Có lẽ, khi nói đến ung thư, bạn từng nghe về những người “luôn lạc quan” và đã chiến thắng căn bệnh ung thư của mình. Nhiều người nhanh chóng gán thái độ tích cực của người bệnh cho kết quả tích cực mà họ nhận được. Nhưng liệu cảm xúc của chúng ta với căn bệnh ung thư có thực sự liên quan đến nhau và chúng có ảnh hưởng đến việc chúng ta phục hồi sau ung thư hay không? Một số nghiên cứu cho thấy có khả năng là có, tuy nhiên, hầu hết các bác sĩ ung thư đều đồng ý rằng những nghiên cứu về vấn đề này còn rất ít. Hãy cùng tìm hiểu sâu hơn nhé!
Mối quan hệ giữa cảm xúc và ung thư là chủ đề của nhiều cuộc tranh luận và suy đoán. Hiện tại, không có bằng chứng cụ thể nào chứng minh cho việc cảm xúc hoặc suy nghĩ tiêu cực trực tiếp gây ra sự phát triển hoặc tăng trưởng của ung thư. Tuy nhiên, có nghiên cứu đã chỉ ra rằng căng thẳng, đặc biệt là căng thẳng mãn tính, có thể ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe tổng thể của chúng ta. Hãy cùng khám phá vai trò của cảm xúc trong ung thư, giải thích lý do tại sao bệnh nhân không nên tự trách mình khi có cảm xúc tiêu cực cũng như thảo luận về tầm quan trọng của việc thừa nhận và xử lý những cảm xúc nặng nề đi kèm với chẩn đoán ung thư.
Tác động của căng thẳng đến sức khỏe
Căng thẳng là phản ứng tự nhiên trước những tình huống khó khăn và phản ứng căng thẳng của cơ thể là một quá trình sinh học phức tạp liên quan đến việc giải phóng các hormone như cortisol. Trong khi căng thẳng ngắn hạn hoặc cấp tính có thể có lợi trong một số tình huống nhất định thì căng thẳng mãn tính, xảy ra trong thời gian dài, có thể gây ra những tác động bất lợi đến sức khỏe của chúng ta. Căng thẳng mãn tính làm suy yếu hệ thống miễn dịch, phá vỡ các chức năng bình thường của cơ thể và góp phần gây ra tình trạng viêm – liên quan đến nhiều bệnh khác nhau, bao gồm cả ung thư. Tiếp xúc lâu dài với hormone căng thẳng có thể làm thay đổi các quá trình tế bào và cơ chế sửa chữa DNA, có khả năng ảnh hưởng đến sự phát triển và tiến triển của tế bào ung thư.

Ung thư và căng thẳng
Căng thẳng, đặc biệt là căng thẳng mãn tính, có thể gây ra những tác động bất lợi đến sức khỏe của chúng ta. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng hormone căng thẳng có thể làm thay đổi các quá trình tế bào và cơ chế sửa chữa DNA, có khả năng ảnh hưởng đến sự phát triển của tế bào ung thư. Mức độ căng thẳng cao cũng có thể góp phần gây ra tình trạng viêm – liên quan đến nhiều bệnh khác nhau, bao gồm cả ung thư. Mặc dù các kỹ thuật quản lý căng thẳng và hệ thống hỗ trợ rất quan trọng đối với sức khỏe tổng thể, nhưng cần biết rằng sức khỏe cảm xúc chỉ là một khía cạnh của việc phòng ngừa và điều trị ung thư.

Cảm xúc tiêu cực và ung thư
Một quan niệm sai lầm phổ biến là cảm xúc hoặc suy nghĩ tiêu cực có thể trực tiếp gây ra ung thư. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng căng thẳng, lo lắng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể và chức năng miễn dịch của chúng ta. Căng thẳng kéo dài làm suy yếu hệ thống miễn dịch, khiến hệ thống này kém hiệu quả hơn trong việc xác định và chống lại sự phát triển của tế bào bất thường, bao gồm cả khối u ung thư. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là không nên coi căng thẳng là yếu tố duy nhất trong quá trình phát triển ung thư vì căn bệnh này phức tạp và chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố.

Tác động về mặt cảm xúc và tâm lý
Mặc dù bản thân những cảm xúc tiêu cực có thể không trực tiếp gây ra ung thư nhưng không nên bỏ qua tác động về mặt cảm xúc và tâm lý khi chẩn đoán ung thư. Nhận được chẩn đoán ung thư sẽ gây ra nhiều cảm xúc, bao gồm sợ hãi, tức giận, buồn bã và lo lắng. Điều quan trọng là người bệnh phải hiểu rằng việc trải qua những cảm xúc này là bình thường và họ không phải chịu trách nhiệm khi mắc bệnh. Việc thừa nhận và quản lý những cảm xúc này rất quan trọng đối với sức khỏe tinh thần và sức khỏe tổng thể của bệnh nhân ung thư. Sự hỗ trợ từ những người thân yêu, tư vấn và liệu pháp tâm lý có thể mang đến một không gian an toàn để người bệnh bộc lộ và xử lý cảm xúc của mình, từ đó giảm thiểu các tác động tiêu cực tiềm ẩn ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và thể chất của họ.

Sức mạnh của thái độ tích cực
Việc giải quyết những thách thức về mặt cảm xúc phát sinh sau khi được chẩn đoán mắc ung thư là rất quan trọng và một số nghiên cứu cho thấy rằng việc duy trì thái độ tích cực có thể có tác động tốt đến kết quả điều trị ung thư. Cơ chế chính xác mà thái độ tích cực có thể ảnh hưởng đến sự tiến triển của ung thư vẫn chưa được tìm hiểu đầy đủ nhưng người ta tin rằng một cái nhìn tích cực có thể góp phần giảm căng thẳng, tuân thủ điều trị tốt hơn và tăng cường phản ứng miễn dịch. Giáo sư Asya Rolls thuộc Khoa Y Rappaport tại Viện Công nghệ Technion-Israel ở Haifa cho biết: “Một số nhà nghiên cứu, bao gồm cả Giáo sư David Spiegel thuộc Trường Y khoa Đại học Stanford (ở California), đã chỉ ra rằng việc cải thiện trạng thái cảm xúc của bệnh nhân có thể ảnh hưởng đến quá trình diễn biến của bệnh”. Tuy nhiên, bà cũng nói thêm rằng “không rõ điều này xảy ra như thế nào”.

Thái độ tích cực và kết quả điều trị ung thư
Nên lưu ý là mối quan hệ giữa thái độ tích cực và kết quả điều trị ung thư vẫn còn mơ hồ và cần nhiều nghiên cứu hơn để thiết lập mối quan hệ nhân-quả rõ ràng. Điều cần thiết là phải thực hiện một cách tế nhị, đảm bảo rằng mọi người không cảm thấy bị áp lực hoặc gánh nặng bởi quan niệm rằng cảm xúc của họ có thể ảnh hưởng đến tiên lượng ung thư. Đặc biệt, cần phải lưu ý rằng thái độ tích cực nên được coi là khía cạnh bổ sung của quá trình chăm sóc ung thư toàn diện bên cạnh các phương pháp điều trị y tế, hỗ trợ tinh thần và lựa chọn lối sống nói chung.

Hiểu về diễn biến tâm lý bệnh nhân
Nhận được chẩn đoán ung thư là một trải nghiệm choáng ngợp về mặt cảm xúc. Điều quan trọng là mọi người phải biết rằng những cảm xúc mà người bệnh trải qua khi đó – chẳng hạn như sợ hãi, tức giận, buồn bã và lo lắng – là bình thường. Những cảm xúc này không phải là nguyên nhân gây ra bệnh tật của họ mà là phản ứng tự nhiên trước một tình huống khó khăn. Bệnh nhân ung thư cần phải thừa nhận và xử lý những cảm xúc này để nâng cao sức khỏe tinh thần và chất lượng cuộc sống nói chung.

Mặc dù mối liên hệ giữa cảm xúc và ung thư rất phức tạp và vẫn đang được nghiên cứu nhưng điều quan trọng là những người mắc ung thư phải hiểu rằng những cảm xúc hoặc suy nghĩ tiêu cực không trực tiếp gây ra bệnh tật của họ. Tuy nhiên, căng thẳng mãn tính được biết là có tác động bất lợi đến sức khỏe tổng thể và có thể ảnh hưởng gián tiếp đến sự phát triển của ung thư.
Nguồn dịch: How Do Our Emotions Effect Cancer Growth? (Julie Hambleton) – The Hearty Soul
Bạn có thể quan tâm:
Mình hy vọng bài viết này mang lại cho các bạn những thông tin bổ ích và thú vị. Hãy để lại những lời nhận xét và góp ý của mình ở dưới bài viết nhé!