AI đang phát triển quá nhanh nhưng cũng khiến nhiều người cảm thấy quá nguy hiểm. Chỉ trong vài năm qua, trí tuệ nhân tạo đã tiến bộ vượt bậc và có khả năng làm nhiều việc ngoài sức tưởng tượng của chúng ta. Có phải AI đang phát triển vượt tầm kiểm soát của con người?

Sponsor

Tại sao nhiều người lo ngại về AI?

Cuối tháng 3 vừa qua, một tài liệu đã được Viện Tương lai của Cuộc sống phát hành trực tuyến có tiêu đề “Tạm dừng các thí nghiệm AI khổng lồ: Thư ngỏ”. Tài liệu đưa ra các lập luận tiêu cực về sự phát triển của AI vượt hơn cả trí thông minh của GPT-4, phiên bản trí tuệ nhân tạo mới nhất của OpenAI.

Nhiều người đã kêu gọi tạm ngưng phát triển AI để đảm bảo an toàn (Ảnh: Internet)
Nhiều người đã kêu gọi tạm ngưng phát triển AI để đảm bảo an toàn (Ảnh: Internet)

Trong bức thư có viết: “Các hệ thống AI có trí thông minh cạnh tranh với con người có thể gây ra những nguy cơ sâu sắc cho xã hội và nhân loại” “các hệ thống AI mạnh mẽ chỉ nên được phát triển khi chúng ta tin tưởng rằng tác động của chúng sẽ tích cực và nguy cơ của chúng sẽ có thể quản lý được.”

Một số người nổi tiếng trong lĩnh vực công nghệ bao gồm cả Steve Wozniak và Elon Musk đã ký vào bức thư trên, thể hiện đồng tình tạm dừng phát triển AI. Sự việc này đã đặt ra câu hỏi về việc AI đang trở nên nguy hiểm như thế nào và có thể gây ra những nguy cơ gì cho cuộc sống con người.

Dưới đây là những dấu hiệu rõ ràng cho thấy AI đang phát triển quá nhanh và có khả năng vượt ngoài tầm kiểm soát.

1. AI cạnh tranh với con người

Chúng ta đã thấy công nghệ có đủ khả năng thay thế con người trong nhiều hoạt động, ví dụ như khi bước vào tiệm thức ăn nhanh bạn có thể gọi món qua màn hình máy tính, và khi muốn mua hàng tạp hóa bạn có thể thanh toán bằng hệ thống tự động. Điều này đem đến cảm giác nhanh chóng và thuận tiện cho người dùng, nhưng khi tự động hóa ngày càng được sử dụng phổ biến trong nhiều lĩnh vực của đời sống thì nhu cầu về nhân công cũng giảm dần.

AI có thể thực hiện nhiều công việc thay thế con người (Ảnh: Internet)
AI có thể thực hiện nhiều công việc thay thế con người (Ảnh: Internet)

Sự phát triển của tự động hóa khiến nhiều người khó giữ được việc làm, đặc biệt là những người lao động trình độ thấp như trong ngành dịch vụ ăn uống, công nhân sản xuất và nhân viên bán lẻ. Các công việc đơn giản lặp đi lặp lại như kiểm tra đơn đặt hàng, lấy hàng và dọn dẹp đều có thể được giao cho máy móc thực hiện.

Trang FormStack cho biết có 76% doanh nghiệp sử dụng máy móc tự động để chuẩn hóa hoặc tự động hóa quy trình công việc hàng ngày. Trong khi đó theo báo cáo của Zapier, có tới 94% công nhân cho biết công việc của họ liên quan đến các thao tác lặp đi lặp lại và mất nhiều thời gian, do đó máy móc tự động được tích hợp AI có thể dễ dàng thay thế họ và trở thành lực lượng lao động chiếm đa số trên toàn cầu.

2. AI làm con người trở nên lười biếng hơn

Một trong những lợi ích lớn nhất của máy móc là giúp đơn giản hóa công việc, nhưng sự tiện lợi này rất dễ khiến cho con người trở nên lười biếng. Trong một số trường hợp, điều đó đã thực sự xảy ra.

Lấy ChatGPT làm ví dụ. Chúng ta có thể sử dụng công cụ chatbot AI này để làm nhiều việc như viết bài luận, nghiên cứu chủ đề, sáng tác truyện cười, dịch văn bản, v.v. Thật tuyệt vời khi có một trợ lý ảo giúp thực hiện mọi việc một cách nhanh chóng như vậy, nhưng nó cũng khiến chúng ta cảm thấy tự mãn, làm giảm tinh thần nỗ lực và sáng tạo của con người. Điều này có thể tác động tiêu cực đến toàn thể nhân loại và đó là lý do chính khiến nhiều người lo ngại về AI.

Máy móc càng thông minh thì con người càng dễ trở nên lười biếng (Ảnh: Internet)
Máy móc càng thông minh thì con người càng dễ trở nên lười biếng (Ảnh: Internet)

Chúng ta đã quá quen với các công cụ AI trong thời đại ngày nay và tin tưởng chúng trong nhiều trường hợp. Ví dụ như trợ lý ảo Cortana của Microsoft sử dụng công nghệ máy học và AI để thực hiện yêu cầu của người dùng. Nhiều trợ lý ảo khác bao gồm cả Siri của Apple cũng được tích hợp AI để hoạt động. Tuy nhiên tin tưởng vào AI có thể là con dao hai lưỡi, đặc biệt là khi công nghệ mới này vẫn đang trong giai đoạn phát triển chưa hoàn thiện thì không thể biết trước được điều gì.

3. AI bị lợi dụng để lan truyền thông tin sai lệch

Trong các phương tiện truyền thông, AI ngày càng nổi tiếng nhờ khả năng tạo ra âm nhạc, hình ảnh và video. Các công cụ AI không chỉ được dùng để sáng tạo nghệ thuật mà còn có thể tạo ra một sản phẩm đặc biệt gây tranh cãi được gọi là deepfake. Deepfake là những video có khuôn mặt của một người được ghép với cơ thể của người khác.

Deepfake có thể bị lợi dụng để giả mạo người nổi tiếng (Ảnh: Internet)
Deepfake có thể bị lợi dụng để giả mạo người nổi tiếng (Ảnh: Internet)

Công cụ này nghe có vẻ khá thú vị, nhưng trong thực tế rất dễ bị lạm dụng và tiềm ẩn nguy hiểm. Hiện đã có rất nhiều video deepfake ghép mặt những người nổi tiếng và nhân vật chính trị nhằm lan truyền thông tin xấu. Một số deepfake rất dễ phát hiện, nhưng cũng có nhiều video giả mạo tinh vi đến mức khó phân biệt được thật giả. Chúng có thể khiến mọi người nghĩ rằng một nhân vật nổi tiếng đã nói điều gì đó mà thực tế họ không hề nói. Từ đó mọi người sẽ bình luận về những video này và góp phần lan truyền thông tin sai lệch trên mạng.

Hơn nữa, các chatbot do AI hỗ trợ cũng có thể tự tạo ra thông tin sai lệch. Các công cụ như ChatGPT, Boost.AI, Drift có thể trả lời hầu như mọi câu hỏi và đưa ra rất nhiều thông tin cho người dùng, nhưng không phải lúc nào cũng là sự thật. Như tờ báo The Guardian đã bàn luận, các chatbot AI không hề cam kết đưa ra thông tin trung thực, nghĩa là tin giả có thể xuất hiện rất dễ dàng và lan truyền tới nhiều người.

Sponsor

4. AI có thể tạo ra phần mềm độc hại

Đầu năm 2023 xuất hiện tin tức về những kẻ xấu tạo ra phần mềm độc hại bằng ChatGPT. Cụ thể, công ty phân tích mạng Check Point Research đã phát hiện nhiều người trên một diễn đàn hack thảo luận về lợi ích của việc sử dụng ChatGPT để tạo phần mềm độc hại. Tác giả của bài đăng trên diễn đàn đã chia sẻ một infostealer (phần mềm lấy cắp thông tin của người dùng) được viết bằng Python bởi ChatGPT, hơn nữa còn khuyến khích những người khác tạo phần mềm độc hại bằng chatbot này.

AI có thể tạo phần mềm độc hại rất nhanh và dễ dàng (Ảnh: Internet)
AI có thể tạo phần mềm độc hại rất nhanh và dễ dàng (Ảnh: Internet)

Tạo ra mã độc cần có kiến thức về lập trình và mất nhiều thời gian, nhất là nếu không dùng mẫu từ chương trình có sẵn. Bằng cách sử dụng ChatGPT, không chỉ những kẻ xấu có thể tăng tốc quá trình tạo phần mềm độc hại mà những người ít hiểu biết về công nghệ cũng có thể làm điều tương tự. Khi AI ngày càng phát triển thông minh hơn, chúng có thể viết code cực kỳ tinh vi đến mức vượt qua các hệ thống xác thực, antivirus, tường lửa và các biện pháp chống virus khác.

5. Thiếu quy định quản lý AI

Một vấn đề phổ biến trong ngành công nghệ là chưa có quy định quản lý đối với các hiện tượng mới, chẳng hạn như các nền tảng dựa trên blockchain và các công cụ AI. Kiểm soát lỏng lẻo có thể tạo điều kiện cho các hành vi bất hợp pháp.

Thiếu quy định quản lý không chỉ có nguy cơ làm tăng các vụ lừa đảo và tội phạm mạng dựa trên AI, mà hoạt động nghiên cứu phát triển AI cũng có thể đi quá giới hạn đến mức nguy hiểm. Có những vấn đề đạo đức phải được cân nhắc khi làm việc với AI, chẳng hạn như chúng có thể phát triển ý thức “quá mức”, có thể tác động gì đến cuộc sống của con người, hay chúng ta có nên sử dụng AI theo cách này cách khác hay không. Rất nhiều câu hỏi hóc búa chưa có câu trả lời.

Nếu không được kiểm soát hợp lý, các công cụ AI có thể vi phạm quy tắc đạo đức và luật pháp gây nguy hiểm cho con người.

Sponsor

Tóm lại

Không thể phủ nhận tiềm năng rất lớn của trí tuệ nhân tạo, nhưng chúng phải được khai thác một cách hợp lý để tránh hậu quả vượt khỏi tầm kiểm soát. Thực tế đã có trường hợp AI bị lợi dụng vào mục đích xấu và không thể lường trước vấn đề này sẽ nghiêm trọng đến mức nào nếu tiếp tục phát triển như hiện nay. AI sẽ trở thành phép màu hay thảm họa trong thế giới của chúng ta, điều đó phụ thuộc vào cách chúng ta phản ứng ngay bây giờ.

Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:

Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!

Sponsor
Xem thêm

Tại sao Elon Musk muốn phát triển trí tuệ nhân tạo TruthGPT?

Lĩnh vực trí tuệ nhân tạo ngày càng phát triển với tốc độ chóng mặt và một “tay chơi” mới đã sẵn sàng tham gia vào cuộc chạy đua này. TruthGPT - chatbot AI do tỷ phú công nghệ Elon Musk đề xuất đang thu hút sự chú ý của cả thế giới. Vậy TruthGPT là gì? Tại sao ...
CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH
Đang nạp...
Nạp dữ liệu bị lỗi :(
Đánh giá bài viết
Bài này có tuyệt không bạn?
Có 6 lượt đánh giá.
CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH
Đang nạp...
Nạp dữ liệu bị lỗi :(

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH
Đang nạp...
Nạp dữ liệu bị lỗi :(