Công ty Meta – chủ sở hữu của Facebook và Instagram – từng vướng phải nhiều vụ bê bối lộ dữ liệu người dùng. Điều này khiến nhiều người nghi ngờ mạng xã hội Threads mới ra mắt liệu có đảm bảo quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu hay không?

Mạng xã hội Threads là gì?

Threads được sở hữu và vận hành bởi Meta Platforms – công ty mẹ của Facebook, Instagram và WhatsApp. Threads được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2019 trên Instagram, với chức năng giúp người dùng trao đổi tin nhắn, hình ảnh cũng như thực hiện cuộc gọi thoại và gọi video. Nhưng ở thời điểm đó Threads không được người dùng Instagram đón nhận tích cực nên đã bị ngừng hoạt động và các tính năng nói trên được đưa vào chính ứng dụng Instagram.

Mạng xã hội Threads có liên quan chặt chẽ với Instagram (Ảnh: Internet)
Mạng xã hội Threads có liên quan chặt chẽ với Instagram (Ảnh: Internet)

Tháng 10 năm 2022, Elon Musk mua lại Twitter và tuyên bố sẽ thực hiện nhiều thay đổi. Điều này khiến nhiều người dùng Twitter không hài lòng và họ đã chuyển sang các nền tảng mạng xã hội khác như Mastodon. Nhưng vì nhiều lý do mà các lựa chọn thay thế này không thành công như mong đợi, đó là động lực để Meta tìm cách “hồi sinh” Threads phiên bản mới nhằm cạnh tranh với Twitter.

Từ tháng 6/2023 đã xuất hiện tin đồn về việc Threads được đổi mới thành một nền tảng kiểu blog ngắn. Không lâu sau, vào ngày 5/7, Threads đã chính thức ra mắt tại hơn 100 quốc gia và chỉ trong một tuần đã trở thành ứng dụng thu hút 100 triệu người dùng nhanh nhất mọi thời đại, vượt qua kỷ lục của ChatGPT.

Threads có phiên bản cho cả Android và iOS, nhưng ở thời điểm hiện tại vẫn chưa có mặt ở tất cả mọi quốc gia trên thế giới. Ứng dụng này rất đơn giản và dễ sử dụng, nhất là nếu bạn đã dùng Twitter, vì Threads được thiết kế gần như là một bản sao của Twitter. Tuy nhiên có một số khác biệt nhỏ về hình ảnh và thương hiệu, ví dụ như các bài đăng trên Threads không được gọi là tweet mà là thread. Bạn không thể “retweet” bài đăng trên Threads giống như trên Twitter, nhưng có thể đăng lại, nhấn nút thích, trích dẫn và trả lời bài đăng đó. Ngoài ra các tính năng thông thường khác cũng có sẵn như theo dõi người khác, tải lên hình ảnh và video, v.v.

Threads được tạo ra nhằm cạnh tranh với Twitter (Ảnh: Internet)
Threads được tạo ra nhằm cạnh tranh với Twitter (Ảnh: Internet)

Ứng dụng Threads có bảo mật dữ liệu cho người dùng không?

Các sản phẩm công nghệ của các ông lớn không phải lúc nào cũng đảm bảo an toàn hơn và tốt hơn, nhưng rõ ràng các công ty khổng lồ như Meta có ngân sách rất lớn nên có thể huy động nhiều nguồn lực hiệu quả, chẳng hạn như đội ngũ an ninh mạng đông đảo và trình độ cao, hay các giao thức bảo mật được thiết lập vững chắc, v.v.

Nhưng đồng thời, một sản phẩm có tiếng như Threads chắc chắn là mục tiêu tấn công bị nhắm đến nhiều hơn. Đó cũng là lý do khiến Facebook và Instagram trước đây từng vướng vào bê bối lộ dữ liệu nghiêm trọng. Trong khi đó các công ty nhỏ thường tập trung nhiều hơn vào nâng cao chất lượng sản phẩm và chú ý phản hồi của khách hàng, hỗ trợ nhanh chóng và phải liên tục đổi mới, thử nghiệm để phục vụ người dùng tốt hơn.

Về vấn đề bảo mật dữ liệu, Meta cho biết họ giới hạn mọi người tiếp xúc trực tiếp với các trung tâm dữ liệu của công ty và có các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt. Thêm vào đó, tất cả nhân viên của Meta đều được đào tạo về bảo mật, thường xuyên kiểm tra an toàn và có chương trình quản lý lỗ hổng. Meta cũng có sẵn các kế hoạch chi tiết ứng phó với sự cố và chương trình tặng thưởng cho người phát hiện ra lỗi của hệ thống.

Meta cho biết đã thực hiện nhiều biện pháp bảo mật cho Threads (Ảnh: Internet)
Meta cho biết đã thực hiện nhiều biện pháp bảo mật cho Threads (Ảnh: Internet)

Nhưng có một nguy cơ tiềm ẩn về bảo mật mà Threads thực sự không thể giải quyết được: nó lưu trữ nội dung do người dùng tạo ra. Với tư cách là một nền tảng mạng xã hội, tất nhiên Threads cho phép người dùng tải lên video và hình ảnh, chia sẻ link, v.v. Lợi dụng điều này, kẻ xấu có thể đăng link lừa đảo mà không có cách gì chặn được.

Bất cứ mạng xã hội nào hiện nay cũng có bộ lọc nội dung, hệ thống kiểm duyệt và tính năng báo cáo người dùng, nhưng trên thực tế các link độc hại vẫn xuất hiện rất nhiều trên mạng. Và đó không phải là nỗi lo duy nhất – chắc chắn Threads sẽ phải đối phó với spam, thông tin sai lệch, tin giả và rất nhiều vấn đề khác.

Về phía người dùng, một vấn đề cực kỳ quan trọng là bảo mật tài khoản. Không phải ai cũng cẩn thận khi lên mạng hay am hiểu về công nghệ, vì vậy rất nhiều người có thói quen sử dụng lại mật khẩu cũ, lưu thông tin đăng nhập tự động và không đề phòng những cạm bẫy lừa đảo trên mạng. Điều này tạo cơ hội cho kẻ xấu có thể chiếm đoạt tài khoản bằng nhiều cách từ đơn giản đến tinh vi.

Threads thu thập thông tin gì của người dùng?

Các ứng dụng mạng xã hội thường thu thập nhiều thông tin của người dùng (Ảnh: Internet)
Các ứng dụng mạng xã hội thường thu thập nhiều thông tin của người dùng (Ảnh: Internet)

Meta đã có nhiều tai tiếng về vấn đề quyền riêng tư của người dùng, nhưng còn những lý do khác khiến nhiều người lo ngại về an toàn bảo mật khi sử dụng mạng xã hội mới ra mắt này.

Như đã nêu, Threads ra mắt vào tháng 7/2023 tại hơn 100 quốc gia, nhưng trong đó không có các nước thành viên Liên minh Châu Âu, lý do chính là lo ngại về quyền riêng tư dữ liệu. Christine Pai – người phát ngôn của Meta đã nói với trang tin The Verge rằng “sự không chắc chắn về quy định” khiến Threads phải cân nhắc kỹ về việc ra mắt ở EU.

Nhưng chính xác thì tai tiếng về bảo mật dữ liệu của Meta là như thế nào? Theo tờ báo Time, Threads thu thập thông tin về thiết bị của người dùng, lịch sử tìm kiếm, sức khỏe, tài chính, v.v. Dữ liệu này chủ yếu được dùng để tạo các chiến dịch quảng cáo mang tính cá nhân hóa ngày càng nhiều hơn.

Các chuyên gia về bảo mật đã bày tỏ lo ngại về chính sách thu thập dữ liệu của Threads, nhưng cũng lưu ý rằng điều này không hề lạ trong giới công nghệ, các mạng xã hội lớn như Facebook, Twitter và Instagram đều làm như vậy. Các ứng dụng này thu thập nhiều thông tin hơn mức cần thiết để hoạt động, và chắc chắn sẽ không dừng lại trừ khi có quy định pháp lý đủ mạnh để kiểm soát.

Tóm lại

Threads được tạo ra nhằm cạnh tranh và thay thế cho Twitter, nhưng vấn đề quyền riêng tư thì không khác biệt. Mức độ an toàn của Threads cũng tương tự như các nền tảng mạng xã hội phổ biến hiện nay, nó thu thập lượng dữ liệu khổng lồ giống như hầu hết các dịch vụ của Meta. Nói cho cùng, chính người dùng phải thực hiện các biện pháp bảo mật và tránh để mình trở thành nạn nhân.

Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:

Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!

Xem thêm

Google sẽ xóa các tài khoản cũ không hoạt động: Phải làm gì để giữ lại tài khoản?

Google sắp thực hiện một đợt “thanh lọc” trên diện rộng, và những tài khoản Google đã tạo từ lâu nhưng không hoạt động có thể bị đưa vào danh sách loại bỏ. Vậy người dùng phải làm gì để giữ lại tài khoản của mình? Hãy cùng xem nhé.
Theo dõi bình luận
Thông báo về
guest
1 Bình luận
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận