TENET – bộ phim của Christopher Nolan được mong đợi sẽ trở thành siêu phẩm phòng vé và đem lại sự hồi sinh cho các rạp chiếu phim. Vấn đề là TENET có làm được điều đó không? Cùng BlogAnChoi review nhanh siêu phẩm “xoắn não” này nhé.
Cảm giác thật kỳ lạ khi cuối cùng sau bao ngày nằm dài ở nhà trong khi tình hình Covid vẫn đang diễn biến phức tạp, giờ chúng ta cũng đã được xem một bộ phim trong rạp chiếu phim sau một thời gian dài và TENET là một bộ phim mà người hâm mộ đã mong ngóng suốt cả năm nay!
Tôi là một người hâm mộ cuồng nhiệt của Christopher Nolan và xem gần như mọi bộ phim ông ấy đã làm. Ngay cả những bộ phim ít được đón nhận như Interstellar vẫn khiến tôi thán phục ở một mức độ nào đó. Dunkirk – bộ phim trước đó của ông ấy gây thất vọng về một số mặt và không phải vì nó tệ, hay kém xa những bộ phim khác, mà bởi vì nó yên bình và nhịp đều đặn hơn so với những bộ phim điên cuồng và khiến người xem ‘xoắn não’ của Nolan như Inception.
TENET đã đem sự “điên rồ” này quay trở lại cùng với những ý tưởng về thời gian một lần nữa. Câu hỏi đặt ra là liệu bộ phim này có đáng để ta đến rạp để thưởng thức hay không?
Thông tin chung về phim TENET
- Điểm Rotten Tomatoes: 7.2/10
- Điểm IMDb: 8.1/10
- Điểm Metacritic: 66/100
- Đạo diễn: Christopher Nolan
- Diễn viên: John David Washington, Elizabeth Debicki, Robert Pattinson, Kenneth Branagh
- Thể loại: Hành động/ Giật gân, Khoa học viễn tưởng
- Độ tuổi: 16+
- Thời lượng: 2 giờ 31 phút
- Ngày khởi chiếu: 28/8/2020 (Việt Nam)
Nội dung chính của phim TENET
Một cốt truyện cực đơn giản, The Protagonist – Nhân vật chính (John David Washington đóng) phải tham gia vào một nhiệm vụ nguy hiểm, bẻ cong thời gian để ngăn chặn sự bùng nổ của Thế chiến thứ III. Hợp tác cùng anh có Neil (Robert Pattinson) và đối thủ chính là tên khủng bố Andrei Sator.
TENET – Sự “điên rồ” đặc trưng của Christopher Nolan đã quay lại
Đầu tiên, ta phải khen ngợi sự độc đáo của bộ phim này. Đúng, nó là một bộ phim về gián điệp và vay mượn rất nhiều yếu tố từ những bộ phim tương tự trước đó. Tuy nhiên, việc sử dụng “sự đảo ngược” thực sự khoác một lớp áo mới lên bộ phim này và tạo cảm giác mà không bộ phim nào khác có được.
Sự “đảo ngược” này được thấy rõ nhất trong các phân đoạn hành động dẫn đến một số cảnh tượng tuyệt đẹp về mặt hình ảnh. Đáng chú ý là các phân cảnh hành động rất phi thường từ cuộc rượt đuổi bằng ô tô đến vụ rơi máy bay và cảnh được yêu thích nhất có lẽ là cảnh chiến đấu giữa nhân vật chính và một người lính ‘đảo ngược’. Thậm chí còn ấn tượng hơn khi bạn nhận ra rằng hầu hết các cảnh hành động này đều được thực hiện bởi chính các diễn viên người thật việc thật chứ không phải sử dụng công nghệ CGI, điều này rất có lợi cho bộ phim, khiến khán giả phải dán mắt vào những gì đang diễn ra.
Thật không may, nhà soạn nhạc huyền thoại Hans Zimmer đã không trở lại với TENET và thay vào đó là Ludwig Göransson của Black Panther và Mandalorian. Mặc dù vậy, Ludwig đã thêm thắt vào những nốt nhạc điện tử ấn tượng, nâng tầm mọi cảnh quay và gây âm thanh chói tai một cách thuyết phục. Nếu bạn không biết rằng Hans Zimmer không tham gia sản xuất âm thanh cho bộ phim này, có lẽ bạn vẫn sẽ nghĩ rằng Hans Zimmer vẫn đảm nhiệm phần âm thanh đấy!
Câu chuyện cũng đủ hấp dẫn để giữ chân khán giả. Nội dung rất đơn giản, các đặc vụ phải ngăn chặn kẻ xấu “mang quốc tịch Nga” tấn công thế giới. Tuy nhiên, việc đưa vào yếu tố ‘đảo ngược’ đã bổ sung cho cốt truyện và khiến khán giả phải vắt óc suy nghĩ về bộ phim. Ngay cả khi phim đã kết thúc, khán giả vẫn chìm trong suy nghĩ về những ý tưởng mà TENET vừa đưa ra.
‘Sự đảo ngược’ đã khiến bộ phim trở nên khó đoán hơn và thay đổi cách bộ phim vận hành. Tuy nhiên, ‘sự đảo ngược’ này không hề được tập trung mô tả cho đến giữa phim. Trong một giờ đầu tiên, đây chỉ là một bộ phim về một mật vụ với rất nhiều tình tiết được dàn dựng nhưng nửa sau phim diễn ra với nhịp độ nhanh hơn và thực sự khiến khán giả phải chăm chú theo dõi.
Dàn diễn viên “xịn xò” nhưng nhân vật lại khá nhạt nhẽo
Hầu hết các diễn viên đều cống hiến cho vai diễn thực sự tốt. Đặc biệt, ta phải đề cập đến Elizabeth Debicki trong vai “Kat”, người mang đến một vai diễn đầy cảm xúc về một người phụ nữ đã phải sống trong bạo lực gia đình. John David Washington trong vai “Nhân vật chính” (vâng, tên nhân vật là như vậy thật đấy!) có cả sự ngọt ngào lẫn lạnh lùng của một điệp viên, Robert Pattinson trong vai “Neil” mang lại rất nhiều sự quyến rũ và dí dỏm cho vai diễn của mình và Kenneth Branagh trong vai “Andrei Sator” đã rất thành công khi thực sự trông rất đáng sợ trong trong vai phản diện.
Khuyết điểm lớn nhất của bộ phim có lẽ là miêu tả nhân vật. Bạn có thể thấy điều này khi tên của nhân vật chính không bao giờ được nhắc đến trong phim. Ngoài Kat (Elizabeth Debicki) và Neill (Robert Pattinson), đôi khi được điểm danh ở một mức độ nhất định, rất nhạt nhẽo và một chiều. Nhân vật chính (John David Washington) là “người tốt” và không có bất cứ điều gì khác ngoài phẩm chất đó. Khán giả không biết câu chuyện của anh ấy, cảm xúc của anh ấy hoặc thậm chí cả tên thật của anh ấy.
Hơn nữa, miêu tả tâm lý nhân vật cũng không được thuyết phục khi họ không hề có bất cứ phản ứng nào quá dữ dội về những thứ ‘đảo ngược’ và trông khá giống người máy. Andrei Sator (Kenneth Branagh) có gặp một vấn đề tương tự với nhân vật của mình là một kẻ người Nga xấu xa bậc nhất, muốn hủy diệt thế giới và kiểm soát vợ mình. Có một số nhân vật phụ khác được giới thiệu trong phim nhưng đáng buồn là họ cũng thiếu mất chiều sâu. Thứ cảm xúc duy nhất trong bộ phim này là mối quan hệ độc hại giữa Kat và Andrei Sator. Tuy nhiên, bên cạnh đó bộ phim rất thiếu những khoảnh khắc nhân văn và gây xúc động giống như Inception từng làm được.
Những “lỗ hổng” khiến TENET nhận khen chê trái chiều
Ngoài việc xây dựng nhân vật khá “nhạt” thì một lỗ hổng lớn thứ hai là sự hòa trộn âm thanh trong bộ phim này. Giọng của các diễn viên đôi khi bị bóp nghẹt hoặc khá trầm khiến khán giả khó nghe được họ đang nói gì. Điều này càng trở nên khó khăn hơn khi các nhân vật đeo mặt nạ hoặc có những giọng mang ngữ điệu đặc người Nga của Kenneth.
Đôi khi, nhạc nền lại lớn đến mức át đi cuộc trò chuyện giữa các nhân vật. Điều này khá bất lợi cho bộ phim vì mọi lời thoại đều thực sự quan trọng để hiểu phim nhưng lại không thể nghe được vì phần ghép âm thanh kỳ cục và không hay.
Một lỗ hổng nhỏ khác là những giải thích về “sự đảo ngược”. Khái niệm này vẫn còn khá khó hiểu và mặc dù nó được giải thích trong phim, khán giả vẫn sẽ cảm thấy khá bối rối và thậm chí “chết não” nếu cố gắng hiểu nó. Đây không phải là một vấn đề lớn vì nó đưa ra một ý tưởng sơ bộ về khái niệm này và cuối cùng, sự hiểu biết sơ bộ này là tất cả những gì cần thiết để có thể thưởng thức bộ phim. Giống như lời thoại của một nhân vật trong phim: “Đừng cố hiểu, hãy cảm nhận nó”. Mặc dù, đó là một lý do trắng trợn để đạo diễn không giải thích mọi thứ liên quan…
Xem trước trailer TENET để chuẩn bị tinh thần nhé:
Tạm kết
Nhìn chung, TENET là bom tấn đầu tiên của năm 2020 được công chiếu do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và là một bộ phim “nhiều chất xám” đáng xem. Nó có phần hơi yếu thế hơn một chút so với các bộ phim trước của Nolan nhưng vẫn rất ấn tượng. Đây là một bộ phim giải trí hoành tráng và là một tác phẩm tuyệt vời. Bạn nên thưởng thức nó trong rạp chiếu phim vì bạn sẽ trải nghiệm bộ phim này tốt nhất ở đó trong tất cả vẻ huy hoàng, lộng lẫy của nó.
Mình đang định xem phim này ❤️
Review hay quá tác giả ơi, bài viết rất chi tiết