Những ngày đầu năm, ắt hẳn nhiều bạn sẽ đi lễ tại các ngôi chùa để cầu bình an và may mắn cho cả gia đình. Vậy nên, hôm nay BlogAnChoi sẽ chia sẻ cho các bạn 5 ngôi chùa linh thiêng tại Sài Gòn nên hành hương để cả năm may mắn, phát tài.
Danh sách những ngôi chùa dưới đây không chỉ nổi tiếng về sự linh thiêng và trang nghiêm mà còn mang vô vàn những lối kiến trúc và nền văn hóa khác nhau. Nào, hãy cùng BlogAnChoi tìm hiểu về những ngôi chùa này nhé!
1. Tu viện Khánh An
Địa chỉ: 8 Võ Thị Thừa, An Phú Đông, Q. 12, TP. HCM.;
Xem thêm cách di chuyển đến tu viện Khánh An tại đây.
Ban đầu, tu viện Khánh An là một ngôi chùa nhỏ do Tổ sư Trí Hiền xây dựng năm 1905 nhưng sau nhiều lần bị thực dân Pháp đốt phá, chùa được trùng tu lại và hoàn thiện như ngày nay. Tu viện có nhiều nét kiến trúc mang phong cách Phật giáo Nhật Bản với sắc thái đỏ đặc trưng và những chiếc chuông gió leng keng được treo khắp nơi.




Bước vào tu viện, bạn như bước vào chốn linh thiêng của cõi Phật kết hợp với màu sắc Nhật Bản toát ra từ lối kiến trúc rất độc đáo. Nếu bạn là một người đam mê chụp ảnh thì đây ắt hẳn là thiên đường dành cho bạn, một Tokyo thu nhỏ giữa lòng Sài Gòn.



2. Chùa Phước Hải (chùa Ngọc Hoàng)
Địa chỉ: 73 Đường Mai Thị Lựu, P. Đa Kao, Q. 1, TP. HCM.
Xem thêm cách di chuyển đến chùa Phước Hải dưới đây.
Đây là ngôi chùa có tuổi đời hơn một thế kỷ và được Nhà nước công nhận là di sản kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Với diện tích khoảng 2.300 m², chùa Phước Hải (hay còn gọi là chùa Ngọc Hoàng theo tên gọi trước đây) được xây dựng theo kiến trúc mang đậm chất đền chùa Trung Hoa.



Chùa Phước Hải gồm 3 tòa: Tiền điện, Trung điện và Chánh điện. Tại Chánh điện có thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế, Đức Phật và các vị chư thần. Điểm đặc biệt ở chùa Phước Hải là những bức tượng cổ bằng giấy bồi thể hiện cuộc họp của các vị thần khi về chầu Ngọc Hoàng.




3. Chùa Bửu Long
Địa chỉ: 81 Nguyễn Xiển, Long Bình, Q.9, TP. HCM.
Xem thêm cách di chuyển đến chùa Bửu Long tại đây.
Tên chính thức của chùa Bửu Long là Thiền viện Tổ Đình Bửu Long, được thành lập năm 1942 theo ý tưởng và thiết kế của hòa thượng Thích Viên Minh. Khi đến tham quan chùa, bạn có thể sẽ bất ngờ như đến thăm một ngôi chùa ở Thái Lan hay Ấn Độ, bởi chùa Bửu Long là sự kết hợp kiến trúc của các chùa ở Đông Nam Á và các chùa thời Nguyễn.



Chùa Bửu Long tọa lạc trên một ngọn đồi nên không khí ở đây rất mát mẻ, cây xanh phủ bóng khắp khuôn viên chùa. Vào những ngày Tết, bạn có thể đưa gia đình đến đây để tham quan cũng như cầu phúc cho gia đình ngày đầu năm.


4. Chùa Bà Thiên Hậu
Địa chỉ: 720 Nguyễn Trãi, P.11, Q.5, TP. HCM.
Xem thêm cách di chuyển đến chùa Bà Thiên Hậu tại đây.
Chùa Bà Thiên Hậu thực ra là miếu thờ bà Thiên Hậu, tuy nhiên theo dòng thời gian và cách gọi của người miền Nam, nơi linh thiêng đều được gọi là chùa. Tồn tại hơn 200 năm, chùa Bà Thiên Hậu vẫn giữ được tầm ảnh hưởng đến đời sống văn hóa của cộng đồng người Hoa nói riêng và người dân sinh sống tại Sài Gòn nói chung.


Vào dịp lễ Tết, rất đông du khách cả trong và ngoài nước đến chùa tham quan và thắp hương cầu năm mới bình an. Đặc biệt, bạn có thể đến đây chụp những bộ ảnh Tết với chiếc áo dài truyền thống trong nét kiến trúc cổ Trung Hoa, sẽ rất ấn tượng đấy!



Ngoài những ngày lễ Tết, chùa Bà Thiên Hậu còn có một sự kiện lớn trong năm là ngày vía bà Thiên Hậu được tổ chức vào ngày 23 tháng 3 Âm lịch. Vào ngày này, có rất nhiều hoạt động diễn ra như múa lân, biểu diễn nghệ thuật, tượng bà Thiên Hậu được đặt trên một chiếc kiệu và người dân rước bà đi xung quanh chùa.

5. Chùa Bà Ấn Độ
Địa chỉ: 47 Trương Định, P. Bến Thành, Q. 1, TP. HCM.
Xem thêm cách di chuyển đến chùa Bà Ấn Độ tại đây.
Chùa Bà Ấn Độ thực ra là một ngôi đền Hindu giáo của người gốc Ấn, được xây dựng vào khoảng thế kỷ 20. Chùa thờ nữ thần Mariamman – người mang lại đất đai màu mỡ, mùa màng bội thu và sự ấm no, hạnh phúc cho người dân theo truyền thuyết của người Ấn Độ.


Điều đặc biệt trong ngôi chùa này là những bức tượng đá, cột trụ đá kì lạ và có khả năng “nói chuyện” với con người. Theo truyền thuyết, bất cứ ai có những nỗi niềm gì đều có thể gục đầu vào tâm sự với tượng đá và nhận được sự thanh thản cho bản thân.


Lễ hiến tế bằng lửa cúng bà Mariamman và các vị thần được tiến hành mỗi ngày hai lần vào 10h và 19h. Người cúng tế sẽ ban phước lành từ lửa thần Agni cho người dự lễ.



BlogAnChoi hi vọng rằng những chia sẻ trên đây sẽ giúp ích cho bạn trong việc tìm địa điểm đi lễ vào dịp Tết này. Chúc bạn một năm mới thật nhiều niềm vui, may mắn và thật hạnh phúc bên những người thân yêu của mình nhé!
Bạn có thể xem thêm một số bài viết khác dưới đây:
- Kinh nghiệm du lịch tâm linh với khóa tu tuổi trẻ thật ý nghĩa
- 9 khu vui chơi dịp tết Nguyên đán ấn tượng gần Sài Gòn
- 5 địa điểm vui chơi Tết Nguyên đán tại Sài Gòn
Bạn nhớ ghé BlogAnChoi thường xuyên để cập nhật thật nhiều thông tin hữu ích về điểm đến sắp tới nhé!