Theo Reuters, khoản phạt 5 tỷ USD của Facebook sẽ được Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ công bố chính thức ngay trong tuần này.
Khoản phạt kỷ lục nhưng được xem như một “trò đùa”
Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) dự kiến sẽ công bố khoản phạt trị giá khoảng 5 tỷ USD với Facebook vào đầu tuần này trong cuộc điều tra về việc mạng xã hội lớn nhất thế giới xử lý dữ liệu người dùng.
FTC, Bộ Tư pháp và Facebook hiện đã từ chối bình luận. FTC đã điều tra các cáo buộc Facebook chia sẻ thông tin không phù hợp thuộc về 87 triệu người dùng với công ty tư vấn chính trị Anh hiện đã đóng cửa, Cambridge Analytica. Reuters và các cơ quan khác đã báo cáo vào ngày 12/7 rằng FTC đã bỏ phiếu để phê duyệt thỏa thuận giải quyết nhưng đang phải chờ sự đồng tình chính thức của Bộ Tư pháp.
Thỏa thuận giải quyết dự kiến sẽ bao gồm các hạn chế của chính phủ và giám sát về cách Facebook xử lý đối với quyền riêng tư của người dùng. Nó sẽ đánh dấu hình phạt dân sự lớn nhất mà FTC từng đưa ra.
Một số người trong Quốc hội đã chỉ trích mức phạt 5 tỷ đô la. Cần lưu ý rằng, Facebook năm 2018 có doanh thu 55,8 tỷ USD và thu nhập ròng lên đển 22,1 tỷ USD. Thượng nghị sĩ Marsha Blackburn cho biết vào tuần trước mức phạt hợp lý sẽ là 50 tỷ USD.
Trong khi thỏa thuận giải quyết vấn đề đau đầu về quy định đối với Facebook, công ty có trụ sở ở Thung lũng Silicon này vẫn phải đối mặt với các thăm dò chống độc quyền tiềm năng hơn nữa khi FTC và Bộ Tư pháp tiến hành đánh giá rộng rãi về cạnh tranh giữa các công ty công nghệ lớn nhất của Mỹ.
Ngoài ra, Facebook cũng đang đối mặt với sự chỉ trích công khai từ Tổng thống Donald Trump và những người nổi tiếng khác về kế hoạch triển khai tiền điện tử Libra sẽ tạo ra lo ngại về quyền riêng tư và bị lạm dụng để rửa tiền.
Sai lầm từ vụ bê bối Cambridge Analytica đã tạo nên các cuộc kêu gọi từ những người nổi tiếng như ứng cử viên cho chiếc ghế tổng thống Mỹ Elizabeth Warren cho đến một người đồng sáng lập Facebook và là bạn thân của Mark Zuckerberg, Chris Hughes.
Cụ thể, hồi tháng 3, thượng nghị sĩ Warren cho hay bà sẽ kêu gọi chống độc quyền kinh doanh đối với 4 “ông lớn” bao gồm Facebook, Google, Apple và Amazon. Trong đó, bà muốn buộc Facebook phải bán Instagram, được mua vào năm 2012 và WhatsApp, đã mua vào năm 2014.
“Vết nhơ” không thể gột rửa mang tên Cambridge Analytica
Vụ bê bối dữ liệu Facebook của Cambridge Analytica là một vụ bê bối chính trị lớn vào đầu năm 2018. Theo cáo buộc, Cambridge Analytica đã thu thập dữ liệu cá nhân của hàng triệu người trên Facebook mà không có sự đồng ý của họ và sử dụng nó như một công cụ thao túng chính trị.
Cambridge Analytica được mô tả như một bước ngoặt trong sự hiểu biết của công chúng về dữ liệu cá nhân và khiến Facebook rơi vào khủng hoảng nặng nề. Sau vụ Scandal này, đã có hàng loạt những lời kêu gọi điều chỉnh chặt chẽ hơn việc sử dụng dữ liệu của các công ty công nghệ.
Việc thu thập dữ liệu cá nhân bất hợp pháp của Cambridge Analytica đã được báo cáo lần đầu tiên vào tháng 12/2015 bởi Harry Davies, một nhà báo của The Guardian. Theo báo cáo của ông, Cambridge Analytica đã làm việc cho Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Ted Cruz bằng cách sử dụng dữ liệu được thu thập từ hàng triệu tài khoản Facebook của mọi người mà không có sự đồng ý của họ.
Aleksandr Kogan, một nhà khoa học dữ liệu tại Đại học Cambridge, là người đóng vai trò chủ yếu trong vụ scandal này khi đã phát triển một ứng dụng có tên “This Is Your Digital Life”. Hàng loạt người dùng đã không mảy may nghi ngờ và tham gia khảo sát với ứng dụng này. Say đó, nhà sáng lập này đã cung cấp dữ liệu thu được từ ứng dụng này cho phía Cambridge Analytica.
Cambridge Analytica sau đó đã sắp xếp một quy trình nghiên cứu mặc dù hàng trăm ngàn người dùng Facebook trước đó đã thực hiện cuộc khảo sát chỉ để sử dụng trong học tập.
Tuy nhiên, thiết kế của Facebook cho phép ứng dụng này không chỉ thu thập thông tin cá nhân của những người đồng ý tham gia khảo sát mà còn của tất cả danh sách bạn bè của người dùng đó. Bằng cách này, Cambridge Analytica đã thu thập dữ liệu từ hàng triệu người dùng Facebook để tạo nên một công cụ chính trị mạnh mẽ.