Thông thương là một trong những cách xúc tiến giao lưu cổ xưa nhất giữa các khu vực, vậy nên các tuyến đường buôn bán cực kì quan trọng với người xưa. Cùng BlogAnChoi tìm hiểu 8 tuyến đường giao thương cổ xưa bậc nhất lịch sử nhé.

1. Con đường tơ lụa

Các tuyến đường giao thương cổ xưa đã góp phần xây dựng và định hình lịch sử của nhân loại (Ảnh: Internet)
Các tuyến đường giao thương cổ xưa đã góp phần xây dựng và định hình lịch sử của nhân loại (Ảnh: Internet)

Con đường tơ lụa là tuyến đường thương mại cổ đại nổi tiếng nhất, nối liền các nền văn minh cổ đại lớn là Trung Quốc và đế chế La Mã. Tơ lụa buôn bán từ Trung Quốc sang đế chế La Mã bắt đầu từ thế kỷ thứ 1 trước công nguyên để đổi lấy len, bạc và vàng từ châu Âu. Ngoài việc thúc đẩy thương mại, con đường tơ lụa còn trở thành một con đường quan trọng để truyền bá kiến ​​thức, công nghệ, tôn giáo, nghệ thuật với nhiều trung tâm thương mại và trung tâm trao đổi trí tuệ quan trọng dọc theo tuyến đường.

Con đường tơ lụa bắt nguồn từ Tây An, Trung Quốc, đi dọc Vạn Lý Trường Thành để băng qua dãy núi Pamir vào Afghanistan và đến Levant, nơi hàng hóa được chất lên các con tàu đến các cảng Địa Trung Hải. Rất hiếm khi các thương nhân đi hết quãng đường 4000 dặm này, hầu hết họ đều chỉ buôn bán trên các đoạn đường nhỏ.

Khi đế chế La Mã sụp đổ vào thế kỷ thứ 4, con đường tơ lụa trở nên không an toàn và không còn được sử dụng. Mãi đến thế kỷ 13 nó mới được hồi sinh dưới thời quân Mông Cổ. Tuyến đường nổi tiếng này có thể còn hơn cả các mối liên kết thương mại và giao thoa văn hóa khi một số nhà khoa học cho rằng các thương gia đi dọc tuyến đường này đã mang theo Yersinia pestis – vi khuẩn gây ra Cái chết Đen.

2. Con đường gia vị

Các tuyến đường giao thương cổ xưa đã góp phần xây dựng và định hình lịch sử của nhân loại (Ảnh: Internet)
Các tuyến đường giao thương cổ xưa đã góp phần xây dựng và định hình lịch sử của nhân loại (Ảnh: Internet)

Không giống như hầu hết các tuyến đường thương mại khác trong danh sách này, Tuyến đường Gia vị là con đường hàng hải nối liền phương Đông và phương Tây. Hạt tiêu, đinh hương, quế và hạt nhục đậu khấu đều là những mặt hàng được săn lùng ráo riết ở châu Âu, nhưng trước thế kỷ 15, các thương nhân Bắc Phi và Ả Rập đã kiểm soát việc tiếp cận thương mại với phương Đông khiến những loại gia vị này trở nên cực kỳ đắt đỏ và khan hiếm.

Từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 17, công nghệ định vị mới đã giúp việc đi thuyền qua những quãng đường dài từ châu Âu trở nên khả thi. Người châu Âu đã ra biển để thiết lập mối quan hệ thương mại trực tiếp với Indonesia, Trung Quốc và Nhật Bản. Một số người cho rằng việc buôn bán gia vị đã thúc đẩy sự phát triển của các loại tàu, quá trình thuộc địa hóa và thúc đẩy các mối quan hệ ngoại giao mới giữa Đông và Tây.

Người Bồ Đào Nha, Hà Lan và Anh được hưởng lợi rất nhiều từ việc kiểm soát việc buôn bán gia vị ở Indonesia, đặc biệt khu vực Malaku (còn được gọi là Moluccas hoặc Quần đảo Gia vị) là nguồn cung cấp nhục đậu khấu và đinh hương duy nhất vào thời điểm đó. Sau khi chiến tranh đã xảy ra, đất đai bị chiếm làm thuộc địa và tiền bạc kiếm được từ việc buôn bán gia vị khiến tuyến đường thương mại này trở thành một trong những tuyến đường thương mại có ý nghĩa nhất thế giới lúc đó.

3. Con đường hương liệu

Các tuyến đường giao thương cổ xưa đã góp phần xây dựng và định hình lịch sử của nhân loại (Ảnh: Internet)
Các tuyến đường giao thương cổ xưa đã góp phần xây dựng và định hình lịch sử của nhân loại (Ảnh: Internet)

Tuyến đường hương liệu được phát triển để vận chuyển trầm hương và mộc dược – thứ chỉ có ở cuối phía nam bán đảo Ả Rập (Yemen và Oman ngày nay). Trầm hương và mộc dược có thể được dùng làm nước hoa và rất phổ biến trong việc ướp xác. Sau khi những người du mục Ả Rập thuần hóa lạc đà vào khoảng năm 1000 trước công nguyên, các thương nhân bắt đầu vận chuyển hương liệu đến Địa Trung Hải. Trầm hương và mộc dược trở thành một mặt hàng quan trọng đối với người La Mã, Hy Lạp và Ai Cập.

Ở thời kỳ đỉnh cao, mỗi năm có tới ​​3000 tấn hương liệu được buôn bán theo con đường này. Nhà sử học La Mã Pliny the Elder đã viết rằng phải mất 62 ngày để hoàn thành chuyến đi, đôi khi tuyến đường còn thay đổi khi các “chốt” đòi thuế quá cao. Đến thế kỷ 1, tuyến đường này dần bị bỏ đi sau khi tàu thuyền được cải tiến.

4. Con đường hổ phách

Các tuyến đường giao thương cổ xưa đã góp phần xây dựng và định hình lịch sử của nhân loại (Ảnh: Internet)
Các tuyến đường giao thương cổ xưa đã góp phần xây dựng và định hình lịch sử của nhân loại (Ảnh: Internet)

Hổ phách đã được buôn bán từ khoảng năm 3000 trước công nguyên từ vùng biển Baltic tới tận Ai Cập. Người La Mã – dùng hổ phách cho cả mục đích trang trí và làm thuốc – đã phát triển con đường hổ phách nối các quốc gia vùng Baltic với phần còn lại của Châu Âu.

Trong các cuộc thập tự chinh vào thế kỷ 12 và 13, vùng Baltic đã trở thành nguồn thu nhập quan trọng của các Hiệp sĩ Teutonic – những người được trao quyền kiểm soát khu vực sản xuất hổ phách. Các hiệp sĩ đã đàn áp đối thủ người Phổ của họ một cách tàn bạo và xử tử bất cứ ai cố gắng thu hoạch hoặc bán hổ phách. Ngày nay, bạn có thể tìm thấy dấu vết của con đường này ở Ba Lan, nơi một trong những tuyến đường chính được gọi là Xa lộ Hổ phách.

5. Con đường trà ngựa

Các tuyến đường giao thương cổ xưa đã góp phần xây dựng và định hình lịch sử của nhân loại (Ảnh: Internet)
Các tuyến đường giao thương cổ xưa đã góp phần xây dựng và định hình lịch sử của nhân loại (Ảnh: Internet)

Con đường cổ xưa này dài hơn 6000 dặm, xuyên qua dãy núi Hengduan – khu vực sản xuất trà lớn ở Trung Quốc – đến Tây Tạng và Ấn Độ. Con đường đi qua nhiều con sông, khiến nó trở thành một trong những tuyến đường thương mại cổ xưa nguy hiểm nhất.

Hàng hóa chính trên tuyến đường này là trà Trung Quốc và ngựa chiến Tây Tạng, các thương nhân thường đổi trực tiếp trà lấy ngựa hoặc ngược lại. Tuyến đường được sử dụng từng phần từ khoảng năm 1600 trước công nguyên, toàn bộ con đường chỉ đi vào hoạt động từ khoảng thế kỷ thứ 7 và hoạt động buôn bán quy mô lớn bắt đầu diễn ra từ triều đại nhà Tống (960–1279).

Nghiên cứu cho thấy rằng trong khoảng năm 960–1127, khoảng 20.000 con ngựa chiến Tây Tạng đã được buôn bán dọc tuyến đường hàng năm để đổi lấy 8000 tấn trà. Khi các tuyến đường biển trở nên phổ biến hơn, tầm quan trọng của con đường giảm đi. Trong thế chiến thứ hai, nó một lần nữa trở nên quan trọng khi quân đội Nhật Bản phong tỏa nhiều cảng biển và con đường trà ngựa trở thành tuyến đường chính để vận chuyển hàng hóa giữa nội địa Trung Quốc và Ấn Độ.

6. Con đường muối

Muối là một mặt hàng khan hiếm vào thời cổ đại, vì vậy các tuyến đường nối những khu vực giàu khoáng sản này với các khu định cư khác cũng trở nên cực kì quan trọng.

Một trong những tuyến đường nổi tiếng nhất là con đường muối chạy từ Ostia, gần Rome, băng qua Ý đến bờ biển Adriatic. Một tuyến đường muối quan trọng khác xuyên châu Âu là đường muối cũ chạy dài 62 dặm từ Lüneburg ở miền bắc nước Đức – một trong những nguồn muối dồi dào nhất ở Bắc Âu – đến Lübeck trên bờ biển phía bắc nước Đức. Trong thời Trung Cổ, tuyến đường này cung cấp muối cho các đội tàu đánh cá rời Đức đến Scandinavia và kéo dài khoảng 20 ngày để hoàn thành một lần đi. Nhiều thị trấn ven đường đã trở nên giàu có nhờ đánh thuế các toa xe đi qua.

7. Tuyến đường thương mại xuyên Sahara

Các tuyến đường giao thương cổ xưa đã góp phần xây dựng và định hình lịch sử của nhân loại (Ảnh: Internet)
Các tuyến đường giao thương cổ xưa đã góp phần xây dựng và định hình lịch sử của nhân loại (Ảnh: Internet)

Tuyến đường thương mại xuyên Sahara từ Bắc Phi đến Tây Phi được tạo thành từ nhiều tuyến đường nhỏ, tạo ra một liên kết thương mại đan xen xuyên suốt vùng sa mạc rộng lớn. Những tuyến đường thương mại này xuất hiện lần đầu vào thế kỷ thứ 4. Đến thế kỷ 11, các đoàn lữ hành hơn một nghìn con lạc đà sẽ chở hàng hóa bao gồm vàng, muối, vải, nô lệ, lông đà điểu và súng của người châu Âu qua sa mạc Sahara.

Con đường thương mại này là công cụ truyền bá đạo Hồi từ người Berber ở Bắc Phi đến Tây Phi, và cùng với đạo Hồi là kiến ​​thức và ngôn ngữ Ả Rập. Tuyến đường thương mại xuyên Sahara cũng thúc đẩy sự phát triển của hệ thống tiền tệ và chính phủ. Đến thế kỷ 16, khi người châu Âu bắt đầu nhìn thấy giá trị của hàng hóa châu Phi, các tuyến thương mại xuyên Sahara bị lu mờ bởi tuyến đường xuyên Đại Tây Dương do châu Âu kiểm soát – bớt nguy hiểm hơn nên hấp dẫn hơn.

8. Con đường thiếc

Các tuyến đường giao thương cổ xưa đã góp phần xây dựng và định hình lịch sử của nhân loại (Ảnh: Internet)
Các tuyến đường giao thương cổ xưa đã góp phần xây dựng và định hình lịch sử của nhân loại (Ảnh: Internet)

Từ thời đại đồ đồng đến thời đại đồ sắt, con đường thiếc vẫn luôn là tuyến đường huyết mạch giúp các khu định cư có được nguyên liệu quan trọng để chế tạo kim loại. Đồng phải được nấu với thiếc để tạo ra đồng thau – một kĩ thuật xuất hiện ở vùng Cận Đông vào khoảng năm 2800 trước công nguyên – kim loại bền hơn, tốt hơn loại được sử dụng trước đây. Công nghệ mới này đã tạo ra nhu cầu về thiếc, và vì nó không được tìm thấy ở nhiều nơi nên nguồn tài nguyên này đã trở thành một mặt hàng quan trọng trong thương mại.

Con đường thiếc phát triển mạnh mẽ vào thiên niên kỷ thứ 1 trước công nguyên. Nó trải dài từ các mỏ thiếc ở Cornwall ở cực tây nam nước Anh, qua biển đến Pháp, rồi về phía đông nam đến Hy Lạp và xa hơn nữa. Các nhà sử học tin rằng việc buôn bán diễn ra theo cả hai hướng vì trên tuyến đường này có cả các hiện vật kỳ lạ như san hô và vàng. Hồ sơ khảo cổ học cho thấy công nghệ và nghệ thuật đã đi theo con đường thiếc từ Bắc Âu đến Địa Trung Hải để tạo ra một mối liên kết quan trọng xuyên khắp châu Âu.

Bạn có thể đọc thêm:

Xem thêm

10 sự thật không phải ai cũng biết về Thời kì Khai Sáng

Bạn biết gì về Thời kì Khai Sáng tại châu Âu thế kỉ 17-18? Nếu còn mông lung, hãy cùng BlogAnChoi tìm hiểu 10 thông tin rất cơ bản nhưng không phải ai cũng biết về thời kì này nhé.
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
1 Bình luận
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận