Bạn có bao giờ gặp tình huống oái oăm muốn đi “xả nước” mà lại không có chỗ để xả? Hay bạn thường xuyên nhịn đi WC vì mải mê làm việc? Hãy cùng xem chuyện gì có thể xảy ra khi nhịn đi tiểu quá lâu, và tại sao bạn cần phải bỏ thói quen tai hại này ngay lập tức nhé.
Hệ bài tiết của chúng ta hoạt động như thế nào?
Thận có chức năng lọc máu để tạo ra nước tiểu, sau đó nước tiểu được chứa ở bàng quang. Đây là cơ quan có dạng như quả bóng đàn hồi, khi không chứa nước nó sẽ co lại chỉ còn khoảng 5 cm chiều ngang, nhưng khi cần thiết có thể giãn ra tới 15 cm và chứa được tối đa khoảng 600-900 ml nước tiểu.
Tuy nhiên bàng quang có khả năng giãn to như vậy không có nghĩa là chúng ta nên chờ tới khi nó thật đầy rồi mới “xả”. Đôi khi có những tình huống buộc chúng ta phải nhịn đi tiểu nhưng nếu lặp lại thường xuyên sẽ làm cho bàng quang không chịu được nữa và dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Bàng quang được cấu tạo bởi các cơ có khả năng co giãn, nằm trong khung xương chậu. Có 2 ống nhỏ dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang được gọi là niệu quản. Thận lọc các chất thải độc hại ra khỏi máu và tạo ra nước tiểu chứa ở bàng quang, sau đó sẽ thải ra ngoài qua đường ống gọi là niệu đạo.
Có một vòng cơ thắt ở điểm nối giữa bàng quang và niệu đạo, bình thường nó luôn thắt lại để ngăn nước tiểu chảy ngược từ dưới lên trên. Khi bộ não yêu cầu đi tiểu, cơ vòng sẽ mở ra để cho nước chảy xuống.
Đi tiểu đúng lúc cũng là một kỹ năng phải học
Khi bàng quang chứa nhiều nước, các đầu dây thần kinh bên trong nó sẽ cảm nhận và gửi tín hiệu đến tủy sống, từ đó đi lên não. Khi bàng quang đầy khoảng 1/4 đến 1/3 (khoảng 180-300 ml), bộ não sẽ phát tín hiệu thôi thúc chúng ta phải đi tiểu.
Khi lượng nước tiểu lên tới khoảng 600 ml, bạn sẽ cảm thấy rất khó chịu và muốn đi xả ngay lập tức. Tuy nhiên việc đi tiểu lại là hành động có ý thức, tức là chúng ta có thể “huấn luyện” để thay đổi và thậm chí kiềm chế tín hiệu tự nhiên.
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đi tiểu mỗi khi bộ não ra tín hiệu, nhưng quá trình huấn luyện sẽ giúp trẻ biết được khi nào nên đi và khi nào phải nhịn. Theo thời gian, trẻ sẽ biết cách ức chế phản xạ này và chỉ “buông” vào lúc phù hợp.
Nên đi tiểu mấy lần trong ngày?
Câu trả lời phụ thuộc vào cơ địa của từng người và lượng chất lỏng nạp vào cơ thể trong ngày, cả đồ uống và đồ ăn. Trung bình một người bình thường đi tiểu khoảng 6 đến 10 lần mỗi ngày, nhưng có thể rất khác nhau giữa người này với người khác, thậm chí cùng một người nhưng giữa ngày này với ngày khác.
Như vậy có nghĩa là một người khỏe mạnh uống nước đầy đủ thường cảm thấy muốn đi tiểu sau khoảng 2 đến 4 giờ, trừ lúc ngủ ban đêm. Tuy nhiên thực tế chúng ta có thể ngồi làm việc cả buổi mà không đi tiểu.
Hiện nay không có kỷ lục chính thức về thời gian nhịn đi tiểu lâu nhất, nhưng có một kỷ lục Guinness thế giới về lượng nước tiểu được lấy ra khỏi cơ thể một người nhiều nhất trong một lần là 22 lít. Đó là một người đàn ông mắc chứng thận to khiến cho nước tiểu bị tắc lại bên trong và phải phẫu thuật.
Nhịn tiểu quá lâu có hại gì cho sức khỏe?
Theo các bác sĩ, không có định nghĩa rõ ràng như thế nào là “nhịn quá lâu”, nhưng người bình thường nên đi tiểu ít nhất 5 lần mỗi ngày. Nếu đi tiểu ít thì có khả năng cơ thể bạn đang thiếu nước và cần bổ sung thêm.
Bạn có thể đi tiểu thường xuyên hơn tùy thuộc vào tuổi, giới tính, kích thước của bàng quang do bẩm sinh, và các yếu tố khác. Một số loại thuốc (như thuốc lợi tiểu), tình trạng bệnh tật, và đồ ăn thức uống (như caffeine hoặc đồ có cồn) có thể làm tăng lượng nước tiểu.
Nếu bạn phải đi tiểu chưa tới 2 giờ một lần, hoặc thức dậy nhiều lần để đi tiểu vào ban đêm, thì có thể là tình trạng bàng quang hoạt động quá mức, còn được gọi là OAB, khiến bạn khó nhịn tiểu.
Nếu thỉnh thoảng bạn buộc phải nhịn đi tiểu trong thời gian lâu (như đi tàu xe đường dài) thì không có gì nghiêm trọng, nhưng nếu thường xuyên làm điều này và thời gian nhịn tiểu quá dài có thể gây ra nhiều hậu quả nguy hiểm cho sức khỏe.
Tiểu són
Hậu quả thường gặp của thói quen nhịn tiểu thường xuyên là tiểu són, hay còn gọi là tiểu không tự chủ. Đó là khi các cơ ở bàng quang không thể đóng chặt để giữ nước tiểu, cuối cùng phản xạ tự nhiên sẽ làm cho nước tiểu bị rò rỉ ra ngoài, có thể chỉ vài giọt nhưng đôi khi cũng chảy nhiều ướt đẫm.
Bàng quang suy yếu
Bàng quang được cấu tạo bởi các cơ và cũng có thể bị yếu khi phải hoạt động quá mức trong thời gian dài, hậu quả là bạn sẽ cảm thấy khả năng nhịn tiểu kém hơn trước và các vấn đề bất thường khác khi đi tiểu.
Co thắt bàng quang
Cơ bàng quang cũng có thể bị chuột rút và co thắt khi hoạt động quá sức giống như bất kỳ cơ nào khác, nhưng cảm giác sẽ khó chịu hơn nhiều so với chuột rút ở bắp chân. Co thắt bàng quang có thể gây đau và tiểu són.
Nhiễm trùng
Nhịn tiểu thường xuyên làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu vì nước tiểu bị giữ lại nên vi khuẩn cũng có nhiều thời gian để sinh sôi phát triển. Thói quen nhịn uống nước để tránh đi tiểu nhiều cũng làm cơ thể thiếu nước, tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Mang thai có thể làm phụ nữ đi tiểu thường xuyên hơn do sự thay đổi hormone trong giai đoạn sớm của thai kỳ và do tăng áp lực đè lên bàng quang ở giai đoạn sau. Việc nhịn tiểu quá lâu khi mang thai có thể tăng nguy cơ nhiễm trùng tiểu vốn đã cao ở thai phụ.
Mất cảm giác mắc tiểu
Giống như việc dạy cho trẻ nhỏ nhịn đi tiểu, người lớn cũng có thể tự “huấn luyện” bản thân để nhịn lâu hơn nữa. Nếu bạn thường xuyên phớt lờ tín hiệu của bàng quang thì dần dần có thể sẽ không cảm giác được nữa, không nhận ra lúc nào thực sự cần phải đi.
Mót tiểu
Ngược lại với điều trên, nhịn tiểu thường xuyên về lâu dài có thể khiến bạn lúc nào cũng có cảm giác muốn đi tiểu mặc dù lượng nước tiểu không nhiều. Một số trường hợp có thể dẫn đến tổn thương dây thần kinh trong bàng quang đến mức cần phải phẫu thuật để sửa chữa.
Nhịn tiểu quá lâu có nguy hiểm tính mạng không?
Giai thoại kể rằng nhà thiên văn học nổi tiếng người Đan Mạch Tycho Brahe ở thế kỷ 16 đã qua đời vì nhịn đi tiểu quá lâu. Chuyện đó có thật không? Năm 2001 các nhà khoa học đã xem xét thi hài của ông và cho rằng ông qua đời vì nhiều nguyên nhân kết hợp như béo phì, tiểu đường và lối sống không điều độ.
Ít đi tiểu cũng là một trong những triệu chứng của ông được ghi nhận trong những ngày cuối đời, nhưng không rõ đó có phải là cố ý nhịn đi tiểu thật hay không. Theo các bác sĩ, bàng quang bị vỡ do quá căng là hiện tượng hiếm gặp nhưng vẫn có thể xảy ra, nhất là khi có lực tác động mạnh từ bên ngoài, nếu không được điều trị kịp thời có thể đe dọa tính mạng.
Vậy là bạn đã biết nhịn đi tiểu thường xuyên có thể dẫn đến những hậu quả nguy hiểm như thế nào rồi đấy. Hãy chú ý đi “xả nước” đúng lúc để bảo vệ sức khỏe bản thân nhé!
Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:
- 5 thói quen chúng ta cần loại bỏ ngay lập tức khi đi tiểu
- Giảm cân có khiến bạn đi tiểu nhiều hơn? Làm sao để không đi tiểu quá thường xuyên khi giảm cân?
Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!