Bạn đã từng ăn đồ Thái bao giờ chưa? Rất nhiều gia vị và thơm ngon đúng không? Nhưng bạn có biết các nguyên liệu trong đồ ăn Thái cũng ẩn chứa nhiều tác dụng tuyệt vời cho sức khỏe? Hãy cùng khám phá nhé!
Đặc điểm chung của đồ ăn Thái là gì?
Các món ăn của Thái Lan được yêu thích trên khắp thế giới nhờ hương vị đậm đà đặc trưng. Thực đơn truyền thống của người Thái sử dụng nhiều loại nguyên liệu đa dạng như rau, hải sản và thịt, ăn với cơm hoặc mì, đặc biệt còn cho thêm rất nhiều rau thơm và gia vị như sả, riềng, nghệ, húng quế.
Các nhà hàng món Thái ở phương Tây cũng áp dụng cách chế biến truyền thống, nhưng có thể dùng nhiều nguyên liệu hơn, nhiều đồ chiên dầu mỡ và nhiều đường, muối.
Đồ ăn Thái có giá trị dinh dưỡng như thế nào?
Trong số rất nhiều loại rau thơm và gia vị được dùng phổ biến trong ẩm thực Thái, có những loại đã được nghiên cứu khoa học chứng minh lợi ích đối với sức khỏe. Ngoài ra các nguyên liệu chính như đậu phụ, hải sản và giá cũng là thực phẩm tốt đã được biết đến từ lâu.
Củ riềng
Bên cạnh gừng và nghệ, củ riềng cũng được dùng phổ biến trong nhiều loại nước chấm, bột cà ri và các món ăn nổi tiếng của Thái Lan như tom yum.
Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã phát hiện các hợp chất có khả năng tiêu diệt tế bào ung thư trong loại củ này, ngoài ra củ riềng cũng có thể giúp kháng viêm và giảm đau khi thử nghiệm trên người.
Húng quế Thái
Đây là loại rau thơm có vị giống như húng quế thường nhưng màu sắc hơi khác, được người Thái dùng trong các món như cơm chiên hay cà ri.
Chiết xuất của rau quế Thái đã được thử nghiệm có khả năng giảm stress, chống tăng đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường.
Củ nghệ
Đây là loại gia vị quen thuộc dùng để tạo màu vàng cam đặc trưng của món cà ri, chứa hợp chất curcumin có nhiều tác dụng đặc biệt cho cơ thể như chống viêm và tốt cho não. Ngoài ra nghệ còn chứa các hợp chất khác có tiềm năng ngừa bệnh tiểu đường và bệnh tim.
Sả
Sả tạo hương vị thơm mát cho món canh của người Thái và có nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Nghiên cứu trên động vật cho thấy tinh dầu sả có tác dụng chống loét dạ dày và giảm cholesterol trong máu, yếu tố liên quan với bệnh tim.
Nước cốt dừa
Các món cà ri và canh của người Thái rất hay dùng nguyên liệu này. Mặc dù nước cốt dừa chứa nhiều chất béo bão hòa không tốt nhưng cũng có một số lợi ích cho sức khỏe.
Một nghiên cứu cho thấy những người châu Á ăn cháo nấu bằng nước cốt dừa thường xuyên giúp giảm đáng kể lượng cholesterol xấu (LDL) và tăng cholesterol tốt (HDL). Tuy nhiên tác dụng này có thể không xảy ra với người phương Tây.
Giá
Loại rau này có trong các món canh, món xào và món pad Thái. Giá đậu xanh chứa nhiều vitamin và khoáng chất, trong khoảng 100g có chứa lượng vitamin K bằng khoảng 30% nhu cầu hằng ngày của cơ thể, còn vitamin C là 15%. Vitamin K đóng vai trò quan trọng đối với quá trình đông máu, còn vitamin C giúp cơ thể sản xuất collagen, tăng cường miễn dịch và giúp da khỏe mạnh.
Ớt
Đây là gia vị rất phổ biến trong đồ ăn Thái để tạo hương vị cay nồng. Ớt chứa nhiều hợp chất thực vật, trong đó quan trọng nhất là capsaicin tạo ra vị cay và sắc tố capsanthin tạo ra màu đỏ. Nghiên cứu gợi ý rằng các món cay chứa capsaicin có thể làm tăng đốt mỡ và giảm cảm giác thèm ăn, nhưng vẫn chưa rõ ràng.
Đu đủ
Gỏi đu đủ xanh là món ăn phổ biến ở nhiều nước châu Á, trong đó có Thái Lan. Đu đủ chứa nhiều vitamin và chất chống oxy hóa như lycopene có thể bảo vệ tế bào, chống ung thư và giúp làn da tươi trẻ.
Đậu phụ
Nguyên liệu này có trong nhiều món như pad Thái. Hợp chất isoflavone trong đậu phụ có tác dụng tương tự như hormone estrogen do cơ thể người tạo ra, giúp kiểm soát đường huyết. Một nghiên cứu ở Trung Quốc cho thấy: ăn các món làm từ đậu nành không đường thường xuyên có liên quan đến giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.
Hải sản
Các loại hải sản như tôm, cá và sò ốc xuất hiện thường xuyên trong món Thái. Hải sản chứa nhiều protein nạc và các vitamin, khoáng chất cũng như chất béo omega-3 tốt cho sức khỏe. Ăn hải sản thường xuyên có liên quan với giảm nguy cơ mắc bệnh tim và tiểu đường tuýp 2.
Đồ ăn Thái còn có lợi ích nào khác?
Không chỉ bản thân nguyên liệu rất bổ dưỡng mà cách sử dụng và chế biến thực phẩm của người Thái cũng tạo ra món ăn tốt cho sức khỏe. Các nhóm chất dinh dưỡng đa lượng như carbs, protein và chất béo được kết hợp cân bằng, sử dụng nhiều loại rau, protein tốt từ đậu phụ, thịt nạc, hải sản, chất béo từ nước cốt dừa và đậu phộng.
Các loại rau thường dùng trong đồ ăn Thái gồm bắp cải, bông cải xanh, cà chua, cà rốt, hành tây và ớt, đều rất ít tinh bột và nhiều chất xơ, vitamin, khoáng chất cũng như các hợp chất quý, giúp hỗ trợ tiêu hóa và cải thiện sức khỏe nói chung. Chế độ ăn nhiều rau, đầy đủ protein, chất béo và ít tinh bột có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu, cung cấp năng lượng ổn định cho cơ thể và hỗ trợ giảm cân.
Đồ ăn Thái có nhược điểm gì không?
Mặc dù kết hợp cân bằng về dinh dưỡng và chứa nhiều thành phần tốt cho sức khỏe nhưng một số món Thái cũng có thể không lành mạnh, chẳng hạn như dùng nhiều gạo trắng và mì gạo là các loại carbs đã qua chế biến có liên quan tới tăng cân và tăng nguy cơ mắc một số bệnh, trong đó có tiểu đường tuýp 2.
Các nhà hàng Thái theo phong cách Tây cũng hay làm nhiều món chiên giòn ngập dầu không giống với ẩm thực Thái truyền thống và có liên quan với tăng nguy cơ mắc bệnh tim, huyết áp cao và một số loại ung thư.
Đồ chiên cũng thường chứa nhiều muối, nếu dùng quá nhiều có thể góp phần làm tăng huyết áp dẫn tới các biến chứng nguy hiểm. Các món cà ri và canh Thái đôi khi cũng được nêm nhiều muối.
Một số món Thái cũng chứa nhiều đường, chẳng hạn như các món tráng miệng và trà đá pha với sữa đặc có đường. Ăn quá nhiều đường có thể làm hư răng, tăng cân và nhiều tác hại khác cho sức khỏe.
Nhìn chung các món Thái đúng kiểu truyền thống thường tốt cho sức khỏe hơn so với các món chế biến theo kiểu Tây.
Thực đơn món Thái tốt cho sức khỏe
Điểm chung của các món dưới đây là dùng nhiều rau, protein nạc và ít calo, kết hợp với rau thơm và gia vị của ẩm thực Thái.
- Bánh tráng cuốn rau tươi
- Gỏi đu đủ: đu đủ bào sợi trộn với đậu phộng, ớt, đậu xanh và nước mắm.
- Tom yum (canh chua cay): nguyên liệu chính gồm có tôm, ớt, sả, riềng nấu trong nước dùng.
- Larb: thịt gà xay ra và xào, trộn với các loại rau, rau thơm và gia vị.
- Cá hấp rau: thường dùng các loại cá biển thịt trắng hấp với gia vị thơm.
- Thịt bò với bông cải xanh
- Cà ri: nguyên liệu chính gồm bột cà ri, các loại rau, rau thơm, nước cốt dừa, gia vị.
- Pad Thái: gồm mì gạo ăn với rau, giá, thịt nạc và mắm đậu phộng.
Bạn có thể xem cách làm tom yum chuẩn Thái dưới đây:
Các món Thái thường ăn với cơm hoặc mì. Nếu có thể, hãy chọn gạo lứt để giữ được nhiều chất xơ và dinh dưỡng hơn so với gạo trắng, hoặc dùng thêm nhiều rau để hạn chế lượng tinh bột nạp vào cơ thể.
Ngoài ra hãy chú ý lượng muối, đường và dầu mỡ trong các món cà ri, canh và nước chấm. Có thể dùng chén đựng nước chấm riêng thay vì đổ chung vào món ăn.
Những món ăn Thái cần hạn chế
Các món chiên và chứa nhiều đường, muối không tốt cho sức khỏe, do đó hãy hạn chế, chẳng hạn như:
- Bí đỏ chiên
- Đậu phụ chiên
- Cánh gà chiên
- Trứng cuộn
- Hoành thánh kem phô mai
- Trà đá Thái
Tổng kết
Các món ăn truyền thống của người Thái thường sử dụng nhiều nguyên liệu tốt cho sức khỏe, kết hợp rau tươi và protein nạc, rau thơm và gia vị vừa thơm ngon vừa nhiều dinh dưỡng. Tuy nhiên nên tránh các món Thái theo kiểu Tây như đồ chiên và chứa nhiều đường, muối. Nên chọn các món Thái dùng nhiều nguyên liệu từ thực vật, protein nạc và nhiều rau thơm, thảo mộc.
Vậy là chúng ta đã biết cách ăn đồ Thái như thế nào để tốt cho sức khỏe. Bạn có thích các món Thái không? Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận nhé!
Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan của BlogAnChoi:
- Ăn đồ cay thường xuyên có lợi hay có hại cho sức khỏe?
- Bệnh viêm xương khớp nên ăn gì và tránh ăn gì để bảo vệ sụn khớp?
Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị bạn nhé!