Đất Rừng Phương Nam – bom tấn điện ảnh Việt Nam tháng 10/2023 – đang là chủ đề được bàn tán rầm rộ khắp các trang mạng xã hội. Phim được lấy cảm hứng, kế thừa và phát triển từ tiểu thuyết văn học cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi xuất bản năm 1957. Bỏ qua những tranh cãi trái chiều thì phim vẫn có nhiều điểm sáng, đặc biệt là tình bạn giữa An và Út Lục Lâm.
- Đất Rừng Phương Nam bản điện ảnh đang vấp phải những tranh cãi gì?
- Cách đặt tên phim Đất Rừng Phương Nam gây dậy sóng
- Phim dùng nhiều chi tiết lịch sử, chính trị nhưng chưa khớp với lịch sử thực tế
- Xu hướng hùa theo đám đông, dìm hàng bằng mọi giá của một bộ phận cộng đồng mạng
- Tình bạn giữa An và Út Lục Lâm – “liều thuốc chữa lành” sau những tranh cãi không hồi kết của Đất Rừng Phương Nam
Đất Rừng Phương Nam bản điện ảnh đang vấp phải những tranh cãi gì?
Đất Rừng Phương Nam bản điện ảnh vẫn giữ cốt truyện xoay quanh hành trình phiêu lưu của cậu bé An để tìm cha của mình. Trên hành trình về với mảnh đất Nam Kì Lục Tỉnh, khán giả không khỏi xúc động khi mỗi bước chân của An thấm đẫm tình cảm gia đình, tình bạn, tình thầy trò, tình người và cao cả hơn hết là tình yêu đất nước.
Mấy ngày vừa qua, cộng động mạng đã dậy sóng về nhiều vấn đề xoay quanh bản phim này. Một số cao trào có thể kể đến như sau:
Cách đặt tên phim Đất Rừng Phương Nam gây dậy sóng
Đất Rừng Phương Nam vốn dĩ từ lâu đã được gắn liền với tên tuổi của cố nhà văn Đoàn Giỏi. Một cuốn tiểu thuyết văn học ghi dấu trong biết bao thế hệ, gắn liền với mảnh đất Nam Bộ một thời hào hùng, rực rỡ kháng chiến chống Pháp. Nếu ai đã đọc tiểu thuyết ấy chắc chắn không khỏi “wow” lên với tài năng của nhà văn khi đã phác họa nên một miền Nam sinh động và hoang sơ đến nhường nào.
Thế nhưng đến với Đất Rừng Phương Nam bản điện ảnh 2023, phim chưa truyền tải được hết nét hoang sơ, căng tràn nhựa sống của thiên nhiên, cảnh sắc Nam Bộ như trong sách. Nhiều khán giả cảm thấy khá hụt hẫng sau khi xem Đất Rừng Phương Nam bản điện ảnh vì bộ phim chưa chạm tới cái “hồn” và còn thiếu đi sự mộc mạc làm bối cảnh cho một câu chuyện về mảnh đất và con người Nam Bộ thời chiến.
Chưa kể hết, phim cũng chưa làm tới trong việc truyền cảm hứng lịch sử Việt Nam như trong tiểu thuyết. An lang bạt từ chỗ này tới chỗ khác nhưng chúng ta không thấy quá nhiều, thậm chí phải nói là ít những cảnh người dân sống cơ cực dưới sự áp bức của Pháp. Không có sự dẫn dắt tâm lý, cảm xúc đủ logic khiến người xem hơi hụt hẫng và chưa hiểu các “bang hội” đang thực sự đấu tranh vì điều gì, cũng không hiểu sao người dân lại ủng hộ các nhóm này. Cái kết phim cũng khá khiên cưỡng và thiếu hợp lý. Nhiều yếu tố cộng lại khiến nó ít nhiều gây hụt hẫng so với tiểu thuyết và bộ phim truyền hình Đất Rừng Phương Nam.
Vấn đề “mượn tên” một cuốn tiểu thuyết đã “thành danh” trong việc tạo nhiều dấu ấn về mảnh đất phương Nam, về lịch sử chiến đấu chống Pháp nhưng lại làm chưa tới, chưa sát là điều khiến phim gây tranh cãi.
Phim dùng nhiều chi tiết lịch sử, chính trị nhưng chưa khớp với lịch sử thực tế
Điển hình nhất có lẽ là việc ekip đã đưa “Nghĩa Hòa đoàn” và “Thiên Địa hội” vào trong phim, “thổi phồng” nó như những tổ chức yêu nước kháng Pháp, có công đuổi đánh Pháp, mặc dù trên thực tế lịch sử chưa ghi nhận điều này. Bối cảnh không gian thời gian trong phim cũng bị đẩy về những năm 1920-1930 so với trong tiểu thuyết là 1945. Hình ảnh thêm thắt như bé An thắp nhang quỳ bái sư ông Tiều để gia nhập Thiên Địa hội khi chỉ mới 10 tuổi cũng để lại nhiều tranh cãi.
Theo biên kịch Trần Khánh Hoàng đã chia sẻ, việc đẩy thời gian lùi về trước chủ đích là để bé An có thể lưu lạc qua nhiều nơi, nhiều môi trường, tiếp xúc nhiều nhóm nghĩa quân khác nhau. Và trong phim, không chỉ có “Nghĩa Hòa đoàn” hay “Thiên Địa hội” mà chúng ta cũng có thể thấy An đã gặp rất nhiều hội nhóm khác nhau trên hành trình tìm cha của mình. Mỗi cá nhân, tổ chức dù đường hướng khác nhau nhưng vẫn tựu trung một lý tưởng là lòng yêu nước, căm thù bọn cường hào ác bá. Việc nhắc nhiều về Thiên Địa Hội trong bản điện ảnh là để nâng cao vai trò của ông Tiều – người thầy, người “cha” đã cho An nhiều bài học. Việc bé An quỳ bái ông Tiều cũng thể hiện dụng ý của nhà làm phim là An đang trao đi toàn bộ tình cảm, lòng biết ơn cho người cưu mang mình – việc nên làm khi An đã được “cứu sống” trong thời khắc khó khăn nhất. Và chính ông Tiều cũng là người đã giúp đỡ An tìm lại cha của mình.
Tuy nhiên, lật ngược lại vấn đề, rõ ràng nếu ekip không dùng tên “Nghĩa Hòa đoàn” hay “Thiên địa hội” và thay thế bằng cái tên khác, nó vẫn không mất chất điện ảnh hay ảnh hưởng đến tinh thần, cốt truyện phim. Lịch sử chúng ta không ghi nhận việc “băng đảng” “Nghĩa Hòa đoàn” hay “Thiên Địa hội” là những tổ chức yêu nước, có công chống Pháp thì tại sao bộ phim lại “cố tình” gán ghép vào? Có rất nhiều hội kín (lên tới 70, 80 hội nhóm) tại sao nhất định lại chọn 2 cái tên này? Trong khi rõ ràng “Bình Xuyên” sát với lịch sử, lại còn xuất hiện trong tác phẩm của Đoàn Giỏi nhưng không sử dụng?
Và nếu giả sử đây là điều mà ekip “cố tình” đưa vào phim nhằm mục đích đẩy truyền thông, để khán giả tranh cãi thì tất nhiên phim phải chịu ý kiến trái chiều. Đây không khác gì con dao hai lưỡi cả. Trên thực tế thì đoàn phim đã quyết định đổi tên hai tổ chức từ “Nghĩa Hoà Đoàn” thành “Nam Hoà Đoàn” và “Thiên Địa Hội” thành “Chính Nghĩa Hội” khi phim khởi chiếu chính thức từ 20/10/2023.
Tính chất hoạt động thực tế của Thiên Địa Hội nửa chánh nửa tà như dữ liệu lịch sử cung cấp sẽ không thể tránh khỏi việc hướng người xem đến những diễn giải tiêu cực. Phim ảnh không nhất thiết phải tuyên truyền, giáo dục lịch sử như phim tài liệu lịch sử, nó nên đóng vai trò truyền cảm hứng cho người ta muốn tìm hiểu lịch sử sau khi xem xong phim thì hơn. Vậy nên giải pháp đổi tên tổ chức ở trên là hợp lý và phù hợp trong hoàn cảnh này.
Xu hướng hùa theo đám đông, dìm hàng bằng mọi giá của một bộ phận cộng đồng mạng
Không thể không bàn đến thái độ của một bộ phận cộng đồng mạng dưới cái mác “tôi là khán giả nên tôi có quyền tự do ngôn luận” đã hùa theo đám động, phán xét vô cớ dù…chưa xem phim.
Nhìn xa ra, không chỉ riêng gì bản điện ảnh Đất Rừng Phương Nam lần này mà còn nhiều tác phẩm điện ảnh Việt Nam khác mỗi khi ra mắt sẽ bị chê tới tấp theo kiểu “hội đồng”. Một số người còn bẻ lái dư luận, tuyên bố rằng phim đang “lật sử”, đang có chủ đích “loại bỏ” vai trò của Việt Minh trong lịch sử Việt Nam. Đọc hàng trăm bình luận trên Facebook, Youtube, các hội nhóm,…chắc chắn bạn sẽ dễ nhận ra có nhiều người đang rảnh rỗi không có gì làm và cào phím hùa theo số đông để chỉ trích phim.
Một số bình luận quá khích, mang tính chất dìm hàng từ cộng đồng mạng:
- “Lần này được chiếu, thì sẽ có lần sau. Và những bộ phim khác sẽ tẩy não thế hệ trẻ. Lịch sử sẽ ra sao trong tương lai.”
- “Bẻ công lịch sử. Lố bịch. Cấm chiếu cho lành.”
- “Xuyên tạc lịch sử z trời”
- “Lỡ thóc zô rồi nôn ra thì tiếc…múa máy được gì thì múa…”
- …
Phim có “sạn”, có lỗi vì điện ảnh Việt Nam vẫn đang loay hoay tìm cách “cất cánh” để vươn ra xa hơn với bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, việc mỗi bộ phim ra mắt không thật sự nhận được đánh giá công tâm, văn minh từ khán giả, vấp phải sự “thiếu mở lòng” từ triệu khán giả Việt Nam là điều vẫn đang tồn tại và có khả năng phải rất lâu nữa mới có thể khác đi.
Tình bạn giữa An và Út Lục Lâm – “liều thuốc chữa lành” sau những tranh cãi không hồi kết của Đất Rừng Phương Nam
Bỏ qua những chi tiết có phần sai lệch với lịch sử, nhìn nhận khách quan và tích cực hơn khi đón nhận một bộ phim điện ảnh thì có thể thấy, phim đã làm khá tốt về mặt cốt truyện, âm thanh và diễn xuất. Ấn tượng nhất chắc chắn không thể không nhắc tới những phân cảnh xuyên suốt phim lột tả tình bạn sâu sắc giữa An và Út Lục Lâm.
An và Út Lục Lâm là hai kẻ hoàn toàn xa lạ nhưng có một sợi dây kết nối vô hình đã khiến 2 người gắn bó với nhau như anh em ruột. Một tay trộm vặt như Út Lục Lâm hoàn toàn có thể bỏ mặc An khi mẹ An bị bắn, hắn không có nghĩa vụ phải cưu mang cậu bé khi chính hắn cũng không chắc có lo được cho bản thân. Thế nhưng, Út Lục Lâm đã không làm thế. Hắn quyết định không bỏ An một mình, hắn đồng hành cùng An trong suốt quá trình bé tìm cha. Út thương An như một đứa em, An thương Út như một người anh trai ruột. Giữa cuộc đời “đơn độc” và đầy hỗn loạn khi ấy, có 2 con người người xa lạ đã gặp nhau, quan tâm nhau và trở thành “gia đình” của nhau.
Vai diễn của Huỳnh Hạo Khang trong vai An khiến nhiều người phải thán phục vì một đứa bé chỉ 13 tuổi nhưng đã diễn rất tròn vai trong một nhân vật khó, nhiều diễn biến tâm lý. Nhất là phân cảnh đầy xúc động đầu phim, khi mẹ An (Hồng Ánh thủ vai) gục xuống bỏ lại An một mình. Bé đã khóc rất thật và nhập vai tốt khiến nhiều khán giả sụt sùi. Không quá khi đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã dành cho cậu bé những lời khen ngắn gọn nhưng rất chân thành “chịu khó, dấn thân, trưởng thành và hiểu chuyện”.
Vai diễn của Tuấn Trần trong Út Lục Lâm cũng là một vai không hề dễ. Anh chia sẻ đã mất rất nhiều thời gian đọc kịch bản, tự chiến đấu với cảm xúc của mình để hóa thân vào nhân vật này. Thế nhưng nếu đã xem phim, ta có thể thấy một Tuấn Trần diễn rất “vào vai” và mang lại cho khán giả rất nhiều tiếng cười. Các phân cảnh anh giả vờ làm công tử giàu sang, đóng vai vợ sĩ quan Pháp không khỏi khiến khán giả phá cười ầm lên vì sự duyên dáng và nhập tâm của anh. Có thể nói Tuấn Trần là nhân vật tỏa sáng nhất ở Đất Rừng Phương Nam bản điện ảnh.
Nhìn chung, Đất Rừng Phương Nam đã truyền tải được hành trình của bé An tìm cha với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, nhiều bài học đáng suy ngẫm về tình cha con, tình bạn bè, tình anh em… và cao cả nhất là tình yêu đất nước. Không thể không phủ nhận những thiếu sót, những tranh cãi và ekip cần phải ghi nhận và cải thiện nếu phim có phần 2. Tuy nhiên phim vẫn hấp dẫn và có giá trị cho thời hiện đại ngày nay. Cần nhiều hơn những bộ phim phác họa lại quá khứ, hình ảnh của Việt Nam thời chiến. Cần nhiều hơn những sự quan tâm một cách văn minh, lịch sử để điện ảnh Việt Nam có thể bứt phá để sớm vươn tầm thế giới.
Như nhà phê bình phim Lê Hồng Lâm có chia sẻ, “…đây là thời điểm “chín muồi” nhất để điện ảnh Việt có thể cất cánh…Và điều đó chỉ xảy ra, nếu như chúng ta phá bỏ được kiểu xem phim “dìm hàng bằng mọi giá”, kiểu “tư duy nô lệ” trong nhận thức và kiểu “phê bình chỉ điểm” chỉ lăm lăm đòi cái kéo “kiểm duyệt” để tiêu diệt phim.”
Xem phim một số thông tin khác cùng chuyên mục:
phim này xem xong buồn rười rượi, hay thế mà ko hiểu sao truyền thông lại chỉ trích quá
phim hay thiệt sự
đã xem, phim hay nhé mn ơi
Tớ rất muốn biết suy nghĩ của các bạn về bài viết này. Hãy cho tớ biết các bạn có thích hay không thích bài viết này nhé!