Trên thị trường có rất nhiều nhà sản xuất điện thoại Android khác nhau, từ những thương hiệu nổi tiếng như Samsung và Google cho đến ít tên tuổi hơn như Xiaomi, OnePlus. Nhưng không chỉ điện thoại, giờ đây họ còn sản xuất máy tính bảng, tai nghe không dây, đồng hồ thông minh, v.v. để xây dựng hệ sinh thái của riêng mình. Tại sao lại thế?

Hầu hết các nhà sản xuất Android lớn trên thị trường hiện nay đều cố gắng bán cho khách hàng nhiều sản phẩm hơn chứ không chỉ là điện thoại thông minh như trước. Bạn có thể tìm thấy các thiết bị như tai nghe, laptop, đồng hồ thông minh và máy tính bảng của nhiều thương hiệu Android khác nhau, mỗi thương hiệu có đặc điểm thiết kế và chất lượng xây dựng riêng biệt để phù hợp với điện thoại của họ.

Các thương hiệu Android hiện nay có nhiều sản phẩm ngoài điện thoại (Ảnh: Internet)
Các thương hiệu Android hiện nay có nhiều sản phẩm ngoài điện thoại (Ảnh: Internet)

Xu hướng này ngày càng phổ biến, từ những cái tên quen thuộc như Samsung và OnePlus cho đến những thương hiệu mới như Realme và Nothing. Vậy lý do nào khiến các nhà sản xuất Android muốn xây dựng hệ sinh thái của riêng mình?

1. Để tạo trải nghiệm liền mạch cho người dùng trên nhiều thiết bị

Một trong những lý do chính giúp hệ sinh thái của Apple thu hút khách hàng là sự tích hợp liền mạch giữa các thiết bị phần cứng và dịch vụ phần mềm. Ví dụ như đối với những người mới làm quen với Apple, việc chia sẻ file giữa các thiết bị của hãng có thể được thực hiện rất đơn giản nhờ AirDrop.

Sự kết nối liền mạch chính là ưu điểm lớn nhất của hệ sinh thái Apple, giúp người dùng có thể chia sẻ nội dung từ một chiếc iPhone sang màn hình của máy Mac, hay mở khóa MacBook nhanh chóng bằng đồng hồ Apple Watch, dùng iPhone làm webcam cho máy Mac, sao chép nội dung trên một thiết bị và dán vào một thiết bị khác, xử lý file liên tục khi chuyển từ thiết bị này sang thiết bị khác mà không cần làm lại từ đầu, v.v.

Các thiết bị trong cùng hệ sinh thái có thể kết nối và chia sẻ dữ liệu với nhau dễ dàng (Ảnh: Internet)
Các thiết bị trong cùng hệ sinh thái có thể kết nối và chia sẻ dữ liệu với nhau dễ dàng (Ảnh: Internet)

Trong khi đó tính chất rời rạc của Android khiến người dùng rất khó sử dụng các thiết bị một cách liền mạch như vậy nếu không có một hệ sinh thái riêng cho từng thương hiệu. Đó là lý do khiến các công ty Android muốn tạo ra hệ sinh thái trong đó các sản phẩm của họ hoạt động cùng nhau một cách trơn tru.

2. Tăng sự gắn bó trung thành của khách hàng

Xây dựng hệ sinh thái không phải là việc đơn giản, nhưng các công ty đều biết rằng điều này sẽ đem lại nhiều lợi ích về lâu dài, đặc biệt là tăng sự gắn bó của khách hàng. Giả sử bạn đã mua một số thiết bị của Samsung gồm điện thoại Galaxy S23 Ultra, tai nghe Galaxy Buds2 Pro, đồng hồ thông minh Galaxy Watch5 và máy tính bảng Galaxy Tab S8 – khi đó bạn sẽ ít có khả năng chuyển sang dùng thiết bị của hãng khác. Lý do là vì việc chuyển sang thương hiệu khác rất phiền phức, thay vào đó bạn sẽ muốn tiếp tục ở trong hệ sinh thái Samsung để sử dụng các thiết bị và dịch vụ của hãng này một cách thoải mái.

Người dùng có xu hướng gắn bó với một thương hiệu ngay từ đầu (Ảnh: Internet)
Người dùng có xu hướng gắn bó với một thương hiệu ngay từ đầu (Ảnh: Internet)

Hệ sinh thái riêng cũng cho phép các công ty tạo ra những trải nghiệm độc đáo cho thiết bị của mình, khiến khách hàng cảm thấy hài lòng hơn, và do đó họ càng gắn bó với thương hiệu hơn. Ví dụ điển hình: các fan của Apple luôn được biết đến là những khách hàng trung thành nhất.

3. Hệ sinh thái giúp tăng doanh thu cho thương hiệu

Khi xây dựng hệ sinh thái của riêng mình, các công ty Android có thể kiếm được nhiều tiền hơn bằng cách thuyết phục người dùng mua thêm các sản phẩm có khả năng kết nối hay bổ sung cho nhau. Ngoài ra họ có thể tăng doanh thu bằng cách bán thêm thiết bị và dịch vụ cho khách hàng hiện tại mà không cần tốn thêm chi phí để thu hút khách hàng mới.

Như vậy hệ sinh thái rất có lợi cho công ty vì khách hàng đã mua điện thoại Android từ một thương hiệu nào đó thường sẽ mua thêm các phụ kiện như tai nghe và đồng hồ thông minh từ cùng hãng đó.

4. Tạo ra lợi thế cạnh tranh so với đối thủ

Điện thoại OnePlus Nord N30 cùng với tai nghe không dây của OnePlus (Ảnh: Internet)
Điện thoại OnePlus Nord N30 cùng với tai nghe không dây của OnePlus (Ảnh: Internet)

Thông qua hệ sinh thái của riêng mình, một công ty có thể mang đến trải nghiệm tốt hơn cho người dùng, từ đó chiếm lợi thế hơn so với các thương hiệu khác trên thị trường. Ví dụ, nếu bạn đang tìm mua một chiếc đồng hồ thông minh thì bạn sẽ muốn nó tương thích hoàn hảo với các thiết bị mà bạn đang dùng như điện thoại. Một cách để dự đoán là xem thông số kỹ thuật của thiết bị, nhưng thông số thường không phản ánh toàn bộ trải nghiệm khi sử dụng. Khi đó cách tốt nhất là mua hàng từ cùng một thương hiệu mà bạn đã biết và tin tưởng, như vậy đảm bảo bạn sẽ có được trải nghiệm tối ưu.

Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:

Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!

Xem thêm

Tiến bộ công nghệ và cuộc sống con người: Cơ hội và thách thức từ trí tuệ nhân tạo (AI)

Hiện nay, trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày càng trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống hiện đại, từ việc giúp tự động hóa quy trình sản xuất cho đến ứng dụng trong lĩnh vực y tế, giáo dục và giao tiếp. Cuộc cách mạng công nghệ đang diễn ra nhanh chóng, mở ra cơ hội ...
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
1 Bình luận
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận