Mọi người thường dựa vào trễ kinh để nghi ngờ có thai, nhưng thực ra ngay cả trước khi trễ kinh thì cơ thể đã có những dấu hiệu gợi ý mang thai. Những dấu hiệu nhận biết có thai sớm này có thể giúp bạn lên kế hoạch thử thai chính xác hơn và chăm sóc sức khỏe của bản thân cho một thai kỳ khỏe mạnh.

Hormone thay đổi làm xuất hiện các triệu chứng mang thai sớm

Phôi thai có kích thước rất nhỏ, thậm chí chưa tới 1 cm trong 2 tháng đầu của thai kỳ, nhưng nó lại gây ra những thay đổi rất lớn trong cơ thể người phụ nữ ngay từ giai đoạn sớm. Điều này chủ yếu là do sự thay đổi các hormone quan trọng khi bắt đầu mang thai, bao gồm estrogen, progesterone và hCG. Nồng độ của những hormone này tăng lên nhanh khi bắt đầu mang thai.

Ngay từ giai đoạn rất sớm đã có sự thay đổi hormone (Nguồn: Internet)
Ngay từ giai đoạn rất sớm đã có sự thay đổi hormone (Nguồn: Internet)

Khi nào nên sử dụng que thử thai tại nhà?

Tất nhiên cách chính xác nhất để biết có thai hay không tại nhà là dùng que thử thai. Phương pháp này đo nồng độ hormone hCG trong nước tiểu của người phụ nữ và thường cho kết quả chính xác rất sớm, khoảng từ 2 ngày trước kỳ kinh dự kiến (đó là thời điểm có thể đã mang thai được 4 tuần).

Đối với những phụ nữ có kinh nguyệt không đều sẽ khó xác định được thời điểm xét nghiệm hơn. Nếu kết quả âm tính, hãy làm lại một lần nữa vào sáng hôm sau khi mới thức dậy đi vệ sinh, đó là lúc nồng độ hCG trong nước tiểu cao nhất. Nếu kết quả vẫn âm tính và vẫn chưa có kinh thì vài ngày sau hãy kiểm tra lại lần nữa.

Bạn có thể mua que thử thai tại đây

Que thử thai có thể phát hiện có thai từ rất sớm (Nguồn: Internet)
Que thử thai có thể phát hiện có thai từ rất sớm (Nguồn: Internet)

Trước khi dùng que thử thai, nhiều chị em phụ nữ thường dựa vào các triệu chứng khác của cơ thể mình để phát hiện có thai hay không. Điều quan trọng cần lưu ý là các triệu chứng sẽ khác nhau tùy mỗi người, có người thấy nhiều dấu hiệu nhưng có người chỉ thấy ít hoặc thậm chí không có dấu hiệu gì. Nhiều triệu chứng trong số đó cũng có thể do các nguyên nhân khác gây ra.

Dưới đây là 10 dấu hiệu phổ biến có thể gợi ý mang thai, bạn nên chú ý phát hiện sớm.

Dấu hiệu thường gặp để nhận biết có thai từ sớm

1. Chảy máu một lượng ít, không đúng kỳ kinh

Nếu bị ra máu nhẹ hoặc lấm tấm vài giọt, nhiều phụ nữ có thể cho rằng đó là dấu hiệu sắp có kinh, nhưng có thể đó là dấu hiệu cho thấy trứng được thụ tinh đã làm tổ trong tử cung hoặc chảy máu do các thay đổi hormone trong thời kỳ đầu mang thai. Khoảng ¼ số phụ nữ mang thai có phát hiện dấu hiệu này, theo các nhà nghiên cứu cho biết trên tạp chí American Family Physician.

Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), hiện tượng ra máu thường bắt đầu khoảng 6 đến 12 ngày sau khi thụ thai. Tình trạng này có thể kéo dài chỉ vài ngày hoặc tới vài tuần, thậm chí suốt 3 tháng đầu của thai kỳ, máu có thể đỏ sẫm như màu nâu hoặc có lẫn vài giọt máu nhỏ màu đỏ tươi.

2. Đi tiểu thường xuyên hơn

Nhiều người cho rằng tình trạng đi tiểu thường xuyên chỉ xảy ra ở giai đoạn sau của thai kỳ, khi thai to đè lên bàng quang. Nhưng thực ra đây cũng là một triệu chứng thường gặp trong vài tuần đầu tiên. Đó là vì hormone hCG làm tăng lưu lượng máu đến vùng chậu của người phụ nữ và làm tăng lượng nước tiểu nhiều hơn.

Đi tiểu thường xuyên là dấu hiệu thường gặp khi có thai (Nguồn: Internet)
Đi tiểu thường xuyên là dấu hiệu thường gặp khi có thai (Nguồn: Internet)

Tuy nhiên cần lưu ý nếu đi tiểu nhiều kèm theo đau hoặc nước tiểu có màu đục thì có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiểu và cần đến gặp bác sĩ để kiểm tra kỹ hơn.

3. Cảm thấy mệt mỏi, uể oải

Ngay từ khoảng 1 tuần sau khi thụ thai, người phụ nữ có thể cảm thấy cực kỳ mệt mỏi. Nguyên nhân là do sự thay đổi hormone cũng như thay đổi của cơ thể sẵn sàng cho nhiệm vụ nuôi dưỡng thai. Máu được bơm đến thai nhiều hơn để cung cấp chất dinh dưỡng và các hormone bắt đầu tăng vọt – tất cả đều có thể khiến cơ thể cảm thấy mệt mỏi.

Mệt mỏi có thể là dấu hiệu có thai sớm (Nguồn: Internet)
Mệt mỏi có thể là dấu hiệu có thai sớm (Nguồn: Internet)

Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi thì hãy nghỉ ngơi thoải mái, thậm chí ngủ một giấc ngắn vào ban ngày kể cả khi bạn vốn không có thói quen ngủ trưa.

4. Ngực bị căng tức và nhạy cảm

Căng tức ngực là một trong những dấu hiệu mang thai sớm nhất và thường gặp nhất, do sự thay đổi nội tiết tố tác động đến các ống dẫn sữa ở ngực để chuẩn bị cho con bú.

Ngực có thể cảm thấy đau giống như trước khi bước vào kỳ kinh nguyệt, ngoài ra có thể kèm theo những dấu hiệu khác như núm vú sẫm màu và to hơn, một số người phải tăng cỡ áo ngực vì ngực to ra.

5. Buồn nôn và nôn

Nhiều người cho rằng triệu chứng ốm nghén như buồn nôn thường xảy ra vào buổi sáng khi mới thức dậy, nhưng thực ra buồn nôn và nôn có thể xuất hiện bất cứ lúc nào trong ngày. Theo NIH, cảm giác này thường bắt đầu xuất hiện từ 2 đến 8 tuần sau khi thụ thai và hầu hết đều giảm bớt sau 3 tháng đầu, nhưng một số trường hợp cũng có thể kéo dài hết thai kỳ.

Ốm nghén có biểu hiện là buồn nôn (Nguồn: Internet)
Ốm nghén có biểu hiện là buồn nôn (Nguồn: Internet)

Một số cách để giảm bớt ốm nghén là chọn giờ ăn hợp lý và tránh những thực phẩm đặc biệt dễ gây buồn nôn. Một số trường hợp nghiêm trọng khiến cơ thể cảm thấy khó chịu kéo dài tới vài giờ mỗi ngày và thường xuyên nôn ói, nhưng chỉ xuất hiện ở khoảng 3% phụ nữ mang thai và đôi khi cần phải nhập viện để truyền dịch bù lại.

6. Thèm ăn hoặc chán ăn một số loại thực phẩm nhất định

Cảm giác thèm ăn thường xuyên xảy ra khi mang thai, hoặc ngược lại là cảm giác không thích một món ăn mà chính mình đã từng yêu thích trước đây.

Một số chuyên gia cho rằng triệu chứng này xảy ra ở hơn một nửa số trường hợp mang thai. Cảm giác thèm ăn thường bắt đầu trong 3 tháng đầu tiên, và món mà phụ nữ thường thích nhất chủ yếu là đồ ngọt như trái cây, nước trái cây, sữa, bánh và sôcôla. Một số ít phụ nữ lại thích ăn đồ mặn hơn.

Thèm ăn khi mang thai là dấu hiệu rất thường gặp (Nguồn: Internet)
Thèm ăn khi mang thai là dấu hiệu rất thường gặp (Nguồn: Internet)

Hiện vẫn chưa rõ tại sao lại có hiện tượng thèm ăn này, một số người cho rằng đó là do thay đổi hormone có thể làm thay đổi vị giác và khứu giác, ý kiến khác cho rằng đó là do nhu cầu cơ thể cần nạp dinh dưỡng cho thai nhi, hoặc do các yếu tố môi trường khác ảnh hưởng.

7. Đau đầu

Theo tổ chức phi lợi nhuận March of Dimes, đau đầu thường xảy ra trong 3 tháng đầu của thai kỳ do căng thẳng, thiếu ngủ hoặc các nguyên nhân khác.

Tất nhiên, đau đầu có thể do nhiều nguyên nhân khác ngoài mang thai như cảm cúm hay viêm xoang, vì vậy tốt nhất là nên kết hợp với các triệu chứng khác của mang thai để gợi ý đã có thai hay chưa.

Đau đầu có thể do các nguyên nhân khác (Nguồn: Internet)
Đau đầu có thể do các nguyên nhân khác (Nguồn: Internet)

Nếu bạn bị đau đầu xuất hiện sớm trong thai kỳ thì nên uống nhiều nước, ngủ đủ giấc vào ban đêm, thực hiện các kỹ thuật giảm căng thẳng như yoga, hít thở sâu và tránh các nguyên nhân gây căng thẳng như mỏi mắt hoặc một số loại thực phẩm nhất định.

8. Đau quặn ở bụng hoặc vùng chậu

Cảm giác co thắt nhẹ ở vùng chậu, lưng dưới hoặc bụng thường xảy ra sớm trong thai kỳ, do hiện tượng phôi thai bám vào tử cung để làm tổ. Cảm giác thường là khó chịu hơn là đau dữ dội.

Nếu bị co thắt hoặc đau dữ dội chủ yếu ở một bên của cơ thể thì có thể là dấu hiệu của thai ngoài tử cung hoặc các biến chứng khác rất nguy hiểm, trong trường hợp này phải đến gặp bác sĩ ngay để thăm khám kỹ hơn.

Phải cảnh giác với triệu chứng đau bụng (Nguồn: Internet)
Phải cảnh giác với triệu chứng đau bụng (Nguồn: Internet)

9. Nhiệt độ cơ thể hơi tăng cao khi mới ngủ dậy

Sự dao động nhiệt độ cơ thể trong chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ là cực kỳ nhỏ, vào thời điểm rụng trứng nhiệt độ cơ thể khi nghỉ ngơi thường chỉ tăng khoảng 0,3 độ C. Do đó nếu muốn dựa vào nhiệt độ cơ thể để phát hiện có thai sớm, bạn phải đo nhiệt độ mỗi ngày.

Thân nhiệt hơi tăng cao vào thời điểm rụng trứng (Nguồn: Internet)
Thân nhiệt hơi tăng cao vào thời điểm rụng trứng (Nguồn: Internet)

Không có mức nhiệt độ cụ thể nào cho thấy có thai sớm, nhưng thân nhiệt lúc nghỉ ngơi sẽ tăng cao nhất trong thời kỳ rụng trứng và sau đó giảm sớm nếu trứng không được thụ tinh. Theo các chuyên gia, nếu nhiệt độ cơ thể lúc nghỉ tăng cao và duy trì trong khoảng 18 ngày tiếp theo thì có thể là dấu hiệu gợi ý mang thai.

Để theo dõi nhiệt độ hằng ngày, bạn hãy để nhiệt kế ngay trên tủ đầu giường vì phải đo vào mỗi buổi sáng khi mới ngủ dậy và chưa ra khỏi giường, tốt nhất là vào cùng một thời điểm cố định. Bạn nên ghi lại nhiệt độ trên giấy hoặc dùng các app trên điện thoại để tiện theo dõi.

10. Tính khí thất thường

Tâm trạng thay đổi thất thường khi có thai (Nguồn: Internet)
Tâm trạng thay đổi thất thường khi có thai (Nguồn: Internet)

Vào khoảng giữa tuần thứ 6 và tuần thứ 10 của thai kỳ, người phụ nữ có thể cảm thấy tâm trạng của mình thay đổi. Điều này thường gặp trong giai đoạn đầu khi mang thai, đặc biệt là trong 3 tháng đầu. Thay đổi tâm trạng là do thay đổi hormone có thể ảnh hưởng tới các chất hóa học trong não có vai trò điều chỉnh tâm trạng. Sự mệt mỏi và căng thẳng về thể chất do mang thai cũng có thể góp phần gây ra hiện tượng này.

Thay đổi tâm trạng khi mang thai thường không đáng lo ngại, nhưng nếu bạn rơi vào trạng thái trầm cảm hoặc nảy sinh ý nghĩ tiêu cực, tự làm hại bản thân thì phải đến gặp bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để được tư vấn giúp đỡ.

Trên đây là những dấu hiệu phát hiện mang thai sớm, bạn hãy chú ý để nhân biết và chăm sóc bản thân nhé!

Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:

Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!

Xem thêm

10 dấu hiệu trầm cảm sau sinh: Thang đo mức độ trầm cảm giúp bạn tự đánh giá

Trầm cảm sau sinh là một vấn đề đáng quan tâm và tìm hiểu ngay cả trước khi bạn mang bầu và sinh con. Cùng tham khảo các dấu hiệu của trầm cảm sau sinh, thang điểm tự đánh giá để bạn biết mình đang ở giai đoạn nào và có phương pháp điều chỉnh hợp lý nhé.
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận