Có thể thấy chiếc máy sở hữu 16 đơn vị bộ nhớ, mỗi đơn vị gồm 3 thanh RAM: một thanh 32GB và hai thanh 16GB. Tổng cộng là 64GB trong mỗi đơn vị và tổng RAM là 16 x 64GB = 1.024GB.
Tuy nhiên hình ảnh này đã từ vài năm trước, hiện nay máy tính có RAM 1TB đã phổ biến hơn và các thanh RAM cũng được tăng dung lượng nhiều hơn, do đó không tốn quá nhiều diện tích như trên nữa. Ví dụ như hình ảnh dưới đây là bộ RAM 1TB năm 2017:
Một chiếc máy tính như vậy có giá bao nhiêu? Cũng khó biết chính xác vì hầu hết các thanh RAM 16GB và 32GB được sản xuất dành riêng cho các máy chủ với thông số đặc biệt nên người dùng bình thường ít khi mua được. Hiện tại bộ RAM Corsair Vengeance RGB Pro DDR4 có dung lượng 2 x 32GB có giá khoảng 270 USD (hơn 6 triệu VNĐ), mà phải mua 16 bộ như vậy để đạt 1.024GB (1TB), tức là khoảng 4.320 USD (khoảng 98,6 triệu VNĐ).
Đối với MacBook, Apple thiết kế RAM tối đa cho dòng máy Mac Pro là 1,5TB (12 x 128GB) với giá tăng thêm khoảng 25.000 USD (khoảng 570,5 triệu VNĐ), tức là cao hơn chi phí của riêng bộ RAM.
Nhưng kể cả khi bạn có điều kiện mua được bộ RAM khủng thì các máy PC bình thường cũng không cắm được quá nhiều thanh RAM trên bo mạch chủ. Hầu hết mainboard hiện nay có 2 hoặc 4 khe cắm RAM, loại cao cấp hơn có thể 8 khe. Chỉ những máy được dùng làm máy chủ (server) mới có 16 khe RAM hoặc nhiều hơn.
Vì vậy theo lý thuyết, giả sử mỗi thanh RAM có dung lượng tối đa 32GB và bo mạch chủ có 8 khe cắm thì máy PC bình thường chỉ có 256GB là hết mức. Có lẽ phải rất lâu nữa chúng ta mới được dùng máy tính RAM 1TB ngay tại nhà mình.
Tăng RAM thực ra cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến hiệu suất của máy tính, ví dụ nếu bạn đang có RAM 6GB và dùng thoải mái thì tăng lên 64GB cũng không thấy khác biệt gì. Nhưng nếu bạn có rất nhiều RAM hơn mức cần thiết thì có thể làm được những điều “kỳ diệu” sau đây.
Với RAM 1TB sẽ không còn nỗi lo máy chạy chậm khi mở nhiều tab nữa. Các trình duyệt web – nhất là Chrome – thường chiếm rất nhiều bộ nhớ và làm cho máy bị “rùa bò”. Lý do là vì chúng phải xử lý đủ loại dữ liệu như video, âm thanh và văn bản trên các trang web với vô số định dạng khác nhau. Ngoài ra trình duyệt còn được tích hợp các công cụ dịch ngôn ngữ web như JavaScript. Đối với hầu hết các trình duyệt, mỗi tab là một đơn vị xử lý riêng biệt đòi hỏi rất nhiều dung lượng bộ nhớ.
Thực tế cho thấy khi mở 4 trang web phổ biến bằng Chrome đã tốn hơn 600 MB dung lượng RAM, như vậy nếu mở 20 tab cùng lúc có thể tốn khoảng 3GB RAM.
Nhưng nếu máy tính có RAM 1TB thì vài GB cũng chẳng là gì, bạn có thể mở hàng nghìn tab thoải mái mà vẫn làm được những việc khác trên máy.
Khi mở video trên các trang web, trình duyệt phải tải xuống một phần dữ liệu trước rồi mới phát hình ảnh, và cứ tiếp tục tải trước như vậy trong quá trình phát video, đây được gọi là “bộ đệm” (buffer) giúp cho video không bị ngưng đột ngột nếu đường truyền mạng không ổn định. Nói cách khác, bộ đệm giúp cho video được phát trơn tru liên tục, không ngắt quãng.
Dữ liệu đệm của video được lưu trữ trong RAM để dễ truy cập nhanh, nếu RAM không còn chỗ thì sẽ được lưu trong “bộ nhớ ảo” tức là một phần của ổ đĩa cứng. Vì tốc độ truy xuất dữ liệu từ ổ đĩa chậm hơn RAM nên bạn sẽ thấy video bị giật lag.
Nếu được trang bị RAM 1TB, máy tính có thể lưu dữ liệu đệm cho hàng chục video, thậm chí hàng trăm. Dữ liệu được lưu trên RAM có thể truy xuất nhanh mà không phụ thuộc vào bộ nhớ ảo có tốc độ chậm.
Khi bạn chơi game PC sẽ có rất nhiều dữ liệu được tải vào RAM để có thể chạy game: hình ảnh, âm thanh, kết cấu, mô hình, v.v. Tuy nhiên nếu RAM không đủ dung lượng thì quá trình khởi chạy có thể bị chậm vì tất cả dữ liệu đó phải lưu trong ổ đĩa cứng của máy tính có tốc độ truy xuất chậm, thậm chí mất tới vài phút mới vào game được.
Với RAM 1TB, máy tính có thể lưu dữ liệu của game ngay trên RAM và không bao giờ “đóng” hoàn toàn, tức là bạn có thể mở game trong chớp mắt bất cứ lúc nào. Kể cả khi không chơi nữa thì game vẫn “mở” trên RAM và sẵn sàng chạy ngay lập tức nếu bạn có nhu cầu.
Điều này cũng đúng đối với các phần mềm và ứng dụng tốn nhiều dung lượng bộ nhớ như mix nhạc hay chỉnh sửa hình ảnh, video. Máy tính có thể “mở” các phần mềm này liên tục trên RAM để bạn dùng ngay không cần chờ đợi.
Tuy nhiên khi mở game nặng sẽ xuất hiện một vấn đề khác, đó là RAM video của card đồ họa có thể không đủ dung lượng để xử lý và khiến cho CPU bị chậm theo, mặc dù RAM chính của máy vẫn còn đầy dung lượng trống.
Bạn có biết là máy tính có thể bị “chia nhỏ” ra nhiều phần và chạy hệ điều hành phụ bên trong hệ điều hành chính? Phương pháp này được gọi là máy ảo, tức là dùng kỹ thuật giả lập và ảo hóa để tạo ra nhiều “máy con” khác nhau bên trong một máy thật.
Ví dụ bạn có thể mở một cửa sổ chạy hệ điều hành macOS trên máy tính Windows, hoặc chạy phiên bản Windows thứ 2 bên trong Windows chính, hoặc Windows trong Linux đều được. Máy ảo có nhiều ứng dụng trong thực tế, chẳng hạn như thử nghiệm hệ điều hành mới trên máy đang chạy hệ điều hành khác.
Vấn đề lớn nhất của phương pháp này là các tài nguyên hệ thống của máy thật bị chia ra nhiều phần cho các máy ảo. Thường thì RAM là một trong những thành phần bị ảnh hưởng nhiều nhất khi chạy máy ảo, làm cho tốc độ xử lý bị chậm đi đáng kể. Nhưng với RAM 1TB thì không còn vấn đề nữa, bạn có thể tạo hàng chục máy ảo mà không ảnh hưởng đến hiệu suất tổng thể của máy.
Bạn đã nghe tới “ổ đĩa RAM” bao giờ chưa? Đó là khi máy tính dùng một phần RAM để lưu trữ dữ liệu giống như ổ đĩa cứng thông thường. Có nhiều phần mềm giúp máy tính tạo ra ổ đĩa RAM.
Ưu điểm của ổ đĩa RAM là tốc độ truy xuất dữ liệu nhanh hơn nhiều so với ổ cứng thông thường, kể cả SSD là loại ổ cứng hiện đại tốc độ cao. Ổ SSD loại tốt có thể truyền dữ liệu với tốc độ khoảng 550MB/giây, trong khi ổ đĩa RAM có thể lên đến 17GB/giây hoặc hơn, nhanh hơn rất nhiều lần.
Nhược điểm là phần RAM dùng để làm ổ đĩa sẽ không thể thực hiện chức năng như RAM bình thường, tức là xử lý dữ liệu tức thời và truy cập nhanh. Nhưng nếu bạn có RAM 1TB thì không lo gì nữa, có thể làm cả 2 việc thoải mái.
Như đã nói, còn lâu nữa chúng ta mới mua được máy tính RAM 1TB để dùng tại nhà. Nhưng thực ra cũng không cần nhiều như vậy. Nếu bạn chỉ chạy các tác vụ cơ bản thì khoảng 8GB là đủ, nếu cần làm việc nặng hơn thì nên chọn 16GB. Còn nếu bạn muốn chạy hàng chục ứng dụng cùng lúc trên máy hoặc chơi các game cực nặng trong tương lai thì RAM 32GB là đủ.
Vậy bạn có muốn sở hữu một chiếc máy tính RAM khủng 1TB không? Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận nhé!
Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:
Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!