Khi nhắc đến Huế, ta không thể không nhắc đến “trái tim của cố đô” – Đại Nội Huế. Đại Nội Huế không chỉ là một di tích lịch sử mà còn là một tác phẩm nghệ thuật kiến trúc, một biểu tượng của sự hùng vĩ và tráng lệ của người dân Việt Nam ta. Để có một trải nghiệm tham quan trọn vẹn và phong phú, hãy cùng mình khám phá những kinh nghiệm không thể bỏ qua khi đặt chân đến nơi này. Cùng bắt đầu nào!
Sơ lược về Đại Nội Huế
Toạ lạc tại địa chỉ đường 23/8, P. Thuận Hòa, TP. Huế, T. Thừa Thiên Huế, Đại Nội Huế thường mở cửa đón du khách từ 6:30 sáng đến 17:30 chiều vào mùa hè và 7:00 sáng đến 17:00 chiều vào mùa đông. Phương tiện di chuyển đến Đại Nội thì vô cùng đa dạng, du khách có thể lựa chọn nhiều phương tiện đa dạng như xe đạp, xe máy, xích lô, xe điện hoặc taxi.
Đến với Đại Nội, du khách sẽ choáng ngợp trước khung cảnh tráng lệ, uy nghi của một kinh đô xưa nơi mà triều thần nhà Nguyễn từng đóng đô tại nơi đây. Từng mái ngói cong cong, từng bức tường rêu phong đều như mang theo những câu chuyện lịch sử hào hùng của dân tộc.
Đại Nội Huế – Nét đẹp tráng lệ của cố đô
Được xây dựng từ đầu thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX, Đại Nội Huế là vòng thành thứ hai trong Kinh thành Huế, bao gồm Hoàng Thành và Tử Cấm Thành. Nơi đây từng là nơi làm việc, thiết triều và sinh sống của vua cùng hoàng gia nhà Nguyễn trong suốt 13 triều đại.
Năm 1993, Đại Nội Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Đây không chỉ là niềm tự hào của người dân Việt Nam mà còn là một điểm đến không thể bỏ qua cho du khách khi đến với Huế.
Kinh nghiệm du lịch Đại Nội Huế
Giá vé tham quan Đại Nội Huế
Hiện nay, giá vé tham quan Đại Nội Huế được áp dụng thống nhất cho cả du khách quốc tế và du khách Việt Nam. Mức giá dao động từ 200.000 VNĐ đến 420.000 VNĐ/người/lượt, tùy theo điểm tham quan cụ thể:
- Đại Nội Huế: 200.000 VNĐ (người lớn) – 40.000 VNĐ (trẻ em)
- Đại Nội Huế – Lăng Khải Định (Ứng Lăng) – Lăng Minh Mạng (Hiếu Lăng): 420.000 VNĐ (người lớn) – 80.000 VNĐ (trẻ em)
- Đại Nội Huế – Lăng Tự Đức (Khiêm Lăng) – Lăng Minh Mạng (Hiếu Lăng): 420.000 VNĐ (người lớn) – 80.000 VNĐ (trẻ em)
- Đại Nội Huế – Lăng Khải Định (Ứng Lăng) – Lăng Tự Đức (Khiêm Lăng): 420.000 VNĐ (người lớn) – 80.000 VNĐ (trẻ em)
Với mức giá vé hợp lý như vậy, du khách hoàn toàn có thể thoải mái khám phá và trải nghiệm trọn vẹn vẻ đẹp của Đại Nội Huế mà không cần phải đắn đo suy nghĩ về bất cứ điều gì.
Khám phá Đại Nội Huế có gì thú vị
Bước chân vào Tử Cấm Thành, bạn sẽ choáng ngợp trước sự uy nghiêm của Đại Cung Môn, nơi cổng chính dẫn vào nơi ở của các vị vua chúa ngày xưa. Tiếp đó, nếu có thời gian, bạn hãy khám phá đến Tả Vu và Hữu Vu – là nơi làm việc của các quan đại thần, hay Cung Diên Thọ – là nơi vua nghỉ ngơi và thư giãn, kèm theo đó là Điện Cần Chánh – là nơi vua thiết triều. Trong cung cũng có một nơi được gọi là Thái Bình Lâu – là nơi vua dành thời gian để ngắm cảnh và làm thơ. Mỗi công trình vừa nêu trên đều mang đến những nét kiến trúc độc đáo, tinh tế, thể hiện sự thịnh vượng của triều đại phong kiến nhà Nguyễn.
Rời khỏi Tử Cấm Thành, bạn sẽ đến với Hoàng Thành. Đây là nơi diễn ra các hoạt động triều chính quan trọng. Ngọ Môn sừng sững với 5 tầng lầu chính là cổng chính của Hoàng Thành, biểu tượng cho quyền lực tuyệt đối của vua chúa. Bên cạnh đó còn có Điện Thái Hòa nguy nga tráng lệ với kiến trúc độc đáo – là nơi diễn ra các buổi lễ quan trọng của triều đình.
Ngoài ra, đừng quên check-in Kỳ Đài Huế, biểu tượng của thành phố Huế với kiến trúc hình chóp độc đáo. Đây là nơi diễn ra lễ tế cờ hàng năm, thu hút đông đảo du khách đến tham quan.
Bên cạnh đó, bạn còn có thể trải nghiệm nhiều điều hơn nữa tại Đại Nội Huế như:
- Tham quan các lăng tẩm của các vua triều Nguyễn, nơi lưu giữ những giá trị văn hóa và lịch sử quý giá.
- Ngồi xích lô dạo quanh Đại Nội, tận hưởng bầu không khí thanh bình và cổ kính nơi đây.
- Ngắm Đại Nội về đêm lung linh huyền ảo dưới ánh đèn.
- Thưởng thức trà và xem biểu diễn âm nhạc cung đình Huế – di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận.
Những lưu ý khi tham quan Đại Nội Huế
Thời gian lý tưởng tham quan Đại Nội Huế
Mùa xuân từ tháng 1 đến tháng 3 chính là thời điểm lý tưởng nhất để có thể viếng thăm Đại Nội Huế vì lúc này tiết trời êm đềm và dễ chịu. Hoặc bạn cũng có thể lựa chọn thăm quan vào mùa lễ hội – bắt đầu từ tháng 4 và kết thúc vào tháng 6. Lúc này, Huế đang vô cùng rộn ràng và nhộn nhịp với nhiều sự kiện văn hóa truyền thống được tổ chức hằng năm.
Kế hoạch tham quan Đại Nội Huế hiệu quả nhất
Bạn nên đến Đại Nội vào buổi sáng sớm hoặc đầu giờ chiều vì đây là thời điểm tốt nhất để tránh đi cái nắng gay gắt “nổi tiếng mang thương hiệu miền Trung”. Ánh sáng ban mai hay chiều tà cũng là một cơ hội không thể tuyệt vời hơn để ta có thể lưu giữ lại được những khoảnh khắc có một không hai. Bên cạnh đó, trước khi đến bạn cũng nên chuẩn bị một bản đồ và tìm hiểu kỹ về lộ trình tham quan để không bỏ lỡ bất kỳ điểm đến quan trọng nào.
Trang Phục và Quy Định Tham Quan
Một điều không kém quan trọng khi tham quan Đại Nội chính là phải mặc trang phục lịch sự và gọn gàng, vì điều này không chỉ để thể hiện sự tôn trọng với các di sản văn hóa cổ xưa mà còn để có thể lưu lại được những bức ảnh lưu niệm đẹp phù hợp với không gian xung quanh. Bên cạnh đó, hãy tuân thủ nghiêm ngặt các quy định tham quan, giữ gìn vệ sinh chung và không quay phim hay chụp ảnh trong nội thất, cũng như không sờ vào các hiện vật để bảo tồn chúng cho các thế hệ sau có thể chiêm ngưỡng.
Dịch vụ thuyết minh và liên hệ Ban quản lý
Nếu bạn đi theo đoàn và muốn có dịch vụ thuyết minh, hãy liên hệ trước với Ban quản lý di tích để đặt lịch. Dịch vụ thuyết minh sẽ giúp bạn hiểu sâu hơn về lịch sử và ý nghĩa của từng công trình, từng góc cạnh của Đại Nội.
Lời kết
Tóm lại, Đại Nội Huế là một quần thể di tích lịch sử đồ sộ và ngoạn mục, phản ánh đỉnh cao trong kiến trúc cung điện Việt Nam dưới thời nhà Nguyễn. Với lối xây dựng tinh tế và bầu không khí huyền bí, Đại Nội Huế là một nơi lý tưởng để khám phá lịch sử, văn hóa và vẻ đẹp kiến trúc của Việt Nam. Dù là du khách trong nước hay quốc tế, Đại Nội Huế chắc chắn sẽ để lại ấn tượng lâu dài và khó quên trong lòng bạn.
Bạn đã có những suy nghĩ gì về bài viết này? Hãy để lại một bình luận để mình và các bạn đọc khác biết bạn nghĩ gì nhé!