Không thua kém gì các loại bánh Tây, những món bánh có xuất xứ từ miền Tây Nam Bộ này chắc chắn sẽ khiến bạn ấn tượng với hương vị của chúng ngay lần thử đầu tiên. Với lợi thế làm từ những nguyên liệu sẵn có ở địa phương khiến các loại bánh này dễ tiếp cận, vừa có giá rẻ, lại vừa dễ làm, và vì vậy rất phổ biến, đặc biệt là ở Sài Gòn.

Bánh gan

bánh ngọt miền tây 1
Ảnh: internet

Bạn sẽ không ngạc nhiên về tên gọi khi nhìn thấy một miếng bánh gan, đơn giản vì màu nâu sẫm và kết cấu miếng bánh trông y hệt một miếng gan heo. Bánh gan có chút tương tự bánh flan nhưng không được hấp mà được nướng. Điểm đặc biệt của bánh là không dùng bột như các loại bánh khác mà chỉ làm từ trứng vịt, dừa khô, đường, hồi và dầu ăn. Bánh khi ăn có mùi thơm, vị béo của trứng và dừa và hơi tanh.

Bánh lá mít

Thực sự cách đặt tên của người miền Tây rất dễ hiểu, nếu bánh có hình dạng gì đặc biệt, hoặc có thành phần nào đó nổi bật, hay có cách chế biến khác biệt, những yếu tố đó lập tức trở thành cái tên. Bánh lá mít có tên như vậy vì sau khi nhào bột, thợ bánh phết một lớp bột mỏng lên lá mít rồi đem đi hấp. Tùy vào hương liệu cho vào mà bánh sẽ mang màu sắc khác nhau.

bánh ngọt miền tây 2
Ảnh: internet

Khi dùng bánh, người ta tách bánh đã chín ra khỏi lá mít cho vào dĩa, sau đó rưới nước cốt dừa ngập bánh và rắc đậu phộng, dùng đũa hoặc nĩa thưởng thức từng miếng bánh một. Khi ăn, bạn có cảm giác miếng bánh mịn dẻo, ngọt thanh như tan ra trong miệng, hòa quyện với nước cốt dừa béo và đậu phộng giòn tan.

Bánh tai yến

Ban đầu bánh được gọi là bánh tổ yến vì hình dạng của bánh, nhưng lâu dần người ta đọc trại ra thành bánh tai yến. Loại bánh này cực kì phổ biến và gần như có mặt ở khắp các con phố ở Sài Gòn.

bánh ngọt miền tây 3
Ảnh: internet

Khi chiên bánh, người làm bánh phải có động tác thật nhanh và dứt khoát khi cho bột vào chảo để bột kết với nhau thành hình tròn, không bị rây ra ngoài khuôn bánh. Bánh tai yến thành phẩm có hình dáng thú vị như một chiếc nón. Miếng bánh phồng lên và mềm xốp ở giữa, có màu trắng đục; trong khi “vành nón” có màu vàng ươm và giòn rộm, tạo sự hòa trộn thú vị về kết cấu trong miệng khi ăn.

Bánh chuối nướng

bánh ngọt miền tây 4
Ảnh: internet

Đây có lẽ là loại bánh nướng đơn giản nhất, vừa dễ làm nhưng lại có hương vị đậm đà khó phai. Bánh được làm từ các nguyên liệu rất đơn giản: vài miếng bánh mì cũ, vài trái chuối chín rục, ít sữa tươi hoặc nước cốt dừa hoặc cả hai. Loại bánh này rất khó làm hỏng vì cách làm theo nguyên tắc cho tất cả vào một lượt và trộn đều, sau đó đem nướng. Tuy đơn giản nhưng bánh vẫn có hương vị khó cưỡng với màu vàng ươm bắt mắt.

Bánh giá

Món ăn chơi quen thuộc của miền Tây này có khá nhiều tranh cãi về cách gọi tên. Có người cho rằng vì làm từ nguyên liệu là giá nên gọi là bánh giá, nhưng có người cho rằng bánh được chiên trên vá nên phải gọi là bánh vá. Bạn có thể gọi món bánh này theo cách mà bạn muốn.

bánh ngọt miền tây 5
Ảnh: internet

Tất cả về loại bánh này là độ giòn: cái giòn rộm của vỏ bánh chiên, cái giòn sực của những miếng giá, củ cải. Ngoài ra bánh còn có những miếng tôm mềm và ngọt hòa quyện cùng các nguyên liệu khác. Bánh giá được đánh giá là ngon nhất của cả miền Tây là ở Chợ Giồng, thuộc thị trấn Vĩnh Bình, Gò Công Tây, Tiền Giang.

Bánh ống

Lớp vỏ bánh tơi xốp của bánh sẽ khiến bạn liên tưởng đến vỏ bò bía ngọt hay bánh đa xốp. Vỏ bánh ống gồm hai nguyên liệu chính là bột gạo và khoai mì; và phải được trộn ở một tỷ lệ nhất định mới ra được lớp bánh tơi xốp như thế.

bánh ngọt miền tây 6
Ảnh: internet

Vỏ bánh ống được nướng rất nhanh, chỉ chừng 3 – 5 phút. Khi chín, người bán đặt bánh lên một chiếc lá chuối, cắt bánh theo chiều dọc, cho thêm đường và dừa nạo rồi cuộn lại. Bánh có vị ngọt của nước đường, vị bùi của dừa và độ dai của khoai mì cũng như tơi xốp của vỏ bánh, hơn nữa mùi thơm phảng phất của lá mít giúp kích thích mùi vị của bánh lên bội phần.

Bánh tầm bì

bánh ngọt miền tây 7
Ảnh: internet

Sự kết hợp vô cùng khác biệt giữa thịt và một kiểu bánh ngọt, cùng hình dáng khác lạ của bánh tầm bì luôn khiến thực khách ngạc nhiên và tò mò muốn thưởng thức ngay. Bánh làm từ những cọng bún gạo và được đi kèm với cơ số các loại nguyên liệu phụ như bì, thịt heo nạc, đậu phộng giã dập, dưa leo, xà lách, giá, rau thơm, đồ chua (cà rốt, củ cải), hành phi, có cả nước chấm như nước mắm chua ngọt, nước cốt dừa,…. Có thể thấy bánh là sự tổng hợp rất thú vị của các vị ngọt, mặn, chua, cay, bùi béo đủ cả.

Quả thật với lợi thế sản vật phong phú của địa phương, người miền Tây rất biết cách sáng tạo các món ăn hấp dẫn, đặc sắc mang chất riêng của nam bộ, đặc biệt là các món bánh ngọt làm say mê biết bao thực khách của cả vùng nam bộ.

Xem thêm

Dạo quanh đất nước thưởng thức "bún 3 miền"

Nếu ai đã từng có dịp đặt chân qua 3 miền đất nước và thưởng thức các món bún, chắc chắn bạn sẽ nhận thấy sự đa dạng và tinh túy của ẩm thực Việt. Nhờ sự pha trộn khéo léo cùng với việc phong phú về nguyên liệu đã tạo nên các món bún nổi tiếng làm say ...
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận