích uống các loại nước ngọt ăn kiêng.

Mặt khác, nhiều nghiên cứu đã cho thấy các chất tạo ngọt nhân tạo không ảnh hưởng đến mức đường huyết cũng như nồng độ insulin trong máu.

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH
Đang nạp...
Nạp dữ liệu bị lỗi :(

Cho đến nay mới chỉ có một nghiên cứu nhỏ phát hiện được tác động tiêu cực: những phụ nữ uống chất ngọt nhân tạo ngay trước khi dùng một loại đồ uống có đường sẽ có mức đường huyết cao hơn 14% và insulin trong máu cao hơn 20% so với những người uống nước lọc trước đó.

Tuy nhiên điều đó có thể được giải thích một phần là do những người này không quen dùng các loại đồ ngọt nhân tạo. Ngoài ra các chất tạo ngọt cũng có thể tác động khác nhau tùy theo tuổi tác và đặc điểm di truyền chủng tộc của người dùng.

Chẳng hạn như nghiên cứu đã cho thấy chất làm ngọt nhân tạo sẽ có tác động mạnh hơn ở những người gốc Tây Ban Nha trẻ tuổi. Điều này có thể liên quan với tác động không mong muốn được quan sát thấy ở các phụ nữ đã được đề cập ở trên.

Mặc dù chưa có sự nhất quán hoàn toàn, nhưng các bằng chứng hiện tại đều khá ủng hộ việc dùng các chất làm ngọt nhân tạo ở bệnh nhân tiểu đường. Tuy vậy chúng ta vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu nữa để đánh giá tác động lâu dài của chúng đối với những nhóm dân cư khác nhau.

Chất tạo ngọt nhân tạo có thể giúp bệnh nhân tiểu đường giảm lượng đường trong chế độ ăn của mình. Tuy nhiên cần có thêm nhiều nghiên cứu nữa để tìm hiểu tác động của chúng đối với các nhóm dân cư khác nhau.

6. Chất tạo ngọt nhân tạo và hội chứng chuyển hóa

Hội chứng chuyển hóa là một tập hợp các bất thường về chuyển hóa trong cơ thể, gây ra nhiều nguy cơ nghiêm trọng cho sức khỏe (Nguồn: Internet).
Hội chứng chuyển hóa là một tập hợp các bất thường về chuyển hóa trong cơ thể, gây ra nhiều nguy cơ nghiêm trọng cho sức khỏe (Nguồn: Internet).
Sponsor

“Hội chứng chuyển hóa” là khái niệm dùng để chỉ một tập hợp các vấn đề về sức khỏe bao gồm tăng huyết áp, tăng đường huyết, béo bụng và rối loạn cholesterol máu. Những tình trạng này làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như đột quỵ, bệnh tim và tiểu đường type 2.

Một số nghiên cứu gợi ý rằng những người thường xuyên sử dụng nước ngọt ăn kiêng có nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa cao hơn đến 36%. Tuy nhiên các nghiên cứu chất lượng tốt hơn đã cho thấy các loại đồ uống nói trên không tác động gì tới sức khỏe, hoặc có tác dụng theo hướng tích cực.

Một nghiên cứu gần đây đã được thực hiện để tìm hiểu vấn đề này, trong đó những người tham gia đều thừa cân hoặc béo phì được chia thành các nhóm với các loại đồ uống khác nhau, bao gồm nước ngọt thông thường, nước ngọt ăn kiêng, nước lọc và sữa tách béo bán phần.

Sau sáu tháng duy trì cùng một loại đồ uống, nhóm dùng nước ngọt ăn kiêng đã có sự khác biệt đáng kể so với nhóm uống nước ngọt thông thường. Họ có cân nặng ít hơn 17-21%, mỡ bụng ít hơn 24-31%, cholesterol máu thấp hơn 32% và huyết áp thấp hơn 10-15%. Nước lọc cũng có tác dụng tương tự khi so sánh với nước ngọt thông thường.

Tóm lại: Các chất làm ngọt nhân tạo ít có khả năng thúc đẩy hội chứng chuyển hóa. Việc thay thế các đồ uống có đường bằng đồ uống được làm ngọt nhân tạo thực sự có thể làm giảm nguy cơ mắc một số vấn đề về sức khỏe.

7. Chất tạo ngọt nhân tạo và sức khỏe đường ruột

Sự cân bằng giữa vi khuẩn có lợi và có hại trong đường ruột ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tổng quát của cơ thể (Nguồn: Internet).
Sự cân bằng giữa vi khuẩn có lợi và có hại trong đường ruột ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tổng quát của cơ thể (Nguồn: Internet).
Sponsor

Hệ vi khuẩn đường ruột đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe của toàn cơ thể, và tình trạng sức khỏe đường ruột kém có liên quan tới vô số các vấn đề, trong đó có tăng cân, khó kiểm soát đường huyết, hội chứng chuyển hóa, hệ miễn dịch suy yếu và ngủ không tròn giấc.

Thành phần cụ thể cũng như mức độ hoạt động của hệ vi khuẩn đường ruột của mỗi người là không giống nhau và dường như bị ảnh hưởng bởi loại thực phẩm mà ta ăn vào, trong đó có các chất làm ngọt nhân tạo.

Theo một nghiên cứu, chất tạo ngọt saccharin làm mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột của bốn trên bảy người tham gia vốn không quen sử dụng chất này. Bốn người này cũng gặp tình trạng kiểm soát đường huyết kém kéo dài năm ngày sau khi dùng chất tạo ngọt nhân tạo.

Không dừng lại ở đó, khi các vi khuẩn đường ruột của họ được đưa vào cơ thể chuột thí nghiệm, các con chuột này cũng mắc phải tình trạng khó kiểm soát đường huyết. Trái lại, những con chuột nhận vi khuẩn từ những người không có phản ứng bất lợi với đường nhân tạo lại không cho thấy sự thay đổi nào trong khả năng kiểm soát đường huyết.

Tuy kết quả khá thú vị nhưng đây mới chỉ là nghiên cứu đầu tiên và duy nhất cho đến nay thể hiện được những tác động này trên người. Sẽ cần thêm nhiều nghiên cứu nữa trước khi chúng ta có thể kết luận chắc chắn về mối liên hệ giữa chất làm ngọt nhân tạo và sức khỏe đường ruột.

Các chất làm ngọt nhân tạo gây xáo trộn sự cân bằng của hệ vi khuẩn đường ruột, từ đó có thể làm tăng nguy cơ bệnh tật. Tuy nhiên cần có thêm nhiều nghiên cứu nữa để xác nhận điều này.

Sponsor

8. Đường nhân tạo và nguy cơ ung thư

Nhiều loại phụ gia thực phẩm có thể gây ung thư, đường nhân tạo liệu có nằm trong số đó? (Nguồn: Internet).
Nhiều loại phụ gia thực phẩm có thể gây ung thư, đường nhân tạo liệu có nằm trong số đó? (Nguồn: Internet).

Vấn đề này đã thổi bùng lên các cuộc tranh luận kể từ những năm 1970, được châm ngòi bởi kết quả nghiên cứu trên động vật cho thấy nguy cơ mắc ung thư bàng quang tăng lên ở những con chuột được cho ăn một lượng rất lớn saccharin và cyclamate.

May mắn là sự chuyển hóa saccharin trong cơ thể chuột và người lại khác nhau. Kể từ đó đã có hơn 30 nghiên cứu được thực hiện trên người không phát hiện được mối liên hệ nào giữa chất tạo ngọt nhân tạo và nguy cơ mắc ung thư.

Một nghiên cứu theo dõi 9.000 người trong 13 năm và phân tích lượng chất tạo ngọt mà họ tiêu thụ. Sau khi tính toán, các nhà nghiên cứu đã không tìm được mối liên quan giữa chất làm ngọt nhân tạo và nguy cơ mắc nhiều loại ung thư.

Một bản đánh giá tổng quan mới đây đã phân tích các nghiên cứu được công bố trong vòng 11 năm trước đó, và cuối cùng cũng không phát hiện được mối liên hệ nào.

Kết quả này cũng được đánh giá bởi các nhà chức trách của Mỹ và châu Âu, tất cả đều nhất trí rằng các chất tạo ngọt nhân tạo khi được dùng với lượng hợp lý sẽ không làm tăng nguy cơ mắc ung thư.

Sponsor

Chỉ có một ngoại lệ là cyclamate, chất đã bị cấm sử dụng tại Mỹ sau nghiên cứu về ung thư bàng quang trên chuột đã đề cập ở trên. Mặc dù sau đó các nghiên cứu trên động vật đều không cho thấy mối liên quan với ung thư, nhưng cyclamate vẫn chưa bao giờ được cấp phép lại.

Tóm lại: Theo các bằng chứng khoa học ở thời điểm hiện tại thì chất tạo ngọt nhân tạo không làm tăng nguy cơ ung thư trên người.

9. Chất làm ngọt nhân tạo và sức khỏe răng miệng

Đường nhân tạo có gây sâu răng như đường tự nhiên không? (Ảnh: Internet).
Đường nhân tạo có gây sâu răng như đường tự nhiên không? (Ảnh: Internet).

Các lỗ sâu răng được tạo ra khi vi khuẩn trong miệng lên men đường để tạo thành axit phá hủy men răng. Không giống như đường, các chất tạo ngọt nhân tạo không phản ứng với vi khuẩn trong miệng, và do đó không tạo thành axit cũng như các lỗ sâu.

Nghiên cứu cũng cho thấy rằng sucralose ít gây sâu răng hơn đường. Vì lẽ đó mà Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) đã cho phép các sản phẩm có chứa sucralose được quyền tuyên bố rằng chúng làm giảm sâu răng.

Cơ quan An toàn Thực phẩm Châu Âu (EFSA) cũng khẳng định tất cả các chất tạo ngọt nhân tạo khi được dùng thay thế cho đường sẽ làm trung hòa axit và giúp ngừa sâu răng.

Sponsor

Tóm lại: Các chất tạo ngọt nhân tạo khi được sử dụng để thay thế đường sẽ làm giảm nguy cơ sâu răng.

10. Mối liên quan giữa aspartame với đau đầu, trầm cảm và động kinh

Đường nhân tạo aspartame có khá nhiều tác dụng phụ (Ảnh: Internet).
Đường nhân tạo aspartame có khá nhiều tác dụng phụ (Ảnh: Internet).

Một số chất làm ngọt nhân tạo có thể gây triệu chứng khó chịu như đau đầu, trầm cảm và động kinh – ít nhất là ở một số người có cơ địa nhạy cảm.

Mặc dù hầu hết các nghiên cứu đều không tìm thấy mối liên quan giữa aspartame và chứng đau đầu, nhưng có hai nghiên cứu đã lưu ý rằng một số người sẽ nhạy cảm hơn so với những người khác.

Điều đó cũng đúng đối với triệu chứng trầm cảm do aspartame gây ra. Chẳng hạn như những người mắc các rối loạn trầm cảm, hưng cảm, rối loạn lưỡng cực… có thể sẽ dễ gặp phải triệu chứng trầm cảm khi dùng aspartame.

Cuối cùng, các chất tạo ngọt nhân tạo không làm tăng nguy cơ mắc động kinh trên người. Tuy nhiên một nghiên cứu đã báo cáo về sự tăng mức độ hoạt động của não ở các trẻ em mắc dạng động kinh vắng ý thức.

Sponsor

Các chất tạo ngọt nhân tạo không gây đau đầu, trầm cảm hay động kinh ở hầu hết mọi người. Tuy nhiên một số ít người có thể nhạy cảm hơn với các triệu chứng này.

11. Tính an toàn và các tác dụng phụ

Các thực phẩm chứa đường nhân tạo có thực sự an toàn? (Ảnh: Internet).
Các thực phẩm chứa đường nhân tạo có thực sự an toàn? (Ảnh: Internet).

Các chất tạo ngọt nhân tạo nói chung được coi là an toàn để sử dụng cho người. Chúng được thử nghiệm cẩn thận và được kiểm soát bởi các cơ quan của Mỹ cũng như quốc tế, để đảm bảo tính an toàn khi được đưa vào cơ thể.

Dù vậy vẫn có một số đối tượng đặc biệt cần tránh dùng các chất tạo ngọt. Ví dụ aspartame có chứa axit amin phenylalanine, là chất mà những người mắc rối loạn chuyển hóa hiếm gặp phenylketonuria (phenylketo niệu – có phenylketo trong nước tiểu) không thể chuyển hóa được. Do đó những người này nên tránh dùng aspartame.

Bên cạnh đó một số người lại dị ứng với nhóm hợp chất có bao gồm saccharin được gọi là các sulfonamide. Ở những người này, saccharin có thể gây triệu chứng khó thở, phát ban trên da hoặc tiêu chảy.

Các chất tạo ngọt nhân tạo nhìn chung đều được coi là an toàn, nhưng nên tránh dùng ở những người mắc phenylketo niệu và người dị ứng với sulfonamide.

Sponsor

Tổng kết

Các sản phẩm chứa đường nhân tạo như thế này sẽ luôn là chủ đề được tranh luận dai dẳng trong giới khoa học (Nguồn: Internet).
Các sản phẩm chứa đường nhân tạo như thế này sẽ luôn là chủ đề được tranh luận dai dẳng trong giới khoa học (Nguồn: Internet).

Theo các bằng chứng khoa học hiện có, đường nhân tạo gây ra rất ít nguy cơ cho sức khỏe, thậm chí có lợi đối với việc giảm cân, kiểm soát đường huyết và sức khỏe răng miệng. Các chất này đặc biệt đem lại nhiều lợi ích nếu được sử dụng nhằm giảm bớt lượng đường cho vào thức ăn hằng ngày.

Tuy vậy khả năng xuất hiện các tác dụng phụ không tốt có thể thay đổi tùy từng người dùng. Một số người có thể cảm thấy khó chịu hoặc gặp tác dụng tiêu cực sau khi dùng chất làm ngọt nhân tạo, dù chúng vẫn an toàn và không gây hại cho hầu hết mọi người.

Sau tất cả, khoa học vẫn luôn thay đổi và tìm ra các phát hiện mới về những chủ đề đã cũ. Hãy cùng chờ xem tương lai sẽ phán quyết thế nào về chân tướng thật sự của đường nhân tạo. Liệu chúng sẽ là “anh hùng” hay “tội đồ” đối với sức khỏe? Thời gian sẽ trả lời!

Mời bạn tham khảo thêm các bài viết liên quan trên BlogAnChoi:

Đừng quên theo dõi BlogAnChoi để không bỏ lỡ những thông tin hữu ích về sức khỏe bạn nhé!

Sponsor
Sponsor
Xem thêm

Cơ thể sẽ ra sao khi thiếu 5 loại vitamin thiết yếu?

Chúng ta cần các chất dinh dưỡng cần thiết để giúp cơ thể phát triển đều đặn, đặc biệt là vitamin. Tuy nhiên, làm cách nào để biết cơ thể chúng ta đang thiếu hụt vitamin? Hãy cùng BlogAnChoi điểm qua các dấu hiệu nhận biết cơ thể đang "thèm" vitamin như thế nào nhé!
CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH
Đang nạp...
Nạp dữ liệu bị lỗi :(
Đánh giá bài viết
Bài này có tuyệt không bạn?
Có 340 lượt đánh giá.
CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH
Đang nạp...
Nạp dữ liệu bị lỗi :(

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH
Đang nạp...
Nạp dữ liệu bị lỗi :(