Thiếu sắt là vấn đề sức khỏe khá phổ biến. Vì khoáng chất này đóng vai trò quan trọng trong việc tạo máu, do đó, thiếu sắt có thể gây thiếu máu và nhiều vấn đề khác cho cơ thể. Trên thực tế, có nhiều dấu hiệu để bạn nhận biết cơ thể đang thiếu sắt để có thể thăm khám và bổ sung kịp thời. Dưới đây là 12 dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn có thể bị thiếu sắt!
- 1. Mệt mỏi dai dẳng
- 2. Khó thở
- 3. Da nhợt nhạt, xanh xao
- 4. Đau đầu thường xuyên
- 5. Chóng mặt và choáng váng
- 6. Đánh trống ngực (Tim đập nhanh)
- 7. Tay chân lạnh
- 8. Thèm ăn bất thường (Pica)
- 9. Hội chứng chân không yên
- 10. Da và tóc khô, móng tay giòn
- 11. Viêm lưỡi (Lưỡi sưng)
- 12. Nhiễm trùng thường xuyên
1. Mệt mỏi dai dẳng
Mệt mỏi là một trong những triệu chứng phổ biến của việc thiếu sắt trong cơ thể. Nguyên nhân là do nồng độ sắt thấp khiến cơ thể không sản xuất đủ hemoglobin, dẫn đến lượng oxy đến các cơ và mô của bạn cũng ít hơn bình thường, từ đó gây ra tình trạng mệt mỏi và suy nhược. Nếu bạn liên tục cảm thấy mệt mỏi ngay cả sau khi nghỉ ngơi đầy đủ, đừng quên kiểm tra nồng độ sắt của bạn.
2. Khó thở
Một dấu hiệu phổ biến khác của tình trạng thiếu sắt chính là khó thở. Như đã nói trước đó, khi cơ thể thiếu sắt, hemoglobin sẽ bị suy giảm, lượng oxy vì thế cũng sẽ bị thiếu hụt. Lúc này, cơ thể sẽ bù đắp bằng cách tăng nhịp thở để cung cấp oxy, gây ra cảm giác khó thở.
3. Da nhợt nhạt, xanh xao
Da xanh xao, nhợt nhạt là dấu hiệu thiếu sắt vô cùng phổ biến. Điều này là do lượng huyết sắc tố hemoglobin – nguyên nhân khiến máu có màu đỏ – không được sản xuất đủ do cơ thể thiếu sắt, từ đó khiến da mất màu hồng tự nhiên. Tình trạng da xanh xao, nhợt nhạt có thể xuất hiện bất kỳ đâu trên cơ thể, từ mặt, tay, chân, nướu răng hay móng tay,…
4. Đau đầu thường xuyên
Thiếu sắt có thể dẫn đến đau đầu tái phát và thậm chí là đau nửa đầu. Nguyên nhân là do thiếu sắt dẫn đến nồng độ hemoglobin trong các tế bào hồng cầu thấp, khiến chúng không cung cấp đủ oxy đến não. Điều này sẽ khiến các mạch máu trong não sưng lên, gây ra cơn đau đầu.
5. Chóng mặt và choáng váng
Thường xuyên hoa mắt, chóng mặt, choáng váng (đặc biệt là khi thay đổi tư thế một cách đột ngột) cũng là những biểu hiện thường thấy do thiếu sắt. Như đã trình bày trước đó, thiếu sắt có thể gây ra tình trạng thiếu máu lên não, khiến nồng độ oxy trong não thấp, từ đó gây ra các hiện tượng trên.
6. Đánh trống ngực (Tim đập nhanh)
Thiếu sắt khiến tim phải làm việc nhiều hơn bình thường để cung cấp đủ oxy đến các cơ quan trong cơ thể. Điều này có khả năng gây ra nhịp tim không đều hoặc đánh trống ngực. Theo thời gian, tình trạng này có thể làm tăng nguy cơ suy tim.
7. Tay chân lạnh
Lưu thông máu kém do lượng sắt thấp có thể khiến các chi của bạn luôn cảm thấy lạnh, ngay cả trong môi trường ấm áp.
8. Thèm ăn bất thường (Pica)
Cảm giác thèm ăn những thứ không phải thực phẩm như đá, phấn hoặc đất là một triệu chứng không quá phổ biến của tình trạng thiếu sắt. Các nhà khoa học tin rằng nó có thể liên quan đến cách cơ thể bạn báo hiệu tình trạng thiếu khoáng chất.
9. Hội chứng chân không yên
Trong một số trường hợp, thiếu sắt có thể dẫn đến hội chứng chân không yên – muốn vận động chân không kiểm soát được, đặc biệt là vào ban đêm. Các nghiên cứu cho thấy tình trạng thiếu sắt làm gián đoạn quá trình sản xuất dopamine, khiến các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn.
10. Da và tóc khô, móng tay giòn
Thiếu oxy do thiếu sắt có thể dẫn đến tóc khô, da bong tróc và khiến móng tay dễ gãy. Trường hợp thiếu máu nặng do thiếu sắc còn khiến tóc rụng nhiều, khiến móng tay giòn hoặc có hình thìa.
11. Viêm lưỡi (Lưỡi sưng)
Tình trạng viêm lưỡi hay lưỡi sưng khiến việc nói, ăn và nuốt trở nên khó khăn cũng có thể là dấu hiệu của việc thiếu sắt. Triệu chứng này thường đi kèm với các vết nứt ở khóe miệng. Nguyên nhân là do việc thiếu huyết sắc tố có thể làm giảm myoglobin – một protein trong các tế bào hồng cầu đóng vai trò quan trọng với cấu trúc mô cơ của lưỡi.
12. Nhiễm trùng thường xuyên
Sắt đóng vai trò không nhỏ trong hệ thống năng miễn dịch. Chính vì thế, khi thiếu sắt, cơ thể bạn sẽ không đủ khả năng chống lại các bệnh nhiễm trùng và nhiều tác nhân gây hại khác, dẫn đến dễ bệnh tật, đau ốm.
Bạn có thể xem các bài viết có liên quan tại đây:
- 8 lợi ích của bạch đậu khấu đối với sức khỏe: Bạn đã biết?
- Thực phẩm bổ sung collagen: Lợi ích và các tác dụng phụ
- 7 loại thực phẩm chống ký sinh trùng đường ruột mà bạn nên bổ sung vào chế độ ăn uống của mình
- 5 cách cải thiện sức khỏe đường ruột đơn giản và hiệu quả mà bạn có thể thực hiện ngay tại nhà
- 7 bước hàng ngày phòng ngừa cảm cúm ở trẻ trong thời điểm giao mùa
- 14 loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, giúp dưỡng da sáng mịn, rạng rỡ và tươi trẻ
Hãy để lại ý kiến của bạn để chúng ta cùng thảo luận và trao đổi nhé!