Surface Laptop thế hệ 7 là dòng máy đầu tiên của Microsoft sử dụng chip Snapdragon X và cho thấy tiềm năng khi chuyển sang cấu trúc chip Arm. Mặc dù vẫn còn vấn đề khi chạy chức năng mô phỏng nhưng hiệu suất được nâng cao, thời lượng pin ấn tượng và một số tính năng AI mới thú vị mang đến trải nghiệm sử dụng rất hiện đại và cao cấp đối với một chiếc laptop Windows. Hãy cùng khám phá nhé!
Giới thiệu về Surface Laptop thế hệ 7 của Microsoft
Surface Laptop thế hệ 7 là một trong những dòng máy PC Copilot Plus đầu tiên xuất hiện trên thị trường và mang đến nhiều trải nghiệm mới lạ. Hệ điều hành Windows trên Arm được cho là có thể kéo dài thời lượng pin và tăng hiệu suất cực mạnh có thể sánh ngang với những dòng máy tốt nhất. Trên thực tế dòng chip Snapdragon X của Qualcomm đã thực hiện được điều đó, nhưng vẫn còn một số lưu ý mà người dùng nên cân nhắc trước khi quyết định mua chiếc máy đắt tiền này.
Trong khi đó AI cũng là xu hướng nổi bật hiện tại của ngành công nghệ. Mặc dù cung cấp một số khả năng thực sự ấn tượng nhưng AI dường như đang bị lạm dụng và nhồi nhét quá mức vào điện thoại và bắt đầu chuyển sang laptop. Kết hợp với bộ xử lý mạnh mẽ, Microsoft đang dựa vào AI để vượt trội hơn so với MacBook của Apple. Nhưng PC Copilot Plus có thực sự là tương lai của máy tính hay chỉ là sản phẩm nhất thời?
Phần cứng cao cấp của PC Copilot Plus
Bên cạnh dòng máy Surface Laptop của Microsoft thì trên thực tế có khá nhiều lựa chọn nếu bạn muốn thử trải nghiệm PC Copilot Plus. Các thương hiệu lớn như Dell, HP, Samsung và một số hãng khác đều sản xuất các dòng máy có mức giá tương đương là 1300 USD và được trang bị CPU Snapdragon X cùng với phím Copilot chuyên dụng giống như Surface. Trải nghiệm cơ bản của chúng đều khá giống nhau, từ thiết kế bên ngoài, bàn phím đến màn hình và các tính năng khác.
Tuy nhiên Surface Laptop của Microsoft được thiết kế với tiêu chuẩn cao và chất lượng tuyệt vời, xứng đáng với mức giá hơn 999 USD ở thế hệ thứ 7. Khung máy được làm bằng hợp kim nhôm tái chế có các tùy chọn màu đẹp mắt gồm Sapphire (xanh lam) hoặc Dune (đồng/nâu vàng), cùng với các màu Đen và Bạc thực dụng hơn. Mẫu máy trong bài này có màn hình 15 inch và hỗ trợ HDR, độ phân giải 2496 x 1664 pixel, có các phím xúc giác cực nhạy và khả năng kết nối Wi-Fi 7 phù hợp để sử dụng lâu dài trong tương lai.
Có một điều phàn nàn là mẫu máy 15 inch có trọng lượng hơi nặng 1,7kg, trong khi các laptop của hãng khác như ultrabook MateBook X Pro (2024) của HUAWEI có trọng lượng dưới 1kg hay MacBook Air của Apple chỉ 1,24kg. Nhưng bù lại, máy Surface được trang bị pin lớn giúp bạn làm việc thoải mái cả ngày. Microsoft cho biết thời lượng pin có thể lên tới 20 giờ phát video hoặc 15 giờ duyệt web (với độ sáng màn hình 150 nits khá tối), trên thực tế có thể duyệt web khoảng 10 giờ hoặc hơn một chút khi sử dụng máy vào ban ngày.
Có 2 cổng USB-C đa năng cùng với 1 cổng USB-A và jack cắm tai nghe 3,5 mm, đồng thời cũng có khe cắm thẻ nhớ microSD rất hữu ích. Sự lựa chọn cổng USB của Microsoft hơi khó hiểu đối với chiếc máy cao cấp này, bởi vì hiện nay các loại cổng đời cũ không còn cần thiết và có thể loại bỏ để làm cho máy gọn nhẹ hơn một chút. Trải nghiệm thực tế cổng USB-A bị trục trặc vài lần khi không thể kết nối các thiết bị bên ngoài và phải khởi động lại máy để khắc phục. Tương tự, các cổng USB-C đôi khi cũng gặp khó khăn khi kết nối với DisplayPort qua hub USB-C, trong khi các máy khác chưa từng xảy ra vấn đề này.
Máy được hỗ trợ chuẩn sạc USB Power Delivery tốc độ 65W giúp sạc pin khá nhanh, mặc dù đây không phải là mức công suất cao nhất so với những loại laptop khác ở tầm giá này. Microsoft vẫn duy trì cổng kết nối độc quyền của hãng và tặng kèm bộ sạc 12 chân cắm kèm theo (tốc độ 39W cho mẫu máy 13 inch và 65W cho mẫu 15 inch).
Trải nghiệm Windows trên Arm không hoàn hảo
Bộ xử lý Snapdragon X của Qualcomm mang đến trải nghiệm sử dụng Windows mượt mà đến mức hầu như không thể phân biệt được với các dòng máy hiện tại, thậm chí đôi khi còn tốt hơn. Đáng tiếc là chức năng xử lý mô phỏng của PC Copilot Plus không thực sự ấn tượng.
Hệ điều hành Windows trên máy sẽ tự khởi động chức năng giả lập Prism khi mở các ứng dụng được thiết kế dành cho cấu trúc x64 kiểu cũ, điều này làm giảm hiệu suất so với việc chạy các ứng dụng được thiết kế riêng cho chip Arm (trong đó có Snapdragon X). Trên thực tế hiệu suất mô phỏng không quá chậm nhờ CPU 12 lõi có khả năng xử lý mạnh mẽ cho mọi tác vụ, nhưng trong một số trường hợp có thể thấy hiệu suất kém hơn rõ ràng so với chạy các ứng dụng gốc.
Chức năng mô phỏng Prism thực sự hoạt động tốt khi xử lý nhiều việc nặng khác nhau, ví dụ như chỉnh sửa hình ảnh bằng ứng dụng Lightroom Classic khá nhanh (mặc dù bị crash vài lần khi sử dụng tính năng phát hiện nền bằng AI), chỉnh sửa tài liệu trong các ứng dụng x64 như LibreOffice rất mượt mà, và gọi video cũng hoạt động tốt kể cả khi bật hiệu ứng phông nền. Khả năng của chip Snapdragon X trong việc xử lý các gane PC cao cấp AAA cũng khá ấn tượng đối với laptop không chuyên dành chơi game, mặc dù có một số hạn chế về độ phân giải và ít tựa game được hỗ trợ.
Tuy nhiên không phải lúc nào cũng tốt như vậy, ví dụ như Asana, Discord và một số ứng dụng khác mất rất nhiều thời gian để tải nội dung, giao diện bị tạm dừng trong vài giây giống như thời Windows 95. Đây không phải là vấn đề nghiêm trọng nhưng cũng ảnh hưởng đến trải nghiệm nếu bạn dành nhiều thời gian để sử dụng các ứng dụng này mỗi ngày.
Không rõ nguyên nhân chính xác khiến một số ứng dụng hoạt động kém, nhưng hiện tượng này trở nên nghiêm trọng hơn khi chạy mô phỏng nhiều ứng dụng cùng lúc. Có thể là do quá trình tải nội dung thông qua Prism bị tắc nghẽn, vì vậy các ứng dụng thường xuyên phát hành cập nhật nội dung mới sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn. Quá trình tải game cũng có thể bị chậm đáng kể.
Để sử dụng thoải mái hơn, bạn có thể cài đặt phiên bản ứng dụng web thay vì phiên bản x64, ví dụ như Asana. Tuy nhiên nhiều ứng dụng khác chưa có phiên bản Arm gốc, hy vọng rằng các nhà phát triển sẽ sớm tạo ra phiên bản như vậy để đáp ứng nhu cầu của người dùng.
Một vấn đề khác khi chạy mô phỏng là nó làm giảm thời lượng pin của máy. Trải nghiệm thực tế một ngày bình thường chỉ chạy các ứng dụng trên Arm (như trình duyệt web, Spotify, v.v.) có thể duy trì được khoảng 10 đến 11 giờ liên tục với 1 lần sạc. Nhưng nếu sử dụng nhiều mô phỏng sẽ làm giảm thời lượng pin chỉ còn 6 hoặc 7 giờ, thậm chí ít hơn nữa nếu làm chỉnh sửa hình ảnh cường độ cao với ứng dụng Lightroom Classic.
Nhiều ứng dụng không hoạt động tốt ở chế độ mô phỏng, ví dụ như các ứng dụng VPN thậm chí không thể cài đặt được và Adobe Premiere Pro không thể chạy mô phỏng.
Các tính năng AI chưa thực sự xuất sắc
Thời lượng pin của bộ xử lý ARM chỉ là một phần nhỏ của PC Copilot Plus. Đúng như tên gọi, Copilot và AI là những điểm nổi bật thực sự của chúng khi được trang bị chip AMD và Intel. Tất cả các máy PC Copilot Plus đều có một phím Copilot chuyên dụng (như hình dưới) có chức năng bật lên một ứng dụng web nhỏ để truy cập nhanh vào chatbot AI và một số plugin khác.
Nhưng nếu bạn đã sử dụng hệ điều hành Windows 11 gần đây thì sẽ thấy rằng các tính năng cơ bản của phím Copilot giống hệt như thanh tác vụ có sẵn trong Windows 11, trong khi các tính năng mạnh mẽ nhất chỉ được cung cấp khi đăng ký gói Copilot Pro với giá 20 USD mỗi tháng.
Microsoft đã sử dụng bộ xử lý NPU tích hợp của chip Snapdragon X cho một số tính năng khác, nhưng không có tính năng nào thực sự hấp dẫn. Ví dụ như công cụ Cocreator trong ứng dụng Paint có tính năng biến các bức ảnh hoặc bản vẽ phác thảo trở thành hình ảnh AI, nhưng trải nghiệm thực tế cho thấy kết quả không tốt và hầu như không thể sử dụng được. So với các công cụ hoạt động dựa trên đám mây thì Cocreator khá tệ.
Tuy nhiên tính năng tạo phụ đề trực tiếp Live Caption lại rất ấn tượng. Nó chuyển đổi bất kỳ âm thanh nào được phát trên máy thành văn bản và hiển thị trong cửa sổ có thể di chuyển. Có một chút độ trễ khoảng vài giây và kết quả không phải lúc nào cũng hoàn toàn chính xác, đôi khi bị sót một vài từ (đặc biệt là với âm thanh nhỏ), nhưng dù sao đây cũng là một minh chứng cho sức mạnh của NPU.
Tương tự, tính năng chơi game Auto Super Resolution mới nhất của Windows sử dụng NPU để nâng cao độ phân giải hình ảnh, làm cho các game vốn không thể chơi được có thể đạt tốc độ khung hình ở mức tạm ổn. Mặc dù độ phân giải chỉ ở mức 768 pixel và ít game được hỗ trợ nhưng đây là tính năng đầy hứa hẹn và là ý tưởng mới lạ để khắc phục những hạn chế về chất lượng đồ họa thấp.
Cuối cùng, công cụ Studio Effects cung cấp nhiều hiệu ứng webcam vượt trội hơn so với các tính năng cơ bản của hầu hết các ứng dụng hiện nay. Mặc dù không mang tính đột phá nhưng các tính năng như theo dõi chuyển động mắt, tự động đóng khung và nhiều hiệu ứng chân dung khác có thể rất hữu ích khi họp trực tuyến.
Tổng hợp lại, các tính năng AI của Copilot Plus mang đến trải nghiệm tốt hơn một chút so với hệ điều hành Windows truyền thống, nhưng không quá xuất sắc và hầu như không thay đổi trải nghiệm sử dụng Windows. Tính năng Recall có thể sẽ tạo ra sự khác biệt đáng kể hơn cho người dùng, nhưng tính năng này đang được Microsoft xem xét lại do các vấn đề về quyền riêng tư. Nhìn chung, PC Copilot Plus cần có thêm nhiều ứng dụng AI mạnh mẽ hơn để thực sự xứng đáng với mức giá.
Tóm lại: Có nên mua Surface Laptop thế hệ 7 hay không?
Ưu điểm
- Thời lượng pin tuyệt vời
- Hiệu suất mạnh mẽ
- Màn hình chất lượng cao
- Một số tính năng AI tiện dụng
Nhược điểm
- Khả năng xử lý mô phỏng cần cải thiện
- Trọng lượng hơi nặng
- Phím Copilot không thực sự cần thiết
- Một số tính năng AI không hữu ích trong thực tế
Không thể phủ nhận PC Copilot Plus mang đến trải nghiệm Windows thú vị bao gồm thời lượng pin đáng kinh ngạc, nhiều cổng kết nối và các tính năng AI tiện lợi có thể tiếp tục phát triển trong tương lai. Tuy nhiên khả năng mô phỏng phần mềm vẫn chưa thực sự hoàn hảo, vì vậy nếu bạn thường xuyên sử dụng laptop để làm việc chuyên nghiệp thì phải cân nhắc xem các ứng dụng của mình có phải là Arm gốc hay không. Đối với nhiều người, chỉ cần lựa chọn các loại laptop thông thường sử dụng chip AMD hoặc Intel là có thể đáp ứng nhu cầu cơ bản.
Tuy nhiên các ứng dụng Arm gốc có thể được cải thiện trong tương lai khi PC Copilot Plus trở nên phổ biến hơn. Microsoft và Qualcomm đã có kế hoạch lâu dài để phát triển dự án này, và có tin đồn rằng các loại chip Arm khác sẽ ra mắt thị trường trong năm 2025. Mức giá 999 USD có thể khiến nhiều người e ngại, nhưng nền tảng hệ điều hành Windows trên Arm đã hoạt động vững chắc trong nhiều năm qua nên rất đáng để thử.
Mời bạn xem thêm các bài liên quan:
- Thị trường laptop sẽ bùng nổ cuối năm 2024 với nhiều dòng máy rất đáng chờ đợi
- Laptop Google Pixelbook Go: Chất lượng tốt trong phân khúc Chromebook nhưng mức giá cao
Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!
Mình rất trân trọng mọi ý kiến đóng góp của các bạn để cải thiện chất lượng bài viết, hãy để lại ý kiến của bạn trong phần bình luận giúp mình nhé.