Mẫu máy được đánh giá trong bài này có bộ xử lý Intel Core Ultra 7 155H kết hợp với GPU NVIDIA RTX 4060 dành cho laptop, RAM LPDDR5 dung lượng 32 GB và ổ cứng SSD PCIe 4.0 NVMe M.2 dung lượng 512 GB. Ngoài ra bạn có thể chọn phiên bản cao hơn với bộ xử lý Intel Core Ultra 9 185H, GPU NVIDIA RTX 4080 và dung lượng lưu trữ lên tới 4TB.
Tuy nhiên trước khi chọn cấu hình phù hợp, bạn nên lưu ý rằng thông số kỹ thuật cao cũng có hạn chế, nhất là sinh nhiệt trong quá trình sử dụng máy.
Nhìn bề ngoài, Zephyrus G16 2024 mỏng hơn và trông cao cấp hơn so với thế hệ trước nhờ thân máy được làm bằng nhôm nguyên khối, chiều dày khoảng 1,64cm và nặng khoảng 1,85 kg. Với một chiếc laptop 16 inch thì như vậy là rất gọn nhẹ, đặc biệt khi đây là mẫu máy chơi game có card đồ họa chuyên dụng.
Toàn bộ thân máy có cảm giác rất giống MacBook, không quá nổi bật nhưng vẫn có điểm nhấn tinh tế là nhãn hiệu ROG của hãng ASUS, logo được đặt ở góc của lưng máy cùng với logo Zephyrus trên bản lề tạo phong cách sang trọng.
Ngoài ra đây vẫn là một chiếc laptop thuộc dòng ROG dành cho chơi game nên được trang bị đèn để tạo hiệu ứng đẹp mắt. Một dải đèn LED dạng nét đứt nằm theo đường chéo của lưng máy có thể được tùy chỉnh để tạo chuyển động và đồng bộ với âm thanh. So với hầu hết các dòng laptop chơi game khác có kiểu đèn này thì Zephyrus có vẻ tinh tế hơn và phù hợp với đa số người dùng hơn, ví dụ khi bạn không muốn chiếc laptop thu hút sự chú ý quá nhiều nhưng vẫn có khả năng tùy chỉnh đẹp mắt theo ý muốn.
Thân máy được trang bị bàn phím kích thước đầy đủ rất rộng rãi và bàn di chuột có kích thước lớn nhất so với hầu hết laptop Windows trên thị trường hiện nay. Các phím có đèn nền kiểu chiclet với ánh sáng RGB và cảm giác gõ thoải mái tuyệt vời, độ nhạy và biên độ gõ phù hợp, ngoài ra điểm cộng đặc biệt là hầu như không có hiện tượng cong bàn phím.
Bàn di chuột cũng được thiết kế thoải mái với bề mặt kính lớn, tuy nhiên độ nhạy cảm ứng có vẻ không đồng đều ở phần trên cùng.
Zephyrus G16 có nhiều loại cổng được sử dụng phổ biến như Thunderbolt 4 và cổng USB-C riêng, HDMI 2.1, hai cổng USB 3.2 Gen2 Type-A, jack âm thanh và khe cắm thẻ SD. Máy cũng được trang bị cổng sạc độc quyền để cắm bộ sạc công suất lớn 240W, nhưng bạn cũng có thể dùng bộ sạc PD 100W với cổng Type-C như bình thường.
Nhìn chung, nếu bạn muốn gây ấn tượng với mọi người thì Zephyrus G16 không hẳn là lựa chọn nổi bật nhất, nhưng đây vẫn là chiếc laptop chơi game gọn nhẹ với thiết kế đẹp và cảm giác sử dụng thoải mái, có thể bỏ vào cặp và ba lô để mang đi dễ dàng.
Ngoài thông số kỹ thuật phần cứng, điều đáng chú ý nhất của ROG Zephyrus G16 là màn hình ấn tượng với tỷ lệ khung hình 16:10 và độ phân giải 2,5K. Viền được thiết kế rất nhỏ để tạo cảm giác màn hình rộng hơn. Có tùy chọn tấm nền OLED hoặc TFT đạt Tiêu chuẩn Màn hình ROG Nebula, cả hai loại này đều có tính năng xác thực Pantone, G-Sync, độ phủ màu DCI-P3 và hỗ trợ Dolby Vision.
Mẫu máy được đánh giá trong bài này sử dụng màn hình OLED và đây thực sự là một trong những màn hình laptop chơi game tốt nhất với hình ảnh tuyệt đẹp khi xem phim và các nội dung giải trí, màu đen sâu và màu sắc rực rỡ, đặc biệt là tốc độ làm mới 240 Hz mang đến trải nghiệm chơi game tuyệt vời trên màn hình kích thước lớn 16 inch này.
Đối với các game thủ và người làm việc sáng tạo nội dung, màn hình này là lựa chọn lý tưởng để hỗ trợ chơi game cũng như chỉnh sửa ảnh và video một cách thoải mái.
Laptop G16 được trang bị 6 loa hỗ trợ Dolby Atmos mang đến trải nghiệm âm thanh sống động, mặc dù chưa đạt chất lượng cao cấp như MacBook Pro nhưng âm thanh có độ rõ nét khá tốt và âm trầm ổn định cho trải nghiệm thú vị khi chơi game và xem nội dung giải trí.
ASUS cũng trang bị cho chiếc laptop này một thành phần được gọi là Dãy Mic 3D có các chế độ khác nhau gồm mic hình tim, đa hướng và âm thanh nổi, cùng với tính năng khử tiếng ồn AI hai chiều của ROG. Trải nghiệm thực tế cho thấy micrô khử tiếng ồn bên ngoài rất tốt và tập trung thu âm giọng nói của người dùng một cách hiệu quả.
Được trang bị các bộ xử lý Intel Core Ultra và card đồ họa dòng RTX 40 của NVIDIA, laptop G16 có thể xử lý mượt mà các tác vụ và game đòi hỏi cấu hình cao, nhưng kiểu dáng mỏng của nó gây hạn chế khi hoạt động liên tục trong thời gian dài.
ASUS cho biết máy được trang bị hệ thống làm mát thông minh sử dụng kim loại lỏng và buồng hơi để đảm bảo hiệu suất tối ưu mà không bị nóng. Tuy nhiên khi thực hiện nhiều công việc và chơi game nặng, bạn sẽ thấy hiệu suất của máy bị giảm nhanh chóng.
Quạt của máy không quá ồn ào nhưng vẫn có thể nghe rõ, kể cả khi thực hiện những việc bình thường như duyệt web. Với phép đo hiệu suất Geekbench 6, chiếc máy này đạt số điểm 2.335 trên lõi đơn và 13.014 trên đa lõi, mặc dù không tệ nhưng kém hơn các dòng máy ultrabook nhỏ hơn như MacBook Air M3 có điểm lõi đơn cao hơn và điểm đa lõi thấp hơn một chút là 12.030.
Tuy nhiên điểm cộng của ROG Zephyrus G16 là GPU hiệu suất cao với số điểm phép đo OpenCL là 111.381 tương ứng với trải nghiệm khá tốt khi sử dụng thực tế. Máy có thể xử lý các tác vụ thường ngày như duyệt web và xem nội dung giải trí mà không bị chậm, các công việc nặng hơn một chút như chỉnh sửa ảnh với Photoshop và lập trình với PyCharm cũng được thực hiện khá trơn tru.
Các game chạy như Genshin Impact cũng đem đến trải nghiệm xuất sắc, nhất là với màn hình mượt mà của chiếc máy này. Có hiện tượng giảm khung hình nhẹ khi thử nghiệm ở mức cài đặt cấu hình bình thường, mặc dù quạt của máy đã hoạt động hết công suất trong quá trình chơi game và mặt trên của máy đã nóng lên.
Đây có lẽ là nhược điểm lớn nhất của laptop Zephyrus G16 do thiết kế mỏng cũng như thông số phần cứng của nó. G16 được trang bị pin có dung lượng 90 Wh mà theo hãng ASUS cho biết là có thời lượng lên tới 13,7 giờ khi phát video 1080p, nhưng trải nghiệm thực tế với mức sử dụng thông thường chỉ được khoảng 5-6 giờ, thậm chí nếu bạn muốn làm việc chuyên nghiệp cường độ cao thì phải mang theo cục sạc có kích thước lớn khá bất tiện.
Bộ sạc có công suất 240W cho phép máy hoạt động mạnh hơn, khi cắm sạc sẽ tự động kích hoạt chế độ hiệu suất cao giúp bạn có thể khai thác tối đa sức mạnh của bộ xử lý và card đồ họa. Điều đó cũng có nghĩa là hiệu suất của máy khi sử dụng pin sẽ bị giảm đáng kể, thử nghiệm thực tế cho thấy mức giảm khoảng 46% trên lõi đơn (1.252 điểm) và 35% trên đa lõi (8.521 điểm) với phép đo Geekbench 6.
Hiệu suất GPU cũng bị ảnh hưởng tương tự, giảm khoảng 23% (85.754 điểm) với phép đo OpenCL.
Mặc dù sự giảm hiệu suất khi sử dụng pin như vậy là không ngạc nhiên đối với các loại laptop chơi game, nhưng mức độ giảm của laptop G16 nhiều hơn do thiết kế mỏng của nó, vì vậy bạn nên cân nhắc khi lựa chọn giữa hiệu suất, thời lượng pin và kiểu dáng nhỏ gọn khi mua máy.
Nếu bạn đang tìm mua một chiếc laptop chơi game có thể sử dụng để làm việc thì ASUS ROG Zephyrus G16 là lựa chọn rất đáng xem xét. Kết hợp hiệu suất của laptop chơi game với thiết kế đẹp mắt của laptop làm việc chuyên nghiệp kiểu truyền thống, đây là chiếc máy lý tưởng cho nhu cầu làm việc và giải trí thường ngày.
Tuy nhiên lưu ý rằng máy bị giảm hiệu suất khi xử lý việc nặng và thời lượng pin ngắn. Nếu bạn thường xuyên làm việc khi di chuyển và muốn có thời lượng pin dài thì đây là nhược điểm đáng kể. Nhưng nếu bạn thường sử dụng laptop tại bàn và gần nguồn điện thì ưu điểm của Zephyrus G16 có thể lớn hơn nhược điểm kể trên.
Bạn có thể mua laptop ROG Zephyrus G16 tại đây
Mời bạn xem thêm các bài liên quan:
Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!
Mình mong muốn được nghe những ý kiến của các bạn về bài viết này!