Cà ri là món ăn quen thuộc với người miền Nam, trong đó cà ri gà được ưa chuộng nhiều nhất vì độ béo ngậy của nước dùng nấu từ nước cốt dừa và thịt gà dai dai. Món ngon này thường xuất hiện trong các bữa tiệc hay ở nhà hàng nhưng hiện nay, bạn cũng có thể tự nấu ngay tại nhà. Hãy để chuyên mục Món ngon của BlogAnChoi hướng dẫn các bạn cách nấu cà ri gà thơm ngon để đãi cả nhà nhé!
Từ lâu, trong các bữa tiệc lớn như đám giỗ, đám cưới, sinh nhật,… cà ri là món ăn không thể thiếu, nhất là với người dân miền Tây Nam Bộ. Cà ri có vị béo từ nước cốt dừa – vị béo đặc trưng không nguyên liệu nào thay thế được, nên nó cũng là món ăn gây thương nhớ của xứ dừa Bến Tre.
Cà ri, ngon hơn cả là cà ri gà, có nguồn gốc từ Ấn Độ. Qua bao năm tháng, nó đã được nêm nếm theo khẩu vị của người Việt, càng ngày càng được ưa thích hơn. Khi cả nhà hay bạn bè có dịp hội tụ, quây quần, cùng nhau xuống bếp nấu cà ri là một niềm vui khó tả, vừa ngon, sạch, rẻ vừa kết nối tình cảm giữa mọi người.
Nguyên liệu
Đây là nguyên liệu ước tính cho 4 người ăn, các bạn có thể tăng giảm tùy số người trong bữa tiệc nhé!
- 1 con gà khoảng 1kg (chọn gà vườn, thịt chắc, dai để khi hầm lâu thịt sẽ không bị bở)
- 1 trái dừa khô để lấy nước cốt (hoặc có thể mua sẵn 1,5 lít nước cốt dừa)
- Khoai lang bí, khoai tây, khoai môn: 800 gram
- Sả cây: 6 – 7 cây
- Hành tây: 1 củ
- Hành tím, tỏi: mỗi thứ 100 gram
- Gia vị: đường, muối, bột nêm, bột ngọt, bột nấu cà ri
- Bún tươi: 1kg
- Bánh mì: 5 – 7 ổ
Các bước thực hiện
Bước 1: Sơ chế
- Dừa khô nạo lấy cơm dừa, dùng nước của trái dừa để đổ vào cơm dừa và vắt lấy nước cốt, nước khi nấu sẽ ngon hơn. Một phần nước cốt đậm đặc (nước cốt lấy lần đầu) để riêng, phần nước loãng (dão) để riêng. Nếu bạn mua nước cốt có sẵn thì có thể bỏ qua bước này nhưng chất lượng nước dùng sẽ không béo bằng.
- Khoai lang, khoai tây, khoai môn: gọt vỏ, cắt khúc vừa ăn, rửa sạch với nước muối pha loãng cho bớt mủ rồi vớt ra để ráo.
- Sả cây cắt bỏ đầu, đuôi, bóc vỏ ngoài, cắt khúc và đập dập.
- Hành tím, tỏi lột vỏ, băm nhuyễn, hành tây lột vỏ, cắt múi cau.
- Gà làm sạch, để ráo nước, chặt gà thành miếng lớn khoảng 4 – 6cm.
Bước 2: Ướp thịt
Ướp gà với hành tím, tỏi băm, bột cà ri, đường, muối, bột nêm, bột ngọt, gia vị tăng giảm tùy khẩu vị. Với người miền Nam, họ ưa ngọt nên dùng lượng đường nhiều. Các bạn có thể ướp thịt trong khoảng hơn 30 phút cho thịt ngấm gia vị.
Bước 3: Nấu cà ri
- Đầu tiên, các bạn chiên khoai trong chảo dầu, chiên sơ thôi nhé để khi nấu khoai sẽ có mùi thơm và không bị nát.
- Thịt gà sau khi ướp xong, xào thịt cùng sả cây với lửa lớn cho thịt săn lại.
- Lấy một nồi to, cho phần nước dừa loãng vào. Nước dừa sôi, cho gà cùng sả cây vào nấu với lửa nhỏ, theo dõi thường xuyên để vớt bọt.
- Khi lửa sôi lần nữa và thấy thịt gà khá mềm, cho các loại khoai vào.
- Khi khoai mềm, cho phần nước cốt đậm đặc vào nồi.
- Nêm nếm gia vị lại lần nữa, khi nồi cà ri sôi, cho hành tây vào rồi tắt bếp.
Bước 4: Trình bày
Múc cà ri gà ra tô. Cà ri ăn kèm với đĩa bún tươi, vài ổ bánh mì giòn. Thịt gà chấm muối ớt có pha chút nước cốt chanh để cân bằng độ béo của nước cà ri.
Một nồi cà ri ngon yêu cầu có màu vàng tươi đậm đà, nước dùng béo nhưng cũng có vị ngọt đậm của thịt, khoai và thịt mềm vừa, chín tới, không bị bở, nát.
Hy vọng với bài viết này, các bạn có thể tự nấu cà ri gà làm món ăn đổi vị trong bữa ăn thường ngày hay cả những bữa tiệc cuối tuần, những dịp hội ngộ vui vẻ. Chúc các bạn thành công!