Trong những chuyến du lịch đường xa, nhiều người có thói quen đem theo một hoặc vài quyển sách để “ngấu nghiến” nhằm giết thời gian rảnh rỗi khi ngồi trên xe. Nhưng thực tế cho thấy, không phải ai cũng có khả năng thưởng thức những con chữ và đắm chìm vào thế giới đầy mơ mộng trong sách khi ngồi trên xe, cũng chỉ bởi vì… họ say xe. Nhưng tại sao chúng ta lại say xe và đọc sách thì có liên quan gì đến việc chúng ta bị say xe? Hãy cùng tìm hiểu nhé.

Say xe hẳn là một hiện tượng không thể nào phiền toái hơn trong những chuyến đi vì chúng sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, mất sức, đau bụng, đau đầu và tệ hơn nữa là…bốc mùi (vì có thể xui xẻo thay bạn sẽ “ọe” ngay lên quần áo của mình.)

Nôn hoạt hình
“Oẹ ọe” khi đi xe là chuyện cực kỳ phiền phức! (Nguồn: Internet)

Trong quyển sách của mình – Idiot Brain: What Your Head Is Really Up To (tạm dịch: Bộ não ngu ngốc: Não bạn thật ra đang làm gì), tác giả và cũng là nhà thần kinh học Dean Burnett đã nói rằng não của chúng ta không thật sự là một “tạo vật” hoàn hảo như nhiều người vẫn tưởng, thật ra nó có hàng tá lỗ hổng và việc khiến chúng ta bị say xe chính là một phần lỗi của bộ não “ngu ngốc” đấy!

Đọc sách trên tàu
(Nguồn: Internet)

Về cơ bản, khi chúng ta ngồi trên xe, tức là dịch chuyển một cách gián tiếp thông qua các phương tiện di chuyển, cơ thể nhận thức rằng nó đang ngồi im một chỗ, mắt thì quan sát các khoảng cách đã đi qua và sắp đi tới, và một thứ nữa có thể bạn không biết, đó chính là bộ máy thăng bằng ở tai trong của bạn, hay còn gọi với cái tên quen thuộc hơn là “tiền đình”, sẽ luôn luôn hoạt động để bạn một cách vô thức nhận biết được việc di chuyển của cơ thể.

Ở trong tiền đình có chứa những chất dịch lỏng, và chính sự chuyển động của chất dịch này sẽ khiến bạn định hướng được chuyển động của cơ thể. Nếu bộ phận tiền đình của bạn bị hỏng, ngay cả khi bị lộn ngược lại bạn có thể sẽ không cảm nhận được đấy! Và đây cũng chính là một bộ phận góp phần vào việc bạn có dễ bị say xe hay không.

Cảnh nhìn từ trong xe
Cảnh bên ngoài nhìn từ trong xe (Nguồn: Internet)

Khi bạn ở trong một chiếc xe, nếu bạn đọc sách, cơ thể bạn được giữ im một chỗ, mắt bạn dán vào quyển sách trong khi tiền đình vẫn nhận thức là bạn đang “bị” di chuyển. Đây chính là nguyên nhân khiến cho não bộ bị bối rối vì những thông tin mâu thuẫn với nhau được truyền tới từ các giác quan trên cơ thể, mắt và tiền đình.

Trong khi tiền đình là bộ phận giúp cơ thể hiểu được nó đang di chuyển như thế nào thì mắt lại truyền đến tín hiệu khác, cơ thể cũng vậy. Và như lẽ tất nhiên, bộ não “ngốc xít” của chúng ta sẽ cho rằng nó đang bị “đầu độc”! Sau đó, nó sẽ truyền tín hiệu này tới toàn bộ cơ thể và khiến chúng ta thấy buồn nôn.

Du lịch
(Nguồn: Internet)

So sánh với việc nếu bạn không đọc sách mà nhìn ra bên ngoài, mắt bạn sẽ quan sát được cảnh vật và truyền tín hiệu đến não rằng bạn đang di chuyển, tiền đình cũng truyền đến tín hiệu tương tự dù cơ thể lại ở im một chỗ, thì khi đó não sẽ hiểu rằng: “Ồ, mình đang di chuyển” vì có đến hai bộ phận “đáng tin cậy” cho nó biết điều đó.

Tàu lửa
Cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp bên ngoài tàu lửa. (Nguồn: Internet)

Thế nên, việc đọc sách khi ngồi tàu xe không hẳn là một việc lý tưởng để làm khi bạn muốn giết thời gian trên xe đâu nhé. Thay vào đó, hãy thử lia mắt ra ngoài và quan sát cảnh vật của những nơi mà bạn đã và sẽ đi qua, vì biết đâu bạn sẽ bắt gặp được khung cảnh thiên nhiên vô cùng tuyệt vời mà không quyển sách nào có thể làm bạn cảm nhận được đâu!

Xem thêm

Cách tạo mã pin Messenger Facebook: Bật tắt tính năng mã hóa đầu cuối

Facebook chính thức triển khai mã hóa đầu cuối trên Messenger, yêu cầu bắt buộc tạo mã pin Messenger để xem được tin nhắn. Cùng tìm hiểu cách tạo mã pin và cách bật tắt tính năng mã hóa đầu cuối Messenger Facebook dưới đây nhé.
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận