Hải Phòng là một thành phố cảng nên hiển nhiên những món ăn đặc sản nơi đây thường liên quan đến biển: nem cua bể, bánh đa cua, các loại ốc,… Thế nhưng Hải Phòng còn phổ biến một món ăn vặt khác mà hầu như người dân nào nơi đây cũng đều rất thích, đặc biệt là giới trẻ: sủi dìn.

Sủi dìn là món ăn có gốc từ những người Hoa ở Hải Phòng, cái tên cũng cho chúng ta biết được phần nào điều đó và cũng vì vậy người ta còn gọi sủi dìn là bánh trôi tàu. Sủi dìn rất được người dân nơi đây yêu thích và có thể được tìm thấy ở hầu hết khắp các con ngõ, đường phố của thành phố cảng và những hàng quán bán sủi dìn luôn tấp nập thực khách đến thưởng thức.

sủi dìn hải phòng 4
Ảnh: internet

Mặc dù là một món ăn gốc Hoa nhưng nguyên liệu để làm sủi dìn rất đơn giản và quen thuộc với chúng ta, có chút tương tự với bánh trôi nước. Chúng bao gồm bột nếp, vừng đen, dừa nạo, gừng tươi, đường thốt nốt hoặc mật mía. Tuy nhiên tất cả phải được lựa chọn kỹ càng để có thể nấu được những chén sủi dìn thực sự ngon.

Để có được lớp vỏ bánh mềm, dẻo và trắng, gạo để làm bột phải chọn loại nếp thơm, hạt mẩm và điều, có nơi kỹ lưỡng còn đặt trực tiếp từ nơi trồng. Gạo trước khi được xay thành bột còn phải trải qua một loạt công đoạn. Trước tiên gạo được phơi cho già hạt để bột bánh thành phẩm sẽ nở đều, dai và thơm hơn khi nấu. Sau đó tiếp tục được đem đi ngâm nước muối khoảng một ngày, thay nước đều đặn để tránh bị chua. Sau đó thêm các công đoạn xay rồi để lắng, hút ẩm nữa thì mới có được bột để nặn bánh.

sủi dìn hải phòng 2
Những chén sủi dìn nhỏ nhắn thế này có thể được thưởng thức trên khắp các con phố của thành phố Hải Phòng (ảnh: internet)

Vỏ bánh đã kỳ công như thế, nhân bánh cũng đòi hỏi khá nhiều công sức dù chỉ đơn giản bao gồm vừng đen, lạc rang giã nhuyễn và cùi dừa nạo. Tất cả được đun cùng một lượng nước vừa phải theo tỉ lệ để tiết chế vị bùi và béo ngậy của nguyên liệu. Hỗn hợp nhân được nấu đến khi có mùi thơm là đạt yêu cầu và được vớt ra để nhồi vào bánh.

Những viên bánh sủi dìn phải được nặn thật khéo sao cho lớp vỏ chỉ vừa đủ mỏng để không gây ngán nhưng cũng không bị vỡ nát ra khi cho vào nồi nấu hay để lộ nhân ra ngoài. Những viên sủi dìn khi được nặn xong sẽ được cho vào nồi nước đang sôi và chỉ nấu trong chừng 5 đến 7 phút. Lúc đó, những viên bánh vừa nổi lên là có thể vớt ra chén với nước dùng.

sủi dìn hải phòng 3
Sủi dìn biến tấu ăn kèm với giò cháo quẩy rất đậm phong cách của người Hoa (ảnh: internet)

Ăn sủi dìn không thể nào không phục vụ trong những chén nước dùng có hương vị rất đặc trưng và thoang thoảng mùi thơm nồng của gừng tươi. Nước dùng của sủi dìn có màu vàng nâu óng ánh có chút tương tự như nước dùng bánh trôi nước nhưng nhạt hơn và thành phần rất đơn giản, chỉ gồm nước sạch nấu với gừng tươi giã nhỏ và thốt nốt hoặc mật mía tạo vị ngọt tự nhiên.

Món bánh dân dã này tuy rất quen thuộc với người dân thành phố hoa phượng đỏ nhưng lại rất xa lạ với đa số thực khách lạ mới đến Hải Phòng. Nhưng cho dù nó có trở nên quen thuộc hay không thì cả người dân địa phương lẫn du khách phương xa đều cảm thấy bị cuốn hút bởi mùi hương thơm nồng và vị ngon đặc trưng của thứ bánh đặc biệt này. Có thể đây không phải là món ăn ưu tiên của bạn khi đến Hải Phòng nhưng cũng đừng nên bỏ qua cơ hội thưởng thức món ăn vặt đường phố hấp dẫn này nhé.

Xem thêm

Cách làm bí đỏ nhân trứng nước cốt dừa thơm ngon, mới lạ cho ngày mưa se lạnh

Bí đỏ vốn là một nguyên liệu hết sức gần gũi nhưng không phải ai cũng biết đến món bí đỏ nhân trứng nước cốt dừa thơm ngon, lạ miệng. Và nếu bạn đang không biết nên chuẩn bị món ăn bổ dưỡng nào cho cả gia đình thì hãy đừng bỏ lỡ cách làm bí đỏ nhân trứng ...
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận