Hai màu đỏ và xanh lá cây luôn tràn ngập mọi nơi mỗi khi mùa Giáng Sinh tới, nhưng tại sao hai màu sắc này lại khiến mọi người liên tưởng tới ngày lễ này nhiều đến vậy? Cùng BlogAnChoi tìm hiểu nhé.
1. Cây thiên đường
Vào đêm Giáng sinh trong quá khứ, những vở kịch truyền thống về việc Adam và Eva bị trục xuất khỏi Vườn Địa Đàng sẽ được trình diễn. Trong một vài ghi chép còn sót lại từ một vở kịch có tuổi đời từ thế kỷ 12 nói rằng phần bối cảnh của vở kịch có rất nhiều cây – và vì đang là mùa đông nên bất kỳ cái cây nào trông đẹp mắt cũng là cây thường xanh – và trái cây để treo lên cây, điển hình là táo đỏ hoặc lựu. Có quan điểm cho rằng màu đỏ của trái cây và màu xanh của cây xuất hiện phổ biến lúc đó đã được liên kết với mùa Giáng Sinh.
Những vở kịch này không phải là những vở kịch duy nhất được trình diễn trong thời trung cổ. Một trong những vở kịch nổi tiếng nhất là vở kịch Người chăn cừu thứ hai – có nội dung kết hợp một cách hài hước vụ trộm cừu với câu chuyện Chúa giáng sinh. Một trong những món quà được tặng cho Chúa Kitô sơ sinh trong câu chuyện là một quả anh đào. Một số nhà sử học cho rằng điều này cho thấy mối liên hệ giữa màu đỏ, màu xanh lá cây và lễ Giáng Sinh đã có từ nhiều thế kỷ trước.
2. Cây nhựa ruồi
Đây là một giả thuyết phổ biến khác giải thích tại sao màu xanh lá cây và màu đỏ lại tượng trưng cho lễ Giáng Sinh.
Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng người châu Âu thời trung cổ sẽ tiệc tùng trong mùa đông ảm đạm. Bữa tiệc đó sẽ có những cây thường xanh, như dấu hiệu của sự sống khi mọi thứ khác dường như đã chết, cùng với những loại cây khác không chỉ xanh tươi mà thậm chí còn kết trái vào giữa mùa đông, như nhựa ruồi hoặc cây tầm gửi – mặc dù quả tầm gửi thực ra có màu trắng.
Những màu đỏ tươi và xanh lục này vào giữa mùa đông đã khiến chúng trở thành ứng cử viên tự nhiên (hoặc hiển nhiên) cho màu sắc của Giáng Sinh.
3. Các tấm bình phong
Những tấm bình phong là một phần không thể thiếu trong các nhà thờ phương tây từ thời trung cổ. Tác dụng của chúng là để tách gian giữa (nơi hội thánh ngồi) khỏi thánh đường (xung quanh bàn thờ, nơi sẽ có các giáo sĩ). Các tấm bình phong này được chạm khắc tinh xảo hình các vị thánh, người tài trợ kinh phí cho nhà thờ hoặc các nhân vật khác.
Sự kết hợp màu sắc phổ biến trên các tấm bình phong lúc đó là đỏ/xanh lá cây và xanh lam/vàng. Những màu sắc này là một phần của rào cản đại diện – ngăn cách những giáo dân trần tục hơn khỏi bàn thờ và cung thánh mang tính tâm linh hơn.
Đến thời kỳ Cải cách ở Anh, các tấm bình phong đã không còn được sử dụng nữa, mãi đến thời Victoria thì chúng mới bắt đầu được khôi phục lại. Sự kết hợp màu sắc phổ biến lúc này là đỏ/xanh lục và mang ý nghĩa một năm kết thúc và năm tiếp theo bắt đầu.
Mặc dù không có lời giải thích chắc chắn về màu đỏ và xanh lá cây trong dịp Giáng Sinh, nhưng chắc chắn là sự kết hợp này đã có tuổi đời rất lâu. Đúng hơn, như các nhà sử học giải thích thì mối liên hệ giữa ngày lễ và những màu sắc lễ hội này có thể đang che đậy một “lịch sử sâu sắc và đã bị lãng quên từ lâu”.
Bạn có thể đọc thêm:
Mình rất mong muốn được nghe suy nghĩ của các bạn về chủ đề này, hãy để lại comment nhé.