Stranger Things hay Cậu bé mất tích có thể được coi là seri phim thành công nhất Netflix, không chỉ thu hút lượt xem và bàn tán cao trên các mạng xã hội, nó còn được lòng giới phê phim. Với concept khoa học viễn tưởng trong bối cảnh những năm 80 ở Mỹ, Stranger Things được cả người trẻ lẫn người già đón nhận. Sau đây hãy cùng tìm hiểu 5 lý do giúp Stranger Things thành công.
1. Tóm tắt nội dung Stranger Things
Stranger Things lấy bối cảnh những năm 80 tại thị trấn hư cấu Hawkins thuộc bang Indiana của Mỹ. Ở vùng quê hẻo lánh này, chính phủ đã xây dựng nên một trung tâm thí nghiệm, dưới vỏ bọc là nơi nghiên cứu cho Bộ Năng lượng Hoa Kỳ.
Eleven, một cô bé có siêu năng lực đang được thí nghiệm tại trung tâm, trong một lần thực hiện nhiệm vụ cô bé vô tình mở ra cánh cổng kết nối với một thế giới khác có tên là “Upside Down” (Thế giới ngược). Và từ đây, những điều “kỳ lạ” bắt đầu xảy ra và đe dọa tới cuộc sống yên bình tại vùng quê này.
Mùa 4 kể tiếp câu chuyện ở mùa 3, sau cái chết của Jim Hopper, Eleven cùng Joyce, Will và Jonathan đã chuyển đến California. Eleven gặp khó khăn và bị bắt nạt ở trường. Trong khi đó, ở Hawkins, những cái chết bất thường diễn ra. Hopper trong khi đó bị giam trong trại tù binh tại Kamchatka, Liên Xô và đang tìm cách giải thoát.
2. Những lý do giúp cho Stranger Things ngày càng thành công
Dựa trên những sự kiện có thật
Bạn có biết rằng Stranger Things được xây dựng trên những sự kiện có thật trong lịch sử nước Mỹ? Những năm 50 của thế kỷ trước là những năm tháng nghẹt thở của cả thế giới trong cuộc đua giữa hai cường quốc Mỹ và Liên Xô. Cả hai cường quốc đều cạnh tranh nhau trên tất cả các mặt trận từ kinh tế đến nghiên cứu khoa học.
Lúc này, một dự án có tên là MKUltra, được CIA thực hiện với nhiệm vụ là kiểm soát tâm trí con người. Với những thí nghiệm vô nhân tính khi dùng trực tiếp con người làm vật thí nghiệm, dự án MKUltra đã bị chấm dứt vào năm 1973. Stranger Things cũng được lấy ý tưởng từ một dự án bí mật khác của Chính phủ Mỹ là dự án Montauk.
Dự án Montauk là một loạt dự án của Chính phủ Mỹ tại Montauk , New York, với mục đích nghiên cứu về không gian và thời gian để giúp các máy bay của Mỹ tàng hình trên radar. Điều thú vị rằng Montauk thực chất là cái tên gốc của loạt phim, tuy nhiên để tăng tính thương mại hóa, nhà sản xuất đã đổi tên thành Stranger Things để thu hút người xem hơn. Cả Montauk và MKUltra được anh em nhà Duffer (nhà sản xuất của loạt phim) dựa trên và tạo thành Stranger Things như bây giờ.
Concept độc đáo, lôi cuốn
Ra mắt phần 1 năm 2016, Stranger Things như một làn gió mới lạ với một concept khoa học viễn tưởng đầy độc đáo. Diễn ra những năm 1980 tại thị trấn nhỏ trên Hawkins thuộc bang Indiana của Mỹ, Stranger Things như một chuyến du hành quay ngược về quá khứ, về lại những văn hóa đại chúng thập niên 80.
Giai đoạn 2016-2017, có rất nhiều những phim có concept khoa học viễn tưởng điển hình Westworld của HBO. Tuy nhiên một concept khoa học viễn tưởng đặt trong bối cảnh những năm 80, dưới góc nhìn của những đứa trẻ con thì chỉ có Stranger Things. Chính bởi sự độc đáo ấy, phim luôn khiến người hâm mộ “đứng ngồi không yên” mỗi khi quay trở lại.
Diễn xuất ăn ý
Đưa dàn diễn viên nhí làm tuyến đầu trong phim không phải quá hiếm trong giới Hollywood, nhưng để có sự ăn ý trong diễn xuất như dàn diễn viên nhí trong Stranger Things thì không phải phim nào cũng làm được.
Diễn xuất của những diễn viên nhí như Millie Bobby Brown hay Sadie Sink nhiều lần còn ăn đứt cả những diễn viên gạo cội như Winona Ryder, David Harbour. Thêm vào đó, phần kịch bản ngày càng khai thác về khía cạnh thay đổi tâm lý ngày càng lớn dần của bộ phim giúp các diễn viên có nhiều đất diễn để tỏa sáng.
Kịch bản ngày càng tiến bộ
Thật hiếm có một seri phim Âu Mỹ nào càng về sau càng lôi cuốn như Stranger Things. Thông thường, từ phần 2 hay 3 trở đi, chất lượng kịch bản của các bộ phim bị giảm dần, nhưng với Stranger Things thì ngược lại.
Mùa 1 tuy mang tới những điều kỳ lạ nhưng vẫn bị đánh giá là còn lê thê, dài dòng. Sang tới mùa 2, phần phim bị đánh giá yếu nhất cũng mắc lỗi như mùa 1. Nhưng bắt đầu mùa 3, Stranger Things có sự tiến bộ rõ rệt khi có một kịch bản logic, táo bạo hơn. Thay vì kể liền mạch hoặc phi tuyến tính như các phần trước, mùa 3 chia nhóm các câu chuyện ra và dần dần ghép chúng lại với nhau thành một bức tranh hoàn hảo. Với sự “chắc tay” trong khâu kịch bản, phim không chỉ giữ chân những fan hâm mộ trung thành mà còn lôi kéo thêm nhiều đối tượng mới.
Âm nhạc và hình ảnh tuyệt vời
Điều kiện tiên quyết để Stranger Things có được thành công như ngày hôm nay chính là phần âm nhạc và hình ảnh vô cùng ấn tượng. Những nét đặc trưng nhất của văn hóa đại chúng những năm 80 được anh em nhà Duffer mang vào phim một cách chân thực và tinh tế. Đây là lời tri ân dành cho giá trị cũ đang dần bị lãng quên trong thời đại số hiện nay.
Từng bối cảnh, thời trang, sở thích hay những vấn đề của thời cuộc lúc bấy giờ được nhắc lại một cách xuất sắc trong phim. Người lớn xem phim như được trở về với một ký ức tuổi thơ tươi đẹp của những board game như Dungeon and Dragon, máy cassette…Còn với những người trẻ, Stranger Things như một chuyến phiêu lưu khoa học viễn tưởng được đặt trong bối cảnh cũ, đầy mới lạ.
Bộ phim còn giúp cho những bản nhạc ra mắt từ rất lâu như Running Up That Hill (A Deal with God) của Kate Bush (ra mắt từ năm 1985) gây sốt trở lại. Bài hát hiện tại đứng vị trí thứ 8 trên BXH Billboard 100, qua đó cho thấy sức hút kinh khủng của loạt phim mang lại.
Stranger Things mùa 4 đã công chiếu Vol.1 với 7 tập phim đi cùng nhiều bất ngờ khó đoán. Hãy cùng chờ tới ngày 1/7 để xem hai tập cuối của mùa 4 này trên Netflix nhé.
Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết này, các bạn có thể tham khảo những bài viết khác dưới đây:
- Giải thích Jibaro: Tập phim không lời thoại trong Love, Death & Robots 3
- Ngôi Trường Xác Sống 2 chính thức trở lại: Có gì đáng mong chờ gì ở season 2?