Kịch bản hay và lạ, diễn viên hợp vai và bối cảnh là một trong những điều làm nên một bộ phim hay. Không ít các bộ phim đạt được thành công đó đến nỗi nó được các nước khác mua bản quyền để sản xuất lại. Cùng xem qua những bộ phim được “remake” để xem đâu là phiên bản hay nhất nhé!
Thơ ngây
Phiên bản Thơ Ngây đầu tiên của Đài Loan (2005) chính là bộ phim gắn liền với tuổi thơ của các thế hệ 9X. Khi mà một thời gian dài, hai cái tên đình đám Lâm Y Thần và Trịnh Nguyên Sướng được báo giới nhắc đi nhắc lại. Bản truyền hình của nó được hơn 15 quốc gia mua bản quyền phát sóng. Dựa theo bộ truyện tranh tuổi học trò Nhật Bản mang tên Itazura na Kiss của tác giả Tada Kaoru, được xuất bản từ tận những năm 1990. Các nhà làm phim Đài Loan phải nói đã có công “tìm kiếm” một bộ truyện hay như vậy để chuyển thể. Nhắm vào chủ đề tình yêu tuổi học trò ngây thơ trong sáng – không bao giờ “lỗi mốt” trong phim truyền hình. Phim đã thu hút người xem với những tình tiết dở khóc dở cười của cô nàng Tương Cầm hậu đậu trong quá trình chinh phục cậu bạn Giang Trực Thụ tài giỏi và lạnh lùng.
5 năm sau, Hàn Quốc cũng trình làng một phiên bản hoàn toàn toàn mới của Thơ Ngây mang tên Playful Kiss với sự tham gia của Kim Huyn Joong – ngôi sao mới của phim truyền hình sau sự thành công của BOF và Jung So Min.
Tuy rating trên truyền hình rớt thảm hại (chỉ có khoảng 5,4%) nhưng bộ phim lại cực kì hot trên các kênh xem phim online vì độ siêu dễ thương của nó và phù hợp với lứa tuổi teen. Đó là lý do các nhà sản xuất chịu bỏ thêm chi phí làm thêm ba tập phim đặc biệt để chiều lòng fan.
Không chịu thua Hàn Quốc và Đài Loan, năm 2013 vừa rồi. Nhật Bản cũng sản xuất một “live action” dựa trên bộ truyện Itazura na Kiss.
Phiên bản này của Nhật Bản tạo được ấn tượng tốt cho khán giả và đồng thời cũng là cú hích cho sự nghiệp của hai diễn viên trẻ Furukawa Yuki và Honaka Miki. Phim đã thể hiện đúng chất dễ thương, trong sáng từ nguyên tác và nhận được lời khen của chính tác giả bộ truyện này.
Không để khán giả có thời gian tiêu hóa, thì Kiss me (tên gốc: Rak Lon Jai Nai Klaeng Joob) được Thái Lan làm lại năm ngoái hiện đang tạo cơn sốt tại Thái Lan với sự tái hợp của cặp đôi Full house Thái, Aom Sushar (vai Taliw) và Mike D Angelo (vai Tenten).
Đây được xem phiên bản Thơ Ngây có sự sửa đổi kịch bản nhiều nhất so với ba bản còn lại. Nhưng cách mà các biên kịch Thái “remake” rất linh hoạt và phù hợp với mạch truyện nên làm cho khán giả cực thích thú. Chàng diễn viên Mike cũng được bình chọn là “thiên tài” ngầu nhất trong tất cả phiên bản khi mang cả quả đầu trắng lên phim.
Con nhà giàu
Tên gốc của nó là Hana Yori Dango -một bộ truyện tranh được xuất bản vào năm 1996. Nội dung kể về Makino Tsukushi một nữ sinh nhà nghèo nhưng lại nhập học ở một ngôi trường quý tộc do một vận may siêu tình cờ. Nhưng chỉ vừa mới vào nhập học, cô đã đụng độ với Tsukasa, thủ lĩnh của nhóm F4 giàu có và quyền lực nhất trường…
Mở đầu trong việc đưa các “chàng công tử” và “công chúa” trong bộ truyện lên phim là Đài Loan. Đài Loan chắc sẽ được xếp hạng nhất về việc chuyển thể phim truyện mất. Bộ phim được ra mắt người xem vào năm 2000 với sự tham gia của các diễn viên Từ Hy Viên, Ngôn Thừa Húc, Châu Du Dân, Chu Hiếu Thiên, Ngô Kiến Hào.
Năm 2005, “con tàu” Con nhà giàu của Nhật Bản cũng cập bến. Phiên bản Con nhà giàu của Nhật Bản tuy không có những khung hình lung linh và ấn tượng cũng như dàn diễn viên đẹp xuất sắc, nhưng lại được đánh giá rất cao về phần diễn xuất của các diễn viên chính là Matsumoto Jun, Oguri Shun, Matsuda Shota, Abe Tsuyoshi đều là diễn viên có thực lực.
Nổi bật nhất chính là phiên bản Boys over flowers của Hàn Quốc. Xuất xưởng từ năm 2009, BOF thật sự đã xây dựng nên một đế chế F4 hoàn toàn toàn mới kéo dài đến năm 2011. Đồng thời tên tuổi của các diễn viên chính như Goo Hye Sun, Lee Min Hoo, Kim Huyn Joong, Kim Bum cũng nhờ vậy mà… một bước thành sao.
Năm 2013, khán giả lại được một phen ngạc nhiên khi Trung Quốc lại “chào hàng” một phiên bản mới toanh nữa của Con Nhà Giàu mang tên Cùng ngắm mưa sao băng.
Sự thất bại của Cùng ngắm mưa sao băng phiên bản Trung Quốc đã chứng minh một điều rằng không phải bộ phim nào ăn theo xu hướng cũng thành công. F4 của bộ phim này được đánh giá là chưa có được cái thần thái “hơn người” như các phiên bản trước.