Ngay từ xa xưa, chợ đã gắn bó với lối sống và là nơi thể hiện văn hóa, sinh hoạt của người dân. Thế nhưng do đặc thù khác biệt của từng vùng, những phiên chợ độc đáo mang những nét riêng biệt của từng vùng miền cũng ra đời từ đây.
1. Chợ “lá” Tây Ninh
- Địa chỉ: chợ lá Tây Ninh được diễn ra không cố định, thay đổi vị trí theo từng năm, thường là ở trong khu dân cư, gần đền chùa và các khu chợ truyền thống.
- Thời gian: Phiên chợ được tổ chức vào dịp Nguyên tiêu 14, 15 tháng Giêng âm lịch hàng năm, chỉ diễn ra khoảng 1 giờ.
Tại đây, các quầy hàng được xếp san sát nhau, bày bán các món đặc sản ở Tây Ninh dân dã như xôi, sữa đậu nành, chè, kem, khoai luộc, bắp, bánh ít… Các mặt hàng tại chợ không được định giá, khi đến đây chỉ cần đưa lá cho người bán là sẽ đổi được đồ. Kèm theo đó là những lời cảm ơn, những nụ cười chào hỏi, những lời chúc tốt lành gửi đến nhau vào dịp đầu năm mới.
Đặc biệt là mỗi người chỉ được mua mỗi món một ít, để dành cho người đến sau. Ở đây, cả người bán và người mua đều rất thoải mái, cái họ có được không phải tiền bạc mà là niềm vui.
Phiên chợ lá Tây Ninh có ý nghĩa muốn gửi gắm đến tất cả mọi người rằng tiền chỉ là phương tiện phục vụ cho cuộc sống mưu sinh, cũng chỉ là vật chất phù du như chiếc lá. Điều quan trọng là chúng ta phải sống với đức thiện lương của mình chứ không phải vì tiền mà đánh mất lương tâm.
2. Chợ Âm Dương Bắc Ninh
- Địa chỉ: làng Ó, nay là khu Xuân Ổ, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh.
- Thời gian: chỉ họp phiên duy nhất vào đêm mùng 4 Tết và kết thúc vào sáng mùng 5 Tết.
Đi chợ Âm Dương cũng là một hình thức để an ủi, động viên nhau xua tan đi nỗi buồn, thương nhớ người thân đã khuất. Chợ không sử dụng đèn sáng mà chỉ có một số ngọn nến nhỏ bé soi hàng. Những người đi chợ không nói cười ồn ào vì sợ những linh hồn hoảng sợ, làm mất đi sự tôn nghiêm của không gian trong chợ.
Ở đầu chợ, người ta đặt một chậu nước để thử tiền âm hay tiền dương. Nếu đồng tiền đó nổi lên thì là tiền người âm còn chìm xuống là tiền của người dương. Sáng hôm sau, có người xem trong túi đựng tiền của mình chỉ toàn là vỏ hến, lá dong… thậm chí có cả mẩu yếm sồi.
Người đi chợ chỉ để cầu may, trút bỏ muộn phiền, không quá quan tâm đến việc trao đổi mua bán. Trong chợ người mua không mặc cả, người bán không ra giá. Những ai đi chợ đều vui vẻ, thoải mái, họ quan niệm rằng đó là dịp làm phúc, làm điều thiện với người đã chết. Cuộc sống tâm linh của họ sẽ thanh thản hơn.
3. Chợ nổi Cái Răng Cần Thơ
- Địa chỉ: nằm trên sông Cần Thơ, số 46 đường Hai Bà Trưng, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ.
- Thời gian: chợ nổi Cái Răng Cần Thơ hoạt động cả ngày lẫn đêm. Lý tưởng nhất là 5 giờ đến 8 giờ sáng, đây là lúc chợ tấp nập nhất.
Chợ nổi Cái Răng là loại hình chợ độc đáo và đặc trưng của vùng đồng bằng sông Cửu Long mà không nơi nào trên đất nước Việt Nam có được. Và đây cũng là khu chợ tiêu biểu, sầm uất, nổi tiếng nhất cho nét văn hóa sông nước miền Tây.
Hình thức chào hàng của những chợ nổi ở miền Tây là sử dụng cây bẹo. Ghe bán gì thì treo thứ đó lên cây sào cao từ 3–5 m để người mua có thể nhận biết từ xa.
Người dân buôn bán với nhau từ ghe này qua ghe khác bằng cách tung hứng hoặc chuyền tay các món đồ. Ở đây bán đa dạng các mặt hàng từ trái cây, thủy hải sản, gia cầm, vải vóc, cà phê… Với những nét độc đáo đó, tạp chí du lịch Rough Guide của Anh bình chọn đây là một trong 10 khu chợ ấn tượng nhất thế giới. Trang web du lịch nổi tiếng Youramazingplaces cũng bình chọn đây là 1 trong 5 chợ nổi đẹp, thú vị nhất khu vực châu Á.
Đối với những người mua bán lênh đênh trên sông nước thì chợ nổi không chỉ đơn giản là chợ mà còn là nhà. Với họ việc mua bán không chỉ là văn hóa chợ mà còn là nét sinh hoạt quen thuộc của bà con miệt sông nước miền Tây.
4. Chợ Hàng Hải Phòng
- Địa chỉ: phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân, Hải Phòng
- Thời gian: chợ họp từ sáng sớm tới giữa trưa vào ngày Chủ nhật hàng tuần. Những ngày thường trong tuần chợ không mở cửa.
Chợ Hàng là chợ phiên hiếm hoi hiện nay còn duy trì tại Hải Phòng và vẫn mang dáng dấp một phiên chợ quê dù ở ngay trong lòng thành phố nhộn nhịp. Phiên chợ Hàng như một nét nhạc đồng quê giữa bản nhạc xô bồ của phố thị.
Việc mua bán các hàng hóa truyền thống tại chợ như cây giống, cây cảnh, cá cảnh, thú nuôi và những chiếc bu gà, rổ rá, nong, giần, sàng… làm bằng tre, giá cao nhất cũng chỉ vài chục nghìn đồng, với khung cảnh, đồ vật và cách thức giao lưu tương tác xưa cũ, cho người đi chợ những trải nghiệm độc đáo và cảm giác được gần gũi hơn, có được những phút giây chậm hơn trong nhịp sống vốn dĩ ngày càng trở nên nhộn nhịp, xô bồ nơi thành thị.
Mấy năm gần đây, chợ Hàng còn trở thành nơi mua bán đồ cũ. Đủ loại đồ điện tử như điện thoại, nồi cơm điện, loa đài, đồng hồ, máy ảnh… đến máy khoan, tuốc-nơ-vít, các loại ốc, điều khiển ti vi, bấm móng tay, yên xe đạp… Hàng hóa cũ nhưng chất lượng tốt, vẫn có thể tiếp tục sử dụng với giá cực rẻ. Nhiều món đồ cũ khơi gợi về kí ức ngày xưa và hầu như một số món đồ cũ đều không tìm được ở nơi đâu bán cái thứ hai.
Ở chợ Hàng không chỉ mua bán trao đổi mà còn là sợi dây liên kết giữa hiện tại và quá khứ. Có lẽ bởi vậy, chợ Hàng ngày càng có nhiều người tìm đến như tìm đến một địa điểm văn hóa cộng đồng giữa cuộc sống hiện đại ngày nay.
Các bạn có thể đón đọc những tin có liên quan tại đây:
- Hai khu chợ nổi tiếng nhất định phải ghé thăm tại Marrakech
- 10 chợ Giáng Sinh ở châu Âu là điểm đến tuyệt vời để tận hưởng không khí Noel 2021
Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!