Các sản phẩm của Apple như iPhone và MacBook có một vấn đề lớn là người dùng không thể tự sửa, nhất là trong những năm gần đây. Nhiều người đã chỉ trích Apple vì hạn chế “quyền sửa chữa” đối với các thiết bị đắt tiền này. Tuy nhiên mới đây Apple đã mở chương trình tự sửa dành cho iPhone và MacBook, giúp mọi người có cơ hội sửa máy tại nhà một cách dễ dàng hơn. Hãy cùng xem chương trình này có gì đặc biệt nhé.

Chương trình tự sửa của Apple là gì?

Apple đã công bố Chương trình sửa chữa tự phục vụ từ năm 2021, ban đầu chỉ dành cho một số mẫu iPhone. Chương trình này cho phép mọi cá nhân và cửa hàng nhỏ có thể sửa các thiết bị của Apple bằng các bộ phận chính hãng. Trước khi có chương trình này, người dùng chỉ có một cách duy nhất để nhận được các bộ phận chính hãng cho thiết bị là phải đến trung tâm bảo hành của Apple.

Lần đầu tiên Apple tạo điều kiện cho người dùng tự sửa thiết bị tại nhà bằng các bộ phận chính hãng (Ảnh: Internet)
Lần đầu tiên Apple tạo điều kiện cho người dùng tự sửa thiết bị tại nhà bằng các bộ phận chính hãng (Ảnh: Internet)

Apple cho biết chương trình này dành cho những người có đủ kinh nghiệm sửa chữa các thiết bị điện tử, trong đó người dùng sẽ được cung cấp những thứ sau:

  • Các bộ phận chính hãng của Apple không thể tìm được ở nơi khác
  • Dụng cụ sửa chữa
  • Hướng dẫn sửa chữa

Như vậy có thể thấy chương trình này cho phép mọi người có được mọi thứ cần thiết để sửa máy ngoài bảo hành. Chương trình tự sửa được triển khai chính thức vào đầu năm 2022 với các thiết bị được hỗ trợ là iPhone 12, iPhone 13 và iPhone SE (thế hệ thứ 3). Cuối tháng 8/2022, Apple đã mở rộng phạm vi cho laptop MacBook.

Chương trình tự sửa của Apple dành cho iPhone

Người dùng có thể đặt hàng các bộ phận thay thế cho iPhone và tự sửa tại nhà (Ảnh: Internet)
Người dùng có thể đặt hàng các bộ phận thay thế cho iPhone và tự sửa tại nhà (Ảnh: Internet)

Cuối tháng 4/2022, Apple đã khởi động chương trình sửa chữa tự phục vụ giúp mọi người có cơ hội tự sửa iPhone của mình mà không cần mang đến cửa hàng Apple chính hãng. Chương trình sẽ cung cấp các bộ phận và công cụ sửa chữa dành cho 3 dòng điện thoại nêu trên, cùng với sách hướng dẫn chính thức mà nhiều người đã mong đợi từ lâu. Ngoài ra bạn cũng có thể thuê một bộ công cụ sửa chữa từ Apple với giá 49 USD một tuần.

Tuy nhiên Apple vẫn kiểm soát nghiêm ngặt đối với quá trình tự sửa, trong đó một biện pháp quan trọng là:

Các bộ phận của iPhone phải được lắp ghép với một thiết bị cụ thể

Không giống như các chương trình tự sửa của các hãng khác, Apple yêu cầu các bộ phận phải được xác định lắp ghép với một thiết bị cụ thể trước khi bán cho người mua. Để được chấp nhận thanh toán, bạn phải nhập số sê-ri hoặc IMEI (số định danh thiết bị di động quốc tế) của máy. Sau đó bạn phải đảm bảo lắp bộ phận đó vào đúng thiết bị đã nêu bằng cách liên hệ với đại diện của Apple.

Apple đặt ra quy định nghiêm ngặt để kiểm soát quá trình tự sửa (Ảnh: Internet)
Apple đặt ra quy định nghiêm ngặt để kiểm soát quá trình tự sửa (Ảnh: Internet)

Biện pháp này giúp Apple kiểm soát bộ phận có thể hoạt động tối ưu và được xác định là chính hãng. Cách duy nhất để đảm bảo điều này là chạy một “phần mềm sau sửa chữa” do Apple cung cấp cho iPhone của bạn.

Chương trình tự sửa có thực sự tiện lợi?

Đối với những người dùng cá nhân sửa chữa một lần thì hầu như không có gì để phàn nàn, nhưng đối với các cửa hàng sửa điện thoại không chính hãng thì rất bất tiện vì họ không thể dự trữ các bộ phận của Apple để sửa chữa nhanh chóng cho khách hàng. Thay vào đó, mỗi khi có một thiết bị cần sửa thì phải đợi đặt hàng và vận chuyển bộ phận phù hợp từ Apple.

Không phải ai cũng hài lòng với chương trình này (Ảnh: Internet)
Không phải ai cũng hài lòng với chương trình này (Ảnh: Internet)

Quy định của Apple thực sự gây khó khăn cho các cửa hàng sửa chữa không chính hãng, khiến họ hầu như không thể phục vụ khách hàng như ý muốn và không thể cạnh tranh với cửa hàng của Apple.

Nhưng trên hết, quy định này có thực sự cần thiết hay không? Trên thực tế các hãng điện thoại khác không yêu cầu bạn phải thực hiện nhiều bước như vậy để mua bộ phận và tự sửa. Ví dụ như Google, Samsung và Motorola đã có các chương trình tự sửa mà không hề yêu cầu phải nhập số sê-ri hay liên hệ với nhà sản xuất để hoàn tất quá trình sửa chữa.

Chương trình tự sửa của Apple dành cho MacBook

Từ ngày 23/8/2022, chương trình tự sửa của Apple được áp dụng cho một số mẫu MacBook, cho phép mọi người thực hiện hơn 12 loại sửa chữa khác nhau bao gồm màn hình, vỏ trên (kể cả pin) và bàn di chuột. Apple cho biết họ sẽ bổ sung thêm nhiều mục sửa chữa khác cũng như mở rộng phạm vi quốc gia của chương trình này trong thời gian tới (hiện mới chỉ có ở Mỹ).

MacBook cũng có thể tự sửa tại nhà với các bộ phận chính hãng Apple (Ảnh: Internet)
MacBook cũng có thể tự sửa tại nhà với các bộ phận chính hãng Apple (Ảnh: Internet)

Các mẫu MacBook sau đây được áp dụng chương trình tự sửa của Apple:

  • MacBook Air (M1, 2020)
  • MacBook Pro (13 inch, M1, 2020)
  • MacBook Pro (14 inch, năm 2021)
  • MacBook Pro (16 inch, năm 2021)

Như vậy có thể thấy chương trình mới chỉ hỗ trợ các phiên bản MacBook có chip M1, chưa áp dụng cho MacBook Air hay Pro dùng chip M2. Có thể hy vọng Apple sẽ mở rộng phạm vi cho nhiều mẫu máy hơn trong tương lai.

Chương trình tự sửa được thực hiện như thế nào?

Dưới đây là các bước để tham gia vào Chương trình sửa chữa tự phục vụ dành cho iPhone và máy Mac.

1. Nhận Sách hướng dẫn sửa chữa

Apple có cung cấp đầy đủ hướng dẫn sửa chi tiết cho tất cả các thiết bị trong phạm vi được hỗ trợ. Bạn có thể tải hướng dẫn riêng cho máy của mình từ trang web Sổ tay hướng dẫn sửa chữa của Apple (Apple Repair Manuals). Các tài liệu này sẽ giúp bạn biết cách sửa thiết bị cũng như nêu rõ các dụng cụ và bộ phận cần thiết.

Trang tải sách hướng dẫn sửa chữa của Apple (Ảnh: Internet)
Trang tải sách hướng dẫn sửa chữa của Apple (Ảnh: Internet)

2. Nhận các dụng cụ và bộ phận

Khi đã nắm rõ các dụng cụ và bộ phận cần thiết, bạn có thể đặt hàng chúng từ trang web Cửa hàng sửa chữa tự phục vụ (Self Service Repair Store). Lưu ý rằng bạn sẽ phải cung cấp số sê-ri của iPhone và MacBook khi đặt hàng.

Đặt hàng các bộ phận và dụng cụ cần thiết (Ảnh: Internet)
Đặt hàng các bộ phận và dụng cụ cần thiết (Ảnh: Internet)

Nếu không muốn mua các công cụ, bạn có thể thuê chúng từ Apple nhưng phải trả một khoản tiền thuê hàng tuần là 49 USD (khoảng 1,1 triệu VNĐ) ngoài tiền đặt cọc. Sau khi dùng xong bạn có thể trả lại bộ công cụ cho Apple. Để tìm hiểu chi tiết về các bộ công cụ sửa chữa, bạn hãy xem ở phần Tool Kit Rental trong trang Self Service Repair.

3. Sửa máy

Bạn có thể tự sửa thiết bị của mình với sự trợ giúp của các dụng cụ, bộ phận và sách hướng dẫn đã có ở các bước trên. Cửa hàng tự sửa của Apple cũng có thêm hỗ trợ nếu cần trong quá trình sửa chữa, ví dụ như một số trường hợp cần Cấu hình Hệ thống, một công cụ được áp dụng sau khi sửa. Bạn có thể nhận được công cụ này bằng cách liên hệ với dịch vụ hỗ trợ của Apple.

Bộ dụng cụ tự sửa của Apple (Ảnh: Internet)
Bộ dụng cụ tự sửa của Apple (Ảnh: Internet)

4. Trả lại các dụng cụ và bộ phận

Sau khi hoàn thành quá trình sửa chữa, bạn có thể trả lại các bộ phận và dụng cụ cho Apple và nhận lại tiền đặt cọc trước đó. Đặc biệt đối với một số bộ phận, khi bạn trả lại đồ cũ cho Apple có thể sẽ được nhận ưu đãi khi mua hàng sau này.

Trên đây là những điều cần biết về chương trình tự sửa của Apple được áp dụng cho iPhone và MacBook. Bạn có thích chương trình này không ? Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận nhé!

Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:

Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!

Xem thêm

Apple và Samsung, rốt cuộc ai mới là “đạo nhái”?

Apple và Samsung là hai gã khổng lồ công nghệ hàng đầu thế giới hiện nay, cuộc cạnh tranh giữa họ không chỉ diễn ra trên thị trường mà còn liên quan tới pháp lý. Apple đã nhiều lần tố cáo Samsung ăn cắp ý tưởng iPhone, nhưng tòa kết luận như thế nào? Và ngược lại, Samsung có ...
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận