Di truyền không phải là yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến sức khỏe và ngoại hình của em bé, mà còn nhiều yếu tố khác xảy ra trong quá trình mang thai của người mẹ. Từ thức ăn, hơi thở, điều kiện môi trường sống đều rất quan trọng ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển của trẻ sơ sinh. Dưới đây là 7 vấn đề liên quan đến thai kỳ mà các bà mẹ cần lưu ý trong quá trình mang thai.
1. Mùa mà em bé chào đời
Một nghiên cứu cho thấy trẻ sinh vào mùa hè có nguy cơ bị thấp lùn hơn so với những đứa trẻ được sinh vào mùa xuân. Trẻ thấp lùn do nhiều nguyên nhân gây ra: thiếu hormone tăng trưởng, di truyền từ gia đình, thiếu các hormone tuyến yên, rối loạn chức năng tuyến giáp, suy dinh dưỡng,…
Sự thay đổi của các mùa có vai trò quan trọng đối với sức khỏe và bệnh tật ở trẻ, do mẹ tiếp xúc với nhiều yếu tố môi trường trong thời kỳ mang thai (như số giờ chiếu sáng vào ban ngày) dẫn đến nguy cơ mắc bệnh ở trẻ khi chúng lớn lên. Vậy nên, trẻ được sinh vào mùa hè có cân nặng trung bình khi sinh ra và chiều cao khi trưởng thành cao hơn so với trẻ sinh vào mùa đông lạnh.
Cần cho trẻ tiếp xúc đầy đủ với ánh sáng mặt trời (thường có nhiều vào mùa hè), vì đây là nguồn cung cấp vitamin D miễn phí, dồi dào, rất quan trọng cho thai nhi. Khi trẻ bị thiếu vitamin D có thể mắc bệnh còi xương, làm xương bị mềm và yếu đi. Bên cạnh đó, bạn cũng cần cho trẻ hấp thụ những thực phẩm bổ sung vitamin D để ngăn ngừa thiếu hụt.
2. Mức tiêu thụ đường của mẹ trong thai kỳ
Khi mang thai, các tế bào của cơ thể trở nên kháng insulin, làm tăng lượng đường trong máu. Nhưng nếu mức đường huyết quá cao có thể gây nên các vấn đề cho mẹ và thai nhi.
Cảm giác thèm ăn khi mang thai là hoàn toàn bình thường, nhưng bạn tuyệt đối cẩn thận khi ăn quá nhiều đường trong khi mang thai. Tiểu đường thai kỳ sẽ làm tăng tỷ lệ biến chứng thai kỳ. Cơ thể bé dự trữ một lượng đường dư dưới dạng chất béo, khiến cơ thể phát triển lớn hơn bình thường và có thể gây hậu quả như:
- Vàng da
- Sinh non
- Khó thở tạm thời
- Khi lớn lên, bé có nhiều nguy cơ mắc bệnh béo phì và tiểu đường.
Vì vậy, các bà mẹ cần tiêu thụ lượng đường vừa phải, lối sống lành mạnh, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để em bé khỏe mạnh.
3. Lượng sữa tiêu thụ mỗi ngày
Sữa là một nguồn chất dinh dưỡng thiết yếu trong thai kỳ. Ngoài việc ăn trái cây, rau, ngũ cốc,… bạn cũng cần uống một cốc sữa hàng ngày. Sữa cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của em bé.
Vậy uống sữa có tác dụng gì:
- Sữa giàu chất dinh dưỡng và là nguồn cung cấp canxi và vitamin D cho phụ nữ đang mang thai, bổ sung đủ lượng vitamin D có thể làm giảm nguy cơ mắc dị ứng của trẻ trong tương lai.
- Uống sữa khi đang mang thai giúp thúc đẩy sự phát triển của thai nhi và giúp em bé cao lớn.
- Sữa giàu protein, axit amin và axit béo – tất cả đều rất cần thiết cho sự phát triển hệ thần kinh của trẻ.
- Sữa giàu canxi và sắt giúp hình thành và phát triển xương của trẻ.
- Sữa có tác dụng kháng axit làm dịu chứng ợ nóng và các bệnh dạ dày khác, đây là một vấn đề thường gặp khi mang thai.
- Uống sữa trong thai kỳ làm giảm nguy cơ mắc các bệnh như đa xơ cứng, còi xương ở trẻ và loãng xương ở mẹ.
4. Tiêu thụ quá nhiều caffeine
Nhiều nghiên cứu cho thấy, tiêu thụ lượng caffeine vừa phải (dưới 200 miligam mỗi ngày) không dẫn đến tình trạng sẩy thai hoặc sinh non. Caffeine có nhiều trong trà, sôcôla, nước tăng lực, và các loại nước ngọt khác,…
Caffeine có thể làm cản trở giấc ngủ của mẹ và gây ra tình trạng buồn nôn và choáng váng, còn khiến bạn đi tiểu nhiều lần và mất nước trầm trọng. Khi mang thai, nếu tiêu thụ quá nhiều caffeine có thể dẫn đến hạn chế sự phát triển của thai nhi và nguy cơ sinh con nhẹ cân.
5. Ăn đậu phộng khi mang thai
Nghiên cứu cho thấy, phụ nữ ăn đậu phộng hạt (hoặc bơ đậu phộng) trong quá trình mang thai có thể làm giảm nguy cơ em bé bị dị ứng với thực phẩm này. Tất nhiên điều quan trọng trước hết là mẹ không bị dị ứng với đậu phộng.
Một số dấu hiệu dị ứng đậu phộng bạn nên biết:
- Phát ban, mẩn đỏ hoặc sưng tấy
- Ngứa xung quanh miệng và cổ họng
- Các vấn đề về tiêu hóa: tiêu chảy, co thắt dạ dày, buồn nôn
- Thắt cổ họng
- Khó thở
- Sổ mũi
Thế nên, nếu mẹ không bị dị ứng đậu phộng thì hãy ăn đậu phộng vì trong đậu phộng có rất nhiều chất dinh dưỡng và để em bé sau này không bị dị ứng.
6. Chất lượng không khí xung quanh
Phụ nữ mang thai tiếp xúc nhiều với không khí ô nhiễm có thể làm tăng nguy cơ thai nhi bị nhẹ cân khi sinh. Các nguồn gây ô nhiễm không khí như: khí thải giao thông, nhà máy, bụi bẩn,…
Khi người mẹ tiếp xúc với ô nhiễm không khí sẽ có những nguy cơ như sau:
- Trẻ nhẹ cân
- Sinh non
- Thai chết lưu
- Dị tật bẩm sinh
Phụ nữ mang thai có thể chống lại tác động của ô nhiễm không khí bằng cách ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin, các chất chống oxy hóa.
7. Thực phẩm giàu protein phát triển tóc cho em bé
Trong quá trình mang thai, một trong những điều quan trọng nhất là ăn những thực phẩm lành mạnh để thai nhi phát triển tối ưu thể chất và trí não. Đây là yếu tố quyết định sức khỏe của thai nhi.
Có một số loại thực phẩm giúp trẻ mọc tóc nhanh sau khi sinh ra:
- Trứng: loại thực phẩm giàu protein và giúp tăng trưởng tóc
- Cá: cung cấp axit béo omega 3 và 6 cho cơ thể, bên cạnh đó còn giúp phát triển tóc. Nhưng đặc biệt cần thận trọng khi ăn cá vì không phải cá nào cũng có lợi cho phụ nữ mang thai.
- Cam: giàu vitamin A, cũng là một chất giúp phát triển tóc
- Rau bina (rau chân vịt): giàu folate, sắt, vitamin A và C, giúp giữ ẩm cho tóc và da đầu.
Một số bài viết liên quan bạn có thể tham khảo:
- Cẩm nang chăm sóc trẻ sơ sinh từ A-Z
- Chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ sinh non đúng cách để bé khỏe mạnh và phát triển tối ưu trong giai đoạn đầu đời
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết. Hãy ghé BlogAnChoi để cập nhật thêm nhiều thông tin về sức khỏe cũng như các vấn đề xoay quanh cuộc sống của bạn. Chúc bạn có một ngày tốt lành!