Chiếc điện thoại Surface Duo 2 mới được Microsoft ra mắt với vẻ ngoài lộng lẫy có giá tới 1500 USD – đắt hơn cả iPhone 13 Pro Max (1099 USD). Điện thoại này có điểm gì hot mà đắt giá tới vậy? Hãy cùng BlogAnChoi tìm hiểu nhé!

Surface Duo 2 đã được Microsoft công bố hôm 22/9 vừa qua tại sự kiện trực tuyến, và có vẻ như nó đã giải quyết được rất nhiều khuyết điểm của phiên bản Duo trước đó như đôi khi hiệu suất chậm, chỉ có 1 camera và không hỗ trợ 5G.

Surface Duo 2 có bộ xử lý mới, thêm camera sau và hỗ trợ 5G, sẽ ra mắt vào ngày 05/10 tới (Ảnh: Internet).
Surface Duo 2 có bộ xử lý mới, thêm camera sau và hỗ trợ 5G, sẽ ra mắt vào ngày 05/10 tới (Ảnh: Internet).

Dường như để cạnh tranh với Samsung Galaxy Fold 3, hãng Microsoft đã hỗ trợ thêm 5G cho chiếc điện thoại Android này, trang bị thêm camera, bộ xử lý nhanh hơn và thậm chí có cả một màn hình hiển thị bên cạnh. Surface Duo 2 có giá từ 1499 USD và người dùng có thể đặt hàng trước ngay lúc này, còn ngày phát hành chính thức là 05/10 tới đây.

Thiết kế của Surface Duo 2: Thanh Glance Bar mới trên bản lề

Thoạt nhìn thì Duo 2 trông không khác gì Duo trước đó: giống như một cuốn sách có thể gấp lại hoàn toàn, với 2 màn hình riêng biệt được nối với nhau bằng bản lề, khác với một màn hình liên tục có thể uốn cong như Galaxy Z Fold 3 và Z Flip 3.

Dòng Surface Duo của Microsoft là điện thoại 2 màn hình chứ không phải màn hình gập (Ảnh: Internet).
Dòng Surface Duo của Microsoft là điện thoại 2 màn hình chứ không phải màn hình gập (Ảnh: Internet).

Người dùng có thể gập lại giống như chiếc lều, có thể mở ra để xem cả hai màn hình cùng lúc, hoặc lật ngược để sử dụng chỉ một trong hai màn hình. Surface Duo 2 cũng có một lớp kính bao phủ mặt trước và mặt sau giống như Duo trước đây.

Màn hình kép AMOLED kích thước 5,8 inch lớn hơn một chút so với 5,6 inch của phiên bản trước, khi mở ra tổng diện tích là khoảng 8,3 inch với độ phân giải 1.892 x 1.344 pixel trên mỗi màn hình. Loại kính được dùng để bao phủ màn hình hiện là Gorilla Glass Victus, mà theo Microsoft hứa hẹn là sẽ bền hơn. Ngoài ra các màn hình được làm cong nhẹ ở bản lề, tạo cảm giác 2 bên ít khoảng cách và trông liền mạch hơn. Tốc độ làm mới màn hình của Duo 2 vẫn là 90Hz như trước.

Surface Duo 2 có màn hình mới ở cạnh dọc theo bản lề hiển thị các thông báo (Ảnh: Internet).
Surface Duo 2 có màn hình mới ở cạnh dọc theo bản lề hiển thị các thông báo (Ảnh: Internet).

Điểm nhấn mới đáng chú ý là thanh Glance Bar chạy dọc theo cạnh bản lề của Duo 2 có thể hiển thị thời lượng pin và các thông báo, giống như màn hình cạnh đã có ở các hãng khác. Đối với Duo 2 khi gập lại không có màn hình ở mặt ngoài thì Glance Bar này có thể hữu ích để thông báo cuộc gọi đến.

Thanh Glance Bar sẽ sáng lên khi có cuộc gọi, hoặc bạn cũng có thể nhấn vào nút cạnh bên của điện thoại để xem có thông báo hay không. Mặc dù vẫn phải mở ra để xem nội dung cụ thể nhưng Glance Bar đã thực hiện đúng chức năng như tên gọi của nó: giúp người dùng nhìn thoáng qua (glance) xem có gì mới cập nhật trong lúc điện thoại đang đóng.

Nhìn thoáng qua để xem thông báo (Ảnh: Internet).
Nhìn thoáng qua để xem thông báo (Ảnh: Internet).

Bộ xử lý và bộ nhớ của Surface Duo 2 được nâng cấp

Duo 2 được trang bị bộ vi xử lý Qualcomm Snapdragon 888 giống như Z Fold 3 của Samsung. Đây là bước tiến lớn so với chip Snapdragon 855 của Duo trước đó, giúp chiếc điện thoại mới chạy mượt mà hơn và tránh bị lag như phiên bản trước.

Chip Qualcomm Snapdragon 888 (Ảnh: Internet).
Chip Qualcomm Snapdragon 888 (Ảnh: Internet).

Vẫn chạy Android như trước nhưng Duo 2 có các ứng dụng được Microsoft tùy chỉnh riêng và một số giao diện cảm ứng trong hệ điều hành được tối ưu hóa để phù hợp với màn hình kép và bút cảm ứng. Duo 2 có các phiên bản khác nhau với bộ nhớ từ 128GB đến 512GB và RAM 8GB.

Nhìn chung Surface Duo 2 có khả năng xử lý rất nhanh: các phần mềm thường theo kịp chuyển động của người dùng khi chuyển qua lại giữa các chế độ như “túp lều”, laptop và chế độ một tay. Thỉnh thoảng có khoảng dừng rất ngắn để phần mềm điều chỉnh sang “tư thế” mới của chiếc điện thoại, nhưng phải dùng nhiều thì mới đánh giá được đầy đủ về độ nhạy của Surface Duo 2.

Chơi game trên điện thoại Surface Duo 2 (Ảnh: Internet).
Chơi game trên điện thoại Surface Duo 2 (Ảnh: Internet).

Surface Duo 2 dường như rất lý tưởng để làm thiết bị chơi game cầm tay, miễn là các nhà phát triển tiếp tục tối ưu hóa các tựa game cho chiếc điện thoại này. Một trong những game được hỗ trợ đầu tiên là trò đua xe Asphalt 9 của Gameloft, cảm giác rất mượt và nhanh khi chơi trên Duo 2.

Bạn có thể cầm Surface Duo 2 theo chiều ngang và dùng toàn bộ màn hình phía trên để chơi game, tương tự như máy Nintendo 3DS. Màn hình phía dưới trở thành bộ điều khiển cảm ứng và hiển thị các thông tin như bản đồ của game. Tính năng này chắc chắn rất hấp dẫn đối với những game thủ di động.

Bút cảm ứng Slim Pen 2 của Microsoft có thể dùng được với Surface Duo 2

Bút cảm ứng mới của Microsoft có khả năng sạc từ tính và tạo cảm giác rung (Ảnh: Internet).
Bút cảm ứng mới của Microsoft có khả năng sạc từ tính và tạo cảm giác rung (Ảnh: Internet).

Bút Slim Pen 2 mới của Microsoft tuy vẫn còn sơ khai nhưng hứa hẹn sẽ rất thú vị: tính năng cảm ứng rung có thể mang lại trải nghiệm xúc giác chân thực hơn khi viết và tính năng “Zero-Force inking” giúp người dùng viết mà không cần chạm đầu bút vào màn hình. Chiếc bút này có thể sạc từ tính với Duo 2 khi được đặt trong hộp sạc Duo 2.

Surface Duo 2 có 3 camera phía sau

Chiếc điện thoại mới đã được trang bị 3 camera ở mặt ngoài (phía sau): ống kính tele 12 megapixel (MP) khẩu độ f/1,7, ống kính rộng 12MP khẩu độ f/2,4 và camera siêu rộng 16MP với tính năng ổn định hình ảnh quang học. Camera có chế độ ban đêm, chế độ chân dung và HDR, có thể quay 60 khung hình mỗi giây ở chất lượng 4K cộng với chế độ quay chậm. Camera bên trong vẫn là 12 MP tương tự như trước.

Camera ở mặt sau của Surface Duo 2 (Ảnh: Internet).
Camera ở mặt sau của Surface Duo 2 (Ảnh: Internet).

So với Duo trước đây chỉ có 1 camera bên trong (mặt trước) thì những cải tiến này có thể gọi là đã “đủ bộ”. Camera trên Duo 2 cũng có cảm biến chiều sâu time-of-flight để lấy nét tốt hơn. Đặc biệt, ứng dụng camera của Microsoft trên Duo 2 cũng cho phép một màn hình ngắm trước khi chụp trong khi màn hình kia hiển thị các ảnh chụp trước đó để so sánh – tính năng này rất hữu ích để cho ra những bức ảnh đẹp hơn.

Màn hình của Surface Duo 2 cũng rất tiện lợi với những người thích chỉnh sửa ảnh trên điện thoại sau khi chụp. Hai màn hình cho phép tách biệt các chức năng điều khiển chỉnh sửa và bản thân hình ảnh, tức là người dùng có thể vừa chỉnh sửa vừa xem ảnh mà không bị ngón tay che khuất chỗ này chỗ kia khi chạm vào.

Chụp ảnh với Surface Duo 2 (Ảnh: Internet).
Chụp ảnh với Surface Duo 2 (Ảnh: Internet).

Surface Duo 2 được hỗ trợ 5G và NFC

Không giống như Duo năm ngoái chỉ được trang bị LTE, Surface Duo 2 hiện đã có 5G, được cho là một trong những tính năng quan trọng không thể thiếu đối với smartphone cao cấp. Chiếc điện thoại này có Wi-Fi 6 và công nghệ NFC (Near-Field Communications – kết nối không dây tầm ngắn) cũng được bổ sung thêm, giúp người dùng kết nối bằng cách chạm các thiết bị với nhau rất nhanh chóng và tiện lợi.

Tổng kết

Phiên bản Surface Duo của năm ngoái có nhiều khuyết điểm về phần mềm cũng như hiệu suất phần cứng khi chạy đa nhiệm. Tuy nhiên Microsoft đã cải thiện và tối ưu hóa với phiên bản Duo 2 này, trong đó phần cứng dường như được làm mới hoàn toàn và có thể cạnh tranh với điện thoại cao cấp của các hãng khác.

Surface Duo 2 là dòng máy rất có tiềm năng, đặc biệt đối với các game thủ, người thích chụp ảnh, xem video hoặc lướt web di động.

Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan của BlogAnChoi:

Hãy đón xem BlogAnChoi mỗi ngày để nhận được nhiều thông tin thú vị cho cuộc sống bạn nhé!

Xem thêm

5 điểm khác biệt quan trọng của điện thoại Samsung Galaxy S24 Ultra so với S23 Ultra

Điện thoại Samsung Galaxy S24 Ultra nhìn có vẻ giống hệt với thế hệ trước là S23 Ultra, nhưng thực ra có nhiều thay đổi đáng kể ảnh hưởng tới trải nghiệm khi sử dụng. Vậy đâu là điểm khác biệt của S24 Ultra và có đáng để nâng cấp so với S23 Ultra hay không? Hãy cùng khám ...
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận