Trên thị trường điện thoại thông minh gần đây, có thể nhận thấy thiết kế siêu mỏng đang là xu hướng thịnh hành. Samsung đã xác nhận sự tồn tại của điện thoại Galaxy S25 Edge, trong khi Apple cũng được đồn đoán là sẽ ra mắt iPhone 17 “Air”, và hầu như tất cả các mẫu điện thoại màn hình gập đều đang cố gắng càng mỏng càng tốt. Nhưng điều này không chỉ đúng với các thương hiệu cao cấp. Hãng TECNO vốn nổi tiếng với các thiết bị giá rẻ cũng đang tham gia cuộc đua với mẫu điện thoại Spark Slim dự kiến ra mắt tại sự kiện MWC 2025.
Điện thoại TECNO Spark Slim sẽ ra mắt với thiết kế siêu mỏng
TECNO đang quảng cáo chiếc điện thoại này là “thiết bị mỏng nhất với pin 5200mAh trở lên”. Đây không phải là điện thoại mỏng nhất từ trước đến nay bởi vì cách đây một thập kỷ đã có những chiếc điện thoại dưới 5 mm được sản xuất bởi OPPO và vivo, nhưng chúng được trang bị pin nhỏ hơn nhiều theo xu hướng lúc bấy giờ. Trong khi đó tuyên bố của TECNO đặc biệt nhấn mạnh độ mỏng đi kèm với dung lượng pin lớn, đây là sự khác biệt đáng chú ý.

Tuy nhiên điện thoại chỉ dày 5,75mm là một thiết kế ấn tượng về mặt kỹ thuật, đặc biệt là khi điện thoại Galaxy S25 Edge sắp ra mắt của Samsung được cho là có độ dày khoảng 6mm. Đáng kinh ngạc hơn nữa là TECNO đã tìm ra cách để lắp pin có dung lượng 5200mAh vào thiết kế siêu mỏng này, trong khi Galaxy S25 Edge được cho là vẫn sử dụng pin 4000mAh – dung lượng nhỏ hơn nhiều.
Một trong những bước phát triển lớn nhất trong lĩnh vực sản xuất pin điện thoại gần đây là việc áp dụng công nghệ pin silicon-carbon, cho phép tăng mật độ năng lượng lớn hơn trong khi kích thước nhỏ gọn hơn. Ví dụ như điện thoại OnePlus 13 được trang bị pin siêu lớn 6000mAh trong khi vẫn duy trì kiểu dáng đẹp mắt. Mặc dù TECNO chưa xác nhận rõ ràng mẫu điện thoại Spark Slim có sử dụng công nghệ silicon-carbon hay không, nhưng cho biết rằng điện thoại có “pin dày 4,04mm, mật độ cao”.

Không chỉ là điện thoại siêu mỏng
Spark Slim được sản xuất từ nhôm tái chế hoàn toàn bằng quy trình đúc khuôn tích hợp và có thiết kế nguyên khối bằng thép không gỉ. Đối với những người thích kiểu điện thoại có thân kim loại như HTC nhiều năm trước thì có thể hy vọng đây là khởi đầu cho sự trở lại. Tất nhiên mặt sau bằng kim loại khiến điện thoại khó có thể hỗ trợ sạc không dây (mặc dù về mặt kỹ thuật thì điều đó không phải là hoàn toàn bất khả thi). Đáng chú ý là điện thoại này hỗ trợ sạc có dây siêu nhanh 45W.
Một phần quan trọng để làm cho điện thoại có cảm giác mỏng hơn nữa là khung bên, và TECNO đã sử dụng màn hình cong làm mỏng các cạnh để tạo vẻ ngoài bóng bẩy hơn. Tấm nền AMOLED kích thước 6,78 inch có độ phân giải 1,5K cùng với tốc độ làm mới 144Hz và độ sáng tối đa là 4500 nits. Điện thoại có hệ thống camera phía sau gồm 2 ống kính 50MP + 50MP và camera trước 13MP.

TECNO chưa tiết lộ chính thức về chipset được trang bị cho điện thoại Spark Slim, chỉ cho biết rằng đây là “chip 8 lõi hiệu suất cao sắp ra mắt”. Tuy nhiên vì dòng sản phẩm Spark thường nằm trong phân khúc giá rẻ đến tầm trung nên có thể dự đoán rằng đây không phải là bộ xử lý cao cấp.
Hiện tại TECNO vẫn chưa chia sẻ thông tin chi tiết về giá bán và phát hành của điện thoại Spark Slim. Thậm chí chưa rõ liệu họ có dự định phát hành sản phẩm này dưới dạng sản phẩm thương mại hay không, vì thông cáo báo chí của TECNO gọi đây là “điện thoại thông minh ý tưởng”.
Đối với nhiều người thì thiết kế siêu mỏng không quan trọng bằng công nghệ pin mới có mật độ năng lượng cao. Nếu xu hướng này tiếp tục, trong vài năm tới chúng ta có thể thấy thời lượng pin của điện thoại được nâng cao đáng kể và ngày càng phổ biến. Các thương hiệu lớn như Samsung và Google có thể mất nhiều thời gian để áp dụng công nghệ thân thiện với người tiêu dùng như vậy, nhưng hiện tại thật thú vị khi thấy các công ty nhỏ hơn như TECNO đang thúc đẩy xu hướng phát triển này.
Mời bạn xem thêm các bài liên quan:
- Bí mật đằng sau iPhone 16e mới ra mắt của Apple: Chiến lược nhằm mở rộng thị trường?
- Điện thoại OnePlus 13: Màn hình đẹp, chụp ảnh tốt và hiệu suất mượt mà cho mọi nhu cầu
Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!
Các bạn có thể chia sẻ cảm nhận của bạn về bài viết này để mình có thể tạo ra những bài viết tốt hơn trong tương lai.