Bất kỳ ai từng lật một trang sách đều hiểu tiềm năng của sách trong việc thay đổi thế giới – theo cả cách lớn và nhỏ. Ở đây, BlogAnChoi sẽ cùng bạn điểm qua 46 cuốn sách có ảnh hưởng nhất lịch sử thế giới và cách chúng khiến nhân loại nhìn mọi thứ theo một cách mới nhé.
21. Nguồn gốc các loài
“Nguồn gốc các loài” thường được gọi là cuốn sách khoa học vĩ đại nhất mọi thời đại khi giới thiệu thuyết tiến hóa bằng cách chọn lọc tự nhiên của Charles Darwin cho nhiều đối tượng, minh chứng bởi các bằng chứng mà ông thu thập được trong chuyến hành trình đến Nam bán cầu trên HMS Beagle vào đầu những năm 1830 và hai thập kỷ nghiên cứu tài liệu khoa học, thử nghiệm,… Darwin không phải là nhà tự nhiên học duy nhất nảy ra ý tưởng rằng tất cả sự sống trên Trái đất đều bắt nguồn từ một tổ tiên trước đó – tùy theo khả năng sinh tồn của chúng. Alfred Russel Wallace đã dành nhiều năm ở Amazonia và Đông Nam Á để nghiên cứu hệ động thực vật địa phương và nảy ra ý tưởng tương tự. Một lá thư từ Wallace đã thúc đẩy Darwin hoàn thành công trình của mình, và chính Darwin đã trở nên nổi tiếng với thuyết chọn lọc tự nhiên này.
Cuốn sách đã xúc phạm cả tôn giáo và khoa học vào thời kì đó. Trước học thuyết của Darwin, nhiều người tin rằng thế giới được tổ chức theo “thần học tự nhiên”, một hệ thống mà trong đó đặc điểm của các loài được thiết kế bởi Đấng Tạo Hóa và bất biến. Các nhà lãnh đạo tôn giáo bác bỏ ý kiến cho rằng con người có thể tiến hóa từ động vật chứ không phải do Chúa tạo ra theo hình ảnh của Ngài. Một số nhà khoa học lỗi lạc như nhà thiên văn học John FW Herschel và nhà cổ sinh vật học Richard Owen đã phản đối một phần hoặc toàn bộ kết luận của Darwin. Tuy nhiên, Darwin cũng có những người ủng hộ, bao gồm nhà vật lý Thomas Huxley và nhà địa chất học Charles Lyell.
Thời gian trôi qua, các lý thuyết của Darwin dần được phần lớn công chúng chấp nhận. “Nguồn gốc các loài” đã giải thích cơ chế thích nghi của loài, tạo nền tảng cho lĩnh vực sinh học tiến hóa hiện đại. Như nhà di truyền học Lee J. Silver của Đại học Princeton đã nói với kênh Discover: “Darwin đã cách mạng hóa hiểu biết của chúng ta về sự sống”.
22. The Jungle
Upton Sinclair – tác giả của cuốn sách – là một nhà báo và nhà xã hội chủ nghĩa nhiệt thành, muốn phơi bày những điều kiện nguy hiểm, sự bóc lột kinh tế đối với người lao động, sự tàn ác với động vật và sự độc quyền của các công ty trong ngành công nghiệp đóng gói thịt của Chicago. “The Jungle” đã nhân cách hóa những hành vi phạm tội này trong cuộc đấu tranh của nhân vật chính – một người nhập cư Litva – để kiếm sống một cách lương thiện và công bằng ở Mỹ.
Cuốn sách ngay lập tức trở thành best-seller, góp phần hỗ trợ thúc đẩy luật an toàn thực phẩm tiến bộ, chẳng hạn như Đạo luật Thanh tra Thịt, Đạo luật Thực phẩm và Dược phẩm Nguyên chất, nhằm bảo vệ người tiêu dùng khỏi các sản phẩm bị tạp nhiễm hoặc có hại. Tuy nhiên, Sinclair lấy làm tiếc rằng cuốn tiểu thuyết không có tác động tương tự trong việc cải thiện điều kiện lao động khi viết: “Tôi nhắm vào trái tim của công chúng nhưng lại tình cờ đánh trúng vào bụng.”
23. Roots: The Saga of an American Family
Cho dù bạn gọi nó là tiểu thuyết lịch sử hay bán tự truyện thì cuốn sách “Roots: The Saga of an American Family” xuất bản năm 1976 của Alex Haley vẫn thu hút được sự quan tâm rộng rãi của công chúng đối với lịch sử và phả hệ của người Mỹ gốc Phi. Câu chuyện kể về cậu bé người Gambia – Kunta Kinte – bị bắt cóc vào những năm 1760 và được đưa đến Mỹ, nơi cậu và con cháu của mình phải chịu cảnh nô lệ qua nhiều thế hệ.
Haley cho rằng “Roots” là câu chuyện về gia đình và tổ tiên của chính ông, mặc dù một số học giả vẫn tranh luận về tính xác thực của tuyên bố này. Cuốn sách ăn khách này đã được chuyển thể thành một bộ phim truyền hình gồm tám phần vào năm 1977 và gây được tiếng vang lớn với hơn 130 triệu người theo dõi. “Roots” nhắc người Mỹ nhìn lại câu chuyện của chính họ bằng một lăng kính rõ ràng hơn.
24. Nhật kí Anne Frank
Hàng triệu thanh niên trên khắp thế giới đã nghiền ngẫm những trang nhật ký của Anne Frank – một cánh cửa nhỏ nhìn vào cuộc đời của một cô bé trong nỗi kinh hoàng khi phải đối mặt với các cuộc thảm sát của Đức Quốc Xã. Cuốn sách đã bán được hơn 30 triệu bản và dịch ra gần 70 ngôn ngữ kể từ khi nó được xuất bản vào năm 1947. Cuốn nhật ký của Anne được viết trong suốt hai năm mà cô và gia đình phải ẩn náu, khiến thời đại lịch sử đó trở nên sống động và chân thực đến độ không thể phủ nhận. Vào ngày 1 tháng 8 năm 1944, Anne viết trang nhật kí cuối cùng của mình và ba ngày sau, gia đình cô bé bị phát hiện. Anne chết vì bệnh sốt phát ban tại trại tập trung Bergen-Belsen của Đức vào năm 1945. Người duy nhất sống sót sau này là cha của Anne, ông Otto, người đã xuất bản nhật ký của cô bé.
Một trong những cuốn sách phi hư cấu được đọc nhiều nhất trên thế giới, Nhật ký của một cô gái trẻ đã truyền cảm hứng cho tất cả mọi người, từ người đoạt giải Nobel Hòa bình đến Nelson Mandela. Giá trị của nó là vô cùng quan trọng vì nhiều người sống sót sau thảm họa diệt chủng của Đức Quốc Xã đã qua đời và không còn khả năng kể câu chuyện của chính họ. Anne đã trở thành biểu tượng cho cái chết của hơn 1 triệu trẻ em Do Thái trong thảm kịch lịch sử năm đó
25. Từ điển ngôn ngữ tiếng Anh
Trong tám năm, Samuel Johnson và các trợ lý đã chen chúc trong căn gác xép của nhà số 17 Quảng trường Gough ở London. Vào những ngày lạnh giá, họ hà hơi vào tay để sưởi ấm các ngón tay khi làm việc, lật giở từng trang sách và ghi chú cách sử dụng từ ngữ. Công việc của họ thật tẻ nhạt, nhưng đã tạo ra một đỉnh cao là cuốn “Từ điển ngôn ngữ tiếng Anh” gồm 40.000 từ.
Mặc dù Johnson được biết đến như là “cha đẻ” của cuốn sách này nhưng thực ra ông không phải là người đầu tiên viết từ điển. Nhiều nhà từ điển học trước đây đã tìm cách bảo tồn một ngôn ngữ như nó vốn có, có nghĩa là các tác giả định nghĩa các từ nhằm mục đích cơ bản là đóng băng một ngôn ngữ trong thời gian mà không quan tâm nhiều đến cách mọi người thực sự sử dụng các từ đó. Johnson cũng được một nhóm người bán sách tiếp cận để biên soạn một cuốn sách như vậy, nhưng đó không phải là loại từ điển mà ông viết.
Ông nghiền ngẫm rất nhiều loại tài liệu, lấy ví dụ trong mọi thứ, từ các tác phẩm của Shakespeare đến các bức thư cá nhân của mọi người để tìm bằng chứng về cách mọi người sử dụng ngôn ngữ. Ông dựa trên sự kết hợp giữa văn học cổ điển và các nguồn thông tin hàng ngày trong nước, thậm chí còn trích dẫn tác phẩm của các nhà văn nữ trong nghiên cứu của mình – một động thái cấp tiến vào thời điểm đó.
Ông không chỉ đưa ra một định nghĩa duy nhất cho mỗi từ mà còn bổ sung nghữ nghĩa riêng trong từng ngữ cảnh của từ đó. Từ điển của Johnson liệt kê cả các cách viết thay thế, những từ nào đang dần biến mất hoặc mới xuất hiện vào ngôn ngữ tiếng Anh.
Bạn có thể đọc thêm:
Tớ đánh giá cao mọi ý kiến đóng góp của các bạn và sẽ rất cảm kích nếu các bạn có thể dành chút thời gian để phản hồi về bài viết này.