Nhắc đến bảo tàng Paris, hẳn trong suy nghĩ của bạn sẽ hiện lên hình ảnh Bảo tàng Louvre tráng lệ, nguy nga với bức họa Monalisa nổi tiếng thế giới phải không! Nhưng Kinh đô ánh sáng không chỉ có Louvre, mà còn rất nhiều bảo tàng khác mà bạn nhất định phải đặt chân đến. Dưới đây là danh sách những bảo tàng phải ghé thăm tại Paris, ngoài Bảo tàng Louvre.
Bên cạnh việc là Kinh đô ánh sáng và thời trang thế giới, Paris cũng là một điểm hẹn của tinh hoa nghệ thuật từ cổ điển đến hiện đại, là nơi mà mọi nghệ sĩ trên thế giới đều khát khao được ghi dấu ấn trên hành trình nghệ thuật của mình. Thủ đô nước Pháp cũng là thành phố có rất nhiều bảo tàng, phòng lưu trữ và trưng bày nghệ thuật từ đủ các thể loại và trường phái. Theo thống kê không đầy đủ của thành phố, chỉ riêng khu vực nội đô Paris đã có hơn 136 bảo tàng trưng bày các bộ sưu tập thường xuyên. Các bảo tàng này phần lớn nằm trong hệ thống bảo tàng quốc gia, còn lại là do Hội đồng thành phố quản lý hoặc bảo tàng tư nhân, trực thuộc các bộ và cơ quan.
Tại Paris nói riêng và châu Âu nói chung, các bảo tàng được mở cửa với giờ giấc linh hoạt và có nhiều ưu đãi để thu hút khách tham quan, cũng như đưa nghệ thuật tiếp cận gần hơn với công chúng. Các bảo tàng thuộc Hiệp hội Bảo tàng Quốc gia tại Paris mở cửa miễn phí vào ngày chủ nhật đầu tiên của tháng. Các bảo tàng đều mở cửa vào cuối tuần và một số còn có khung giờ tham quan vào buổi tối.
Nếu có dịp đến với Paris, hãy dành một phần lịch trình của bạn để ghé thăm các bảo tàng của thành phố. Dạo hết hơn 136 bảo tàng tất nhiên là bất khả thi nếu thời gian lưu trú của bạn có hạn và Bảo tàng Louvre đương nhiên là không thể bỏ qua. Sau đây là danh sách 7 bảo tàng tại Paris mà bạn nên tới thăm, bên cạnh Louvre.
Bảo tàng nghệ thuật Ấn tượng
1. Bảo tàng Orsay (Musée d’Orsay)

Orsay là một trong những bảo tàng quan trọng nhất của thành phố Paris, tọa lạc bên bờ sông Seine, tại khu vực Quận 7. Bảo tàng gây ấn tượng bởi nó vốn là một nhà ga được xây dựng cho dịp Triển lãm Thế giới năm 1900. Trong thời kỳ hoàng kim của mình, nhà ga Orsay đóng vai trò là ga cuối của tuyến đường sắt Tây Nam nước Pháp. Bên trong nhà ga còn có một khách sạn, từng là nơi tiếp đón và đặt trụ sở của nhiều tổ chức, đảng phái chính trị và diễn ra các bữa tiệc chiêu đãi. Tuy nhiên, đến năm 1939, cơ sở hạ tầng của nhà ga Orsay không còn phù hợp để sử dụng. Nơi này chỉ còn được dùng để làm trung tâm gửi hành lý và chính thức đóng cửa vào năm 1973.
Những tưởng công trình này sẽ kết thúc sứ mệnh của mình như vậy, thì ngày 20/10/1973, Tổng thống Valéry Giscard d’Estaing đã ký quyết định thành lập Bảo tàng Orsay. Năm 1978, các cơ quan của bảo tàng được hình thành và quá trình tu sửa nhà ga bắt đầu. Ngày 1/12/1986, Tổng thống François Mitterrand đã khánh thành bảo tàng và Orsay bắt đầu mở cửa cho công chúng từ ngày 9/12/1986.
Bảo tàng Orsay là một bảo tàng thuộc Hiệp hội Bảo tàng Quốc gia, trưng bày các tác phẩm nghệ thuật phương Tây thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, với các không gian cho hội họa, điêu khắc, kiến trúc, nhiếp ảnh, nghệ thuật trang trí… Các phòng trưng bày của bảo tàng trải khắp 3 tầng. Ngoài ra còn có không gian dành cho nhà hàng, quán café, hiệu sách, phòng nghe – nhìn.
Ngày nay, Bảo tàng Orsay sở hữu bộ sưu tập quan trọng bậc nhất về nghệ thuật phương Tây thế kỷ 19, trong đó quan trọng nhất là các tác phẩm thuộc trường phái Ấn tượng và Hậu Ấn tượng. Rất nhiều tên tuổi lớn trên thế giới có tác phẩm được trưng bày ở đây như: Paul Cézanne, Gustave Courbet, Edgar Degas, Eugène Delacroix, Antoni Gaudí, Paul Gauguin, Vincent van Gogh, Édouard Manet, Henri Matisse, Jean-François Millet, Claude Monet, Nadar, Camille Pissarro, Pierre-Auguste Renoir, Auguste Rodin, Georges Seurat, Paul Signac, Alfred Sisley, Henri de Toulouse-Lautrec.
Thông tin bảo tàng:
- Địa chỉ: 1 Rue de la Légion d’Honneur, 75007 Paris, Pháp
- Giờ mở cửa:
- Thứ Ba, Thứ Tư, Thứ Sáu, Thứ Bảy và Chủ Nhật: từ 9:30 – 18:00.
- Thứ Năm: từ 9:30 21:45.
- Đóng cửa: 1/5; 25/12 và các Thứ Hai.
- Vé vào cửa:
- Người lớn: 12 euro
- Người từ 18 – 25 tuổi: 8,5 euro
- Miễn phí cho người dưới 18 tuổi, công dân EU dưới 26 tuổi và Chủ Nhật đầu tiên của tháng
2. Bảo tàng Orangerie (Musée de l’Orangerie)

Một bảo tàng nổi tiếng khác của trường phái Ấn tượng và Hậu Ấn tượng là Bảo tàng Orangerie, nằm ở góc phía Tây của Vườn Tuileries, bên cạnh Quảng trường Concorde. Đây là ngôi nhà của bức họa Water Lilies nổi tiếng của danh họa Claude Monet.
Tên của bảo tàng có nghĩa là “vườn ươm cam”. Tòa nhà của bảo tàng được xây dựng trong vườn ươm cam của Vườn Tuileries vào năm 1852, do kiến trúc sư Firmin Bourgeois thiết kế và được hoàn thiện bởi người kế nhiệm của ông Ludovico Visconti. Dưới thời kỳ Đệ Tam cộng hòa, tòa nhà được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau như: kho lưu trữ khí cụ, nơi trú ngụ cho binh lính, làm vườn… Đến năm 1921, nó được sử dụng với mục đích làm một cơ sở phụ cho Bảo tàng Luxembourg.
Lịch sử của Bảo tàng Orangerie bắt đầu khi Monet mang đến đây các tác phẩm về hoa súng mà ông vẽ vào năm 1914, theo đề xuất của một người bạn – chính trị gia Georges Clemenceau. Sau khi Monet qua đời năm 1926, bảo tàng được mở cửa cho công chúng vào 17/5/1927. Bảo tàng cũng đã trải qua nhiều lần tu sửa để đón nhận các tác phẩm và bộ sưu tập mới, lần gần đây nhất là từ năm 2000 – 2006.
Bảo tàng sở hữu nhiều tác phẩm của các danh họa: Paul Cézanne, André Derain, Marie Laurencin, Henri Matisse, Amedeo Modigliani, Claude Monet, Pablo Picasso, Pierre-Auguste Renoir, Henri Julien Félix Rousseau, Chaïm Soutine, Maurice Utrillo.
Thông tin bảo tàng:
- Địa chỉ: Jardin Tuileries, 75001 Paris, Pháp
- Giờ mở cửa:
- Thứ Tư Thứ Hai: từ 9:00 – 18:00.
- Đóng cửa vào Thứ Ba.
- Vé vào cửa:
- Người lớn: 12,5 euro
- Miễn phí cho người dưới 18 tuổi và Chủ Nhật đầu tiên của tháng.
Bảo tàng nghệ thuật Hiện đại
1. Trung tâm Pompidou

Trung tâm Pompidou (tên đầy đủ là Trung tâm nghệ thuật và văn hóa quốc gia Georges Pompidou) là một trung tâm văn hóa và bảo tàng lớn của Paris, nằm tại khu vực Quận 4, giữa khu thương mại đông đúc Les Halles và Le Marais. Công trình được khởi công xây dựng ngày 20/3/1973 theo quyết định của Tổng thống Georges Pompidou, với thiết kế của hai kiến trúc sư Renzo Piano và Richard Rogers. Ngày 31/1/1977, khu tổ hợp chính thức được khánh thành.
Thiết kế của Trung tâm Pompidou từng gây nên nhiều tranh cãi khi lộn ngược tất cả các hệ thống đường ống, cột và cầu thang ra mặt bên ngoài tòa nhà, những thứ mà theo xây dựng truyền thống cần phải đặt ẩn bên trong cấu trúc công trình. Các hệ thống ống được sơn màu theo chức năng: xanh da trời cho hệ thống điều hòa, xanh lá cây cho hệ thống nước và màu vàng cho hệ thống điện. Sau khi hai kiến trúc sư giành Giải Pritzker, công chúng và cả giới chuyên môn đã có cái nhìn khác về thiết kế của Trung tâm Pompidou. Tờ New York Times nhận định thiết kế này đã “đảo lộn thế giới kiến trúc” và National Geographic mô tả phản ứng với thiết kế là “yêu từ cái nhìn thứ hai”.
Tòa nhà chính của Trung tâm Pompidou bao gồm 8 tầng nổi và 2 tầng hầm, diện tích sàn mỗi tầng là 7.500 mét vuông. Tại đây có Bibliothèque publique d’information (Thư viện Thông tin Công cộng); Musée National d’Art Moderne là bảo tàng nghệ thuật hiện đại lớn nhất ở Châu Âu; IRCAM một trung tâm nghiên cứu âm nhạc và âm học; rạp chiếu phim; các cửa hiệu và không gian biểu diễn.
Thông tin bảo tàng:
- Địa chỉ: Place Georges-Pompidou, 75004 Paris, Pháp
- Giờ mở cửa:
- Thứ Tư, Thứ Sáu, Thứ Bảy, Chủ Nhật, Thứ Hai: từ 11:00 – 22:00
- Thứ Năm: từ 11:00 – 23:00
- Đóng cửa: 1/5 và Thứ Ba
- Vé vào cửa:
- Người lớn: 11 – 14 euro
- Miễn phí cho người dưới 18 tuổi, công dân EU dưới 26 tuổi và Chủ Nhật đầu tiên của tháng.
2. Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại Paris (MAM)

Nằm ở phía Đông của Cung Tokyo (Palais de Tokyo), với kiến trúc cổ điển, nhưng đây lại là nơi tọa lạc của Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại Paris (Musée d’Art Moderne de Paris), hay MAM Paris. Bảo tàng mở cửa năm 1961, dành riêng cho nghệ thuật hiện đại và đương đại thế kỷ 20 và 21.
Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại Paris lưu giữ hơn 15.000 tác phẩm từ các phong trào nghệ thuật thế kỷ 20 của các tác giả: Pablo Picasso , Georges Braque , Henri Matisse , Emile Othon Friesz , Wilhelm Lehmbruck , Maurice de Vlaminck, Georges Rouault , Raoul Dufy, Marie Laurencin, Pierre Bonnard, Édouard Vuillard…
Thông tin bảo tàng:
- Địa chỉ: 11 Av. du Président Wilson, 75116 Paris, Pháp
- Giờ mở cửa:
- Thứ Ba Chủ Nhật: từ 10:00 – 18:00.
- Đóng cửa Thứ Hai.
- Vé vào cửa:
- Miễn phí cho các bộ sưu tập cố định.
- Các triển lãm tạm thời có tính phí riêng.
3. Bảo tàng Bourse de Commerce

Mở cửa trở lại năm 2021 sau khoảng thời gian cải tạo từ năm 2017 – 2020, Bảo tàng Bourse de Commerce, trước đây là Sàn giao dịch chứng khoán Paris, là nơi trưng bày hơn 10.000 tác phẩm nghệ thuật đương đại của 350 nghệ sĩ khác nhau, thuộc bộ sưu tập của tỷ phú François Pinault. Các tác phẩm thuộc tất cả các lĩnh vực từ tranh vẽ, tác phẩm điêu khắc, nghệ thuật sắp đặt, biểu diễn, video, nhiếp ảnh… Bảo tàng cũng tổ chức các chương trình giáo dục, hội nghị, diễn thuyết, biểu diễn hòa nhạc phục vụ công chúng. Bảo tàng trải rộng trên diện tích 6.800 mét vuông, được chia thành nhiều không gian triển lãm nhỏ.
Thông tin bảo tàng:
- Địa chỉ: 2 rue de Viarmes, 75001 Paris, Pháp
- Giờ mở cửa:
- Thứ Hai, Thứ Tư, Thứ Năm, Thứ Bảy và Chủ Nhật: từ 11:00 – 19:00.
- Thứ Sáu: từ 11:00 21:00.
- Thứ Bảy đầu tiên của mỗi tháng mở cửa đến 21:00.
- Đóng cửa: 1/5 và Thứ Ba.
- Vé vào cửa:
- Miễn phí vào cửa vào Thứ Bảy đầu tiên của mỗi tháng từ 17:00 – 21:00 khi đặt vé trực tuyến.
- Mùa đông: 9 euro cho người lớn và 7 euro cho người từ 18-26 tuổi
- Mùa xuân: 14 euro cho người lớn và 10 euro cho người từ 18-26 tuổi
Một số bảo tàng khác
1. Bảo tàng Carnavalet

Bảo tàng Carnavalet là bảo tàng lâu đời nhất tại Paris, mở cửa từ năm 1880 và vẫn duy trì hoạt động đến nay. Bảo tàng bao gồm hai tòa nhà là Dinh thự Carnavalet và Dinh thự Pelletier de Saint-Fargeau. Bên trong bảo tàng là bộ sưu tập hơn 600.000 hiện vật từ các lĩnh vực khảo cổ, hội họa, điêu khắc tập trung mô tả lịch sử thành phố Paris từ thời kỳ Tiền sử cho đến ngày nay, đặc biệt là trong thời kỳ Cách mạng Pháp. Bảo tàng mới mở cửa trở lại năm 2021 sau quá trình cải tạo kéo dài 5 năm.
Thông tin bảo tàng:
- Địa chỉ: 23 Rue de Sévigné, 75003 Paris, Pháp
- Giờ mở cửa:
- Thứ Ba Chủ Nhật: từ 10:00 18:00.
- Đóng cửa: Thứ Hai, 1/1, 1/5 và 25/12.
- Vé vào cửa:
- Miễn phí cho các bộ sưu tập cố định là miễn phí.
- Một số triển lãm có tính phí riêng.
2. Bảo tàng Kè Branly

Mở cửa năm 2006 và là bảo tàng mới nhất trong số các bảo tàng lớn ở Paris, Bảo tàng Kè Branly do Bộ Văn hóa và Truyền thống Pháp và Bộ Giáo dục Đại học và Nghiên cứu đồng quản lý. Đây vừa là một bảo tàng, vừa là một trung tâm nghiên cứu của thành phố.
Bảo tàng Kè Branly là một bảo tàng khác biệt của Paris khi tập trung trưng bày nghệ thuật của các nền văn minh châu Á, châu Phi, châu Mỹ và châu Đại Dương. Bảo tàng do kiến trúc sư người Pháp Jean Nouvel thiết kế. Tại đây trưng bày và lưu giữ hơn 1 triệu hiện vật, ảnh, tài liệu… về dân tộc học trên diện tích 40.600 mét vuông, chia làm 4 tòa nhà, bao gồm: không gian triển lãm, thư viện, hiệu sách, xưởng nghệ thuật, nhà hàng…
Thông tin bảo tàng:
- Địa chỉ: 37 Quai Jacques Chirac, 75007 Paris, Pháp
- Giờ mở cửa:
- Thứ Ba, Thứ Tư, Thứ Sáu, Thứ Bảy và Chủ Nhật: từ 10:30 19:00.
- Thứ Năm: từ 10:30 22:00.
- Đóng cửa: 1/5, 25/12 và Thứ Hai.
- Vé vào cửa:
- Giá chung: 12 euro
- Một số triển lãm có tính phí riêng.
Xem thêm:
- Khám phá Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam – Nơi lưu giữ lịch sử anh hùng
- 5 bảo tàng ở Hà Nội bạn nên tham quan để thêm yêu đất nước dân tộc mình
- Khám phá Bảo tàng Louvre tại Paris – Nơi khởi nguồn Mật mã Da Vinci!
- Top 5 bảo tàng Anime, Manga nên đến khi du lịch Nhật Bản
- Tất tần tật mọi điều về Mont-Saint-Michel – Hòn đảo nổi tiếng và bí ẩn nhất nước Pháp
Bạn có những ý kiến gì về bài viết này? Hãy để lại bình luận giúp mình nhé.
Bảo tàng nào cũng đẹp