Trí tuệ nhân tạo AI ngày càng thông minh và có khả năng thay thế con người trong nhiều công việc. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng AI sẽ không thể thắng được con người trong một số lĩnh vực nhất định. Nếu bạn muốn giữ được vị trí và công việc của mình trước sự cạnh tranh của máy móc thì sau đây là 7 kỹ năng bạn nên trau dồi càng sớm càng tốt.
1. Lập trình và viết code
Mặc dù AI đã có thể viết code và phát triển các chương trình máy tính nhưng chúng chỉ dựa trên các cơ sở dữ liệu đã có sẵn. Ở cấp độ cơ bản, AI chỉ thực hiện các công việc lặp đi lặp lại một cách tự động. Điều đó cũng có nghĩa là vẫn cần sự can thiệp của con người để tạo ra các sáng kiến đột phá và lập trình tinh vi hơn.
Ví dụ các AI mạnh có thể tạo ra các ứng dụng hoạt động theo kiểu tìm kiếm, nhưng không thể tạo ra một nền tảng mạng xã hội hoàn chỉnh có đầy đủ chức năng, chưa nói đến sáng tạo tính năng mới. Do đó bạn hãy học cách sử dụng các ngôn ngữ lập trình khác nhau và tìm hiểu cách ứng dụng chúng vào các lĩnh vực như kiến trúc hệ thống, thiết kế phần mềm, lập trình và bảo mật.
Ngoài ra hãy thử nghiệm những kiến thức mà bạn đã học được bằng cách lập trình các ứng dụng và trang web, chạy thử chúng trên các nền tảng khác nhau, sau đó đánh giá ứng dụng nào có thể trở thành sản phẩm thực tế.
Một cách khác để trau dồi kỹ năng lập trình của bạn là học các kỹ thuật để huấn luyện AI. Các công ty công nghệ đầu tư rất nhiều tiền cho lĩnh vực phát triển trí tuệ nhân tạo. Máy tính có thể phác thảo việc xây dựng AI nhưng vẫn phải có con người để viết code, tối ưu hóa và phát triển các chương trình sáng tạo dành cho chúng.
2. Viết nội dung
Với sự tiến bộ của các công cụ AI có khả năng viết, nhiều người tin rằng chúng có thể thay thế hoàn toàn những người làm nghề copywriter hay viết nội dung. Ngay cả một số nền tảng AI miễn phí cũng có thể tạo ra đoạn văn chính xác 1.000 từ theo yêu cầu trong vòng vài phút, trong khi con người cần khoảng 3 giờ để làm xong việc đó.
Nhưng bất chấp sự phát triển đó, AI sẽ không thể thay thế hoàn toàn con người trong việc viết lách. Các mô hình ngôn ngữ AI như GPT-3 tạo ra các cụm từ giống con người bằng cách phân tích và sàng lọc hàng triệu trang web được xếp hạng trên Internet theo chủ đề liên quan, từ đó có thể tạo ra những ý tưởng mới độc đáo của riêng mình.
Văn bản do AI tạo ra đúng ngữ pháp và có ý nghĩa, nhưng trong nhiều trường hợp cũng có vẻ cứng nhắc và bắt chước. Hình dưới đây là ví dụ: mặc dù ngữ pháp gần như hoàn hảo nhưng có thể nhận thấy nội dung chỉ là những lời khuyên chung chung mà chúng ta có thể bắt gặp ở bất cứ đâu.
3. Marketing, PR và quảng cáo
Trên lý thuyết có thể sử dụng AI để tạo các chiến dịch marketing quy mô lớn. Một số trang web AI tạo ra hình ảnh, phác thảo văn bản và rút ra các số liệu thống kê cũng như nhiều công việc khác liên quan đến quảng cáo. Việc duy nhất bạn cần làm là chạy chương trình và cấp tiền cho chiến dịch đó.
Mặc dù cách này rất thuận tiện nhưng một chiến lược tiếp thị quy mô lớn chỉ dựa vào AI sẽ không mang lại kết quả tốt, bởi vì bạn cần tạo ra nội dung gốc mới lạ và độc đáo, phù hợp với thị trường mà bạn nhắm tới. Trong khi đó AI chỉ sàng lọc thông tin từ các nguồn có sẵn nên không thể hiểu rõ nhu cầu của khách hàng tiềm năng.
Việc bạn cần làm là trau dồi kỹ năng marketing. Bạn phải đăng hình ảnh của riêng mình, tạo ra quảng cáo độc lạ và áp dụng các chiến lược đã được chứng minh có hiệu quả để thu hút sự chú ý của khách hàng mục tiêu, nếu không thì thương hiệu của bạn chỉ xuất hiện dưới dạng spam và chung chung. Hãy nhớ rằng người tiêu dùng ngày nay nhận được rất nhiều quảng cáo trên các nền tảng khác nhau, vì vậy bạn phải làm cho mình trở nên nổi bật.
4. Xây dựng trang web
Các hệ thống AI hiện nay có thể tạo ra trang web nhanh chóng. Nếu sử dụng các hình ảnh có sẵn và do AI tạo ra, bạn có thể làm xong một trang web chỉ trong vài giờ, chỉ cần kéo và thả các thành phần nội dung vào công cụ tạo trang web, không cần lập trình hay viết code.
Không thể phủ nhận các nội dung do AI tạo ra giúp hỗ trợ việc xây dựng trang web, nhưng kết quả trông rất đơn điệu và chung chung. Hàng triệu trang web đều sử dụng những nội dung đó, và người dùng trên mạng nhiều khả năng sẽ không đánh giá cao những doanh nghiệp sở hữu trang web nhàm chán như vậy.
Đó là lý do các doanh nghiệp luôn phải tìm đến các nhà phát triển trang web. Hãy học cách lập trình các yếu tố nội dung của web, thử tạo ra các bố cục trang web độc đáo của riêng mình và hợp tác với những người khác làm công việc sáng tạo như copywriter và thiết kế đồ họa.
5. Phát triển blockchain
Với thuật toán thích hợp, AI có thể xử lý các hợp đồng thông minh chứa hàng ngàn dòng mã chỉ trong vòng vài phút. Trong khi đó các lập trình viên con người thường phải mất nhiều ngày để hoàn thành công việc tương tự.
Mặc dù tốc độ nhanh hơn gấp nhiều lần nhưng AI không thể thay thế hoàn toàn con người trong lĩnh vực blockchain. Các công ty công nghệ vẫn cần lập trình viên tạo ra các thuật toán tinh vi, phát hiện lỗi của hệ thống, thử nghiệm các phiên bản beta và sáng tạo ra những ý tưởng mới. Phụ thuộc vào AI để phát triển blockchain sẽ cản trở sự đổi mới.
Để giữ được chỗ đứng trong ngành công nghiệp blockchain, bạn hãy trau dồi các kỹ năng của bản thân và học các kỹ thuật mới. Tránh các công việc mà AI đã có thể thực hiện tự động, thay vào đó hãy thử dùng kỹ thuật đảo ngược được sử dụng rộng rãi trong blockchain và áp dụng kiến thức vào thực hành thông qua các hợp đồng thông minh tự thực hiện.
6. Bán hàng cao cấp
Các hệ thống AI mạnh hiện nay có thể tự động hóa việc kiểm kê hàng tiêu dùng di chuyển nhanh (FMCG), thống kê chi tiết về các sản phẩm bán chạy và tự động tải lên danh sách hàng hóa. Nhưng AI không biết bán hàng như con người vì bán hàng là hoạt động cần có sự giao tiếp giữa người với người. Sử dụng chatbot để tạo ra các đoạn hội thoại chung chung sẽ không thu hút được khách hàng tiềm năng và không thể thuyết phục mọi người mua hàng.
Để vượt qua AI, bạn hãy nâng cao khả năng bán hàng của mình. Hãy tìm hiểu những hạn chế của công nghệ AI và trau dồi các kỹ năng để bù đắp lại. Ngoài ra hãy tập trung vào một lĩnh vực nhất định. Thay vì nhảy việc liên tục, hãy nghiên cứu thị trường mục tiêu và xu hướng tiêu dùng của lĩnh vực mà bạn ưa thích.
7. Thiết kế đồ họa
Với những phần mềm AI thiết kế đồ họa, ngay cả những người không có kinh nghiệm về lĩnh vực này cũng có thể tạo ra những tác phẩm giống như chuyên nghiệp. Ví dụ như Dall-E 2 có thể tạo ra tác phẩm nghệ thuật theo yêu cầu dựa trên bất kỳ mô tả bằng văn bản hay hình ảnh nào mà bạn nhập vào. Bức ảnh dưới đây là kết quả được tạo ra từ dòng chữ “funny Shiba in Burger”.
Tuy nhiên AI không thể tạo ra hình ảnh mới của riêng mình mà chỉ sàng lọc các hình ảnh có sẵn phù hợp với mô tả đầu vào, mà hầu hết trong số chúng có thể đã được bảo vệ bản quyền. Nói cách khác, không thể sử dụng các sản phẩm của AI cho mục đích thương mại hay xuất bản mà có lẽ chỉ dùng để đăng lên mạng xã hội, nhưng khi đó bạn cũng không thể tuyên bố quyền sở hữu đối với chúng.
Tóm lại
Mặc dù AI có thể bắt chước bộ não con người ở mức độ nào đó, nhưng không có khả năng thực hiện các công việc phức tạp đòi hỏi sự sáng tạo. Ngay cả công nghệ AI mạnh nhất cũng cần sự can thiệp của con người. Thay vì lo lắng về việc sẽ bị AI thay thế, chúng ta nên cố gắng học hỏi và nâng cao kỹ năng của bản thân để tạo ra tri thức mới mà máy móc không thể sao chép được.
Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:
- Trí tuệ nhân tạo là gì và cách thức chúng vận hành ra sao?
- Trí tuệ nhân tạo đã thông minh hơn con người? Điểm lại những thành tựu đáng kinh ngạc của AI
Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!