Không phải tự nhiên mà những cái tên như “Người phán xử” hay “Gạo nếp gạo tẻ” lại khiến cư dân mạng điên đảo đến vậy. Hãy cùng BlogAnChoi tìm hiểu xem lý do gì đã tạo ra cuộc cách mạng cho tỉ lệ rating phim truyền hình Việt nhé!
Dàn diễn viên có “nghề”
Nhắc tới cái tên đầu tiên làm nên chuyện trong chặng đường này, ngày 05/4/2017, bộ phim “Sống chung với mẹ chồng” chính thức phát sóng và gây sốt ngay từ tập đầu tiên.
Dù kịch bản không hề mới nhưng cách vào đề và khai thác các tuyến nhân vật lại vô cùng đặc sắc với sự “ăn rơ” của các diễn viên Bảo Thanh (vai Minh Vân), Anh Dũng (vai Thanh), NSND Lan Hương (vai bà Phương),… Từ giọng nói đến cái liếc nhìn của bà Phương dành cho cô con dâu đã đủ khiến chị em phụ nữ ở nhà sôi sục tim gan.
Còn bàn về “Người phán xử”, ta không thể bỏ qua NSND Hoàng Dũng – người đã thủ vai ông trùm Phan Quân. Sẽ chẳng ai quên được nét mặt vừa uy nghiêm nhưng lại chứa đựng ánh mắt giằng xé khi ông trùm quyết định chặt tay cậu con trai vì cậu đã giết người, đúng như tôn chỉ trong giới giang hồ “Nợ máu phải trả bằng máu”.
Cái danh “Nghệ sĩ Nhân dân” đã tồn tại theo đúng cái ngữ của nó, đậm đà, đa dạng và đầy chiêm nghiệm qua những tầng diễn xuất rất đời. Những diễn viên trẻ khác lại mang trong mình đầy đam mê, có những người đã qua tay nhiều tác phẩm truyền hình, ví như Bảo Thanh, sự dạn dĩ trong diễn xuất của cô đủ mãnh liệt để khiến khán giả tin vào điều mà nhân vật của cô đang thể hiện.
Hoặc với Thu Quỳnh, trước khi đến với dáng vẻ chị cả mẫu mực trong “Về nhà đi con”, người ta từng quan ngại rằng cô sẽ “chết vai” với My Sói trong “Quỳnh búp bê” – một tựa phim làm mưa làm gió chỉ sau “Người phán xử”. Thực tế lại cho thấy không ai nhớ về My Sói khi trông ra cảnh chị Huệ rơi nước mắt bên cạnh một ông chồng tồi tệ, dù cho tuyến nhân vật của Thu Quỳnh không được xếp vào kiểu dễ chiếm sóng trong phim.
Mạng xã hội và sức mạnh truyền thông
Đài truyền hình Việt Nam vốn không thu hút quá nhiều vào thị phần giới trẻ trong khoảng từ 10-25 tuổi. Cách đây 4 năm, nếu bạn hỏi bọn trẻ bây giờ có xem phim truyền hình Việt Nam hay không, thì chắc hẳn bạn biết câu trả lời rồi.
Thế nhưng, khi công nghệ vào cuộc, người ta mới thấy được quyền năng của sự lan truyền qua internet. Hàng loạt các câu nói viral (ý chỉ sự phổ biến rộng rãi) từ bà Phương như “Ai cho phép cô cưỡi lên người con giai tôi thế hả?”, cho đến những câu thoại cực bá đạo của Thư, của cô em út loi choi trong “Về nhà đi con” đã được cư dân mạng thuộc nằm lòng.
Fanpage của bộ phim vừa được nhắc đến đã sở hữu hơn 670.000 lượt like, cùng với số lượng bình luận cho các đoạn clip được tính bằng nghìn. Chiến binh mới nhất trong chặng đường khai phá nền công nghiệp truyền hình Việt đã đem lại một con số không tưởng và chưa từng có tiền lệ nào trước đây.
Với trường hợp của “Gạo nếp gạo tẻ”, dù không được công chiếu trên đài truyền hình quốc gia vẫn hiên ngang có cho mình một chỗ đứng riêng. Bởi lẽ những kịch tính và những “cú lừa” xoay chuyển tình thế ngoạn mục trong phim đã kích thích triệt để “máu tò mò” của khán giả xem đài.
Công tác giao lưu với khán giả chủ yếu là đối tượng sinh viên và những bà con các tỉnh lân cận cũng được ban truyền thông của phim quan tâm hơn bao giờ hết. Những buổi họp báo, fan meeting của hai bộ phim “Gạo nếp gạo tẻ” và “Về nhà đi con” luôn đông khán giả đến mức không còn ghế trống, kèm theo đó là không khí tưng bừng náo nhiệt mà căn bản là khó có thể tìm thấy ở những buổi họp báo phim truyền hình trước đây.
Sự đồng cảm từ phía người xem
Ở góc độ làm phim, “Sống chung với mẹ chồng” hay “Về nhà đi con” đã thể hiện một cách mạnh mẽ sự gắn kết giữa phim với đời. Tình cảm gia đình và các hệ giá trị cá nhân được truyền tải hết sức “mượt” bằng một kịch bản chắc tay cùng với diễn xuất chân thực đến từng khung hình.
Các bà mẹ bỉm sữa như thấy được nét tái hiện của chính cuộc đời mình, vừa bi vừa hài khi sống chung với gia đình chồng. “Mẹ chồng” giờ đây đã không còn là một danh từ gọi chức danh mà còn là tính từ để vẽ ra một “bầu trời” gần như ám ảnh tất cả các cô con gái trước khi về làm dâu nhà chồng.
Nói đi cũng phải nói lại, mẹ chồng nào cũng từng là con dâu. Vì vậy rất nhiều bài viết của các bà mẹ chồng đã được đăng tải để “trấn an” tâm lý các con. Mặt khác, vai người cha của nghệ sĩ Trung Anh trong “Về nhà đi con” đã khiến cho người xem không ít lần rơi nước mắt, một ông bố cương trực, giáo điều nhưng hết mực yêu thương con cái.
Những “cú lừa”
Có lẽ rất nhiều khán giả đều cảm thấy “ấm ức” với cái kết của hầu hết các phim truyền hình nổi bật vừa được nhắc tên ở trên. Với “Về nhà đi con”, từ tập 60 trở đi, không ít khán giả bắt đầu tỏ ra sốt ruột với các tập phim do nhận thấy có quá ít drama để xem.
Tình huống Huệ phát hiện Quốc là người bí mật giúp cô mở quán đã đụng chạm đến lòng tự trọng của cô và khiến cho độ “bực mình” của khán giả lên một nấc nữa. Vì với tất cả những cái “thiên thời địa lợi nhân hòa” mà biên kịch dành cho hai nhân vật này, khán giả cảm thấy không thuyết phục khi Huệ cứ ra sức cự tuyệt Quốc.
Một số fan ruột của bộ phim “Sống chung với mẹ chồng” hay “Người phán xử” đã tỏ vẻ không hài lòng với tập cuối khi cho rằng phim có kết thúc nhạt nhẽo và thiếu thực tế.
Với “Quỳnh búp bê” cũng vậy, khi bộ phim đã kết thúc, nhiều khán giả vẫn hoang mang tự hỏi không rõ phim đã hết thật hay chưa vì diễn biến quá chóng vánh. Nếu quan sát kĩ, khán giả sẽ đủ thông minh để biết không có gì là hoàn hảo. Và nhà làm phim cũng thừa tỉnh táo để có thể tạo ra cái kết nhiều “drama” hơn.
Nhưng tại sao họ vẫn chọn cách thức mà chúng ta gọi là “tẻ nhạt”? Bởi vì đó là kĩ năng làm phim. Có thể nói nhà đài đã “lừa” người xem, nhưng nếu những bộ phim truyền hình kể trên không kết thúc như vậy, bạn sẽ chẳng nhớ bộ phim đã diễn ra đặc sắc đến mức nào trước đó.
Hơn nữa, khi bạn đã yêu thích thậm chí “phát cuồng” vì một bộ phim, bạn sẽ mang tâm lý không bao giờ muốn nó kết thúc. Vì vậy nghiễm nhiên dù có kết thế nào cũng sẽ tạo ra dư luận trái chiều.
Kết
Các nhà làm phim cũng như dàn diễn viên đã nỗ lực hết mình vì một tương lai tươi sáng và khởi sắc cho ngành công nghiệp phim truyền hình Việt. Hãy thưởng thức và tán dương cho những công lao mà họ gầy dựng các bạn nhé!
Một số bài viết cùng chủ đề mà bạn có thể tham khảo:
- 5 bộ phim truyền hình Việt Nam “hot” nhất trên VTV trong 9 tháng đầu năm 2018
- Phim Việt giờ vàng: 4 bộ phim Việt Nam hay nhất hiện nay đừng nên bỏ lỡ
- Top 10 phim có rating cao nhất năm 2018 của truyền hình Trung Quốc, bạn đã xem được mấy bộ?
Và cũng đừng quên theo dõi những thông tin mới nhất trong chuyên mục Phim của BlogAnChoi nhé!