Khi dịch đang dần được kiểm soát, bạn bắt đầu trở lại với công việc hay học tập và việc dậy sớm trở thành một vấn đề khó nhằn. Để dậy sớm bạn phải đi ngủ sớm, nói thì dễ nhưng lại cực khó thực hiện. Hiểu được tâm lý đó, BlogAnChoi sẽ giúp bạn tìm ra 7 tips cực hiệu quả giúp bạn dậy sớm mà không cảm thấy mệt mỏi.
Tại sao dậy sớm lại khó khăn đến vậy?
Ông bà của chúng ta có thể thức dậy từ 5 giờ sáng mà không cần bất kỳ chuông báo thức hay ly cà phê nào để giữ tỉnh táo. Họ chuẩn bị bữa sáng, tập thể dục và làm được rất nhiều việc trong ngày một cách hiệu quả. Còn chúng ta lại hay có tâm lý xem nhẹ những việc mà mình phải làm, có thể là do công việc nhàm chán, lớp học không có điểm danh, đến muộn cũng không sao.
Bạn đặt ra rất nhiều những việc phải làm trong ngày, nhưng trong lúc mơ màng chúng ta đột nhiên thấy nó không quan trọng để dậy sớm. Hoặc nếu phải dậy vì bắt buộc làm gì đó đúng giờ, bạn luôn cảm thấy mệt mỏi cáu gắt và không hề tập trung.
Ngoài ra, thói quen sử dụng điện thoại, máy tính trước khi ngủ cũng là nguyên nhân khiến bạn mất ngủ và dậy trễ vào hôm sau. Bộ não của chúng ta rất nhạy cảm với ánh sáng, ánh sáng nhân tạo từ các thiết bị điện tử có thể tác động và đánh lừa não bộ rằng đây đang là ban ngày và chúng ta sẽ khó đi vào giấc ngủ hơn. Hệ quả là việc dậy sớm trở nên rất khó khăn.
Những tip cực hiệu quả giúp bạn dậy sớm
Xác định thời gian phải dậy
Có rất nhiều người đặt ra thử thách thức dậy lúc 5 giờ sáng, cố gắng dậy vào giờ đó trong khoảng 1 tuần rồi khoe chiến tích ấy trên mạng xã hội. Cuối cùng họ cũng chỉ có thể làm điều đó trong 1 tuần mà thôi.
Vào những ngày trời lạnh, lúc 5 giờ sáng chẳng có việc gì để bạn làm cả. Nhưng vào những ngày hè, khi mặt trời lên sớm, bạn có thể thức dậy chạy bộ hay dành nhiều thời gian chuẩn bị bữa sáng, trang điểm kỹ hơn và dư dả thời gian hơn. Vì vậy hãy nhìn lại lịch trình của mình và xác định giờ dậy sớm sẽ có ý nghĩa hơn.
Lịch trình của bạn sẽ tùy thuộc vào kế hoạch mà bạn lập ra cho buổi sáng. Hãy viết những điều mà bạn thật sự muốn làm, những điều đó sẽ giúp bạn cải thiện những gì. Hãy trung thực với chính mình, viết ra một kế hoạch ngắn gọn và thực hiện nó hiệu quả để ngày hôm sau bạn có động lực hơn và cảm thấy dậy sớm vào giờ này là thật sự có ý nghĩa.
Nếu bạn có bài thuyết trình vào ngày mai thì mục tiêu của bạn sẽ là dậy sớm hơn 30 phút để xem lại nội dung và chuẩn bị trang phục cho chỉnh tề. Nếu bạn muốn rèn luyện sức khỏe thì phải dậy sớm để luyện tập cùng một giáo viên Yoga mà bạn yêu thích.
Nhắc nhở mình vào đêm trước
Trước khi ngủ, bạn phải tự nhắc nhở mình về lịch trình sáng ngày mai và đặt báo thức. Khi báo thức reo bạn phải dậy ngay dù mệt mỏi và không được hoãn báo thức lần nữa. Trung bình con người sẽ ngủ khoảng 7,5 tiếng, với 5 chu kỳ, trung bình mỗi chu kỳ là 90 phút. Ngủ thêm một chút nữa sẽ khiến bạn bắt đầu chu kỳ ngủ mới, bạn phải ngủ gần 90 phút mới có thể hoàn toàn tỉnh táo. Điều này sẽ làm lãng phí thời gian và khiến bạn càng thêm mệt mỏi.
Nếu bạn muốn dậy sớm thì 6 tiếng ngủ là lựa chọn hợp lý, ít nhất nó vừa đủ để cơ thể được hồi phục và chuẩn bị cho ngày mới mà không cảm thấy mệt mỏi.
Hãy tập nói “Không”
Nghệ thuật nói “không” thực sự cũng giúp bạn có một giấc ngủ ngon, tiền đề cho việc dậy sớm đấy. Rất nhiều đêm chúng ta đều nghĩ rằng ngủ sớm sẽ lãng phí, không thể tận hưởng cuộc sống. Có những đêm “đáng” cho bạn mất ngủ, nhưng đó không phải vì những lời rủ rê của người khác.
Hãy tập nói “Không” khi bạn cùng phòng rủ bạn xem thêm một tập phim, hay tin nhắn của sếp giao việc cho bạn vào nửa đêm. Có một giấc ngủ ngon sẽ giúp bạn giải quyết công việc nhanh chóng hơn vào ngày mai.
Lặp lại mỗi ngày trong tuần
Bạn đặt báo thức và dậy đúng theo báo thức để có một ngày làm việc hiệu quả. Nếu điều này được lặp lại nhiều ngày, cơ thể sẽ tự động hình thành một báo thức sinh học và thay thế báo thức bên ngoài, bạn sẽ tự động thức dậy vào giờ đó và ban đêm bạn sẽ tự động cảm thấy mệt mỏi muốn đi ngủ sớm.
Để ánh sáng tự nhiên chiếu vào phòng
Điều đầu tiên mà bạn phải làm sau khi chuông báo thức kêu là mở rèm cửa hoặc rèm che để nhận được ánh sáng ngay lập tức. Ánh nắng mặt trời không chỉ giúp bạn bắt đầu một ngày mới vui vẻ mà đó còn là nhu cầu sinh lý tự nhiên để thức dậy. Ánh sáng tự nhiên báo cho cơ thể biết rằng đã đến lúc thức dậy và nó còn tác dụng tốt hơn cả một tách cà phê.
Làm những việc khiến bạn tỉnh táo ngay khi vừa ngủ dậy
Khi vừa ngủ dậy bạn nên ngồi trên giường một lát để tỉnh táo rồi ra khỏi giường uống ngay một ly nước, tập vài động tác đơn giản và nhanh chóng rửa mặt. Đừng dùng đến điện thoại ngay khi vừa ngủ dậy, việc lướt điện thoại sẽ làm bạn trì hoãn và cảm thấy lười biếng hơn.
Nếu bạn có lịch tập yoga vào buổi sáng thì hãy bắt đầu luyện tập ngay, hoặc nếu vận động không phải là việc ưa thích thì bạn có thể mở ngay một list nhạc rồi nhanh chóng rửa mặt, uống một ly nước để detox cơ thể.
Làm những điều bạn thích vào buổi sáng
Trước khi ngủ hãy nghĩ về những điều thú vị mà sáng hôm sau bạn sẽ làm. Có thể là dậy sớm để đi dạo công viên ngắm những chiếc lá ngậm đầy sương và những tia nắng len lỏi ấm áp, hay hôm nay bạn sẽ lên trường tham gia vào một tiết học yêu thích. Còn có cả những dự án mà bạn đang mong chờ được nghe ý kiến của mọi người hoặc đơn giản là hôm nay căn tin sẽ có món ăn sáng mà bạn đang rất mong chờ.
Nghĩ về những điều đó bạn sẽ thấy buổi sáng như một món quà và việc hoàn thành lịch trình trong ngày mà vẫn còn dư dả thời gian sẽ cho bạn cảm giác thỏa mãn tột độ.
Một số tip nhỏ về ăn uống cũng sẽ giúp bạn ngủ ngon hơn và dễ dàng dậy sớm:
- Đừng ăn quá khuya, ăn quá no hay để bụng đói đi ngủ
- Tránh rượu và thuốc lá
- Không uống cà phê vào ban đêm
Xem thêm video về cách để dậy sớm mỗi ngày tại đây:
Dưới đây là những bài viết liên quan khác mà bạn có thể quan tâm:
- Uống cà phê gây đau đầu hay giảm đau đầu? Tại sao cả hai đều có thể xảy ra?
- Mạng xã hội đã ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của mọi người như thế nào trong đại dịch?
Đừng quên theo dõi BlogAnChoi để cập nhật những thông tin bổ ích khác về sức khỏe nhé!