MacBook Air từ lâu đã là lựa chọn quen thuộc của nhiều người nhờ thiết kế nhỏ gọn, dễ mang theo và hiệu năng ổn định cho các nhu cầu hằng ngày. Ở phiên bản mới dùng chip M4, Apple không chỉ nâng cấp sức mạnh mà còn bổ sung nhiều tính năng đáng giá như camera 12MP sắc nét, hỗ trợ hai màn hình ngoài và thời lượng pin tốt hơn. Nếu bạn đang tìm một chiếc laptop có thể đồng hành mọi lúc mọi nơi – từ công việc đến giải trí – thì MacBook Air M4 chắc chắn là cái tên đáng để cân nhắc. Hãy cùng BlogAnChoi khám phá xem phiên bản này có gì nổi bật và liệu có xứng đáng trở thành lựa chọn hàng đầu trong năm 2025 không nhé!

Thiết Kế: Mỏng, nhẹ và sang trọng

MacBook Air M4 vẫn giữ nguyên kiểu dáng quen thuộc – mỏng, nhẹ và gọn gàng đúng chất Air. Vỏ nhôm nguyên khối giúp máy trông cứng cáp, cầm lên cũng thấy chắc tay và cao cấp. So với các phiên bản trước như M2 hay M3, thiết kế gần như không đổi, nhưng nhìn chung vẫn rất gọn gàng và đẹp mắt. Với độ mỏng chỉ 11,3mm và trọng lượng khoảng 1,24kg cho bản 13 inch (1,5kg với bản 15 inch), bạn có thể dễ dàng mang máy đi làm, đi học hay cà phê mà không thấy nặng nề.

Về bảng màu, MacBook Air M4 có bốn tùy chọn: Midnight (Xanh Đen), Starlight (Vàng Ánh Sao), Silver (Bạc), và màu mới Sky Blue (Xanh da trời nhạt). Trong đó, Sky Blue là sự bổ sung đáng chú ý, mang đến màu xanh dương nhạt, ánh kim loại, và có thể thay đổi sắc thái tùy vào ánh sáng. Một điểm cộng của màu Sky Blue là nó ít bám vân tay hơn so với Midnight, vốn dễ bị lộ dấu vân tay và trầy xước quanh các cổng kết nối. Cáp sạc MagSafe cũng được phối màu theo máy, tạo sự đồng bộ về thẩm mỹ.

Macbook Air M4 (Ảnh: Internet)
Macbook Air M4 (Ảnh: Internet)

Về cổng kết nối, MacBook Air M4 vẫn duy trì hai cổng Thunderbolt 4/USB-C (hỗ trợ tốc độ truyền dữ liệu lên đến 40Gb/s), một jack tai nghe 3.5mm và cổng sạc MagSafe 3. Tuy nhiên, tất cả các cổng Thunderbolt/USB-C đều nằm ở cạnh trái, không có cổng nào ở cạnh phải. Điều này có thể gây bất tiện đối với những người cần kết nối nhiều thiết bị cùng lúc. Một điểm đáng chú ý nữa là máy không trang bị chuẩn Thunderbolt 5 mới hơn, mà vẫn giữ Thunderbolt 4, dù các dòng Mac cao cấp hơn đã được trang bị Thunderbolt 5. Máy hỗ trợ Wi-Fi 6E nhưng chưa có Wi-Fi 7.

Màn Hình: Sắc nét và sống động, nhưng thiếu công nghệ màn hình ProMotion

MacBook Air M4 sở hữu màn hình Liquid Retina IPS với kích thước 13.6 inch (độ phân giải 2560×1664) hoặc 15.3 inch (2880×1864). Màn hình này cung cấp độ sáng tối đa 500 nits, hỗ trợ dải màu rộng P3 và công nghệ True Tone, mang lại trải nghiệm hình ảnh sắc nét và sống động. Với độ phân giải cao, đạt 224 PPI, màn hình của M4 Air thực sự ấn tượng về độ chi tiết.

Khi trải nghiệm thực tế, màu sắc rực rỡ, chính xác và độ sáng rõ ràng. Các bài kiểm tra cho thấy độ sáng thực tế khoảng 470 nits và độ phủ màu đạt khoảng 80% DCI-P3 (trên 100% sRGB), cho khả năng hiển thị rất tốt trong các điều kiện ánh sáng khác nhau.

Macbook Air M4 (Ảnh: Internet)
Macbook Air M4 (Ảnh: Internet)

Tuy MacBook Air M4 sở hữu màn hình sáng, sắc nét và có độ phủ màu tốt, nhưng vẫn tồn tại một vài điểm khiến người dùng khó tính phải cân nhắc. Đầu tiên là phần notch quen thuộc ở cạnh trên – vốn chỉ chứa camera, nhưng không đi kèm Face ID như nhiều người kỳ vọng. Bên cạnh đó, màn hình này chỉ dừng lại ở tần số quét 60Hz, không hỗ trợ ProMotion, và cũng không được trang bị đèn nền Mini-LED hay khả năng hiển thị HDR như trên các mẫu MacBook Pro cao cấp.

Những thiếu hụt này không phải ngẫu nhiên, mà là một phần trong chiến lược phân cấp rõ ràng giữa dòng Air và dòng Pro. Trong tầm giá, màn hình của MacBook Air M4 vẫn là lựa chọn rất tốt, đủ đáp ứng nhu cầu học tập, làm việc hay giải trí hằng ngày. Nhưng nếu bạn cần độ mượt cao hơn, khả năng hiển thị HDR phục vụ chỉnh sửa ảnh, dựng video chuyên nghiệp, hoặc muốn có thêm tùy chọn lớp phủ nano chống chói khi làm việc trong điều kiện ánh sáng mạnh, thì MacBook Pro sẽ là lựa chọn phù hợp hơn.

Bàn phím, Trackpad và âm thanh

MacBook Air M4 tiếp tục dùng bàn phím Magic Keyboard với cơ chế cắt kéo quen thuộc, mang lại cảm giác gõ nhẹ, êm và khá chính xác – dù gõ lâu vẫn không bị mỏi tay. Bên dưới là hệ thống đèn nền giúp làm việc buổi tối tiện hơn. Trackpad Force Touch vẫn rộng rãi như trước, phản hồi nhạy và mượt, thao tác cuộn, phóng to hay vuốt qua lại đều rất thoải mái. Đây vẫn là một trong những combo bàn phím – trackpad tốt nhất trên laptop hiện nay.

Đặc biệt, máy còn tích hợp cảm biến vân tay Touch ID ở góc trên bên phải bàn phím, giúp bạn dễ dàng đăng nhập và thực hiện các giao dịch thanh toán một cách an toàn, với sự bảo vệ của Secure Enclave.

Macbook Air M4 (Ảnh: Internet)
Macbook Air M4 (Ảnh: Internet)

Về âm thanh, MacBook Air M4 có chút khác biệt giữa hai phiên bản: bản 13 inch đi kèm hệ thống 4 loa, còn bản 15 inch được trang bị 6 loa. Dù là bản nào, máy cũng hỗ trợ Spatial Audio và Dolby Atmos, cho trải nghiệm âm thanh rõ nét, đặc biệt khi xem phim hay gọi video – giọng nói nghe trong và dễ chịu. Tuy nhiên, phần âm trầm (bass) vẫn chưa thực sự dày và sâu như trên các dòng MacBook cao cấp hơn.

Sức mạnh từ bên trong: Khám phá chip M4 mới

Chip M4, được phát triển trên nền tảng Apple Silicon và dựa trên kiến trúc của chip A18, mang lại hiệu suất vượt trội cho MacBook Air M4. Sản xuất trên quy trình 3nm thế hệ thứ hai của TSMC (N3E), M4 sở hữu cấu trúc 10 nhân CPU (gồm 4 nhân hiệu năng cao và 6 nhân tiết kiệm năng lượng), cùng với GPU lên đến 10 nhân (trên phiên bản 13″ từ 16/24GB RAM và 512GB bộ nhớ trở lên, cùng tất cả các phiên bản 15″).

Một điểm đáng quan tâm trên MacBook Air M4 là bộ xử lý Neural Engine 16 nhân, có thể thực hiện tới 38 nghìn tỷ phép tính mỗi giây – gấp đôi khả năng của chip M3 trước đó. Ngoài ra, máy còn sử dụng RAM LPDDR5X với băng thông được nâng lên 120 GB/s, giúp tăng tốc độ xử lý và cải thiện hiệu quả khi làm việc với các tác vụ nặng hoặc liên quan đến AI.

Macbook Air M4 (Ảnh: Internet)
Macbook Air M4 (Ảnh: Internet)

Dữ liệu benchmark cho thấy MacBook Air M4 mang lại hiệu năng cải thiện rõ rệt: nhanh hơn khoảng 20–30% so với M3 ở các tác vụ CPU và tăng khoảng 21% về GPU. Nếu so với các mẫu MacBook Air dùng chip Intel, đây là một bước nhảy vọt – ví dụ trong tác vụ Super Resolution trên Pixelmator Pro, M4 có thể nhanh hơn gấp 23 lần. So với các mẫu laptop chạy Windows, M4 cũng cho thấy khả năng cạnh tranh mạnh mẽ: hiệu năng đơn nhân vượt trội và trong một số bài test đa nhân, thậm chí tiệm cận với Snapdragon X Elite.

Tuy nhiên, thiết kế không quạt – giúp máy mỏng nhẹ và yên tĩnh – lại là điểm hạn chế khi chạy tác vụ nặng trong thời gian dài. Không có hệ thống tản nhiệt chủ động, M4 dễ gặp hiện tượng thermal throttling – tức máy tự giảm hiệu năng để kiểm soát nhiệt độ khi quá tải. Trong điều kiện stress test, vỏ máy có thể nóng tới khoảng 44.4°C. iFixit cũng chỉ ra rằng phần tản nhiệt bên trong M4 không khác nhiều so với thế hệ trước, khiến hiệu suất bị ảnh hưởng nếu phải duy trì hiệu năng cao liên tục, như khi render video hoặc chơi game đồ họa nặng.

Macbook Air M4 (Ảnh: Internet)
Macbook Air M4 (Ảnh: Internet)

Dù vậy, với phần lớn người dùng phổ thông – từ sinh viên đến dân văn phòng – MacBook Air M4 vẫn mang lại trải nghiệm mượt mà trong công việc hàng ngày. Máy mở ứng dụng nhanh, phản hồi tốt và xử lý đa nhiệm nhẹ nhàng. Nhưng nếu bạn cần làm việc chuyên sâu trong thời gian dài với những tác vụ ngốn tài nguyên, MacBook Pro với hệ thống quạt làm mát chủ động sẽ là lựa chọn an toàn và bền bỉ hơn.

Một số tính năng nổi bật khác

Camera FaceTime HD 12MP trên MacBook Air M4 mang đến một bước tiến lớn về chất lượng hình ảnh trong các cuộc gọi video. Cảm biến 12MP giúp hình ảnh trở nên sắc nét hơn rất nhiều so với các thế hệ trước, mang lại trải nghiệm video rõ ràng và chi tiết. Ngoài ra, tính năng Center Stage giúp tự động điều chỉnh khung hình để người dùng luôn nằm ở trung tâm, ngay cả khi di chuyển trong khi gọi video. Tính năng Desk View cũng được trang bị, cho phép người dùng chia sẻ góc nhìn từ trên xuống bàn làm việc, rất hữu ích khi cần giới thiệu các tài liệu hoặc vật dụng trong cuộc họp.

Macbook Air M4 (Ảnh: Internet)
Macbook Air M4 (Ảnh: Internet)

Về khả năng kết nối, MacBook Air M4 giờ đây có thể hỗ trợ kết nối với hai màn hình ngoài cùng lúc, với độ phân giải lên đến 6K và tần số quét 60Hz. Đây là một cải tiến đáng kể so với các thế hệ trước. Khác với MacBook Air M3, yêu cầu phải đóng nắp máy mới có thể kết nối thêm màn hình ngoài, hay các dòng M1/M2 chỉ hỗ trợ một màn hình ngoài, M4 cho phép người dùng kết nối nhiều màn hình cùng lúc mà không cần đóng máy. Điều này rất tiện lợi cho những ai cần không gian làm việc linh hoạt hoặc làm nhiều việc cùng lúc, giúp nâng cao hiệu quả công việc.

Thời lượng pin: Có đủ dùng cho cả ngày?

Apple cho biết MacBook Air M4 có thể xem video liên tục đến 18 giờ hoặc duyệt web trong 15 giờ. Tuy nhiên, theo các bài đánh giá thực tế, kết quả hơi khác một chút. Tom’s Guide ghi nhận thời gian sử dụng gần 15 giờ, và CNET cũng cho ra kết quả tương tự.

Một nguồn khác cho biết M4 có thời lượng pin dài hơn khoảng 1 giờ so với phiên bản M3. Dù hiệu năng của M4 được cải thiện, nhưng thời gian sử dụng không thay đổi quá nhiều, cho thấy Apple tập trung vào việc giảm hao pin và tăng tốc độ xử lý thay vì kéo dài thời gian sử dụng. Dung lượng pin cũng được tăng nhẹ, từ 52.6 Wh lên 53.8 Wh.

Macbook Air M4 (Ảnh: Internet)
Macbook Air M4 (Ảnh: Internet)

Mặc dù MacBook Air M4 có thời lượng pin ấn tượng, nhưng một số đối thủ chạy Windows, đặc biệt là các mẫu sử dụng chip Snapdragon X Elite như Dell XPS 13, lại có thể cung cấp thời gian sử dụng dài hơn trong các bài thử nghiệm cụ thể.

Tốc độ lưu trữ: Có vấn đề với phiên bản 256GB

Một vấn đề cần lưu ý là phiên bản MacBook Air M4 256GB có thể gặp hạn chế về tốc độ lưu trữ, vì chỉ sử dụng một chip NAND duy nhất. Điều này gây ảnh hưởng đến khả năng đọc/ghi song song, khiến tốc độ đọc/ghi tuần tự chậm hơn đáng kể, đặc biệt là tốc độ ghi, so với các cấu hình 512GB trở lên sử dụng hai hoặc nhiều chip NAND.

Theo các bài kiểm tra benchmark, sự khác biệt này khá rõ rệt. MacBook Air M4 256GB có tốc độ ghi/đọc lần lượt là 1919/2891 MB/s, trong khi bản 512GB đạt 3335/3012 MB/s. Thậm chí, tốc độ ghi của bản 256GB M4 còn thấp hơn so với bản 256GB M3, vốn đã được cải thiện nhờ sử dụng hai chip NAND.

Macbook Air M4 (Ảnh: Internet)
Macbook Air M4 (Ảnh: Internet)

Với người dùng thông thường, những tác vụ như duyệt web, soạn thảo văn bản hay chỉnh sửa ảnh nhẹ sẽ không gặp vấn đề gì, vì SSD 256GB vẫn đủ nhanh. Tuy nhiên, đối với những ai làm việc với các tệp tin lớn hoặc các dự án media nặng, sự khác biệt về tốc độ này có thể sẽ cảm nhận rõ rệt.

Việc sử dụng một chip NAND duy nhất là chiến lược tiết kiệm chi phí của Apple, giúp họ giữ mức giá khởi điểm 999 USD cho bản 256GB. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc người dùng sẽ phải đánh đổi một phần tốc độ lưu trữ. Mặc dù sự chậm chạp này không ảnh hưởng đến những tác vụ cơ bản, nhưng đối với những người cần tốc độ lưu trữ cao hơn, họ sẽ phải chi thêm khoảng 200 USD (khoảng 5 triệu VND) để nâng cấp lên bản 512GB, tạo ra một sự khác biệt lớn trong chiến lược định giá nâng cấp của Apple.

MacBook Air M4 tại Việt Nam: Giá bán và cấu hình

MacBook Air M4 hiện đã có mặt tại các cửa hàng bán lẻ uy tín tại Việt Nam như Thế Giới Di Động, FPT Shop và CellphoneS. Các cấu hình của MacBook Air M4 rất đa dạng và linh hoạt, với các tùy chọn về CPU, GPU, RAM và bộ nhớ SSD cho cả phiên bản 13 inch và 15 inch, giúp người dùng dễ dàng lựa chọn cấu hình phù hợp với nhu cầu sử dụng.

Macbook Air M4 (Ảnh: Internet)
Macbook Air M4 (Ảnh: Internet)

Về giá bán, MacBook Air M4 có mức giá khởi điểm từ 26.990.000 VND cho phiên bản 13 inch với 16GB RAM và 256GB SSD. Các cấu hình cao hơn, như bản 512GB SSD, có giá từ 31.990.000 VND. Ngoài ra, nếu người dùng cần nâng cấp thêm dung lượng bộ nhớ hoặc SSD, có thể chọn các tùy chọn từ 32GB RAM và 512GB SSD đến 1TB SSD, với giá dao động lên đến 46.990.000 VND cho cấu hình cao nhất (1TB SSD và 32GB RAM).

Tùy theo các chương trình khuyến mãi tại từng cửa hàng, khách hàng cũng có thể nhận được các ưu đãi như giảm giá trực tiếp, hỗ trợ trả góp 0% hoặc các khuyến mãi khác. Chắc chắn, với các lựa chọn cấu hình đa dạng cùng mức giá hợp lý, MacBook Air M4 sẽ đáp ứng được nhiều nhu cầu từ cơ bản đến nâng cao của người dùng.

Kết Luận: Ưu, Nhược điểm và lời khuyên khi mua hàng

Ưu Điểm:

  • Chip Apple M4 mới mang lại hiệu năng vượt trội, đặc biệt khi so với các dòng máy dùng chip Intel hay M1 đời cũ.
  • Giá khởi điểm 999 USD cho bản 13 inch (tại Việt Nam từ khoảng 27 triệu đồng) đã bao gồm 16GB RAM – một bước tiến lớn so với cấu hình mặc định trước đây.
  • Thời lượng pin ấn tượng: vẫn đủ dùng trọn một ngày dài, dù một vài đối thủ Windows có thể “trâu” hơn trong vài tình huống.
  • Webcam 12MP mới với tính năng Center Stage giúp gọi video rõ nét hơn, khung hình theo sát người dùng.
  • Hỗ trợ xuất hai màn hình ngoài cùng lúc (khi mở nắp máy) – điều mà các đời M2 và M3 chưa làm được.
  • Màn hình sáng, chi tiết tốt, hiển thị màu sắc chính xác.
  • Thiết kế mỏng nhẹ quen thuộc, không quạt nên vận hành cực kỳ êm ái.
  • Tùy chọn màu Sky Blue mới mang lại chút tươi mới cho dòng Air.

Nhược Điểm:

  • Ngoại hình gần như không đổi so với M2 và M3.
  • Màn hình vẫn chỉ 60Hz, chưa có ProMotion và không có lớp phủ chống chói.
  • Có thể bị giảm hiệu suất đôi chút khi xử lý tác vụ nặng trong thời gian dài do không có quạt tản nhiệt.
  • Ổ SSD 256GB cơ bản có tốc độ ghi chậm hơn so với bản 512GB.
  • Vẫn còn ít cổng kết nối, tất cả lại nằm cùng một bên.
  • Chưa hỗ trợ chuẩn Wi-Fi 7.
  • Chi phí nâng cấp RAM và SSD cao – một điểm quen thuộc trên các dòng máy Apple.

Nếu bạn đang dùng MacBook Air dùng chip Intel hoặc M1, đây là thời điểm hợp lý để nâng cấp lên M4 – bạn sẽ thấy hiệu năng nhanh hơn, pin bền hơn, camera tốt hơn và hỗ trợ hai màn hình rất tiện cho công việc. Ngược lại, nếu bạn đang dùng M2 hoặc M3 và không quá cần camera mới hay xuất nhiều màn hình, thì chiếc máy hiện tại vẫn đủ tốt để đồng hành thêm vài năm nữa.

Xem thêm

Asus Zenbook Pro Duo - Laptop 2 màn hình 4K đầu tiên trên thế giới

Chiếc Laptop Asus Zenbook Pro Duo được ông lớn Asus cho ra mắt trong sự kiện Computex 2019 với những điểm đột phá bậc nhất đánh bại tất cả các sản phẩm Latop khác trên thị trường hiện nay. Hãy cùng BlogAnChoi tìm hiểu những điểm nổi bật của chiếc Laptop Asus Zenbook Pro Duo - Laptop 2 màn ...
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
1 Bình luận
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận