Tầm quan trọng của nước với cơ thể là điều mà có lẽ ai trong chúng ta cũng thuộc nằm lòng. Nước giúp duy trì hoạt động bình thường, đào thải các chất độc, giúp đẹp dáng, đẹp da… Tuy nhiên có những thói quen uống nước sai cách sẽ gây hậu quả nghiêm trọng. Bài viết sẽ giúp bạn hiểu rõ về 7 thói quen uống nước cần loại bỏ ngay lập tức. Cùng tìm hiểu nhé!
1. Không uống đủ lượng nước cần thiết
Nhiều người chỉ có thói quen uống nước khi cảm thấy khát, còn bình thường không hề nghĩ cần bổ sung nước cho cơ thể. Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng khi bạn cảm thấy khát cũng là lúc cơ thể chúng ta đã mất quá nhiều nước và đang cảnh báo cần bổ sung ngay lập tức.
Khi cơ thể thiếu nước, các chức năng của tế bào cũng như các cơ quan khác trong cơ thể không hoạt động đúng công suất vốn có, dẫn đến nhiều vấn đề như da khô, lão hóa nhanh, mệt mỏi, thiếu tỉnh táo. Thậm chí lâu dần sẽ tích tụ các chất độc hại và hình thành nên các bệnh như táo bón, sỏi thận…
Tùy vào thể trạng của mỗi người mà lượng nước cần nạp trong một ngày khác nhau. Bạn có thể tham khảo công thức tính lượng nước cần thiết do Báo cáo Tin tức Hoa Kỳ & Thế giới (U.S. News & World Report) đưa ra như sau:
Cân nặng (kg) x 2 x 0,5 = Lượng nước cơ thể cần (oz)
1oz = 30 ml
Ví dụ: Bạn nặng 50 kg. Lượng nước bạn cần uống trong ngày là:
50 x 2 x 0,5 = 50oz = 50 x 0,03= 1,5 lít nước
2. Uống quá nhiều nước
Uống quá ít nước khiến cơ thể gặp nguy hiểm nhưng nếu quá nhiều nước cũng không tốt. Bạn chỉ nên uống nước ở mức vừa đủ theo thể trạng của mình. Đừng ép cơ thể phải “chịu đựng” một lượng nước quá sức, khiến cho các chức năng khác phải gồng mình lên hoạt động, sẽ dẫn đến tình trạng quá tải.
Chú ý đến cách tính lượng nước cần thiết như chúng mình đã thông tin ở phần 1 để nạp vào cơ thể lượng nước vừa đủ thôi nhé!
3. Uống nước quá nhanh
Sau khi vận động mạnh, cơ thể háo nước và chúng mình có xu hướng tu một hơi thật nhanh để thỏa mãn cơn thèm nước lúc này. Nhưng không, hãy dừng lại ngay nhé. Đây là một sai lầm!
Việc đưa một lượng nước ào ạt vào cơ thể một cách đột ngột như vậy sẽ dẫn đến những tình trạng nguy hiểm như máu loãng đột ngột. Chức năng của ruột và dạ dày cũng không được dự báo trước mà đột nhiên bị kích hoạt thực hiện. Điều này cũng có thể gây mất điện giải và dẫn đến nguy cơ trụy tim.
Ngoài ra, bạn còn có thể bị nấc do uống nhanh quá đó ạ.
4. Uống nước quá nhiều trong một lần
Nhiều người có ý thức về lượng nước cần thiết phải nạp vào cơ thể trong một ngày, nhưng do lười hoặc có thể do nhiều nguyên nhân khác nên để dồn lại, đến một thời điểm nhất định mới “chạy deadline”, cố uống thật nhiều cho hết định mức đề ra. Thói quen này lại gây nên những tác động xấu đến sức khỏe, khi các cơ quan bên trong cơ thể chúng ta bị quá tải, phải dồn công suất để thực hiện nhiệm vụ cho hết lượng nước vừa nạp vào.
Uống đủ nước là cần thiết nhưng cách uống cũng phải chú ý. Hãy chia nhỏ thời gian uống nước, uống từng ngụm nhỏ thôi nhé!
5. Uống nhiều nước trong và sau bữa ăn
Cả hai thời điểm trong và sau bữa ăn nếu bạn uống nhiều nước cũng sẽ gây tác động xấu đến hệ tiêu hóa. Theo các nghiên cứu khoa học, nước nạp vào cơ thể lúc này sẽ làm loãng dịch vị, thậm chí đào thải luôn dịch vị và các chất dinh dưỡng ra ngoài. Hệ tiêu hóa chính vì thế không thể hoạt động đúng chức năng, gây nguy cơ làm suy yếu chức năng của dạ dày.
6. Uống nhiều các loại nước chế biến sẵn thay vì nước lọc
Nhiều người có thói quen uống các loại nước ngọt, nước có ga hay nước ép hoa quả đóng chai sẵn thay vì nước lọc. Cũng khá dễ hiểu vì nước lọc thường “nhạt nhẽo” còn các loại nước khác có hương vị nên dễ uống hơn. Tuy nhiên, trong các loại nước giải khát đóng chai sẵn đều có nhiều đường và các chất phụ gia. Nếu hình thành thói quen này trong một thời gian dài, bạn sẽ nạp thêm một lượng đường khá lớn vào cơ thể mình.
Ưu tiên số 1 vẫn là nước lọc tinh khiết. Các loại nước khác nếu có uống cũng cần hạn chế nhé!
7. Uống nước quá nóng hoặc quá lạnh
Nước quá nóng đầu tiên là khiến bạn dễ bị bỏng. Sau đó còn có nguy cơ gây tổn thương niêm mạc thực quản, từ đó dẫn đến nguy cơ ung thư thực quản.
Nước quá lạnh có thể khiến bạn sảng khoái hơn, “đã” hơn khi uống nhưng chúng sẽ tác động xấu đến đường tiêu hóa, gây các hiện tượng như tiêu chảy, đau bụng…
Lời khuyên của các nhà nghiên cứu dinh dưỡng là hãy uống nước ở mức vừa phải, không quá nóng cũng không quá lạnh.
Vậy là chúng mình đã cùng nhau tìm hiểu về 7 thói quen uống nước sai cách. Hy vọng những thông tin trong bài viết sẽ hữu ích với bạn. Đừng quên thường xuyên ghé thăm BlogAnChoi để cập nhật thêm nhiều thông tin mới trên mọi lĩnh vực nhé!
Một số bài viết cùng chủ đề dành cho bạn:
- Uống nước đúng cách mang lại lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe
- Uống nước bao nhiêu là đủ? Sự thật về lời khuyên “uống 2 lít nước mỗi ngày”
- 5 loại nước uống hỗ trợ giảm cân và nâng cao sức khỏe
- Nước uống tăng lực liệu có gây nghiện? Những điều cần biết và cách phòng tránh
- Những lưu ý khi uống nước ép rau củ quả để tránh gây hại cho cơ thể