Ai cũng biết Apple, Nvidia hay Sony là những công ty công nghệ hàng đầu thế giới, với những sản phẩm như smartphone, card đồ họa và TV làm thay đổi cuộc sống và được rất nhiều người yêu thích. Nhưng bạn có biết rằng sản phẩm của họ đều dựa vào một công ty khác cực kỳ quan trọng mà có thể bạn chưa từng nghe tên? Hãy cùng tìm hiểu xem TSMC đóng vai trò “sống còn” đối với ngành công nghệ trên thế giới như thế nào nhé!

Linh kiện công nghệ quan trọng nhất trên thế giới

Bạn có thể kể ra điểm chung quan trọng nhất của các đồ dùng điện tử như smartphone, laptop, máy chơi game, TV là gì không? Đó là tất cả chúng đều được điều khiển bởi chip bán dẫn. Thậm chí ngay cả những đồ vật “ít thông minh” như tủ lạnh, máy giặt, lò vi sóng hay bàn chải đánh răng chạy điện cũng không thể hoạt động nếu thiếu chip.

Chip bán dẫn được ví như trái tim của các thiết bị điện tử (Ảnh: Internet).
Chip bán dẫn được ví như trái tim của các thiết bị điện tử (Ảnh: Internet).

Nếu không có chip, chúng ta sẽ không bao giờ có được những thiết bị công nghệ hiện đại từ điện thoại iPhone, máy chơi game PlayStations cho tới xe điện Tesla. Nhưng hầu như không ai quan tâm sự tồn tại của những con chip này, cho đến khi đại dịch toàn cầu buộc tất cả chúng ta phải phụ thuộc vào công nghệ nhiều hơn nhưng đồng thời cũng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và vận chuyển trên khắp thế giới khiến nhu cầu về chip tăng cao chưa từng thấy.

Trong hoàn cảnh toàn thế giới thiếu chip, một công ty đã thể hiện tầm quan trọng đặc biệt của mình mà trước nay ít người biết đến. Hãy cùng tìm hiểu xem họ là ai nhé.

TSMC – Nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới

Trụ sở công ty TSMC ở Đài Loan (Ảnh: Internet).
Trụ sở công ty TSMC ở Đài Loan (Ảnh: Internet).

TSMC là viết tắt của Taiwan Semiconductor Manufacturing Company – Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan, là công ty sản xuất chip bán dẫn chuyên dụng và mạch tích hợp lớn nhất trên thế giới. Với giá trị vốn hóa thị trường hiện nay đạt gần nửa nghìn tỷ USD, TSMC cũng là công ty sản xuất bán dẫn có giá trị cao nhất trên thế giới. Theo Statista, đây là nơi sản xuất hơn 50% tổng lượng chip bán dẫn trên thế giới, còn theo Financial Times thì họ cũng sản xuất ra 90% lượng chip tối tân nhất hiện nay.

TSMC được thành lập vào năm 1987 bởi Morris Chang, một kỹ sư người Mỹ gốc Trung Quốc. Đến nay họ đã phát triển thành một tập đoàn lớn với hơn 50.000 nhân viên và các cơ sở sản xuất được đặt tại Đài Loan, Trung Quốc và Mỹ, mỗi năm cho xuất xưởng hơn 12 triệu bảng mạch bán dẫn. Chip của TSMC được nhiều hãng công nghệ nổi tiếng trên thế giới tin dùng, trong đó có cả Apple, ARM và Nvidia.

Tại sao TSMC lại quan trọng như vậy?

Thế giới của chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào các thiết bị điện tử dùng chip bán dẫn, và TSMC là nhà sản xuất chip lớn nhất. Nhưng không chỉ quan trọng về số lượng mà cách thức hoạt động của TSMC cũng có vai trò đặc biệt đối với các công ty công nghệ khác.

Trong thực tế, các nhà sản xuất chip bán dẫn có 2 phương thức hoạt động khác nhau: fabless và foundry. Khái niệm fabless bắt nguồn từ “fabrication” (sản xuất), các công ty này tập trung vào nghiên cứu và phát triển công nghệ mới chứ không trực tiếp gia công sản xuất chip với số lượng lớn để bán thành phẩm. Một số công ty lớn đi theo hướng này là AMD, Nvidia và Qualcomm.

Các công ty fabless và foundry lớn trên thế giới (Ảnh: Internet).
Các công ty fabless và foundry lớn trên thế giới (Ảnh: Internet).

Trái lại, foundry có nghĩa là “đúc”, đó là các công ty chỉ tập trung vào gia công sản xuất và thử nghiệm sản phẩm hoàn chỉnh. TSMC thuộc nhóm này, tức là chỉ sản xuất chất bán dẫn dựa theo công nghệ và thiết kế của các công ty khác đưa ra.

Các chip bán dẫn công nghệ cao chỉ được sản xuất trong các cơ sở đặc biệt với máy móc chuyên môn hóa cao và đắt tiền. Quá trình nghiên cứu và phát triển rất tốn kém, và việc sản xuất với công nghệ cao cũng khó mở rộng quy mô. Do đó TSMC quyết định chỉ tập trung nguồn lực và chuyên môn vào một hoạt động duy nhất là sản xuất để có thể phát triển lớn mạnh.

Vì hoạt động sản xuất thuần túy nên TSMC rất “được lòng” các ông lớn công nghệ, bởi họ không phát triển các sản phẩm mới có thể trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với các công ty khác, tức là họ có thể hợp tác làm ăn với bất kỳ công ty nào trên thế giới. Điều đó cộng với trình độ chuyên môn cao giúp cho TSMC trở thành đối tác lý tưởng của các hãng công nghệ lớn muốn giảm chi phí sản xuất chip bằng cách thuê nhân công nước ngoài.

Một nhà máy sản xuất chip của TSMC (Ảnh: Internet).
Một nhà máy sản xuất chip của TSMC (Ảnh: Internet).

Ví dụ: trước đây Apple lựa chọn Samsung là đối tác gia công sản xuất chip cho iPhone của mình, nhưng sau đó Samsung đã phát triển smartphone cạnh tranh trực tiếp với iPhone. Khi dòng điện thoại Galaxy ra đời, Apple hiểu rằng không nên giao quy trình sản xuất quan trọng của mình cho đối thủ cạnh tranh trực tiếp này nữa, thế là họ chuyển sang hợp tác với TSMC để sản xuất các chip tối tân của mình.

Theo báo cáo gần đây của Thời báo Đài Bắc, Apple hiện vẫn là khách hàng lớn nhất của TSMC, bên cạnh những cái tên đình đám khác như MediaTek, AMD, Qualcomm, Broadcom, Nvidia, Sony, Marvell, STM và ADI.

TSMC trong “cơn bão” thiếu chip toàn cầu

Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tới mọi hoạt động của nền kinh tế toàn cầu, và ngành công nghiệp sản xuất chip cũng không đứng ngoài cuộc. TSMC đang phải cố gắng đáp ứng nhu cầu chip ngày càng tăng trong khi vẫn còn nhiều đơn hàng tồn đọng từ trước do hoạt động sản xuất bị gián đoạn trong đại dịch. Đây là một trong những lý do dẫn đến tình trạng thiếu chip toàn cầu: nhu cầu quá cao trong khi nguồn cung không đủ.

Bên trong nhà máy sản xuất chip của TSMC (Ảnh: Internet).
Bên trong nhà máy sản xuất chip của TSMC (Ảnh: Internet).

Theo CNBC, các công ty bán dẫn đang cố gắng đối phó với tình hình này bằng cách chi gần 150 tỷ USD để mở rộng sản xuất. Tuy nhiên các chuyên gia dự đoán rằng tình trạng thiếu chip sẽ kéo dài đến năm 2023, kể cả khi các nhà sản xuất chip đã tăng công suất.

Cũng do tình trạng thiếu chip nên các thiết bị điện tử cũng trở nên đắt đỏ hơn, ví dụ như card đồ họa (GPU) và máy chơi game. TSMC đã cam kết đầu tư 100 tỷ USD để tăng thêm năng lực sản xuất trong 3 năm, và hiện đang xây dựng một nhà máy trị giá 12 tỷ USD ở Arizona, Mỹ.

Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:

Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!

Xem thêm

Những câu chuyện thú vị ít người biết về tập đoàn Samsung – Đế chế công nghệ từ Hàn Quốc vươn ra thế giới

Không quá khi nói rằng Samsung là một trong những "đế chế" sản xuất điện tử và di động thống trị thế giới ngày nay. Nhưng ít ai biết rằng câu chuyện của họ đã bắt đầu một cách rất khiêm tốn và từ rất lâu trước đây - năm 1938. Vậy Samsung đã trải qua những “biến cố” ...
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận