Bạn đã bao giờ thắc mắc tại sao ngày mùng 1 tháng 1 dương lịch hàng năm lại là ngày bắt đầu năm mới mà không phải là những ngày khác chưa? Hãy cùng BlogAnChoi tìm hiểu điều tưởng chừng như hiển nhiên này nhé.
Bạn đã bao giờ tự hỏi tại sao tháng Giêng lại trùng hợp với năm mới chưa? Câu trả lời rất phức tạp – và nó liên quan đến một số nhân vật lịch sử khá quan trọng.
Ngày xưa, người La Mã có một vị thần tên là Janus. Ông là vị thần của các cánh cửa và cổng và có hai khuôn mặt – một khuôn mặt nhìn về phía trước và một khuôn mặt nhìn lại phía sau. Julius Caesar cho rằng sẽ thích hợp nếu tháng Giêng – tháng trùng tên với Janus – làm cửa ngõ cho một năm mới. Vậy nên khi ông tạo ra lịch Julian, ông đã coi ngày 1 tháng Giêng là ngày đầu tiên của năm.
Đối với Caesar, lịch Julian là một công cụ và vũ khí chính trị. Khi quân đội La Mã chinh phục những vùng đất mới, đế quốc thường trao cho thần dân mới của mình một số quyền tự do trong việc duy trì một số phong tục tôn giáo và xã hội nhất định. Tuy nhiên, sau khi lịch được tạo ra, nó được sử dụng ở mọi ngóc ngách của đế quốc, không chỉ để đảm bảo tính nhất quán mà còn để nhắc nhở mọi công dân về thẩm quyền của La Mã và quyền lực của Caesar.
Sau khi La Mã sụp đổ và Cơ đốc giáo lan rộng khắp châu Âu, việc ăn mừng năm mới bị coi là ngoại đạo (dù sao thì người La Mã đã kỷ niệm ngày đầu tiên của năm mới bằng cách tham gia vào các cuộc truy hoan say sưa khá… tới bến). Vậy nên ngày đầu tiên của năm được chuyển sang một ngày khác hơn để Kitô giáo hóa nó.
Một số quốc gia bắt đầu năm mới vào ngày 25 tháng 3, ngày mà người theo đạo Kitô kỷ niệm việc thông báo cho Đức Maria rằng bà đã mang thai một cách kỳ diệu. Các quốc gia khác sử dụng ngày Giáng sinh, ngày 25 tháng 12 và các quốc gia khác sử dụng chủ nhật Phục sinh, bất kể ngày đó rơi vào ngày nào. Theo cách sử dụng thông thường, ngày 1 tháng 1 vẫn là ngày đầu tiên của năm, vì những người dân thường -không phải giáo sĩ, không phải thành viên hoàng gia – không thấy việc thay đổi là cần thiết.
Sự hỗn loạn này kéo dài một thời gian, nhưng một vị giáo hoàng đã chấm dứt tất cả trong thời Trung cổ. Một lỗi trong lịch của Caesar đã khiến năm Julian bị lệch với năm dương lịch. Đến năm 1582, sự khác biệt đã tăng lên 10 ngày. Qua nhiều năm, Xuân phân (và cùng với nó là lễ Phục sinh) liên tục được đẩy lên và giáo hoàng Gregory XIII cảm thấy mệt mỏi vì phải thiết lập lại ngày lễ. Vì vậy, Gregory đã nghĩ ra một loại lịch mới sử dụng một ngày nhuận cứ bốn năm một lần để giữ cho nó đâu vào đấy, đồng thời ông cũng khôi phục ngày 1 tháng Giêng là ngày đầu năm.
Hầu hết các quốc gia Công giáo đều nhanh chóng áp dụng lịch Gregorian, nhưng các quốc gia theo đạo Tin lành và Nghi lễ Đông phương lại do dự hơn một chút. Những người theo đạo Tin lành phàn nàn rằng “kẻ chống Chúa của người La Mã” đang cố lừa họ thờ phụng không đúng ngày. Các nhà thờ Nghi thức Đông phương muốn duy trì truyền thống nên một số nước Đông Âu đã giữ lịch Julian trong nhiều thế kỷ nữa. Mãi tới sau cuộc cách mạng năm 1917 thì Nga mới chuyển sang lịch Gregorian, thậm chí ngày nay Giáo hội Chính thống Đông phương vẫn sử dụng lịch Julian truyền thống.
Cuối cùng các quốc gia theo đạo Tin lành chuyển sang lịch Gregorian. Anh, Ireland và các thuộc địa của Anh coi ngày 1 tháng 1 là ngày bắt đầu năm mới vào năm 1752 (Scotland đã chuyển lịch khoảng 150 năm trước) nhưng phải đợi đến tháng 9 mới áp dụng lịch mới hoàn toàn. Động thái này có lẽ mang tính biểu tượng, đưa lịch của chính phủ phù hợp với lịch của người dân trước khi đưa lịch quốc gia phù hợp với lịch của Giáo hoàng.
Bạn có thể đọc thêm:
Mình rất mong được nghe ý kiến của các bạn về bài viết này. Hãy cho mình biết các bạn thích điều gì và không thích điều gì trong bài viết nhé! Mình rất biết ơn sự quan tâm và ủng hộ của các bạn.