Cà rốt là một trong những loại rau củ được dùng phổ biến nhất trên thế giới, một phần vì dễ trồng, hơn nữa vì lượng dinh dưỡng dồi dào mà nó mang lại. Nhìn chung, ăn cà rốt đều đặn sẽ rất tốt cho tim mạch, làm sáng mắt, chống lão hóa và giải độc cơ thể. Điều này phần lớn đến từ hàm lượng beta-carotene, chất xơ, chất chống oxy hóa, kali và các loại vitamin K, C, B6 có trong cà rốt. Dưới đây là chi tiết về 8 lợi ích sức khỏe của cà rốt mà bạn không nên bỏ qua!
1. Kiểm soát lượng cholesterol trong máu
Hàm lượng cholesterol cao là một trong những nguyên nhân chính gây ra các bệnh về tim mạch. Theo kết quả từ nhiều nghiên cứu, tiêu thụ cà rốt dưới nhiều hình thức khác nhau (chế biến, sinh tố, nước ép…) vài lần mỗi tuần, duy trì trong 3 tuần có thể giảm mức cholesterol trung bình xuống 11%.
2. Cải thiện sức khỏe của mắt
Tiến sĩ Lindeboom đã phát hiện trong một nghiên cứu của mình rằng sự thiếu hụt vitamin A có thể dẫn đến tình trạng mắt kém điều tiết trong điều kiện ánh sáng mờ, hay còn gọi là quáng gà.
Vì cà rốt rất giàu vitamin A nên bổ sung nó vào bữa ăn hàng ngày chắc chắn sẽ là lựa chọn tốt giúp cải thiện tình trạng mắt của bạn. Ngoài ra, các chất chống oxy hóa cũng góp phần ngăn chặn tình trạng mắt lão hóa khi chúng ta già đi.
3. Ngăn ngừa bệnh tiểu đường
Thành phần carotenoid có trong cà rốt là yếu tố chính giúp chúng trở thành loại thực phẩm hỗ trợ điều chỉnh lượng đường trong máu rất tốt.
Carotenoid có tác dụng giảm tình trạng kháng insulin, từ đó giúp ổn định đường huyết và hạn chế tình trạng chuyển nặng ở những người mắc bệnh tiểu đường.
4. Hạ huyết áp
Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng chất coumarin được tìm thấy trong cà rốt có tác dụng điều hòa huyết áp, giúp bạn có một trái tim khỏe mạnh.
Trong cà rốt có chứa một lượng lớn kali – là chất giúp giãn nở mạch máu và lưu thông máu trong cơ thể. Ngoài ra nó cũng hỗ trợ tăng cường chức năng của các cơ quan trên khắp cơ thể, giảm căng thẳng cho hệ tim mạch.
5. Tăng cường miễn dịch
Bên cạnh vitamin và các chất dinh dưỡng, cà rốt cũng chứa các chất có đặc tính khử trùng, khử khuẩn, tạo điều kiện thích hợp giúp cơ thể chống lại nhiều mầm bệnh tiềm ẩn.
Vitamin C trong cà rốt có tác dụng kích thích hoạt động của các tế bào bạch cầu – là thành phần cốt lõi trong hệ miễn dịch.
6. Cải thiện sức khỏe hệ tiêu hóa
Củ cà rốt thực chất được hình thành từ rễ cái của cây cà rốt. Mặt khác, trong rễ cà rốt có chứa một lượng lớn chất xơ, vừa tạo cảm giác no lâu tốt cho người ăn kiêng, vừa kích thích nhu động và bài tiết dịch vị, đảm bảo hoạt động tiêu hóa của cơ thể diễn ra trơn tru. Nhờ vậy, ăn cà rốt thường xuyên sẽ giúp bạn cải thiện và ngăn ngừa tình trạng táo bón, bảo vệ dạ dày, ruột cùng các bộ phận khác trong hệ tiêu hóa khỏi một số bệnh nguy hiểm.
Chất xơ cũng có tác dụng tăng cường sức khỏe tim mạch vì nó góp phần loại bỏ cholesterol LDL dư thừa, phòng ngừa xơ vữa động mạch.
7. Giảm nguy cơ mắc bệnh thoái hóa điểm vàng
Thoái hóa điểm vàng là một bệnh về mắt thường gặp ở người lớn tuổi. Trong khi đó beta-carotene có trong cà rốt lại là chất dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng giúp giảm nguy cơ mắc loại bệnh này.
8. Giảm nguy cơ đột quỵ
Ăn một củ cà rốt mỗi ngày có thể giảm đến 68% nguy cơ mắc bệnh đột quỵ. Bên cạnh những tác dụng đối với sức khỏe tim mạch, cà rốt cũng được xem là loại thực phẩm cực tốt cho não bộ. Lutein, một loại carotenoid trong cà rốt, có liên quan mật thiết đến sức khỏe bộ não của con người.
Ngoài ra, nhiều nghiên cứu được các nhà khoa học tại Đại học Illinois thực hiện trên các bệnh nhân đột quỵ cũng cho thấy người có hàm lượng beta-carotene cao hơn thì khả năng sống sót và phục hồi sau đột quỵ cũng tốt hơn.
Hãy cùng học cách làm món sinh tố cà rốt thơm ngon và tốt cho sức khỏe nhé!
Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:
Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!