Hiện nay, các công nghệ trên điện thoại di động càng ngày càng hiện đại và luôn được nâng cấp. Tuy nhiên, có bao giờ bạn đặt câu hỏi tại sao các hãng lớn như Apple, Samsung, Google chỉ trang bị camera 12MP trên điện thoại của mình thay vì 48MP, 108MP như Huawei và Xiaomi không? Hãy cùng BlogAnChoi tìm hiểu nhé.
Số pixel càng lớn, càng tốn dung lượng bộ nhớ
Một bức ảnh, hay một đoạn clip nếu càng có nhiều số lượng pixel thì đồng nghĩa với việc điện thoại phải xử lí nhiều thứ hơn, trong một vài trường hợp thì điều này có thể gây chậm máy và nhanh hết pin. Khi sử dụng các tính năng Night Mode hay Portrait Mode, thì những điều này sẽ dễ dàng xảy ra hơn vì các tính năng này yêu cầu khá nhiều về phần cứng.
Độ phân giải cao chưa chắc đã là một việc tốt, bởi vì nó sẽ chiếm khá nhiều dung lượng lưu trữ bộ nhớ của máy. Theo xu thế hiện tại, tất cả các hãng sản xuất điện thoại đều loại bỏ dần khe cắm thẻ nhớ SD và chỉ tăng dung lượng bộ nhớ trong lên.
Giải pháp đưa ra lúc này là hệ thống lưu trữ đám mây, tuy nhiên chúng đôi khi sẽ gây khó khăn cho người dùng bởi dung lượng lưu trữ bị giới hạn, hoặc phải yêu cầu có kết nối mạng tốc độ cao liên tục.
Hình ảnh xuất ra ngoài chỉ cần đủ 12 MP
Có một điều mà ít ai trong chúng ta nhận ra, đó là chúng ta thường đưa những hình ảnh chụp được, những đoạn phim quay được lên màn hình TV hoặc máy tính. Thường độ phân giải của các màn hình này sẽ nằm ở mức Ultra HD, đồng nghĩa nó sẽ chỉ có 8.3 triệu (8.3 MP) điểm ảnh.
Cũng chính vì như vậy nên camera điện thoại có độ phân giải 12 MP đã là quá đủ và không cần thiết phải tăng lên. Nếu bạn để ý kĩ hơn, sẽ thấy rằng hầu hết các hãng công nghệ lớn đều chỉ tích hợp trên điện thoại của mình camera tele có độ phân giải 12MP, hoặc đôi khi là còn thấp hơn nữa.
12 MP đã đủ để quay video 4K
Quay những đoạn phim ở độ phân giải Ultra HD (hay còn gọi là 4K) đã dần trở nên phổ biến, tuy nhiên một sự thật khá phũ phàng rằng chúng ta chỉ cần một camera có độ phân giải 10 MP là đã đủ để quay những đoạn clip Ultra HD. Điều đó đồng nghĩa với việc ống kính 12 MP hoàn toàn dễ dàng làm điều này, vấn đề ở đây là CPU và chip xử lí ảnh của điện thoại bạn có đáp ứng được hay không thôi.
Độ phân giải không phải là yếu tố quan trọng để quyết định chất lượng ảnh
Điều này hoàn toàn chính xác, bởi vì để cho ra một bức ảnh đẹp thì phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau, cụ thể như thuật toán, điều kiện chụp, hiển thị màu sắc, chất lượng của ống kính camera, độ sai lệch màu sắc, và nhiều thứ khác nữa.
Hiện nay, có thể lấy ví dụ là Google Pixel thì Google chỉ tập trung cải thiện chất lượng ảnh bằng phần mềm, còn các hãng điện thoại Android khác thì lại chỉ cố gắng tăng độ phân giải camera lên. Cũng có một giải pháp được đưa ra là công nghệ gộp điểm ảnh (Pixel Binning), tức là bức ảnh 40 MP sẽ thành 10 MP.
Tuy nhiên, ưu thế của camera có độ phân giải 12 MP vẫn sẽ được thể hiện rõ ràng, bởi vì không cần phải trải qua quá trình gộp điểm ảnh, nên các thao tác chụp ảnh của người dùng sẽ nhanh và mượt hơn bao giờ hết.
Kích thước cảm biến quan trọng hơn
Khi độ phân giải camera thấp thì kích thước các điểm ảnh trên ống kính đó sẽ lớn hơn, đồng nghĩa với việc sẽ thu được nhiều ánh sáng hơn. Thực tế cũng cho thấy, việc chụp hình trong điều kiện thiếu sáng bằng camera 12 MP sẽ tốt hơn là 48 MP. Các dòng smartphone hiện tại của Huawei đều sử dụng kích thước cảm biến lớn hơn Apple và Samsung. Vì vậy, trong một vài trường hợp thì điện thoại của hãng sẽ chụp hình đẹp hơn.