Du lịch Đà Lạt là từ khóa quá quen thuộc nhưng luôn có lượt tìm kiếm cao bậc nhất bởi đáp ứng được nhiều tiêu chí: cảnh đẹp, khí hậu dễ chịu, mát mẻ. Nếu muốn khám phá nơi đây mà ngại kinh phí eo hẹp thì hãy cùng BlogAnChoi xem ngay kinh nghiệm du lịch Đà Lạt tự túc 3 ngày 2 đêm bằng xe máy sau đây nhé!
- Chuẩn bị cho chuyến du lịch Đà Lạt tự túc 3 ngày 2 đêm bằng xe máy
- Cách đi Đà Lạt bằng xe máy – di chuyển từ miền Tây
- Lịch trình du lịch Đà Lạt 3 ngày 2 đêm bằng xe máy tự túc
- Kinh nghiệm ăn uống khi du lịch Đà Lạt tự túc
- Ăn dọc đường
- Ăn gì ở Đà Lạt?
- Mẹo ăn uống khi phượt Đà Lạt
- Lưu ý khi ăn uống Đà Lạt
- Gợi ý lịch trình ăn uống no nê nhưng tiết kiệm khi phượt Đà Lạt 3 ngày 2 đêm chi tiết
- Kinh nghiệm khác
- Tổng kinh phí cho chuyến du lịch Đà Lạt tự túc 3 ngày 2 đêm dành cho 2 người
Bài viết dưới đây được viết bởi tác giả độc quyền của BlogAnChoi. Mọi kinh nghiệm và hình ảnh là sự trải nghiệm thực tế. Chúng tôi mong muốn sau khi xem qua bài viết này, các bạn sẽ có thêm kinh nghiệm du lịch Đà Lạt tự túc chi tiết hơn mà không hề tốn kém quá nhiều, nhất là cho những ai lần đầu bước chân đến Đà Lạt, phượt bằng xe máy. Bởi lịch trình của chúng tôi không ngắn nhưng mỗi người chỉ tốn dưới 2 triệu đồng cho chuyển phượt cực kỳ thú vị.
Chuẩn bị cho chuyến du lịch Đà Lạt tự túc 3 ngày 2 đêm bằng xe máy
Kinh nghiệm đặt phòng khách sạn, homestay tại Đà Lạt
Khi du lịch, phượt đến một địa điểm du lịch nổi tiếng, nhất là Đà Lạt thì dù vào thời gian thấp điểm hay mùa cao điểm thì việc book phòng trước vài tháng là không hề dư thừa. Hiện nay, có rất nhiều website book phòng online uy tín như booking.com, agoda.com,… Bạn đặt càng sớm thì càng dễ chọn phòng mà giá lại càng tốt.
Ở đây, một mẹo mới (tuy hơi có rủi ro) mà chúng tôi mách bạn là lần này, chúng tôi đặt phòng qua… Facebook. Cụ thể là bạn có thể vào bất kỳ một group phượt, du lịch Đà Lạt, đăng một status tìm phòng từ ngày nào, đi bao nhiêu người, yêu cầu view đẹp hay gần trung tâm,… thì sẽ có rất nhiều chủ homestay, khách sạn tìm đến bạn.
Để tránh trường hợp gặp chỗ lưu trú “đểu” (ví dụ như bạn đặt cọc mà đến ngày du lịch thì họ không giữ phòng cho bạn, hoặc tỉ thứ rủi ro khác), hãy nghiên cứu thật kỹ lưỡng nơi mà bạn “chọn mặt gửi vàng”.
Một vài yếu tố để biết chỗ nghỉ uy tín là căn cứ vào:
- Sự tư vấn nhiệt tình, trả lời tin nhắn nhanh nhẹn;
- Có nhiều người dùng đánh giá trên Google, Facebook. Trên Facebook, truy tìm các user “thật” từng đánh giá chỗ nghỉ này (bạn có thể inbox hỏi họ về nơi bạn sắp đặt dịch vụ, xem trang cá nhân của họ,… để tránh trường hợp đó là user ảo).
- Có Fanpage hẳn hoi, nếu có cả website càng tốt. Trên các phương tiện truyền thông này, hình ảnh về phòng nghỉ, view toàn phòng, khách check in,… được đăng tải đầy đủ.
Lưu ý khi book phòng online:
- Hỏi rõ về giờ check in, out, đặt cọc trước bao nhiêu, nếu không đi thì có hoàn cọc hay hoàn được bao nhiêu % hay mất hết cọc, nên hỏi rõ điều này.
- Khi đặt cọc qua chuyển khoản, nhớ in hóa đơn (chuyển bằng ATM) hoặc chụp màn hình (nếu chuyển bằng Internet Banking) để có cơ sở khi đến nhận phòng nhé. Việc này để phòng tránh trường hợp khách sạn/homestay không nhớ bạn đặt ngày nào, bạn có cọc hay không. Nếu nơi bạn chọn có sự phục vụ chu đáo thì đúng ngày đó, bạn đến họ sẽ nhớ và cho nhận phòng ngay.
Gợi ý vài homestay uy tín ở Đà Lạt
Thung Lũng Mây – Homestay & Cafe: phòng đẹp, view đẹp, giá rẻ nên hay cháy phòng, phải đặt cực kỳ sớm. Ngày thường và ngày lễ giá như nhau: khoảng 80.000VNĐ/người cho phòng dorm, khoảng 200.000 – 300.000VNĐ/đêm/phòng đôi; Địa chỉ: 181, Huyền Trân Công Chúa, phường 4, Đà Lạt.
White Home : home mới mở, tiện nghi, sạch sẽ, sát bên Thung Lũng Tình Yêu và KDL Đồi Mộng Mơ, chủ nhà trẻ tuổi, nhiệt tình, giá cả ngày lễ vẫn không tăng cao, nhớ rõ khách đặt cọc khi nào mà không cần giấy tờ! Ngày thường: khoảng 200.000-500.000VNĐ/đêm/tùy phòng, lễ, tết: khoảng 300.000-800.000VNĐ/đêm/tùy loại phòng. Địa chỉ: 59, Ngô Tất Tố, phường 8, Đà Lạt.
Khách Sạn Dâu Tây Đà Lạt – Strawberry Hotel DaLat: Phòng xinh xắn, đáng yêu, nhân viên thân thiện. Giá phòng khoảng 240.000 – 290.000VNĐ/phòng đôi/đêm, khoảng 340.000 – 750.000VNĐ/phòng tập thể 6 – 10 người/đêm. Địa chỉ: Hẻm 06, Mai Anh, phường 6, Đà Lạt.
Các bạn có thể xem thêm bài viết sau để cập nhật nhiều địa chỉ lưu trú uy tín tại Đà Lạt : Top khách sạn giá rẻ và gần trung tâm ở Đà Lạt
Chuẩn bị dụng cụ cá nhân, hành lý mang theo
Đây cũng là bước quan trọng, các bạn cần soạn hành lý kỹ để quên một món đồ nhỏ cũng khiến chuyến đi không trôi chảy.
Trang phục : Quần áo gọn nhẹ, mang theo áo ấm, khăn choàng vì đến đoạn đèo Bảo Lộc trở đi, nhiệt độ thấp hơn, không khí lạnh hơn dù là mùa hè. Bạn nào kỹ hơn, đi phượt bằng xe máy có thể mang đồ bảo hộ, áo dạ quang,…
Giày thì bạn mang một đôi sneaker – vừa chất lừ vừa sạch chân, mang kèm một đôi dép kẹp để thay đổi lúc đau chân hoặc khi trời mưa. Nếu muốn chụp ảnh đẹp thì bạn nữ có thể mang theo một đôi cao gót hay sandal đẹp nhưng mang ít thôi để hành lý đỡ cồng kềnh.
Dụng cụ cá nhân: Khăn tắm, khăn mặt, bàn chải đánh răng, xà phòng, mỹ phẩm bảo vệ da như kem chống nắng, kem dưỡng ẩm vì trời lạnh da dễ bị khô,…
Giấy tờ: Chứng minh thư, giấy đặt cọc các dịch vụ, giấy tờ xe đầy đủ.
Thuốc: Mang phòng hờ thuốc cảm, thuốc chống dị ứng vì có khi trời lạnh, da khô cũng khiến bạn bị ngứa, mẩn đỏ, thuốc trị đau bụng nếu không hợp với món ăn lạ, băng gạc cá nhân,…
Phượng tiện di chuyển, các dụng cụ công nghệ: Đi phượt xa, bạn nên cho xe “uống nhớt mới, xăng đầy bình”, kiểm tra máy, dên,… có vấn đề không. Điện thoại, máy ảnh cần sạc đầy, kiểm tra bộ nhớ còn dung lượng trống nhiều không. Muốn dùng Google Map thì smartphone có đăng ký 3G – 4G đầy đủ nhé các bạn.
Cách đi Đà Lạt bằng xe máy – di chuyển từ miền Tây
Đi từ miền Tây đến Đà Lạt
Trong thời đại công nghệ 4.0, việc tìm đường đi đến bất kỳ địa điểm nào nổi tiếng thì không hề khó. Hơn thế nữa, đoạn đường từ miền Tây đi Đà Lạt có nhiều biển chỉ dẫn rất thuận lợi, còn một cách khác là hỏi thêm người dân. Tóm lại đường đi rất dễ.
Chúng tôi đi từ Long An, di chuyển theo đường Nguyễn Hữu Trí – đi tiếp đến Xa lộ Đại Hàn (còn gọi là đường Trần Đại Nghĩa). Sở dĩ không chọn tuyến đường QL 1A – Võ Văn Kiệt vì đi sớm quá, hầm Thủ Thiêm chưa mở. Từ Xa lộ Đại Hàn, cứ đi thẳng qua ngã 4 An Sương, ngã 4 Bình Phước, đến Khu du lịch Suối Tiên, đi theo xa lộ Hà Nội – Quốc lộ 51 – đường Võ Nguyên Giáp – Ngã 3 Dầu Giây – Quốc lộ 20.
Khi nào bắt gặp bảng chỉ dẫn vào Quốc lộ 20 là bạn đã thành công! Chỉ cần chạy thẳng theo QL 20 là đến Đà Lạt.
Dọc đường đến Đà Lạt, bạn sẽ đi ngang tỉnh Đồng Nai, qua nhiều khu du lịch, địa điểm nổi tiếng như Đá Ba Chồng,Thác Đá Hàn, Đảo Ó – Đồng Trường, Thác Mai – Bàu Nước Sôi, Suối Mơ, Vườn Quốc gia Nam Cát Tiên rất thú vị. Nếu có thời gian, có thể kết hợp check in các điểm này luôn cũng hay.
Hơn thế nữa, đường băng đèo (khi vào đèo Chuối, đèo Bảo Lộc và gần đến Đà Lạt là đèo Prenn) rất đẹp và mát mẻ nhưng cũng nên cẩn trọng, giữ chắc tay lái, chạy chậm để tránh xe tải, xe khách lớn nhé các bạn.
Xem thêm đường đi Đà Lạt từ miền Tây theo Google Map tại đây. Nếu bạn tự search thì phần Tùy chọn, bạn chọn Tránh Đường cao tốc khi đi bằng xe máy nhé!
Di chuyển trong Đà Lạt
Từ Quốc lộ 20, các bạn chạy thẳng sẽ đi ngang nhiều Khu du lịch như Thác Prenn, nhà ma đèo Prenn, Thác Datanla, hồ Tuyền Lâm, Làng Đất Sét – hồ nước vô cực (điểm check in mới toanh), nếu muốn có thể ghé qua. Đi tiếp sẽ đến ngay trung tâm Đà Lạt: Hồ Xuân Hương – Quảng trường Lâm Viên (có biểu tượng búp hoa Atiso và hoa dã quỳ) – chợ đêm Đà Lạt.
Đến được trung tâm, chỉ cần đăng ký 3G – 4G cho smartphone, việc còn lại để Google Map lo, bạn chỉ cần chạy là có thể check in hết Đà Lạt rồi.
Xem thêm bài viết : Đường hầm đất sét Đà Lạt: Điểm chụp hình mới cực độc đang khiến giới trẻ điên đảo
Lịch trình du lịch Đà Lạt 3 ngày 2 đêm bằng xe máy tự túc
Ngày 1
Xuất phát từ Long An lúc 3h00 sáng. Sau đó, chúng tôi nghỉ chân, ăn sáng ở Đồng Nai, lúc khoảng 8h00. Sau đó, đi được khoảng 2h sau, đến huyện Di Linh, chúng tôi ghé quán Father’s House Coffee – một quán cafe nổi tiếng ở đây – để nghỉ ngơi khoảng 1h. Quán có không gian xanh mát giúp ai cũng cảm thấy khỏe khoắn hơn.
Định vị Quán Father’s House Coffee theo Google Map tại đây
Cuối cùng, chúng tôi chạy tiếp đến Đà Lạt, chạy chậm, 13h00 đến nơi.
13h00, check in phòng khách sạn, rửa mặt cho tỉnh, sắp xếp đồ đạc và nghỉ ngơi.
16h00, khi cơ thể và tinh thần đã khỏe hơn, chúng tôi bắt đầu dạo Đà Lạt, đi dọc bờ hồ Xuân Hương. Buổi chiều mùa này có chút mưa rơi lả tả, mặc thêm chút áo ấm, ăn ít đồ nướng quanh bờ hồ rất tuyệt vời! Nếu không mưa, các bạn có thể di chuyển vòng vòng trung tâm, kiếm chút gì ăn no vì lúc này trời sắp tối, đi xa nội thành cũng không hay.
Xem đường đi hồ Xuân Hương tại đây
17h00, chúng tôi chọn điểm đến tiếp theo trong nội thành là Nhà Ga Đà Lạt. Ngày thường, giá vé là 5.000VNĐ/người, ngày lễ là 10.000VNĐ/người. Vào đây, các bạn có thể chụp ảnh kỷ niệm, mua quà lưu niệm, trải nghiệm vẽ chân dung trên gỗ cũng rất hay.
Đường đi Ga Đà Lạt xem tại đây
18h30 – 21h00, dạo quanh thành phố để làm quen đường xá, sau đó quay về chỗ nghỉ. Do cả ngày chạy đường xa bằng xe máy nên chúng tôi trở về khách sạn nghỉ sớm để sáng mai dậy sớm đi săn mây, đón bình minh.
Ngày 2
4h00 sáng, như dự kiến, chúng tôi lên đường check in hồ Tuyền Lâm, ngắm bình minh, đón sương tan trên mặt hồ. Đi sớm như thế, vừa tránh chuyện đông người (vì Đà Lạt luôn hot dù ngày thường hay lễ tết), vừa tận hưởng cảm giác một mình bạn hòa với thiên nhiên, sảng khoái đến lạ.
5h00 sáng, tiếp tục check in lượn lờ ngắm cảnh đèo Prenn, sẵn tiện ghé nhà ma đèo Prenn khám phá. Vì còn sớm nên nhà ma hơi ma mị một chút. Tuy nhiên hiện nay, đã có người mang Phật Quan Âm lên nhà này để thờ, có người nhang khói nên không còn ảm đạm lắm, chỉ hơi lạnh người một xíu thôi. Nếu bạn đi lúc hơn 9h sáng, ngay dịp lễ, rất nhiều người check in ở đây, chẳng có gì là đáng sợ cả!
5h30, chúng tôi quay lại khu trung tâm để ăn sáng, từ hồ Tuyền Lâm cứ đi ngược lại theo QL 20 về lại lòng thành phố.
6h00 sáng, chúng tôi tìm đường đi săn hoa ở Trại Mát. Xem trên Google Map mà đi thôi, đến nơi có bảng hiệu chỉ đường vào. Xem đường đi Vườn hoa cẩm tú cầu ở Trại Mát tại đây
Vườn hoa này ngày thường 15.000VNĐ/người lớn, dịp lễ thì 20.000VNĐ/người lớn, ekip chụp ảnh thì 200.000VNĐ/ekip, trên 10 người thì giá khác. Nếu mua 1 bó hoa cẩm tú cầu thì 20.000VNĐ/bó, nếu bẻ một hoa sẽ bị phạt 200.000VNĐ/lần.
Ở đây cũng có bán cây giống của cẩm tú cầu, 50.000VNĐ/cây. Mùa này, tầm tháng 4, tháng 5, ngoài cẩm tú cầu còn có hoa cánh bướm và hoa cải vàng, khung cảnh đẹp như cổ tích, tưởng mình đang lạc ở Tây vậy.
9h00, sau khi check in cánh đồng hoa và dạo chơi chán chê, chúng tôi chọn Thác Datanla là điểm đến kế tiếp. Vì lúc sáng, khi còn ở tuyến QL 20, khu du lịch này chưa mở cửa nên lúc này chúng tôi mới quay lại. Xem đường đi Thác Datanla tại đây
Thác Datanla là khu du lịch không chỉ để bạn ngắm cảnh thác mà còn có nhiều thứ để trải nghiệm như đi cáp treo, chơi máng trượt, tham gia “hành trình trên không” như đu dây, vượt chướng ngại vật trên không. Giá vé vào tham quan là 30.000VNĐ/người lớn, còn các trò chơi khác, giá khoảng từ 60.000 – 350.000VNĐ/người tùy theo trò và tùy theo thời điểm.
Nếu thích khám phá, bạn nên chọn cách “trekking” xuống thung lũng để đến thác, cảm giác mệt lả người nhưng đón được dòng thác cực thích. Muốn khám phá hơn, bạn có thể đi theo đường mòn đến sâu bên trong, gặp các tiểu thác khác. Càng vào sâu bên trong, khách càng ít, cảnh càng đẹp, càng hoang sơ và mát mẻ.
Do ham mê đi sâu vào trong thác, bị cảnh rừng thiêng sông núi làm cho mê hoặc nên chúng tôi check in ở đây khá lâu. Tầm 11h00 chúng tôi mới lên đường quay về, dùng cơm ở thành phố và về khách sạn nghỉ ngơi.
14h00: Sau khi nghỉ ngơi, ăn uống, chúng tôi tiếp tục hành trình khám phá Đà Lạt. Không đi đâu xa, chúng tôi dạo quanh thành phố vì không khí quá mát mẻ, dễ chịu, khác hẳn với không khí nóng nực ở miền Tây. Cứ đi theo các con đường Trần Phú, 30/4 là bắt gặp nhiều vườn hoa đẹp, ngay trung tâm có cả vườn hoa thành phố nữa.
Nếu không thích, bạn có thể check in các địa điểm khác như Hồ Than Thở, Thác Cam Ly, Thung Lũng Tình Yêu, Khu du lịch Đồi Mộng Mơ, thăm các vườn dâu, vườn hoa… vì các địa điểm này không quá xa thành phố.
17h00, không khí lạnh hơn nhiều, chúng tôi tìm đến quán Bánh Căn trên đường Nhà Chung để thử món ngon Đà Lạt. Về giá cả, chúng tôi sẽ cập nhật ở phần bên dưới của bài viết nhé!
17h30, chúng tôi check in chợ đêm Đà Lạt. Buổi tối, khu chợ này rất đông, nếu vào dịp lễ thì kín người. Để tiện đi dạo, bạn nên giữ xe, 10.000VNĐ/chiếc. Chúng tôi dạo bộ vòng chợ, tìm mua đặc sản về làm quà cho người thân. Cứ đi dạo, hòa vào dòng người cho biết cảm giác check in chợ đêm Đà Lạt ra sao. Gần đó, thử thưởng thức 1 ly sữa đậu nành nóng, chỉ 10.000VNĐ/ly, trời lành lạnh với hơi sữa nóng, thật là hài lòng.
22h00: Dạo chợ đến mê mệt, đi bộ quanh qua bờ hồ, đến lúc này chúng tôi mới quay về khách sạn.
Ngày 3
5h00 sáng, chúng tôi thức dậy, đi săn mây, đón bình minh ở Đồi Cỏ Hồng – Thung Lũng Vàng. Đường đi đến đây rất đẹp, đường đèo uốn lượn. Đồi cỏ ở đây trong một sáng mù sương thật thi vị chỉ khiến mình như đang lạc vào cõi bồng lai.
Nhiều phượt thủ chọn đây làm địa điểm để cắm trại, ngủ qua đêm, chụp ảnh check in, cùng bè bạn hàn huyên trò chuyện.
Nơi đây có rất nhiều background chụp ảnh đẹp nữa đấy!
Nếu đến đây vào mùa đông, tháng 11 – 12, các bạn còn check in được cả cánh đồng cỏ hồng tím rất đẹp. Đọc thêm bài viết sau để biết thêm: Mùa cỏ phủ – giấc mơ có thật ở Đà Lạt, săn ngay kẻo hối tiếc!
Do không khí và cảnh nơi đây tuyệt đẹp, nên chúng tôi ở đây khá lâu, khoảng 9h00 mới rời khỏi.
Nếu không thích, các bạn có thể đi tiếp đến các địa điểm khác gần đó như vào Làng Cù Lần, Đồi Thiên Phúc Đức,…
9h30, chúng tôi ăn sáng ở Merci Cafe, view đẹp ngang ngửa với quán Mê Linh Coffee nổi tiếng ở Tà Nung.
10h00, check in thác Ankroet – đập thủy điện Ankroet. Nơi đây được biết đến là thác nước đẹp hùng vĩ, cảnh rừng và thác lồng vào nhau đẹp quên lối về. Chưa nói đến đường đi đến thác với đèo quanh co, rừng thông dọc đường khiến du khách chết mê chết mệt. Thác này nằm hơi xa thành phố nên ít người biết đến, do đó vào đây để dã ngoại, tổ chức tiệc nướng, chụp ảnh pre-wedding, chụp ngoại cảnh thì tuyệt hơn bao giờ hết.
13h00: Chúng tôi quay về khách sạn, dọn dẹp đồ đạc và lên đường quay về nhà, cứ Quốc lộ 20 ngược đường trở về thôi. Về đến Long An, do trải qua cơn mưa và kẹt xe ở đoạn qua Bảo Lộc, qua ngã 3 Dầu Giây nên về nhà hơi trễ, khoảng 22h00. Nếu các bạn không gặp các sự cố này thì sẽ về nhanh hơn.
Kinh nghiệm ăn uống khi du lịch Đà Lạt tự túc
Ăn dọc đường
Nếu bạn không quan tâm về chi phí thì thấy quán nào có món mình ưa thích, dọc tuyến đường từ Đồng Nai ra Đà Lạt (trừ đường đèo) đều có quán, muốn thì ghé vào.
Còn nếu muốn ăn uống tiết kiệm thì chọn quán hơi đông khách, vì đông khách chứng tỏ quán ngon và giá cả ổn và tìm quán trong các chợ dọc đường đi như chợ ở Gia Tân, Định Quán (Đồng Nai), Di Linh, Fi Nôm (Lâm Đồng),… Cẩn thận hơn thì hỏi giá trước khi ăn, thực hiện điều này này nên chúng tôi dùng cơm sáng ở quán Trang (Đồng Nai), giá chỉ 20.000VNĐ/phần, đủ combo cơm sườn – trứng – chén canh rau, bao no nê.
Ăn gì ở Đà Lạt?
Ở Đà Lạt, có rất nhiều món đặc sản bạn nên thử qua như: bánh căn, bánh mì xíu mại, nem nướng, bánh tráng nướng, sữa đậu nành nóng, dâu lắc, lẩu bò, đồ nướng,… Giá cả không quá đắt, ngay cả dịp lễ, nếu ăn bữa chính như hủ tiếu, phở, bún bò,… giá tầm 30.000 – 35.000VNĐ/tô, lẩu thì 150.000 – 400.000VNĐ/phần tùy theo số người ăn, các món đặc sản thì giá từ 10.000 – 70.000VNĐ/phần.
Các bạn đọc thêm bài viết sau để khám phá ẩm thực Đà Lạt nhé: Món ngon và địa chỉ quán ngon bậc nhất Đà Lạt
Mẹo ăn uống khi phượt Đà Lạt
Đồ ăn
Một mẹo cho các bạn là đồ ăn ở chợ đêm khá đắt, có khi bánh tráng nướng 25.000VNĐ/phần, sữa đậu nành đúng giá thì 10.000VNĐ/ly, vì có chỗ bán 15.000VNĐ/ly mà chất lượng không chênh nhau quá. Bánh tráng nướng muốn ăn có thể đi vào đường Nhà Chung. Món ăn chính cho 3 bữa, nên ăn ở đường Trần Phú, Nhà Chung, 30/4, giá ổn, khoảng 30.000 – 40.000VNĐ/tô.
Một “định lý” khác nữa là, quán ăn càng xa trung tâm càng rẻ. Buổi trưa ngày 2, chúng tôi có thử ghé quán cơm trên đường Nguyên Tử Lực (đường này từ trung tâm đi ra Thung Lũng Tình Yêu và Đồi Mộng Mơ), chỉ 25.000VNĐ/phần, cơm trắng đầy hộp, ức gà chiên một miếng to, có kèm một phần món xào thêm, cộng thêm chén canh nữa, ăn no tới chiều muộn.
Thức uống
Đồ uống dọc đường, tại khách sạn thì giá tầm 10.000 – 40.000VNĐ/phần tùy là nước suối hay cafe. Nhưng bạn nào muốn uống thức uống rẻ thì vào siêu thị Big C ở ngay quảng trường Đà Lạt, nước suối chỉ khoảng 3.500 – 5.000VNĐ/chai, nước ngọt như Sting dâu, cam ép,… dưới 10.000VNĐ/chai.
Lưu ý khi ăn uống Đà Lạt
Ở Đà Lạt, món bò nhiều hơn thịt heo, cách nêm nếm nước dùng các món phở, hủ tiếu,… cũng hơi nhạt hơn Sài Gòn hay miền Tây, bạn nào ăn không quen sẽ thấy không ngon.
Bù lại, ở bất kỳ quán ăn nào tại đây, rau rất tươi tốt, lại thêm tách trà Atiso ấm nóng, ngòn ngọt giữa tiết trời se lạnh khiến bữa ăn sảng khoái hơn bao giờ hết.
Gợi ý lịch trình ăn uống no nê nhưng tiết kiệm khi phượt Đà Lạt 3 ngày 2 đêm chi tiết
Ngày 1: Ăn sáng ở Đồng Nai: 40.000VNĐ/2 phần (cơm tấm như trên đã nói), ăn trưa 60.000VNĐ/2 phần (bún bò), ăn tối: 70.000VNĐ/2 phần (bánh căn Nhà Chung), ăn đồ nướng quanh bờ hồ: khoảng 100.000VNĐ (ăn khoai lang, bắp, khô mực nướng).
Ngày 2: Ăn sáng: 70.000VNĐ/2 phần (bún bò Huế, phở), ăn trưa: 50.000VNĐ/ 2 phần (cơm gà có nói bên trên), ăn tối: 60.000VNĐ/2 phần, ăn vặt ở chợ đêm Đà Lạt: 20.000VNĐ/2 ly sữa đậu nành, 14.000VNĐ/2 phần bánh ống lá dứa, 20.000VNĐ/phần dâu tây lắc cho 2 người ăn, 12.000VNĐ/phần mứt khoai lang dẻo ăn nhâm nhi ngắm cảnh hồ Xuân Hương.
Ngày 3: Ăn sáng: 70.000VNĐ/2 phần (bún bò Huế, hủ tiếu bò kho đồng giá tại Merci Cafe), ăn trưa: 50.000VNĐ/2 phần (cơm cá chiên, thịt kho), ăn chiều: 70.000VNĐ/2 phần (cơm gà dọc đường đi về ngang qua Đồng Nai).
Kinh nghiệm khác
Mua đặc sản về làm quà
Nếu bạn muốn tham quan vườn dâu, mua dâu về làm quà thì đừng nghe lời chèo kéo của các thanh niên chạy xe đuổi theo bạn, và càng không nên tin “tham quan miễn phí không mua cũng được”. Vào không mua phải có phí, còn không thì phải mua mà giá hơi cao.
Mua các đặc sản khô như trái cây sấy, trà Atiso, mứt trái cây, rượu, hoa bất tử,… thì nên đến các địa chỉ uy tín, nếu tiện đường mua ở chợ đêm Đà Lạt thì nên trả giá, nên tham khảo giá ở nhiều quầy hàng, nếu không sẽ dễ mua lầm. Nên tránh vào nhà lồng chợ nhé các bạn, khu vực này bán giá cao, trả giá thì họ có thái độ không vui cho lắm, không đúng như câu nói “vui lòng khách đến vừa lòng khách đi”.
Có nên đi phượt bằng xe máy?
Câu trả lời còn tùy vào sức khỏe của bạn và xe của bạn. Nếu không có tay lái cứng, xe bạn không đủ sức bền để chạy đường xa thì khuyến cáo không nên đi, quảng đường rất dài, hơn 300km nếu đi từ miền Tây hay Sài Gòn, đi mất 6 tiếng – 8 tiếng, nếu đi xe khách, khoảng thời gian đó bạn được ngủ, nghỉ ngơi, khỏe hơn nhiều.
Vậy tại sao nhiều người chọn phượt bằng xe máy? Ngược với ý trên, nếu có sức khỏe tốt, tay lái cứng, xe “ngon” thì cực kỳ nên đi bằng xe máy. Vì khi đó, bạn dễ dàng ngắm cảnh, cảm nhận ngay sự thay đổi của không khí từ nóng chuyển sang mát mẻ, và dần dần là lạnh từ Đồng Nai ra Đà Lạt, cảm giác tuyệt hơn bao giờ hết!
Chưa kể đến, dọc đường bạn muốn ghé vào đâu cũng tiện, nghỉ chân bất cứ lúc nào bạn muốn, chụp ảnh ở bất kỳ đoạn đường nào bạn thấy say mê với khung cảnh ở đó.
Cuối cùng là, khi dạo quanh Đà Lạt, check in mọi địa điểm ở thành phố sương mù, bạn hoàn toàn “làm chủ cuộc chơi”, xe của mình, mình muốn đi đâu, đi lúc nào cũng tùy ý, không phải chịu cảnh gò bó về thời gian, lo lắng liệu xe có hết nhớt, hư dên hay không,… khi thuê xe máy của các homestay, khách sạn.
Tổng kinh phí cho chuyến du lịch Đà Lạt tự túc 3 ngày 2 đêm dành cho 2 người
- Tiền xăng (chúng tôi di chuyển bằng xe Winner) khoảng 400.000 VNĐ cả đi lẫn về : 300.000VNĐ/khứ hồi Long An – Đà Lạt, nội thành Đà Lạt, di chuyển trong Đà Lạt: 100.000VNĐ;
- Tiền phòng khách sạn: 600.000VNĐ/2 người/2 đêm.
- Tiền ăn: khoảng 700.000VNĐ/2 người: 3 bữa sáng, 3 bữa trưa, 3 bữa tối và gồm tiền ăn vặt.
- Tiền vé vào các khu du lịch: 100.000VNĐ/2 người cho Vườn hoa cẩm tú cầu và Thác Datanla.
- Tiền nước uống để nghỉ ngơi dọc đường: 100.000VNĐ/2 người.
- Tiền mua quà về cho người thân: 300.000VNĐ, mua được 2 gói trà Atiso, trái cây sấy, kẹo dẻo trái cây tươi, mứt me cay, mứt dâu tây, mứt dâu tằm, vỏ chanh cam thảo, khoai lang dẻo mỗi thứ 1 hộp nhỏ.
Tổng chi phí cả chuyển đi cho 2 người: 400.000 (xăng) + 600.000 (phòng) + 700.000 (ăn) + 100.000 (nước) + 100.000 (vé vui chơi) + 300.000 (quà) = 2.200.000VNĐ/2 người, nếu share ra thì chỉ có 1.100.000VNĐ/người.
Do lịch trình này chúng tôi không ăn vặt nhiều và check in địa điểm free nhiều hơn nên chi phí cực kỳ tiết kiệm. Nhưng nếu các bạn ăn uống thả ga, ăn lẩu, ăn đồ nướng, thêm mỗi người tầm 500.000VNĐ, thì vẫn có thể vui chơi thoải mái mà mỗi người chỉ tốn 1.600.000VNĐ thôi, vẫn rất rẻ đúng không nào?
Du lịch Đà Lạt với nhiều điểm đến thú vị, nhiều món ăn ngon nên sẽ có nhiều lịch trình khác hấp dẫn hơn. Tùy theo nhu cầu các bạn đến với Đà Lạt là ngăm cảnh hay trốn nóng hay nghỉ dưỡng mà thay đổi lịch trình phù hợp hơn.
Các bạn hãy xem thêm bài viết sau để có thêm kinh nghiệm du lịch Đà Lạt tự túc: Kinh nghiệm du lịch Đà Lạt chi tiết từ A đến Z hữu ích
Dù thế nào thì với sự trải nghiệm thực tế trên đây, chúng tôi hy vọng đã mang đến cho bạn nhiều kinh nghiệm hữu ích. Tuổi trẻ cứ hãy mạnh mẽ, hãy cứ thu xếp hành lý mà đi, vì đây cũng là lần đầu chúng tôi đến Đà Lạt bằng xe máy nhưng chuyến đi tuyệt vời vô cùng. Đừng để những tháng năm thanh xuân trôi qua êm đềm để sau này phải hổi tiếc!
Chúc các bạn có nhiều trải nghiệm thú vị hơn cho tuổi trẻ và có được kỳ nghỉ thú vị sau khi đoc những chia sẻ này của BlogAnChoi nhé! Share nếu thấy bổ ích nha.
nhớ Đà Lạt quá đi thôi