Rồng là sinh vật thần thoại xuất hiện trong nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới. Có một điều thú vị là rồng trong văn hóa phương Đông và phương Tây có nhiều điểm chung nhưng cũng có rất nhiều điểm khác biệt. Bạn đã bao giờ ngẫm nghĩ về hai loại rồng giữa hai nền văn hóa này chưa? Cùng BlogAnChoi tìm hiểu về những điểm giống và khác giữa rồng phương Đông và rồng phương Tây nhé!

1. Biểu tượng của cái thiện và cái ác

Sự khác biệt giữa rồng phương Đông và rồng phương Tây (Ảnh: Internet)
Rồng phương Đông thường là biểu tượng của cái “thiện” và rồng phương Tây đại diện cho cái “ác” (Ảnh: Internet)

Xét về điểm chung, cả rồng phương Đông và rồng phương Tây đều là hình ảnh đại diện cho một thứ sức mạnh siêu nhiên cực kì vượt trội, thứ mà loài người – hay ít nhất là người thường, không phải quý tộc – không thể nào sở hữu hay đánh bại được.

Nhưng rồng phương Đông và rồng phương Tây vẫn có một điểm khác biệt cực kì lớn khi về cơ bản thì rồng phương Đông là biểu tượng của trí tuệ, sự cao quý, những điều tốt đẹp nói chung, có nghĩa là cái “thiện”. Trong khi đó, trong văn hóa phương Tây, rồng lại thường bị gán vào hình ảnh của một sinh vật hùng mạnh nhưng tham lam, tà ác, một con quái vật khiến chúng ta liên tưởng tới cái “ác”.

2. Vẻ ngoài gợi liên tưởng đến động vật bò sát

Sự khác biệt giữa rồng phương Đông và rồng phương Tây (Ảnh: Internet)
Vẻ ngoài gợi liên tưởng đến động vật bò sát (Ảnh: Internet)

Rồng trong văn hóa phương Đông được miêu tả là sự kết hợp giữa nhiều loài động vật khác nhau: thân hình của rắn, đầu có bờm như sư tử, chân hổ, móng vuốt đại bàng, sừng hươu, vây cá chép, không có cánh nhưng có thể bay lượn. Rồng thường ẩn mình trên các tầng mây, dưới những con sông lớn hoặc biển sâu.

Rồng phương Tây thì lại có hình dáng tương tự như một con thằn lằn khổng lồ, đôi cánh có màng như cánh dơi, lớp da siêu dày, cứng cáp và có hàng dãy gai nhọn kéo dài từ đầu xuống tận đuôi để có thể bảo vệ chúng khỏi đao kiếm. Nơi trú ngụ quen thuộc của chúng là trong các hang động sâu thẳm trên núi hoặc dưới lòng đất.

Bạn thấy điều thú vị ở đây chưa? Dù ở trong văn hóa phương Đông hay phương Tây thì hình ảnh tổng thể của rồng điều khiến chúng ta liên tưởng đến loài bò sát cả (những con bò sát khổng lồ!)

3. Sức mạnh gần như là vô địch

Sự khác biệt giữa rồng phương Đông và rồng phương Tây (Ảnh: Internet)
Sự khác biệt giữa rồng phương Đông và rồng phương Tây (Ảnh: Internet)

Trong văn hóa phương Đông, rồng thường được coi là loài vật thiêng có khả năng tạo ra mây mưa nên thường được gắn liền với nước, làm chủ các đại dương, sông hồ. Bên cạnh đó, chúng cũng nắm giữ sức mạnh của các yếu tố chính tạo nên vũ trụ khác như lửa, đất, kim loại, không khí,…nhưng không nổi bật và mang tính chủ đạo như nước.

Ngược lại, rồng trong văn hóa phương Tây lại hay đi với lửa hơn khi chúng có hơi thở nóng rực và khả năng phun ra lửa cực kì đáng sợ.

Có một điểm đặc biệt là trong khi rồng phương Tây có thể bị con người khống chế và thuần hóa làm công cụ đi lại hay chiến đấu – vâng, chúng ta đang nhắc tới các kị sĩ rồng đấy – thì rồng phương Đông lại không bao giờ chịu con người sai phái như vậy, chúng có thể kéo xe, canh cửa – nhưng chỉ cho thần tiên hay các vị Phật mà thôi. Người thường ư? Đừng có mơ!

4. Hậu duệ của rồng phương Đông không nhất định là rồng

Sự khác biệt giữa rồng phương Đông và rồng phương Tây (Ảnh: Internet)
Hậu duệ của rồng phương Đông không nhất định là rồng (Ảnh: Internet)

Trong văn hóa phương Đông, nếu nhắc tới chủng loại rồng thì chúng ta không thể bỏ qua số lượng hậu duệ đa dạng của chúng. Con cái của rồng có thể là rồng (đương nhiên!) nhưng cũng có thể là chín loại sinh vật siêu nhiên khác, được chạm khắc trên bia đá, nhà cửa, chùa chiền, vũ khí với nhiều trọng trách như cầu mưa, phòng hỏa hoạn, nhắc nhở mọi người sống lương thiện, tăng sức mạnh,…

Một điều thú vị khác là rồng phương Đông có thể giao hợp với nhiều loại thú khác nhau để tạo ra nhiều hậu duệ khác nhau, những loài thường xuất hiện trong danh sách bạn tình của chúng là rắn, cá chép…và cả con người!

Hậu duệ của rồng phương Tây rõ ràng đơn giản hơn rồng phương Đông rất nhiều, chúng chỉ giao phối với những con rồng khác, sinh trứng và trứng chỉ nở ra rồng (vâng, chính xác là không có thứ kì lạ nào lai tạp với chúng cả).

5. Mối liên kết giữa rồng và con người

Sự khác biệt giữa rồng phương Đông và rồng phương Tây (Ảnh: Internet)
Mối liên kết giữa rồng và con người (Ảnh: Internet)

Rồng phương Đông rất được con người tại đây tôn kính, sùng bái. Từ xa xưa, rồng đã là loài vật thiêng gắn liền với các gia đình hoàng tộc phương Đông – đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam – khi chỉ có người thuộc hoàng tộc mới có thể sử dụng quần áo hay đồ vật có hình rồng trên đó. Trong lịch sử, việc người thuộc tầng lớp thấp hơn dùng đồ có hình rồng luôn bị coi là một tội lớn, thậm chí có rất nhiều người đã bị giết (cả nhà) vì hành động này.

Ngược lại, rồng phương Tây lại đi liền với sự căm ghét và sợ hãi vì sự tàn ác và phá hoại của chúng. Con người muốn đánh bại và giết chết rồng để giải cứu các nàng công chúa bị chúng bắt cóc hoặc chiếm đoạt kho báu của rồng hơn là làm bạn hoặc tôn thờ loài vật này. Hiện nay, hình ảnh rồng đang được tích cực hóa hơn nhờ vào các tác phẩm điện ảnh, hoạt hình sử dụng hình ảnh rồng đáng yêu, thân thiện, điển hình là “Bí kíp luyện rồng”.

6. Mối liên kết giữa với các sinh vật khác

Sự khác biệt giữa rồng phương Đông và rồng phương Tây (Ảnh: Internet)
Sự khác biệt giữa rồng phương Đông và rồng phương Tây (Ảnh: Internet)

Trong văn hóa phương Đông, rồng luôn đứng đầu trong bảng xếp hạng các sinh vật siêu nhiên, là kẻ thống trị các loài sinh vật trên khắp thế gian – ở nghĩa hẹp hơn thì thống trị mọi sinh vật sống dưới nước. Rồng cũng là tổ tiên của nhiều sinh vật siêu nhiên khác và có thể sánh ngang với chúng chỉ có thể là phượng hoàng hoặc kì lân. Trong đó, phượng hoàng được nhắc đến nhiều hơn cả khi là thủ lĩnh của các loài chim bay, kì lân được nhắc đến ít hơn và hay được coi là loài đứng đầu các loài thú sống trên cạn.

Rồng phương Tây không có liên hệ trực tiếp với các chủng loài khác. Cũng giống như con người, các sinh vật khác thường là quan hệ đối địch với rồng (và chúng đóng vai trò con mồi nên chắc chắn là yếu hơn rất nhiều so với sinh vật mạnh mẽ đến mức gần như vô địch này).

7. Báu vật của loài rồng

Sự khác biệt giữa rồng phương Đông và rồng phương Tây (Ảnh: Internet)
Báu vật của loài rồng (Ảnh: Internet)

Rồng phương Đông thường xuất hiện trong các bức tranh hay hình chạm khắc cổ với một viên ngọc quý ngậm trong miệng hay cầm trong móng vuốt. Nhưng có một thứ được coi là quý giá nhất với rồng lại là một miếng vảy hình trăng khuyết màu trắng mọc ngược dưới cằm. Truyền thuyết nói rằng đây là chỗ hiểm của rồng vì máu từ tim rồng chảy qua huyết quản chủ dưới mảnh vảy đó chảy ra khắp toàn thân. Nếu có ai tấn công vào nơi đó hoặc trộm được miếng vảy này thì sức mạnh của rồng sẽ gần như bị mất hết.

Rồng phương Tây lại có một đặc tính rất rõ ràng là tham lam, nhất là các loại tài sản quý của con người như vàng bạc, châu báu. Hình ảnh điển hình nhất thường xuất hiện cùng với rồng là những đồng vàng, ngọc quý, kim cương, các loại trang sức nói chung…chất cao như núi trong hang động mà rồng ở.

8. Tiến hóa

Sự khác biệt giữa rồng phương Đông và rồng phương Tây (Ảnh: Internet)
Sự khác biệt giữa rồng phương Đông và rồng phương Tây (Ảnh: Internet)

Trong văn hóa phương Đông, các loại sinh vật như cá chép, rắn, rùa đều có thể tiến hóa (hoặc phản tổ) thành rồng sau khi trải qua thời gian tu luyện lâu dài, thường lên đến hàng nghìn năm. Một quan niệm thường gặp trong tư tưởng của họ là những loài sinh vật này đều là hậu duệ của rồng nên trong cơ thể có huyết thống của loài sinh vật thần thánh này.

Ngược lại, rồng phương Tây là một chủng loài độc lập và đương nhiên là không có bất kì loài vật nào khác có thể chuyển hóa thành rồng (tuy vậy vẫn có một số câu chuyện về việc dũng sĩ diệt rồng cuối cùng lại trở thành rồng. Đây có vẻ như là cách duy nhất để một sinh vật chuyển hóa thành loài rồng hùng mạnh, nhưng cách nói này rõ ràng là thiên hướng ẩn dụ hơn).

9. Rồng trong các nền văn hóa khác

Sự khác biệt giữa rồng phương Đông và rồng phương Tây (Ảnh: Internet)
Sự khác biệt giữa rồng phương Đông và rồng phương Tây (Ảnh: Internet)

Có thể nói, rồng là loài vật có tần suất xuất hiện cực kì cao trong văn minh loài người. Ở các khu vực văn hóa khác như châu Phi hay Nam Mỹ cũng thường xuyên có hình ảnh của chúng. Rồng tại những địa điểm này thường mang hình ảnh là những con rắn khổng lồ, có cánh chim, có thể có hai hoặc bốn chân. Chúng có thể đại diện có cả mặt thiện và mặt ác.

Có một điều thú vị là tuy trong ngôn ngữ, những sinh vật này được gọi là rồng nhưng trong văn hóa đại chúng, phần lớn mọi người không công nhận chúng là rồng thực thụ.

10. Các ghi chép về rồng trong lịch sử đã xuất hiện từ hàng nghìn năm trước công nguyên

Sự khác biệt giữa rồng phương Đông và rồng phương Tây (Ảnh: Internet)
Sự khác biệt giữa rồng phương Đông và rồng phương Tây (Ảnh: Internet)

Sử thi Gilgamesh vùng Lưỡng Hà – sử thi lâu đời nhất thế giới được viết từ 2000 năm trước công nguyên – đã nhắc đến rồng. Trong Kinh Thánh – cuốn sách được xuất bản nhiều nhất thế giới – cũng nhắc đến loài sinh vật huyền thoại này với miêu tả: người Babylon thờ phụng một loài quái vật hung dữ, vẻ ngoài giống một con thằn lằn khổng lồ, có thể phun ra lửa và thích ăn thịt người. Các ghi chép khác về rồng cũng xuất hiện trong thần thoại của người Viking từ rất sớm. Những người nổi tiếng trong lịch sử mà chúng ta quen thuộc như đại đế Alexander, Marco Polo, vua Henry VIII cũng từng nói rằng mình đã nhìn thấy rồng.

Có một điều thú vị là cách những người chứng kiến miêu tả loài vật được coi là rồng lại trùng khớp một cách khá rõ ràng với những bộ xương hóa thạch được tìm thấy sau này của khủng long. Vậy nên nhiều ý kiến cho rằng rồng thực chất chính là những con khủng long còn sống sót trên Trái Đất.

Rồng xuất hiện rất sớm trong văn hóa phương Đông, đặc biệt là tại Trung Quốc. Theo tìm hiểu của các nhà khoa học thì những ghi chép đầu tiên của người Trung Quốc về loài vật này đã có mặt từ khoảng 7000 năm trước công nguyên. Các triều đại sau này của Trung Quốc cũng nhiều lần nhắc tới rồng và chúng thường hay xuất hiện cùng các vị thần. Các đất nước khác như Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines cũng có nhiều ghi chép về việc rồng xuất hiện, thậm chí là chết trước mặt con người.

Bạn có thể đọc thêm:

Xem thêm

10 thợ săn phù thủy khét tiếng nhất lịch sử thế giới

Trong lịch sử, đã có hàng ngàn người đã bị tra tấn và giết chết dưới bàn tay của những kẻ được gọi là thợ săn phù thủy. Cùng BlogAnChoi tìm hiểu về 10 thợ săn phù thủy khét tiếng nhất lịch sử thế giới nào.
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
1 Bình luận
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận