Những năm gần đây, thực phẩm bổ sung rộ lên như là giải pháp bảo vệ sức khoẻ và tinh thần cũng như làm đẹp mà rất nhiều người tin tưởng sử dụng. Dĩ nhiên có những loại thực phẩm bổ sung có lợi ích trong thời gian ngắn, tuy nhiên nếu dùng không đúng cách thậm chí bừa bãi, thì loại thực phẩm tưởng đang bảo vệ sức khoẻ hoá ra lại gây hại cho chính bạn lúc nào không hay. Vậy nguyên nhân từ đâu thì chúng mình cùng tìm hiểu nhé!
- Thiếu quy định quản lý
- Tương tác với thuốc
- Quá liều và nguy cơ nhiễm độc
- Lạm dụng
- Tốn kém không cần thiết
- Những lời quảng cáo phóng đại
- Hấp thu không đủ do nguồn nguyên liệu kém chất lượng
- Mất cân bằng dinh dưỡng
- Xem thực phẩm bổ sung thay thế cho chế độ sống lành mạnh
- Thiếu bằng chứng về độ an toàn lâu dài
Thiếu quy định quản lý
Không giống như thuốc kê đơn, thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) hầu như không cần phải tuân theo các quy định về thuốc của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA).
Như vậy có nghĩa là chất lượng và độ hiệu quả của các chất bổ sung giữa các sản phẩm có thể rất khác nhau. Nói cho mọi người dễ hiểu, ví dụ cùng là một loại dầu hoa Anh Thảo (Evening Primrose Oil), nhưng của loại A thì có hiệu quả, còn của loại B thì ngược lại, và còn một điều quan trọng đó là chúng có thể chứa các thành phần không được liệt kê trên nhãn, vì đâu có ai kiểm chứng việc đó. Điều này đồng nghĩa với việc, khi chúng ta dùng TPBVSK có chứa những thành phần không được công bố thì có thể gây hại cho một số người, đặc biệt là những người bị dị ứng với thành phần đó, người mắc một số bệnh lý hoặc những ai đang dùng các loại thuốc khác thì chúng có thể tác dụng với nhau. Nguy hiểm quá phải không nào?
Tương tác với thuốc
Một số chất bổ sung có thể tương tác với thuốc điều trị theo toa, dẫn đến tác dụng phụ có hại. Ví dụ như vitamin K có thể làm giảm hiệu quả của thuốc kháng đông, trong khi cây ban Âu (St. John’s wort) có thể tương tác với thuốc chống trầm cảm và thuốc tránh thai.
Nhiều chất bổ sung có tương tác từ trung bình đến nặng với nhiều loại thuốc, đặc biệt là với thuốc chống trầm cảm, thuốc hạ huyết áp, thuốc tiểu đường, thuốc chống đông máu và thuốc chống co giật.
Chính vì thế, nếu bạn đang sử dụng thuốc điều trị bệnh và muốn dùng thêm TPBVSK thì nên hỏi ý kiến bác sĩ hoặc các chuyên gia dinh dưỡng trước khi sử dụng là yên tâm nhất.
Quá liều và nguy cơ nhiễm độc
Bạn có biết là việc dùng quá nhiều chất bổ sung cũng có thể dẫn đến quá liều, gây ra một loạt tác dụng phụ có hại cho cơ thể. Ví dụ, uống quá nhiều vitamin A có thể gây tổn thương gan trong khi uống quá nhiều chất sắt có thể dẫn đến suy nội tạng. Bổ sung quá nhiều vitamin D có thể gây ra nhịp tim không đều và sỏi thận,…
Lạm dụng
Hiện nay có rất nhiều người tin tưởng chuyển sang sử dụng thực phẩm bổ sung như một giải pháp nhanh chóng cho các vấn đề sức khoẻ mà họ đang gặp phải. Nhưng chúng ta phải hiểu là thực phẩm bổ sung chỉ hỗ trợ chứ không thể điều trị dứt điểm, nhất là vẫn chưa tìm ra nguyên nhân tại sao sức khoẻ của mình gặp tình trạng như thế mà đã sử dụng thì thật nguy hiểm, vì thực phẩm bổ sung thực tế không thể giải quyết được hoàn toàn nguyên nhân gây ra những vấn đề sức khoẻ này.
Ví dụ, bổ sung vitamin D có thể cải thiện các triệu chứng thiếu vitamin D. Tuy nhiên, nó sẽ không giải quyết được nguyên nhân cơ bản của sự thiếu hụt, chẳng hạn như thiếu ánh nắng mặt trời. Điều quan trọng là phải giải quyết các nguyên nhân cơ bản của các vấn đề sức khỏe thay vì chỉ điều trị các triệu chứng.
Tốn kém không cần thiết
Thực phẩm bổ sung thường khá đắt và nhiều người chịu chi một số tiền đáng kể để mua trong khi chưa chắc gì đã hiệu quả mà còn gây hại cho sức khoẻ của chính mình.
Thay vì chi tiền cho các thực phẩm bổ sung và xem nó như thần dược, thì điều quan trọng là tập trung điều chỉnh lại cuộc sống: chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, kiểm soát căng thẳng, điều hòa giấc ngủ và giải quyết mọi vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, như vậy mới có được sức khoẻ bền vững lâu dài.
Những lời quảng cáo phóng đại
Nhiều sản phẩm được bán trên thị trường với những lời hứa hẹn hùng hồn, những tuyên bố phóng đại và với mục đích chủ yếu là gieo hy vọng cho những ai đang có vấn đề sức khoẻ rằng chỉ cần dựa vào nó là có thể cải thiện được vấn đề của mình, hoặc thậm chí là cải thiện được cuộc sống. Dù luôn nói thực phẩm bổ sung không phải là thuốc không thể thay thế thuốc chữa bệnh, thế nhưng nghe quảng cáo thì nó hầu như có thể chữa được bách bệnh và kết quả thì thường không được như đã hứa.
Điều này có thể dẫn đến sự thất vọng và chán nản, đồng thời cũng có thể khiến mọi người nản lòng trong việc tìm kiếm các phương pháp điều trị hiệu quả cho các vấn đề sức khỏe của mình, khiến tình trạng của họ trở nên tồi tệ hơn!
Hấp thu không đủ do nguồn nguyên liệu kém chất lượng
Một số chất bổ sung có thể không được cơ thể hấp thụ tốt, dẫn đến giảm hiệu quả. Ví dụ, một số dạng canxi vô cơ như canxi cacbonat có thể không được cơ thể hấp thu tốt và có thể gây ra tác dụng phụ về tiêu hóa. Ngoài ra còn những tác dụng phụ khó lường khác mà chúng ta không thể nào biết trước được.
Mất cân bằng dinh dưỡng
Dùng quá nhiều một loại thực phẩm bổ sung không có sự hướng dẫn của bác sĩ có thể dẫn đến mất cân bằng các chất dinh dưỡng khác trong cơ thể. Cụ thể như dùng vitamin C liều cao có thể dẫn đến thiếu đồng, thiếu sắt gây thiếu máu và các vấn đề sức khỏe khác.
Xem thực phẩm bổ sung thay thế cho chế độ sống lành mạnh
Nhiều người phụ thuộc vào thực phẩm bổ sung và coi chúng là sự thay thế cho chế độ ăn uống lành mạnh. Một chế độ ăn uống cân bằng bao gồm nhiều loại trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và protein nạc là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng thiết yếu tốt nhất. Các chất bổ sung không thể thay thế cho chế độ ăn uống lành mạnh mà nên được sử dụng để bổ sung một phần mà thôi.
Các chất dinh dưỡng nhận được thông qua chế độ ăn uống cân bằng có nhiều giá trị cho cơ thể hơn là các chất dinh dưỡng tổng hợp nhân tạo được sản xuất hàng loạt ở dạng bột và thuốc viên. Các loại thực phẩm bổ sung giảm cân là tệ nhất trong số này.
Thiếu bằng chứng về độ an toàn lâu dài
Hầu hết thực phẩm bổ sung chưa được nghiên cứu cũng kiểm nghiệm độ an toàn lâu dài trên cơ thể người. Chính vi thế, chúng ta không thể biết được sử dụng những chất này về lâu dài có gây ảnh hưởng gì cho cơ thể hay không. Cho nên điều quan trọng là nên tham khảo ý kiến bác sĩ và chuyên gia trước khi bắt đầu một chế độ bổ sung.
Điều quan trọng cần nhớ là thực phẩm bổ sung không thể thay thế cho chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và giải quyết các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Chúng nên được sử dụng một cách thận trọng và có sự hướng dẫn của chuyên gia y tế. Hơn hết là phải chú ý đến nguồn gốc của chúng, và phải đảm bảo thực phẩm bổ sung được mua từ những nguồn đáng tin cậy, cuối cùng nhưng không thể thiếu đó là cần phải biết các quy định tại quốc gia của mình.
Tóm lại là, mặc dù thực phẩm bổ sung có thể mang lại lợi ích trong thời gian ngắn nhưng có một số lý do khiến chúng ta nên suy nghĩ kỹ trước khi bắt đầu sử dụng vì nó có thể gây hại nhiều hơn là có lợi về lâu dài. Và một điều chắc chắn nên làm nếu đã quyết định sử dụng thực phẩm bổ sung là phải nói chuyện với chuyên gia y tế và nên giải quyết các nguyên nhân cơ bản của các vấn đề sức khỏe thay vì chỉ điều trị các triệu chứng mà thôi.
Mời bạn xem thêm các bài liên quan:
- 6 thực phẩm giàu vitamin D nên được bổ sung trong thời tiết lạnh
- Thực phẩm chức năng có giúp kiểm soát đường huyết không? Vì sao bệnh nhân đái tháo đường cần tập luyện thể dục?
Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!
Hãy để lại bình luận của bạn để mình biết thêm về suy nghĩ của các bạn về nội dung bài viết này.