Nhiều thần thoại có niềm tin rằng linh hồn cần được dẫn đường mới có thể sang thế giới bên kia. Ngay cả trong các tôn giáo ngày nay cũng có những vị thần hoặc ác quỷ đảm nhận vai trò này. Cùng BlogAnChoi điểm qua 10 vị thần chết trong thần thoại của các nền văn hóa cổ nhé.
1. Ogmios
Ogmios là thần hùng biện đồng thời là thần chết của người Celtic. Ogmios đã sử dụng khả năng diễn thuyết của mình để thuyết phục đàn ông đi theo mình đến thế giới bên kia. Ogmios cũng có khả năng tạo ra các defixiones – những viên thuốc nguyền rủa dùng để trói buộc mọi người vào mình.
Khi thuyết phục được một linh hồn đi theo mình, Ogmios gắn dây xích vào lưỡi nạn nhân và kéo chúng qua tai mình, giống như một phiên bản siêu nhiên của chiếc điện thoại “hai chiếc cốc và một đoạn dây” cổ điển. Nhà văn La Mã Lucian cho biết những người bị Ogmios mê hoặc rất biết ơn khi bị trói buộc và sẽ rất chán nản nếu được thả ra.
2. Papa Ghede
Papa Ghede là thần chết trong tôn giáo Voodoo và là xác chết của người đàn ông đầu tiên qua đời trên thế giới. Papa Ghede chờ đợi ở ngã ba đường sinh tử, hướng dẫn linh hồn của những người vừa qua đời đến Guinee – thế giới linh hồn. Vì có nguồn gốc từ những nô lệ châu Phi nên thế giới bên kia ở đây thường được đại diện bởi chính châu Phi.
Papa Ghede biết mọi chuyện diễn ra trong cuộc đời của những người đã chết. Ông thường được miêu tả là một người đàn ông đội mũ, hút xì gà, hài hước, mạnh mẽ và đôi khi thô lỗ. Trong các buổi lễ dành cho các vị thần khác trong tôn giáo Voodoo, Papa Ghede được cho là xuất hiện chỉ để say rượu và phá hỏng bữa tiệc.
3. Izanami-No-Mikoto
Izanami-no-Mikoto là nữ thần sáng tạo và cái chết trong đạo Shinto. Izanami-no-Mikoto không phải là tử thần theo nghĩa truyền thống nhưng vẫn có thể gây ra cái chết cho người phàm, dù là theo cách trực tiếp hoặc gián tiếp.
Ngoài vai trò tử thần, cô còn được biết đến là người tạo ra vùng đất đầu tiên cùng với chồng mình là Izanagi-no-Mikoto. Cô chết khi sinh con trai Kagu-Tsuchi, hiện thân của lửa. Sau đó, Izanagi-no-Mikoto đã giết con trai vì tức giận và cho rằng cậu là nguyên nhân dẫn đến cái chết của vợ mình.
4. Oya
Oya là nữ thần của lửa, sự hủy diệt và thế giới bên kia trong thần thoại Yoruba. Oya còn được mệnh danh là nữ thần sông Niger và là một chiến binh mạnh mẽ. Cô là người bảo vệ cổng tử thần, nơi cô đón linh hồn của người chết để giúp họ đến thế giới bên kia.
Tuy nhiên, cô không phải là hiện thân của cái chết mà là đại diện của sự sống do niềm tin của người Yoruba vào sự tái sinh. Nếu bạn muốn lấy lòng cô ấy thì hãy mang cà tím hoặc rượu vang đỏ đến – đó là hình thức mời chào ưa thích của nữ thần.
5. Anguta
Anguta là vị thần tối cao của người Inuit, ông kéo linh hồn của người chết xuống Adlivun, luyện ngục của người Inuit, đánh họ – thời gian dài hay ngắn dựa trên số tội lỗi mà người đó đã phạm khi còn sống. Sau thời gian trừng phạt – thường kéo dài khoảng một năm – các linh hồn sẽ được phép du hành đến Quidlivun, hay vùng đất mặt trăng – thiên đường của người Inuit.
Tên của Anguta có nghĩa là “người đàn ông có thứ gì đó để cắt” vì ông đã chặt con gái mình ra và biến cô ấy thành một nữ thần.
6. Veles
Veles là vị thần Slav của mặt đất, gia súc và thế giới bên kia. Tên của ông bắt nguồn từ từ “vele” trong tiếng Litva, có nghĩa là “cái bóng của cái chết”. Trong thần thoại Slav, thế giới là một cái cây khổng lồ với Veles ở phía dưới – được miêu tả là một con rắn quấn quanh rễ cây. Veles thường xuyên mâu thuẫn với Perun (thần sấm sét và là vị thần tối cao trong thần thoại Slav) vì ông đã đánh cắp gia súc của Perun.
Ông thường được miêu tả có sừng và giống như nhiều vị thần cổ xưa của cõi chết, ông đã bị các nhà truyền giáo Cơ đốc giáo thời kỳ đầu biến thành phiên bản của Satan.
7. Gwyn Ap Nudd
Trong thần thoại xứ Wales, Gwyn Ap Nudd không chỉ là vua của các nàng tiên mà còn là người cai trị cõi chết – nơi người xứ Wales gọi là Annwn. Nó khác rất nhiều so với cõi chết ở các thần thoại khác vì con người có thể tự do đến và đi tùy thích, ngay cả khi đang sống.
Gwyn ap Nudd thỉnh thoảng cũng được mô tả là thủ lĩnh của Wild Hunt, cưỡi trên bầu trời cùng những con chó săn siêu nhiên được gọi là Cwn Annwn để thu hoạch linh hồn con người.
8. Ixtab
Ixtab là nữ thần tự sát của người Maya và đôi khi được gọi là “người phụ nữ dây thừng” vì bà thường được miêu tả với đôi mắt nhắm nghiền và một sợi dây quanh cổ. Đối với người Maya, tự tử, đặc biệt là treo cổ, được coi là một cách chết trong danh dự, trái ngược với hầu hết các nền văn hóa trên thế giới.
Không chỉ là người bảo vệ những nạn nhân tự sát, Ixtab còn trông chừng những chiến binh hy sinh trong trận chiến và những phụ nữ chết khi sinh con, đưa linh hồn của họ đến thiên đường, nơi họ sẽ được tưởng thưởng vĩnh viễn và thoát khỏi mọi sự đau khổ. Người ta cho rằng bà có một vòng tròn màu đen trên má, tượng trưng cho sự đổi màu của da thịt do thối rữa.
9. Đầu trâu mặt ngựa
Trong thần thoại Trung Quốc, Đầu Trâu và Mặt Ngựa là người dẫn linh hồn của những người vừa qua đời xuống âm phủ.
Không giống như hầu hết các vị thần chết khác, nhiệm vụ của họ là trừng phạt người chết tùy theo tội lỗi lúc sống trước khi họ có thể tái sinh.
10. Yama
Yama là thần chết của người Hindu – đôi khi được gọi là Yamarja. Nơi ở của Yama là Naraka, luyện ngục, nơi người chết phải chịu hình phạt cho tội lỗi lúc sống trước khi tái sinh. Vì Naraka có 7 cấp độ khác nhau nên công việc của Yama là đưa linh hồn của người đã khuất về đúng cấp độ. Ông cũng dẫn đường họ đến Swarga – thiên đường – và cũng có 7 thiên đường.
Ông từng bị Shiva giết vì không tôn trọng ngài, sau đó sống lại nên Shiva là vị thần duy nhất được Yama tôn kính. Yama đeo một chiếc thòng lọng ở tay trái, thứ mà ông dùng để trói linh hồn và kéo nó ra khỏi xác chết.
Bạn có thể đọc thêm:
- 10 vị thần kì quái mà bạn không nghĩ là có mặt trong thần thoại thế giới
- 10 sự thật về thiên thần mà tất cả chúng ta đều đang hiểu sai
- 10 địa điểm có thể là Vườn Địa Đàng Eden – khu vườn huyền thoại trong Kinh Thánh
Các bạn có thể chia sẻ ý kiến về bài viết ở phần bình luận phía dưới, mình rất mong muốn được đón nhận ý kiến của các bạn!