Ngọn núi lửa Chư Đăng Ya thuộc huyện Chư Păh nằm cách trung tâm phố núi Gia Lai 30km về hướng Đông Bắc, cách điểm du lịch Biển Hồ nổi tiếng 20km. Ngọn núi lửa này đã ngưng hoạt động hàng triệu năm, người dân sử dụng đất bên sườn đồi để canh tác trồng trọt. Họ không những biến ngọn núi lửa này trở nên có sức sống hơn bao giờ hết mà còn “may” cho Chư Đăng Ya chiếc áo hoa vàng rực rỡ mỗi độ đông về.
Nghe có vẻ lạ nhỉ? Mùa đông khiến người ta liên tưởng đến khung cảnh tĩnh lặng, với những gam màu lạnh u buồn, hay những nhành cây đã trút hết lá, đang ủ mầm non chờ xuân sang. Nhưng ở Tây Nguyên lại khác, vào mỗi độ cuối năm, từ tháng 10 đến tháng 12 dương lịch, hoa dã quỳ vàng rực rỡ cả Chư Đăng Ya, mang sự ấm nóng lan tỏa cả phố núi, như muốn hong khô cả những giọt mưa cuối mùa.
Hoa dã quỳ còn được gọi là hoa cúc quỳ, sơn quỳ, và hàng chục tên gọi nữa. Nó có vẻ giống với hoa hướng dương nhưng nhỏ hơn nhiều. Mặc dù chỉ nở mỗi năm một lần vào cuối đông nhưng loài hoa này lại rất lâu tàn, có khi thời gian hoa nở kéo sang tận Tết Nguyên Đán nếu năm nào mưa rét lâu.
Nếu bạn hỏi tôi ngắm hoa dã quỳ ở đâu đẹp nhất, tôi chắc chắn không ngần ngại mà nói với bạn rằng, hãy đến với thiên đường dã quỳ Chư Đăng Ya, bạn sẽ thực sự muốn đứng ở đó đến hết mùa dã quỳ đấy. Có nhiều con đường để đi đến ngọn núi lửa này, song cách phổ biến nhất là khởi hành từ Tp Pleiku, đến ngã ba Biển Hồ rồi rẽ phải theo tỉnh lộ 671, qua xã Chư Jôr (huyện Chư Păh) sẽ tới địa phận xã Chư Đăng Ya. Đi thẳng vào hướng trung tâm xã, bạn sẽ thấy một ngọn núi hình nón cụt phía xa. Tiếp tục men theo con đường đất đỏ để đến làng Plơi Lagri, ngôi làng nằm dưới chân núi lửa huyền thoại.
Đừng vội nản khi thấy đường đi có vẻ hơi khó tìm nhé, vì khi men theo con đường đất đỏ vào làng, bạn đã được “nhá hàng” bởi sắc dã quỳ hai bên đường rồi. Bạn có thêm động lực chưa nào? Hãy cố lên vì hành trình khám phá Chư Đăng Yah chỉ thực sự bắt đầu khi bạn đứng trước một cây cổ thụ to dưới chân núi thôi. Những cây cổ thụ bao quanh ngọn núi đã hàng trăm năm tuổi, bị sâu đục tới nỗi gốc có thể chứa một người bên trong.
Đường lên núi bạn phải đị bộ vì cây cỏ đã choán hết lối đi, không thể di chuyển bằng xe máy. Tuy leo lên có hơi khó khăn nhưng bù lại, bạn chắc chắn được trả công xứng đáng.
Leo lên tới miệng núi lửa, bạn sẽ lạc vào một lòng chảo khổng lồ hay một đấu trường của châu Âu thời trung cổ với mặt sân phẳng lì, tròn vạnh, bao quanh là thành vách dựng một góc 45 độ nghiêng. Đặc biệt hơn là tất cả khung cảnh trước mắt bạn bây giờ, không phải là một ngọn núi lửa đáng sợ, mà là những dãy khoai, ngô chạy một đường thẳng tắp, chạy dài, xanh ngắt, những đồi chè trải ra mênh mông, xanh đến tận chân trời. Cả một thiên đường dã quỳ trải thảm vàng rực rỡ, xen kẽ với màu xanh của cỏ cây, như tô điểm thêm cho núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ.
Điều đặc biệt là hoa dã quỳ trên núi Chư Đăng Ya không mọc lung tung, trải ra trên triền núi. Loài hoa này rất tự nhiên tạo thành những hàng rào vàng rực xung quanh những ruộng khoai xanh mát.
Chư Đăng Ya thu hút khách du lịch bởi vẻ đẹp còn hoang sơ như dã quỳ hoang dại nhưng chứa đầy vẻ quyến rũ. Khi cảnh vật nhân tạo ở phố thị xa hoa không làm thỏa lòng du khách bằng sự trở về với thiên nhiên thì mỗi khúc quanh trên ngọn núi Chư Đăng Yah với cây xanh, trời biếc, hoa vàng là phần thưởng lớn lao để con người trút bỏ những lo toan thường nhật và nhẹ nhàng, thư thái chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên.