Với lịch sử phát triển kéo dài từ thập niên những năm 1970, Miliket đã trở thành biểu tượng không thể thiếu trong ký ức và tuổi thơ của người Việt. Trải qua nhiều năm tháng, mì Miliket đã có nhiều thay đổi và thích ứng để phục vụ nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.
Câu chuyện hơn 30 năm một kiểu bao bì
Miliket là sản phẩm được sản xuất bởi Xí nghiệp Chế biến lương thực thực phẩm Colusa. Trước khi có tên gọi Miliket, sản phẩm có tên gọi là mì Colusa, được giới thiệu lần đầu tiên trước năm 1975. Năm 1985, thương hiệu mì ăn liền Miliket chính thức được ra mắt.
Kể từ khi được ra mắt, mì Miliket đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm và trở thành lựa chọn phổ biến trong phân khúc bình dân giá rẻ. Vào những thập niên 80 – 90, khi khái niệm “mì ăn liền” vẫn còn mới mẻ với đại đa số người Việt, mì ăn liền được xem là xa xỉ và chỉ những gia đình “khá giả” mới có khả năng mua được. Vì vậy, việc sở hữu một gói mì Miliket trở thành điều đáng quý và có giá trị đối với các gia đình.
Mì Miliket không chỉ đơn giản là một món ăn hàng ngày mà còn là một món quà đặc biệt được sử dụng trong những dịp đặc biệt hoặc để đãi khách. Đây cũng chính là thời điểm “vàng son” nhất của thương hiệu khi Miliket đã chiếm hơn 90% thị phần tiêu thụ mì ăn liền tại thị trường Việt Nam lúc bấy giờ. Miliket đã trở thành một kỷ niệm đẹp trong lòng nhiều thế hệ, đặc biệt là thế hệ 8x và 9x. Với hình ảnh hai con tôm chụm đầu vào nhau trên bao bì, mì Miliket đã trở thành biểu tượng dễ nhận diện và đặc trưng trong tâm trí người tiêu dùng. Đây cũng chính là tiền đề cho sự phổ biến của cụm từ “mì tôm” tại Việt Nam cho đến tận ngày nay.
Cho đến hôm nay, cùng với sự cạnh tranh gay gắt từ thị trường và hàng loạt các thương hiệu mì ăn liền ngoại nhập, mì “Hai Con Tôm” dần mất đi vị thế thống trị và đối mặt với áp lực sụt giảm trong doanh thu. Tuy gặp khó khăn trong quá trình cạnh tranh và giữ thị phần, mì Miliket vẫn tiếp tục tồn tại qua năm tháng và đối mặt với thách thức đổi mới để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Vậy đâu là lý do cho sự tồn tại bền bỉ này?
Những yếu tố giúp Miliket âm thầm tồn tại đến ngày hôm nay
- Thương hiệu được biết đến rộng rãi: Miliket có một thương hiệu có tuổi đời lâu năm và đã trở thành một phần của nền văn hóa tiêu dùng của người dân Việt Nam. Hình ảnh 2 con tôm trên bao bì và mì ký đã trở nên quen thuộc với nhiều người. Sự nhận biết và lòng tin của người tiêu dùng đã giúp Miliket giữ được một thị phần ổn định.
- Sản phẩm: Sản phẩm mì Miliket đã khéo léo tận dụng lợi thế của mì ăn liền kinh điển với hương vị truyền thống và bao bì đặc trưng. Bao bì của sản phẩm được thiết kế đơn giản với hình ảnh hai con tôm được in ấn đơn giản trên chất liệu giấy kraft đơn giản, mộc mạc, gói mì Miliket mang đến cảm giác hoài cổ của thập niên 80 – 90, đồng thời trở thành một sản phẩm kết nối với ký ức và giá trị tinh thần của nhiều người tiêu dùng, đặc biệt là các gia đình đã sử dụng Miliket từ những năm 1980. Mặc dù không sử dụng nhiều màu sắc hay phong cách thiết kế hiện đại, Miliket vẫn thu hút khách hàng theo một cách riêng biệt.
- Giá cả: Hướng đến đối tượng người tiêu dùng ở tầng lớp thu nhập trung bình và thu nhập thấp, giá một gói mì miliket rơi vào khoảng 500 đồng vào những năm 1980, 3.000 đồng vào năm 2017 và 5.000 đồng vào thời điểm năm 2023. Bằng việc giữ mức giá thấp và không tăng giá liên tục như các đối thủ cạnh tranh, thương hiệu đã tạo ra lợi thế trong việc tiếp cận khách hàng ở nhiều tầng lớp khác nhau và duy trì khả năng cạnh tranh trong bối cảnh thị trường có nhiều khó khăn.
- Phân phối: Miliket đã xây dựng một mạng lưới đại lý rộng khắp và tận dụng các kênh phân phối truyền thống như chợ đầu mối, chợ bán lẻ và các đại lý. Tập trung vào việc phát triển ở thị trường nông thôn – nơi có nhu cầu tiêu dùng mì gói cao, thương hiệu đã thiết lập mối liên kết chặt chẽ với các nhà hàng, quán lẩu từ lớn đến bé và đã trở thành một sản phẩm quen thuộc đến mức được gọi là “Mì ăn lẩu”. Đồng thời, Miliket cũng đã thúc đẩy các đơn hàng xuất khẩu và tìm kiếm khách hàng mới để mở rộng thị trường.
Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:
- “Thao túng tâm lý” người dùng về một thương hiệu đẳng cấp và khác biệt, Starbucks sở hữu hơn 34.000 cửa hàng tại 80 quốc gia
- Quy trình 7 bước xây dựng định vị thương hiệu thành công năm 2023
Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!
Các bạn có ý kiến gì về nội dung bài viết này? Hãy chia sẻ để mình được biết.