Cũng giống như các loại kem dưỡng khác, lựa chọn một sản phẩm kem chống nắng phù hợp là một điều vô cùng quan trọng trên hành trình nuôi da khỏe đẹp. Trong vô vàn sự phân vân, thì lựa chọn kem chống nắng vật lý hay hóa học thường khiến cho chị mất nhiều thời gian suy nghĩ nhất. Hãy cùng BlogAnChoi tìm hiểu xem rốt cuộc thì loại nào mới là phù hợp với da của bạn nhất nhé!

Kem chống nắng vật lý là gì?

Kem chống nắng vật lý (Physical Sunscreen / Sunblock) bảo vệ da giống như tên gọi của sản phẩm: tạo ra một một rào cản vật lý giữa da và ánh nắng mặt trời. Nói cách khác, các sản phẩm này không hấp thụ vào da mà vẫn còn trên bề mặt. Kem chống nắng vật lý có phổ rộng tự nhiên, sở hữu khả năng bảo vệ chống lại cả tia UVA và UVB. Kem chống nắng vật lý thường là quang hóa được, có nghĩa là các chức năng của sản phẩm sẽ không bị suy giảm khi bị ánh nắng mặt trời chiếu vào.

Kem chống nắng vật lý sở hữu 2 thành phần khoáng chất là Titanium Dioxide và Zinc Oxide (Nguồn: Internet).
Kem chống nắng vật lý sở hữu 2 thành phần khoáng chất là Titanium Dioxide và Zinc Oxide (Nguồn: Internet).

Kem chống nắng vật lý còn có tên gọi khác là kem chống nắng khoáng (Mineral Sunscreen) vì sản phẩm có chứa thành phần khoáng chất hoạt động là Titanium Dioxide và Zinc Oxide, có nhiệm vụ hấp thụ, làm lệch hướng và phân tán các tia UVs có hại ra khỏi da. Hiện nay, với công nghệ khoa học hiện đại, 2 thành phần này thường được micro hóa thành dạng nano để tạo ra những công thức tuyệt vời. Làn da nhạy cảm thường sẽ yêu thích kem chống nắng vật lý bởi sản phẩm thường được thiết kế không có hương liệu, parabens và thuốc nhuộm tổng hợp.

Ưu điểm của kem chống nắng vật lý

  • Cung cấp khả năng bảo vệ chống lại cả tia UVA và UVB trong khi có quang phổ rộng (board spectrum) tự nhiên.
  • Vì sản phẩm thường nằm ở trên da nên sẽ có khả năng bảo vệ da khỏi anh nắng mặt trời ngay sau khi apply, bạn không cần phải chờ sản phẩm thẩm thấu.
  • Có thể bảo vệ da bền vững dưới ánh nắng mặt trời (không tính đến trường hợp da tiếp xúc với nước hay da đổ mồ hôi nhiều).
  • Bảng thành phần lành tính nên giảm thiểu được khả năng bị kích ứng trên da, phù hợp với những làn da nhạy cảm, da đang điều trị cần được phục hồi, kể cả bà bầu và trẻ em cũng được khuyên là nên sử dụng kem chống nắng vật lý.
  • Vì Titanium Dioxide và Zinc Oxide đã được điều chế dưới dạng nano nên sẽ có ít khả năng gây tắc nghẽn lỗ chânn lông.
  • Thời hạn sử dụng sau khi mở nắp thường sẽ lâu hơn.
Kem chống nắng vật lý hoạt động bằng cách tạo ra lớp màng chắn ngăn cho tia UV tiếp xúc với da (Nguồn: Internet).
Kem chống nắng vật lý hoạt động bằng cách tạo ra lớp màng chắn ngăn cho tia UV tiếp xúc với da (Nguồn: Internet).

Nhược điểm của kem chống nắng vật lý

  • Sản phẩm sẽ dễ trôi khi bị chà sát mạnh hoặc ra mồ hôi nhiều, nên thường sẽ không được khuyên dùng cho những ngày vận động hoặc đi bơi.
  • Bạn sẽ phải apply lại sản phẩm nhiều lần trong ngày nếu hôm đó da đổ mô hôi nhiều hay tiếp xúc với môi trường nước. Nếu không, bạn cũng nên thoa lại kem chống nắng từ 2-3 lần trong ngày cách nhau 3-4 tiếng.
  • Kem chống nắng vật lý thường sẽ nâng tone da, đôi khi còn để lại vệt trắng nên có thể sẽ không phù hợp với những bạn có làn da ngăm.
  • Nếu bạn không thoa lại kem chống nắng vật lý trong ngày thì khả năng bảo vệ của sản phẩm sẽ bị yếu đi vì tia UVs có thể len lỏi vào giữa những phân tử chống nắng và tấn công trực tiếp làn da.
  • Thường có kết cấu hơi dày nên những bạn có làn da dầu hoặc da dầu mụn lo ngại da bị bí cần cân nhắc kĩ trước khi sử dụng sản phẩm nhé.
  • Các hoạt chất khoáng khi hoạt động một mình thì khả năng bảo vệ da khỏi tia UVA thường sẽ thấp hơn.

Kem chống nắng hóa học là gì?

Không giống như kem chống nắng vật lý, kem chống nắng hóa học (Chemical Sunscreen) xâm nhập vào tầng biểu bì và hạ bì của da. Trước tiên, bạn đừng quá lo lắng bởi từ “hóa học”. Các công thức kem chống nắng hóa học đều chứa các hoạt chất phổ biến: Oxybenzone, Avobenzone, Octisalate, Octocrylene, Homosalate và Octinoxate. Các thành phần này đều an toàn và được FDA công nhận bạn nhé.

Kem chống nắng hóa học giống như miếng bọt biển, hấp thụ tia UVs rồi xử lý chúng (Nguồn: Internet).
Kem chống nắng hóa học giống như miếng bọt biển, hấp thụ tia UVs rồi xử lý chúng (Nguồn: Internet).

Cơ chế hoạt động của các sản phẩm kem chống nắng hóa học thường được ví như lớp bọt biển hấp thu các tia nắng mặt trời, sau đó biến các tia UVs thành nhiệt năng trước khi giải phóng chúng ra khỏi da, tránh cho chúng tấn công và làm hại đến làn da. Các loại kem chống nắng thường sẽ phù hợp để sử dụng hàng ngày bởi kết cấu mỏng nhẹ, dễ dàng thẩm thấu mà không để lại vệt trắng. Nhiều kem chống nắng hóa học còn được thiết kế với khả năng chống thấm nước siêu việt, dành riêng cho những ngày đi biển hoặc đi bơi.

Thường thì kem chống nắng hóa học sẽ được thiết kế theo cơ chế “một cây làm chẳng nên non”, có nghĩa là một thành phần hoạt chất không đủ để bảo vệ da khỏi cả hai tia UVA và UVB mà một sản phẩm sẽ là sự kết hợp của nhiều màng lọc chống nắng khác nhau. Ngoài ra, trong bảng thành phần của kem chống nắng hóa học, bạn cũng dễ dàng tìm thấy những dưỡng chất hỗ trợ nuôi dưỡng làn da, ví dụ như chất chống oxy hóa (Vitamin C, E) hay cấp ẩm cho da (Peptide, các chiết xuất thực vật).

Ưu điểm của kem chống nắng hóa học

  • Vì sản phẩm thẩm thấu vào da nên kem chống nắng hóa học cung cấp khả năng bảo vệ da khỏi tia UVs cũng như các tác nhân gây hại từ môi trường ổn định hơn.
  • Sản phẩm có kết cấu mỏng, dễ dàng tán đều thẩm thấu vào sâu trong da nên vô cùng phù hợp để sử dụng hàng ngày mà không lo da bị bí bách hay nặng mặt.
  • Các công thức tổng hợp với nhiều bộ lọc là một điểm cộng giúp kem chống nắng hóa học đảm bảo được khả năng bảo vệ quang phổ rộng hiệu quả nhất khỏi cả tia UVA và UVB.
  • Nhiều sản phẩm kem chống nắng hóa học còn được thiết kế với khả năng chống thấm nước nên khá dễ chiều lòng người sử dụng.
  • Bảng thành phần của kem chống nắng hóa học thường được thiết kế thêm những chất hoặc chiết xuất thực vật để nuôi dưỡng da được hiệu quả và lâu dài hơn.
Kem chống nắng hóa học sở hữu kết cấu mỏng hơn nên dễ thẩm thấu hơn (Nguồn: Internet).
Kem chống nắng hóa học sở hữu kết cấu mỏng hơn nên dễ thẩm thấu hơn (Nguồn: Internet).

Nhược điểm của kem chống nắng hóa học

  • Vì hoạt động với cơ chế thẩm thấu vào da nên kem chống nắng hóa học cần từ 10 đến 20 phút thấm và sẵn sàng hoạt động. Hãy lưu ý đến điểm này và căn thời gian thoa kem trước khi ra khỏi nhà bạn nhé.
  • Vì bảng thành phần có khá nhiều hoạt chất, khả năng bị kích ứng khi sử dụng kem chống nắng hóa học là cao hơn. Đó cũng chính là lý do làn da nhạy cảm, dễ kích ứng thường e ngại sử dụng sản phẩm này.
  • Đối với kem chống nắng hóa học, chỉ số SPF càng cao thì khả năng kích ứng càng cao.
  • Kem chống nắng hóa học được chứng minh là làm cho da dễ bị tổn thương bởi các gốc tự do hơn. Vậy nên các sản phẩm kem chống nắng hoá học thường được thiết kế thêm các chất chống oxy hóa để trung hòa gốc tự do.

Kem chống nắng vât lý khác gì kem chống nắng hóa học?

Điểm khác biệt căn bản nhất mà ai cũng có thể nhìn thấy được giữ kem chống nắng vật lý và hóa học chính là bảng thành phần hoạt chất của sản phẩm. Nếu như kem chống nắng vật lý khá gọn nhẹ với 2 thành phần hoạt chất chính là Titanium Dioxide và Zinc Oxide thì kem chống nắng hóa học lại sở hữu hàng loạt các màng lọc tia UV khác nhau mà mỗi sản phẩm sẽ được thiết kế 3-4 màng lọc nhất định để phù hợp với công năng của mình.

Kem chống nắng vật lý và hóa học khác nhau hoàn toàn ở bảng thành phần và cách thức hoạt động (Nguồn: Internet).
Kem chống nắng vật lý và hóa học khác nhau hoàn toàn ở bảng thành phần và cách thức hoạt động (Nguồn: Internet).

Điểm khác biệt thứ 2 mà những ai chơi hệ mê-mần-đẹp thì đều sẽ nắm rõ. Đó chính là cách thức mà 2 loại kem chống nắng này hoạt động trên da. Trong khi kem chống nắng vật lý nằm ở trên bề mặt da, ngăn chặn các tia UV tiếp xúc với da và ngăn ngừa tổn thương thì kem chống nắng hóa học lại hấp thu những bức xạ này, giống như một miếng bọt biển, và sau đó mới bắt đầu xử lý chúng.

Và điểm khác biệt thứ 3, có lẽ cũng là điểm mà hội chị em quan tâm nhất, chính là khả năng thẩm thấu và khả năng kích ứng trên da. Như đã nói ở trên, kem chống nắng vật lý nằm ở ngay trên bề mặt da nên khả năng kích ứng cũng sẽ ít hơn, tuy nhiên thì lại dễ gây bít tắc lỗ chân lông, bí bách da mặt. Ngược lại, kem chống nắng hóa học thẩm thấu vào bên trong da, khô thoáng, nhẹ dịu nhưng vì chứa nhiều thành phần mà khả năng da bị kích ứng cũng cao hơn. Ngoài ra, nếu sử dụng kem chống nắng thì bạn cần thoa kem trước tầm 15 phút trước khi ra khỏi nhà nhé.

Kem chống nắng hóa học sẽ thẩm thấu vào da nhanh hơn kem chống nắng vật lý, không gây bí da hay nặng mặt (Nguồn: Internet).
Kem chống nắng hóa học sẽ thẩm thấu vào da nhanh hơn kem chống nắng vật lý, không gây bí da hay nặng mặt (Nguồn: Internet).

Thực tế, nếu tìm hiểu kĩ, chúng ta sẽ nhận ra rằng kem chống nắng vật lý với các thành phần khoáng chất sẽ có khả năng bảo vệ da khỏi tia UVB trong khi khả năng chống lại tia UVA lại khá thấp. Trong khi đó, kem chống nắng hóa học, với nhiều lớp màng chống nắng khác nhau, lại cung cấp bảo vệ cả 2 tia đồng đều và ổn định hơn. Đó là lí do vì sao ngày nay chúng ta còn có thêm sự lựa chọn là kem chống nắng vật lý lai học, một ý kiến không tồi để dung hòa những ưu nhược điểm của cả 2 loại và đảm bảo da sẽ được bảo vệ toàn diện hơn.

Kem chống nắng vật lý có thực sự an toàn hơn kem chống nắng hóa học?

FDA (Cục quản lý Thực Phẩm và Dược Phẩm của Hoa Kỳ) không dán nhãn bất kỳ sản phẩm kem chống nắng nào là không an toàn cho làn da cả. Có 1 sự kiện khá thú vị là vào tháng 2/2019, FDA đã khẳng định Titanium Dioxide và Zinc Oxide có trong kem chống nắng vật lý là an toàn và hiệu quả. Đối với những thành phần khác (cụ thể là những hoạt chất trong kem chống nắng hóa học) FDA muốn có thêm những dữ liệu về mức độ an toàn và hiệu quả.

Nghe đến đây, có phải bạn đang lo sợ liệu những sản phẩm mình dùng từ trước đến giờ là đang gây hai cho làn da và sức khỏe? Có một điều cần lưu ý rằng FDA yêu cầu có thêm dữ liệu không có nghĩa là những thành phần đó không an toàn. Vậy cuối cùng là FDA có những kết luận gì cho những thành phần này?

Không có nghiên cứu nào thực sự chỉ ra kem chống nắng hóa học là không an toàn cho da (Nguồn: Internet).
Không có nghiên cứu nào thực sự chỉ ra kem chống nắng hóa học là không an toàn cho da (Nguồn: Internet).

Cụ thể, FDA đưa ra nghiên cứu cho thấy oxybenzone được hấp thụ qua da vào máu ở mức cao hơn so với mức mà FDA yêu cầu các sản phẩm bôi ngoài da phải trải qua các nghiên cứu về độ an toàn để xác định các tác dụng độc hại có thể xảy ra. Tuy nhiên, đối với những phát hiện này, FDA cũng cũng nói rằng những nghiên cứu của họ không chỉ ra kem chống nắng hóa học là không an toàn. Hơn nữa, những rủi ro sức khỏe của việc tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời mà không có bảo vệ gì còn cao hơn nhiều so với nguy cơ tiềm ẩn khi hấp thụ các hóa chất chống nắng đấy bạn nhé.

Với lại, nhiều hãng bây giờ cũng cho ra những sản phẩm mà không có chứa oxybenzone rồi, nếu quá quan ngại thì bạn hoàn toàn có thể tìm hiểu kĩ bảng thành phần trước khi mua nhé. Thêm vào đó, cũng quan trọng không kém gì loại kem chống nắng bạn chọn, bạn cũng cần lưu ý đến hạn sử dụng cũng như việc bảo quản sản phẩm. Nếu kem chống nắng đã hết hạn sử dụng hoặc các thành phần tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, các thành phần trong công thức có thể bị phá vỡ và khiến chúng mất tác dụng và có khả năng gây kích ứng da đấy bạn nhé.

Tổng kết: Ai sẽ phù hợp với loại kem chống nắng nào?

Nếu như bạn đang sở hữu một làn da mềm mịn, không tì vết, khỏe mạnh, không đổ dầu vào mùa hè cũng không bong tróc vào mùa đông thì xin chúc mừng bạn, việc lựa chọn kem chống nắng giờ đây lại phải nói là “dễ như trở bàn tay”. Bạn chỉ cần pick một em bất kì với chỉ số SPF tương đối, quang phổ rộng và có chỉ số PA thì càng tốt là quá đủ với 1 làn da đẹp rồi.

Tuy nhiên, thực tế chỉ ra những người quay được vào ô may mắn như vậy lại siêu ít. Da chúng ta, không ít thì nhiều cũng đang gặp phải những vấn đề bất cập nào đó. Vậy thì dưới đây sẽ là một số tips dành cho bạn:

  • Nếu bạn có một làn da nhạy cảm, dễ kích ứng, hoặc bạn đang mang bầu không muốn da thẩm thấu nhiều hoạt chất, thì kem chống nắng vật lý sẽ dành cho bạn.
  • Nếu bạn sở hữu làn da dầu hoặc hỗn hợp thiên dầu, thì lựa chọn kem chống nắng hóa học sẽ thích hợp hơn nhé.
  • Nếu bạn không phải là một cô nàng của buổi sáng, thường xuyên dậy trễ, không có thời gian chuẩn bị thì hãy nhanh tay lựa chọn một sản phẩm kem chống nắng hóa học, tốt hơn hết là có màu vì em nó có thể thay thế luôn cho kem lót hoặc thậm chí là kem nền của bạn đấy. Tiết kiệm đủ đường nhỉ.
Nếu đi bơi, tốt nhất hãy sử dụng kem chống nắng hóa học, chống thấm nước càng tốt (Nguồn: Internet).
Nếu đi bơi, tốt nhất hãy sử dụng kem chống nắng hóa học, chống thấm nước càng tốt (Nguồn: Internet).
  • Nếu bạn có làn da bị mụn hoặc dễ nổi mụn, thì hãy an toàn ở bên kem chống nắng vật lý nhé. Bạn cần nhớ rằng hai điều có thể gây ra mụn liên quan đến kem chống nắng là tắc lỗ chân lông bởi các thành phần gây mụn hoặc phản ứng nhạy cảm với các thành phần ngăn chặn tia UV hóa học. Vây nên, cũng hay cân nhắc đến những sản phẩm kem chống nắng được gắn mác non-comedogenic (không gây mụn) trên bao bì nha.
  • Nếu bạn có một làn da ngăm, hoặc một làn da nhiều khuyết điểm (vết thâm sạm, thâm nám, thâm mụn) thì hãy pick kem chống nắng hóa học, với ưu điểm là dễ thẩm thấu, không nâng tông da cũng như không để lại vệt trắng.
  • Nếu bạn đang lên kế hoạch du lịch biển, hoặc có một buổi pool-party hay đang muốn đi bơi, hoặc chỉ đơn giản là hôm đó bạn sẽ ở ngoài nhiều, da dễ đổ mồ hôi, thì hãy thoa kem chống nắng hóa học nhé, nếu chọn được em nào chống thấm nước thì càng tuyệt vời hơn nè.

Lưu ý: Da nổi mụn có thể đến từ bất kì thành phần nào của bất kì sản phẩm dưỡng da nào, không chỉ riêng từ các thành phần chống nắng hoạt tính. Nếu da bạn quá nhạy cảm, dễ nổi mụn, hãy thử dán mụn trước khi apply kem chống nắng xem sao nhé.

Nói đến đây, có lẽ các bạn cũng dần nhận ra rằng kem chống nắng thì ai cũng cần nhưng kem chống nắng tốt nhất vẫn là sản phẩm kem chống nắng phù hợp với nhu cầu và tình trạng da của bạn nhất. Vậy nên, với mình hiện tại, với một làn da ẩm ương sáng năng chiều mưa, trưa trưa lại thích nổi mụn, thì trong nhà luôn thủ sẵn cả kem chống nắng hóa học và vật lý và cả một em lai lai nữa nè. Và mình luôn học cách lắng nghe làn da để cung cấp những sản phẩm phù hợp nhất, các bạn cũng nên thử lắng nghe nhé, da sẽ vui lắm khi bạn thực sự hiểu được cô ấy đấy.

Nếu chưa chọn được kem chống nắng phù hợp cho làn da, bạn có thể tham khảo thêm bài viết dưới đây nhé. Chúng mình có đầy đủ những gợi ý dành cho hầu hết các loại da khác nhau luôn nè:

Nếu bạn thấy bổ ích, đừng quên chia sẻ bài viết và cũng nhớ nghé thăm chuyên mục Làm đẹp tại BlogAnChoi thường xuyên hơn để cập nhật thêm nhiều kiến thức hơn bạn nhé.

Xem thêm

Bí quyết dùng toner đúng cách cho người mới bắt đầu

Toner (hay còn gọi là nước cân bằng da) là cái tên không còn quá xa lạ với chị em phụ nữ hay những người yêu thích chăm sóc da. Nhưng có câu nói thế này: “Nếu không sử dụng toner thì các sản phần dưỡng da sẽ giảm công dụng đi một nửa”. Vậy liệu dùng toner đúng ...
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận